[Mở lòng]-Chúa Nhật IV mùa Chay

“Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.“ (Eph 2, 4-10).

 

Tuần qua chúng ta đã đến với Đức Kitô, ở lại và cùng sống với Người. Tuần này, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình với Đức Kitô. Hôm nay, chúng ta dừng bước để nghe thánh Phao-lô nói về tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua Đức Kitô, Đấng chúng ta đang theo bước, Đấng là thầy dạy của chúng ta: “Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.”

Lời thánh Phao-lô diễn tả tình yêu Thiên Chúa vượt trên tất cả những tội lỗi chúng ta gây ra. Dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, thì Thiên Chúa cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Qua chính Đức Kitô tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả đến mức cao độ nhất. Về tâm tình này, Đức Benedicto 16 đã diễn tả rất hay:

“Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người cao cả đến mức Ngài đã hóa thành con người để theo đuổi con người đến tận cái chết và qua đó hòa giải công lý và tình yêu.” (Deus Caritas est 10) “Hành động của Thiên Chúa giờ đây mang lấy một hình thái gây ấn tượng mạnh hơn nữa, khi trong Chúa Giêsu Kitô, chính Thiên Chúa là Đấng theo tìm “những con chiên lạc”, là nhân loại khổ đau và lầm lạc” và “Cái chết của Ngài trên thánh giá là tột đỉnh của việc Thiên Chúa quay ra đối nghịch lại với chính Ngài, trong đó, Ngài trao ban chính mình để nâng con người dậy và cứu rỗi con người. Đây là tình yêu ở dạng thức cao nhất. (Deus Caritas est 12). “Thật vậy, Thiên Chúa hữu hình trong nhiều cách thế. Trong câu chuyện tình được Thánh Kinh tường thuật, Ngài đến với chúng ta, Ngài tìm cách chinh phục con tim chúng ta, đến tận cùng bữa Tiệc Ly, đến cạnh sườn bị lưỡi đòng thâu qua, đến những lần hiện ra sau Phục Sinh và đến những kỳ công cao cả qua đó” (Deus Caritas est 17)

Như vậy, chúng ta cảm nhận rằng. dù thế nào thì chúng ta cũng được sống với Đức Kitô. Dù thế nào thì câu chuyện tình của Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng không thể bị “cắt đứt”.

Tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô tạo nên sự sống của chúng ta trong lòng mẹ của chúng ta. Đặc biệt, trước khi chúng ta bước vào cuộc đời, Ngài đã ghi tên của chúng ta trong trang sách tình yêu của Ngài: Lan, Tám, Chính, Trinh… (x.Is 49, 1). Vì thế, mỗi người chúng ta với cái tên chúng ta được Thiên Chúa trao ban qua cha mẹ chúng ta chính là những tác phẩm tuyệt vời và vô giá của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô luôn lên đường đi tìm những đồng cỏ xanh tươi nhất để cho chúng ta được nghỉ ngơi, tìm những dòng suối trong lành nhất để chúng ta được no say uống nguồn nước tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô luôn gìn giữ sự sống của chúng ta, dù chúng ta vui tươi hay buồn sầu, dù chúng ta hạnh phúc hay khổ đau, Thiên Chúa vẫn ở bên và với côn trượng trên tay, Ngài luôn chăm sóc và canh giữ cho chúng ta có một giấc ngủ an lành.

Tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô luôn đón nhận chúng ta như chúng ta là. Chúng ta có đẹp trai hay đẹp gái, chúng ta có là người hoàn hảo hay người mang nhiều khuyết tật, thì Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Hơn nữa, chính Thiên Chúa đi vào trong chính những khuyết tật của chúng ta, mang chính những khuyết tật của chúng ta trên thân xác và cuộc đời của Ngài, cách chữa lành của Ngài là cách chữa lành của tình yêu, một tình yêu không đứng bên ngoài phân tích, mà là một tình yêu đi vào bên trong, một tình yêu của hiệp thông và chia sẻ, một tình yêu “sẵn sàng” mở lòng để đau với cái đau, để buồn với nỗi buồn, đến nỗi mặt mày của Ngài tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người nữa (x.Is 52,14).

