[Mở lòng]-Thứ Tư sau Chúa Nhật IV mùa Chay

 “Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: ” Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? ” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! ” Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! ” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6, 1-15)

Hôm qua chúng ta đã chiêm ngắm tính cách đầy tràn của Chúa trong dấu lạ hóa nước thành rượu của Chúa Giê-su. Sự đầy tràn đó hôm nay chúng ta cũng đọc được trong dấu lạ hóa bánh ra nhiều của Chúa Giê-su. Đầu tiên chúng ta chậm rãi đọc đoạn Thánh Kinh trên. Bối cảnh của câu truyện là một nơi gần bờ hồ Ti-bê-ri-a, Chúa Giê-su đang ngồi trên núi. Xung quanh Ngài là các môn đệ và một nhóm dân chúng đông đảo, họ đã từng chứng kiến những dấu lạ Chúa làm. Trước khi đi vào câu truyện, xin mời mỗi người chọn cho mình một vai nào đó trong câu truyện. Có thể là vai một môn đệ, có thể là một người dân đang ở đó…

Câu truyện xảy ra như thế nào? Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? ” Ánh mắt của Đức Kitô thật tuyệt vời. Ngài thấy với tất cả tấm lòng thương yêu. Phải chăng đôi mắt của Đức Kitô luôn đi đôi với tâm hồn của Ngài ?! Tinh thần này của Đức Kitô tương hợp với câu ngạn ngữ: Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nghĩa là, chính đôi mắt của Ngài đã hướng nhìn đám đông dân chúng đang đói, đang lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Tiếp đến, Chúa Giê-su đã mở cửa tâm hồn của Ngài, để đón mời tất cả dân chúng khổ sở đó vào trong tâm hồn của Ngài. Vâng, mỗi người khổ đau giờ đây đều có một chỗ nương thân trong con tim của Chúa. Khi trái tim lên tiếng thì thật tuyệt vời, một tiếng nói quan tâm chăm sóc, một tiếng nói thúc giục phải làm gì đó cho người mình yêu đang ngồi kia đói khổ.

Chúng ta mường tượng Đức Kitô thấy chúng ta đang đứng kia và đói khổ, Ngài liền nói: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? “ Chúng ta cảm nghiệm thế nào về sự quan tâm của Chúa?

Truyện kể tiếp rằng, khi được Chúa Giê-su hỏi như vậy, các môn đệ không thể lo được, vì số người quá đông. Hơn nữa nơi hẻo lánh này, thì đâu dễ tìm được ai có bánh và cá để bán. Thật vậy, chỉ có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!

Khi nghe các môn đệ nói như thế, Đức Kitô vẫn thản nhiên nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”. Một sự thản nhiên lạ lùng. Sau đó, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Số người có mặt ở đó chỉ tính nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Và cuối cùng còn dư nữa chứ. Tính cách dư tràn và dồi dào của Thiên Chúa lại xuất hiện ở đây. Sự dư tràn của ân sủng là biểu tượng của tình yêu không bờ bến. Tính cách đầy tràn này cũng diễn tả vinh quang tuyệt vời của Thiên Chúa.

Nhưng phép lạ hóa bánh ra nhiều của Đức Kitô ở đây không chỉ mang chiều kích làm cho cái dạ dày đang đói kia được thỏa mãn, mà còn mang một ý nghĩa khác. Đức Benedicto XVI nói rằng, con người không chỉ đói bánh, mà còn đói nhiều thứ khác hơn. Của ăn nuôi sống và làm cho con người no nê phải là một món quà đặc biệt hơn (x. Joseph Ratzinger, Benedikt XVI, Jesus von Nazareth, t.312). Ở đây, chúng ta sẽ thấy thật là lý thú, khi Gio-an đã đặt lời diễn từ về bánh hằng sống của Chúa Giê-su trong đoạn thứ sáu này, nghĩa là sau phần của phép lạ hóa bánh ra nhiều. Thật vậy, nhân loại đói “tấm bánh đưa lại sự sống đời đời ”. Tấm bánh đó được chính Thiên Chúa từ trời ban xuống cho chúng ta: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35).

Thật vậy, khi chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su, là chúng ta đang được nuôi sống bởi chính Thiên Chúa hằng sống, chúng ta đang ăn chính “tấm bánh từ trời”. Nhưng ở đây, chúng ta cũng chú ý, Chúa Giê-su cũng đã nói rất rõ ràng rằng, điều duy nhất Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là niềm tin của chúng ta vào Chúa. Nhưng niềm tin không chỉ là do sức chúng ta, mà chúng ta cần ý thức rằng, niềm tin vào Chúa cũng chính là món quà Chúa ban tặng cho chúng ta. Chúng ta cần ý thức để Chúa ban tặng cho chúng ta, nghĩa là chúng ta hãy ý thức “phận nghèo” của chúng ta, đừng kiêu ngạo, ngược lại khiêm nhường giơ tay đón nhận món quà đức tin Chúa ban. Có như vậy, chúng ta sẽ bước vào con đường của những người được ban tặng, những người tin vào Chúa Giê-su.

Vì thế, trong giờ cầu nguyện hôm nay, chúng ta ý thức xin Chúa ban cho chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa, xin Chúa giúp chúng ta biết ý thức về “phận nghèo”, “phận hành khất” của chúng ta trước Chúa, để rồi chính Ngài sẽ ban tặng cho chúng ta niềm tin. Niềm tin vào Đấng là bánh hằng sống, là bánh của tình yêu.

Tôi nhớ lại bài tập sống trong tuần: tập sống hy sinh một điều gì đó.

 

Kiểm tra tương tự

Ngày của Mẹ: 5 cách người Công giáo tôn vinh mẹ

Hãy dành tặng mẹ một món quà đong đầy đức tin vào Chúa nhật này …

8 vị thánh bảo trợ vĩ đại cho 8 sở thích phổ biến

Có một sở thích là cách tuyệt vời để thoát khỏi những căng thẳng trong …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *