Ai trong số chúng ta còn nhớ thuở được bồng được ẵm, thuở chạy nhảy vui chơi, thuở tươi cười hớn hở, thuở chớm nở màu đời, thuở khởi đầu sức sống. Những thuở cho tôi cả một bầu trời kỷ niệm. Giữa rừng ký ức ấy, tôi tìm thấy một kho tàng quý giá của những bài học đầu đời, nhưng không thiếu những lời dặn “vui vui” của mẹ cùng lời dạy “ngộ ngộ” của cha: Mẹ méc Chúa đó…Đức Bà đang nhìn kìa…Nó đã im đậm một vùng ký ức trong tôi, và trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong đời sống đức tin của mình. Ít nhiều dấu ấn ấy cũng ảnh hưởng phần nào đến đời sống của tôi hôm qua cũng như hôm nay.
Ngày bé thơ ấy, cha mẹ cứ nhắc hoài điều đó khi muốn ngăn cấm tôi, hay thấy tôi làm điều không tốt. Họ đã có lý do để nói như thế và làm như vậy. Thế rồi, cả những lời dọa dẫm của đám bạn trong xóm đạo: Tao méc Chúa cho mà coi!…Mày không sợ Chúa thấy à?…Đó là lúc tôi làm chuyện gì sai, khi ai đó làm điều không đúng, và dám đứng lên ngăm đe nhau vì một ông Chúa quyền năng vô hạn. Ngày xưa đó! Méc cha méc mẹ về việc làm của thằng anh, câu nói của bà chị…Méc thầy méc cô về chuyện một đứa bạn làm những điều vi phạm trong lớp…Méc Cha méc Sơ vì chúng bạn hành xử không đúng ở nhà thờ, trong lớp giáo lý…Ta tìm cách méc người trên về những gì luật cấm lệ không cho phép, những điều ta không thích cũng chẳng ưa. Hết thầy hết cha, tôi quay ra méc cả Chúa. Những lời méc ấy cứ theo tôi lớn lên trên đường đời, chui vào thế giới bí ẩn trong tâm trí sâu kín, chờ một ngày lọt ra và vùng vẫy trong đời sống hằng ngày của tôi. Bạn có nhận thấy điều đó đang diễn ra nơi bạn? Bạn có thể thấy cái rác trong con mắt người anh em dễ hơn nhiều cái xà trong con mắt của mình chăng? (x. Mt 7,3)
Có lẽ khi đã lớn hơn, vững bước trên đường đời, tôi không còn nói với những người chung quanh theo ngôn ngữ của đám con nít ngày xưa nữa. Nhưng quay nhìn đời sống, tôi nhận ra mình vẫn còn đầy ắp những lời méc như thế. Tôi khéo léo khoác cho nó lớp áo của những ngôn từ bóng bảy cùng cung giọng đậm chất nghệ thuật vì tôi đã trở thành một nghệ sĩ méc chuyên nghiệp. Vẫn còn những lần tôi méc người trên về ai đó: bóng dáng cha mẹ ngày xưa thấp thoáng đâu đó nơi những người xung quanh tôi hôm nay. Thậm chí theo kiểu “tung tin đồn nhảm”, theo dạng “thêm mắm thêm muối” với giọng điệu của một đứa trẻ “trưởng thành”. Còn nhiều những lời méc dựa thế cậy quyền còn nguyên “vết xe đổ” của những năm xưa tháng cũ. Đầy dẫy những cái méc chấn động đời sống của tôi và tha nhân…Tôi vẫn méc đó thôi! Hết người đời lại đến Đức Chúa Trời. Khi con mắt “soi mói” lên ngôi, lúc lòng xét đoán âm thầm vùi dập cái trí phán đoán đúng sai, tôi chạy đến méc Chúa bằng bất cứ giá nào. Bất lực chăng? Ganh đua, đố kị à? Hay tôi cứ giữ mãi “cái tôi hạn hẹp” của mình. Méc Chúa: than thở đủ điều, phàn nàn nhiều thứ, phân trần đủ kiểu, trách móc vô số tội, than người này vãn chuyện kia, người có sao ta muốn vậy, người làm sao tôi làm thế…Trăm cái méc triệu lời than! Mà méc để làm chi? Chúa sẽ lên án họ, Người cấm đoán chăng; hay cho thỏa điều ta không thích cũng chẳng ưa. Tôi vẫn mải miết méc để khoét sâu cái xấu người khác, rồi hát bài ca ngợi bản thân. Tôi vẫn phải méc thay vì hét lời cấm đoán, thay vì nhét “cái bản mặt” khó chịu vào cuộc sống của người khác.
Nhưng khi biểu diễn thứ nghệ thuật ấy, tôi lò mò “va phải” tình liên đới với anh chị em. Dường như chỉ khi có mối dây liên kết thiêng liêng với họ, tôi mới dám méc những gì về họ, những điều liên hệ tới họ. Giờ đây, tôi thấu nhận hơn những tương quan đó. Những sợi dây vô hình đã vô tình góp phần vun đắp đời tôi, vui xới hành trình làm con Thiên Chúa của mình. Tôi không thể phủ nhận sự hiện diện của họ trong cuộc đời này. Chính nút thắt liên đới ấy thôi thúc tôi tự vấn lòng mình theo lời dạy của các ông bà ta, tiên trách kỉ hậu trách nhân. Từng chút xoáy sâu vào chuyện méc “kiên cố” của mình, tôi chợt nhận ra nhiều điều bí ẩn. Đúng như lời Đức Thánh Cha, nó thật là một tật xấu hằng ngày đang tấn công và vây bủa những người chung quanh, gieo rắc tị ngạnh, ghen tương và ham hố quyền hành. Trước mỗi chuyện, từng sự kiện, tôi thường không cần nhiều thời gian suy xét mà ngay lập tức đưa ra những “phán quyết” dựa trên những suy nghĩ rập khuôn, cùng định kiến sẵn có. Từ đó, chuyện méc xảy đến dễ dàng như “trở bàn tay”. Lúc ấy, tôi suy luận để tìm ra nguyên nhân của mọi chuyện mà không hề để ý nó diễn ra thế nào hay có những thành kiến ẩn giấu đằng sau. Tôi cố “chụp mũ” chuyện ấy, người đó theo mình, và gắng làm thế nào để bản thân nổi bật, hay phần có lý nghiêng chiều về mình. Tôi vô tình treo bức màn mù tối trước những gì diễn ra nơi người ta. Chính khi dò thấu chuyện méc của mình như thế, tôi chợt nhận ra chìa khóa quan trọng ẩn giấu lâu nay trong tôi. Đó là sự ý thức về chuyện đó và kiên nhẫn hơn với chính mình cùng anh chị em xung quanh. Chìa khóa quý giá đó mở ra cho tôi niềm hy vọng về những đổi mới nơi mình thoát thói méc bền vững lâu nay. Tôi tin Chúa sẽ tiếp tục những điều tốt đẹp Người đã khởi sự nơi tôi. (x. Pl 1,6)
Mỗi người sẽ có con đường riêng cách thế phù hợp để kiêng méc bớt mách. Đời sẽ giúp, Trời sẽ đỡ. Nhờ thế, chúng ta sống an nhiên, thanh thản hơn trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa.
Lyeur Nguyễn