Cao điểm của tình yêu đi vào bên trong, là chính Thánh Giá vươn lên cao. Trên đó chính Ngài như một kẻ tồi tệ nhất, như một tên phạm pháp đang chết tất tưởi. Hình phạt tồi tệ và đau đớn dành cho những kẻ nô lệ và những người phạm pháp. Nhưng cái chết không thể thắng vượt được tình yêu của Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô, Đấng là mục tử nhân lành luôn lên đường đi tìm những con chiên lạc đàn. Ngài theo đuổi chúng ta cho đến tận cái chết, để khi cái chết đến thì sự sống lại xuất hiện. Cái chết trên cây Thánh Giá phải “chết đi”, cần phải kết thúc, để hoa Phục Sinh nở rộ, và trổ sinh trái sự sống mới cho chúng ta, những người con yêu dấu của Chúa. Đó là một hành trình của tình yêu, một câu truyện tình của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trên hành trình tình yêu đó, trong trang sách của câu truyện tình đó, Thiên Chúa chỉ mong sao, những đứa con yêu dấu của Ngài, được sống sung mãn hoàn toàn, một cuộc sống sung mãn tuyệt vời trong Đức Kitô.

Hôm nay trong giờ cầu nguyện, chúng ta xin Chúa cho chúng ta khám phá lại câu truyện tình của Thiên Chúa qua Đức Kitô dành cho mỗi người chúng ta. Qua chính Đức Kitô, chúng ta được yêu thương. Chính Đức Kitô đã viết câu truyện tình của Thiên Chúa vào cuốn sách lịch sử của tất cả nhân loại và của mỗi cá nhân, để từ đây “cái chết không phải là hai chữ cuối cùng của cuốn sách lịch sử nhân trần và hai chữ cuối cùng trong cuốn sách cuộc đời của mỗi người chúng ta”. Cái chết dù có sức mạnh tận diệt con người chúng ta, nhưng vẫn phải giơ tay đầu hàng trước tình yêu của Thiên Chúa, trước bông hoa tình yêu được nở rộ trong ngày Phục Sinh của Đức Kitô. Bông Hoa Phục Sinh này chính là ân sủng dồi dào đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. “Tình yêu”, chính là hai chữ đầu tiên và cũng là hai chữ cuối cùng trong cuốn sách lịch sử nhân trần và trong cuốn sách cuộc đời của mỗi người chúng ta.

 

Kết thúc chúng ta tâm tình với Chúa:

Lạy Chúa, dù thế nào đi nữa, thì chúng con vẫn được sống với Đức Kitô.

Dù quyền lực thần thiêng, dù sự sống hay sự chết, dù thiên thần hay ma quỷ…

Không gì có thể phá vỡ mái ấm của chúng con với Đức Kitô, người lương y hơn từ mẫu, người bạn tri kỷ, mối lợi tuyệt hảo nhất của chúng con. Xin tri ân Chúa về ân sủng này. Amen

 

  • Bài tập sống trong tuần:

 

Tôi tiếp tục mang Thánh Giá nhỏ bên mình một cách thật ý thức. Trong ngày sống, tôi luôn dừng lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó, tôi đưa tay cầm thánh giá và thầm nói: „Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi“. Ngoài ra, trong mỗi ngày sống tôi quyết tâm tập sống hy sinh một điều gì đó. Vd.: Tôi hy sinh không phê bình người khác ngay lập tức, tôi hy sinh không dán mắt vào Tivi vào mỗi buổi tối, tôi hy sinh và quyết tâm giữ thinh lặng để đi ngược với thói quen thích nói của tôi, tôi hy sinh ăn ăn ít hơn một chút để cảm thông với những anh chị em đói khổ…

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *