Khoa học là gì mẹ ơi?

Mẹ thân mến, edf

Xem tivi hôm nay, con thấy chiếc tàu vũ trụ do công ty SpaceX phóng lên và nổ tung sau mấy phút. Một trong những đỉnh cao của khoa học thế giới bị vỡ tan tành. Xem đến đây con chợt nhớ về mẹ. “Bà mẹ khoa học” của con. Sở dĩ như vậy bởi mẹ dùng rất nhiều từ khoa học trong việc chăm sóc tổ ấm của mình: ăn khoa học, ngủ khoa học, cả tắm…cũng phải tắm cho thật khoa học. Nhớ đến đây, bỗng nhiên con tự hỏi, vậy khoa học là gì?

Với mẹ, dường như khoa học là những cách thức hay chỉ dẫn mà mẹ được nghe qua tivi hay đọc trong cuốn tạp chí sức khỏe. Hễ cái gì mà mẹ đã ghép từ “khoa học” vào là, cấm cãi! Bởi lẽ, khoa học với mẹ là chân lý, là kết quả mà các chuyên gia đã nghiên cứu và kết luận rồi. Phần mình, chỉ việc đọc và ứng dụng thôi. Vậy mà cũng không biết, dại quá! Hồi đó con cũng hỏi mẹ “có bao giờ khoa học sai lầm không ạ?” Mẹ đáp, “nhà khoa học đã nghiên cứu rồi, sai thế nào được”. Con trả treo, “con thấy các chuyên gia trong phòng thí nghiệm trên tivi đảm bảo rằng, kem đánh răng P/S ngừa sâu răng, sao ngày nào con cũng dùng P/S mà răng vẫn bị sâu?” Mẹ im lặng, không nói. Giờ đây tôi mới biết rằng, các khoa học gia vẫn có thể kết luận sai lầm vì những giới hạn của nhận thức con người và công cụ thực nghiệm. Rõ ràng rằng, với mắt thường, suốt mười mấy thế kỷ con người vẫn cứ nghĩ mọi tinh tú cứ vần xoay quanh mình. Nhưng với chiếc kính viễn vọng cùng thuyết nhật tâm của Copernicus, Galileo đã làm nhiều người ngỡ ngàng: trái đất chẳng phải cái rốn của vũ trụ, nó vẫn phải “quay đều, quay đều” như bao hành tinh khác. Đúng là kiến thức khoa học vẫn có thể sai lầm. Nhưng quan trọng hơn, các nhà khoa học có dám thừa nhận giới hạn của mình để tiếp tục đào sâu và lý giải những vấn đề của thế giới vạn vật hay không. Quả thật, nếu không tiếp tục tiến lên như vậy, khoa học có lẽ chẳng còn là khoa học nữa.

Thế nhưng điều gì làm nhận thức khoa học khác biệt so với nhận thức những ngành khác, những ngành cũng cố gắng tìm hiểu và giải quyết những vấn đề của thế giới, như tôn giáo chẳng hạn? Thưa, tiến trình. Khoa học là một tiến trình khởi đi từ những dự đoán hay giả thuyết qua việc quan sát thực tại. Sau đó những giả thuyết này phải nghiệm được thực nhiều lần để cuối cùng đưa đến một kết luận. Dĩ nhiên các phương pháp kiểm nghiệm này phải được cộng đồng các nhà khoa học thừa nhận. Và rồi, kết luận có thể đúng hoặc sai với giả thuyết ban đầu, nếu đúng thì giả thuyết sẽ thành một lý thuyết chắc chắn. Lý thuyết này thường sẽ được phát biểu một cách cô đọng và ngắn gọn với những công thức toán học. Thế nên trong khoa học, toán học đóng vai trò như ngôn ngữ, vừa để diễn tả vừa để cất lên tiếng nói cuối cùng cho những lý thuyết.

Nói cụ thể hơn, khoa học cũng như trò chơi Alô mà chúng con vẫn chơi ở nhà lúc nhỏ. Từ hai chiếc lon sữa bò được nối với nhau bằng sợi thép dài, chúng con có thể nói chuyện với nhau. Vậy là giả thuyết “âm thanh có thể truyền qua dây kim loại” được hình thành. Giả thuyết đó được kiểm nghiệm nhiều lần với nhiều loại dây kim loại khác nhau. Và cuối cùng, sau khi đã thành công với giả thuyết, chiếc điện thoại đầu tiên ra đời. Chưa dừng ở đó, ông hàng xóm hỏi, ngoài dây kim loại âm thanh còn truyền qua dạng nào nữa không? Thế là chiếc điện thoại di động ra đời với việc tìm ra sóng điện từ. Đó là khoa học và hành trình khám phá kỳ diệu của nó trong xã hội loài người.

Vậy là với một phương thức làm việc chặt chẽ kết hợp giữa toán học và thực nghiệm, khoa học đã làm cho cả mẹ lẫn con nghĩ rằng, khoa học là toàn năng. Hay nói cách khác, với thời gian khoa học sẽ giải đáp mọi vấn đề của thực tại này. Liệu điều này có khả thi không? Càng ngắm nhìn vũ trụ, các nhà khoa học lại càng thấy mình nhỏ bé; càng quan sát nguyên tử, họ lại càng kinh ngạc trước một thế giới vi mô bao la đầy huyền nhiệm. Dường như càng khám phá, khoa học lại càng “thấm” câu nói ngày xưa của Socrates “điều tôi biết là tôi chẳng biết gì cả”. Nhưng nếu vô vọng như vậy, thì điều gì thúc đẩy các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm kiếm và lý giải những điều dường như vượt xa mọi khả năng của giác quan và cả nhận thức con người? Mẹ hãy cùng con suy nghĩ nhé.

Con của mẹ, Paul Linh.

(Bài viết thuộc môn Triết học Khoa học, lớp Triết II)

Tài liệu đã tham khảo:

– Nguyễn Tường Bách, Lưới Trời Ai Dệt – Tiểu luận về Khoa học và Triết học, Phương Nam Book, 2013, tr.63-70.

– Samir Okasha, Philosophy of Science, Oxford University Press, 2002, tr. 1-17.

– Ilkka Niiniluoto, “Scientific Progress”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Summer 2015 Edition), Edward N. Zalta (ed.), <http://plato.stanford.edu/archives/sum2015/entries/scientific-progress/>. (Truy cập: 06/07/2015).

Kiểm tra tương tự

Hỡi các bậc phụ huynh, thánh Tôma Aquinô sẽ giúp bạn vượt qua những năm tháng mệt mỏi

Thánh Tôma Aquinô hiểu sự hiện hữu như một quá trình năng động chuyển từ …

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *