Trình thuật Tin Mừng Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-maus (Lc 24,13-35) được chọn để làm điểm kết cho Khóa Linh Thao Sinh Viên- Giới Trẻ 2 (từ 13-19.7.2020) tại tại Sở Kiện- TGP. Hà Nội. Trình thuật Tin Mừng này đánh động tâm hồn các thao viên, khi họ nhận ra mình cũng luôn được Chúa Giêsu đồng hành trên hành trình cuộc đời như thế. Quả thật, họ đã thấy mình như hai môn đệ trên đường Em-maus xưa, đó là: được đồng hành, tâm hồn bừng cháy và lên đường loan báo Chúa Đang Sống.
1. Đồng hành
“Đồng hành” là cụm từ gợi lên hình ảnh của một đôi, một nhóm cùng nhau tiến về phía trước. Đồng hành có nghĩa là cùng đi, cùng tiến bước trước một hành trình cuộc sống đầy thách đố lẫn cơ hội.
Nếu không ai là một hòn đảo giữa đại dương, thì có người bạn đường làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú biết mấy. Sẽ thật diễm phúc cho những ai có được người thầy, người bạn sẵn sàng hy sinh thời gian để “đồng hành” với mình. Nhờ được đồng hành, người ấy có thể cùng chia sẻ những ưu tư, trăn trở trong cuộc sống. Khi được đồng hành đúng, thì những gánh nặng có thể được trút bỏ, những ưu tư có thể được chia sẻ, những bận tâm có thể được chung chia, như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Chính Chúa Giêsu Phục sinh gây hứng khởi, làm phát sinh động lực, gia tăng sáng tạo và khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi tìm lại chính mình. Cũng như hai môn đệ trên đường Em-maus, các thao viên hôm nay cũng được mời gọi mở lòng ra, để dám lắng nghe, dám chia sẻ những khắc khoải của bản thân.
Nhiều người trong số họ cảm nghiệm rằng: bao lâu tôi còn được người Bạn Giêsu đồng hành, tôi sẽ còn có khả năng tìm lại chính mình, là chính mình trong chương trình của Thiên Chúa, trong ơn gọi sống đời Kitô hữu. Để từ đó, họ dám làm một cuộc phân định ý Chúa trong đời mình.
Chính vì thế, nhờ tình bạn với Chúa Giêsu, người trẻ không chỉ là tương lai, mà còn là hiện tại của thế giới. Ngay lúc này đây, họ đang giúp làm phong phú thế giới (Christus Vivit, số 64). Đức Thánh Cha ước mong Người Trẻ chúng ta, khi làm một cuộc phân định – chọn lựa hướng đi cho cuộc đời, cơ sở đầu tiên để làm cuộc phân định là tình bạn với Đức Giêsu, chứ không phải là ước muốn của ba mẹ, của phong trào, điều kiện học hành, cơ hội tiến thân nào đó (Christus Vivit, số 250). Chính tình bạn với Chúa Giêsu biến đổi chúng ta, vì: “Có một người bạn ngồi xuống bên tôi. Nâng tôi lên khỏi hố sâu tội đời. Đồng hành cùng với tôi để từ nay bước reo vui. Có một người bạn đã đến bên tôi. Kể cho tôi nghe về những ước mơ cuộc đời. Và nói với tôi đã yêu tôi lâu lắm rồi. Bạn Giêsu đang nói với em câu tỏ tình, cho kiếp sống luôn tưng bừng tươi xinh. Bạn Giêsu đang nói với anh trong cuộc đời. Muôn thuở xin cứ yêu thương…” (bài hát Giêsu, Tình Thân Giữa Đời).
- 2. Con tim bừng cháy
Làm sao tôi có thể nhận ra Chúa trong đời thường của tôi? Đó là thao thức của các thao viên, trong tâm tình chuẩn bị kết thúc Khóa Linh Thao này. Câu hỏi gợi lên cho các thao viên là: Tại sao tới lúc này mắt họ mới mở ra? Chẳng phải là Đức Giêsu đã cùng đi với họ một đoạn đường khá xa, và còn giảng dạy cho họ nữa sao? Lạ lùng thay, câu trả lời đã có tron g trình thuật Tin Mừng, như thể viết riêng cho các bạn!
“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người nhưng Người lại biến mất” (Lc, 24, 30-31). Hóa ra, nhờ những cử chỉ, hành động thân quen là việc Chúa bẻ bánh, mà các ông nhận ra Chúa. Hẳn chắc trong suốt thời gian đi theo Chúa, các ông đã rất nhiều lần tận mắt chứng kiến hành động này của Chúa Giêsu. Thế nên, dù trong lúc lòng còn ê chề ảo não, thất vọng, tâm trí còn u mê chưa được khai sáng, những điều quen thuộc lại diễn ra, thì các ông ngay lập tức nhận ra Chúa Giêsu. Chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh làm tâm hồn các ông bừng cháy lên. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24, 32). Chính Chúa Phục Sinh đã khơi lên ngọn lửa yêu mến, ngọn lửa của đức tin và hy vọng.
Là người thao thức gặp Chúa trong đời thường, chúng ta cũng chỉ có thể nhận ra Chúa nếu chúng ta có một sự thân quen với Chúa, qua việc thường xuyên cầu nguyện với Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, xét mình, chầu Thánh Thể, lãnh các Bí tích, làm việc bác ái,… Nhờ đó, tâm hồn chúng ta nhạy bén với những tác động của Chúa trong tâm hồn, vốn làm bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến và phục vụ. Khi ngọn lửa trong tâm hồn bừng cháy, việc lên đường loan báo Chúa Kitô đang sống, là một thúc bách.
3. Lên đường
Người ta chỉ thực sự được biến đổi khi gặp Chúa, như một số trường hợp của Mat-theu, Giakêu, Phaolô… và cả hai môn đệ trên đường Em-maus nữa. Thật vậy, khi gặp Chúa, trái tim chúng ta sẽ bừng cháy lên. Chúng ta sẽ được thôi thúc phải hành động, phải lên đường loan báo Tin mừng Phục sinh: Chúa vẫn đang sống!
Chúa Kitô đang sống, ngài mời gọi tôi sống sung mãn và tròn đầy qua việc đảm nhận các đòi hỏi của Tin Mừng. Với con mắt đức tin, tôi nhận ra những khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống, đơn giản là các thử thách của cuộc sống, vốn sẽ là những cơ hội để tôi trở nên những chứng nhân (x. Christus Vivit, số 117). Đôi khi, đời sống chứng tá không cần tôi phải đổ máu đào như các vị tử đạo, nhưng lại đòi tôi phải thật sự dũng cảm, khiêm tốn và yêu thương trước những chọn lựa đơn giản trong đời thường. Qua từng chọn lựa, qua từng hành động, đức tin vừa thách thức tôi vừa trao cho tôi cơ hội được lớn lên hơn. Chính trong những lúc vật lộn với những khắc khoải, ưu tư, tôi thấy mình có được niềm vui nội tâm, niềm vui của đức tin khi dám chọn Chúa và dám sống cho Chúa, như Chúa đã dám sống và dám chết cho tôi.
… Thay lời kết
Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng: Chúa Kitô Vẫn Sống, Người đang đồng hành cùng chúng ta; và chính Người sẽ làm cho trái tim của chúng ta bừng cháy lên lửa yêu mến khi chúng ta gặp Người. Nhờ đó, chúng ta dám can đảm đáp lại tiếng Chúa mời gọi, để chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Christus Vivit, số 1). Ước chi, tình bạn với Chúa Giêsu sẽ là động lực để các thao viên nói riêng, và mọi người nói chung, xây dựng và củng cố mối tương quan này mỗi ngày. Nhờ đó, mọi người có được cung cách hành xử, thái độ và tâm tình của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và đối với bản thân mình.
Công Trình, SJ