Một cảnh đời – một tiếng gọi

Pt. Phao-lô Đỗ Thành Nguyên, S.J.

Một chàng trai, những năm tháng ấu thơ lớn lên dưới mái trường “cháu ngoan bác Hồ”. Hết chương trình phổ thông, anh theo học ngành kiến trúc. Ra trường, anh vào miền Nam đi theo nhóm thợ xây dựng, vừa làm, vừa học để vững tay nghề.

Ông chủ thầu công trình cùng với nhóm thợ tất cả là Công giáo, quây quần sống với nhau như một xóm đạo nho nhỏ. Cuộc sống hằng ngảy của những con người tối ngày lam lũ, nhưng luôn vui tươi làm anh ngỡ ngàng, dẫn anh tiến dần tới giếng rửa tội.

Tuy nhiên đây mới là bước thứ nhất, mà lại là bước đi quyết định cho một khởi đầu mới. Tiếng gọi năm xưa dành cho chàng trai giầu có bị từ chối, thì nay, sau một thời gian đi theo nhà thầu chuyên nhận các công trình xây dưng của dòng Tên, anh đã có dịp lân la làm quen với các tu sĩ dòng Tên. Anh đã nghe được tiếng gọi Thầy Giêsu cho riêng mình, và anh đã quyết định xin gia nhập dòng Tên, với ước vọng trở nên một Giêsu hữu, trong tư cách bạn đường của Chúa Giêsu.

Anh đã muốn đánh đổi kho tàng dưới đất để giành cho được kho tàng trên Trời và bước đi theo Giêsu. “Phải bỏ mọi sự mà theo Thầy”, với anh là bỏ nhà cửa cha mẹ.

Phải bỏ nhà cửa cha mẹ sao? Ai lại làm thế!

Tiếng gọi làm anh khó xử.

Đặc biệt trong hoàn cảnh gia đình anh, cha mẹ đã lớn tuổi, nhà chỉ có anh là con trai và một cô em gái. Bao năm cha mẹ mong có cháu nội ẵm bồng, chứ còn cháu ngoại thì nó đâu có ở với ông bà. Hơn nữa, cha mẹ anh xưa nay chỉ biết kêu Trời chứ có hiểu gì về đạo Chúa đâu, cũng chưa bao giờ nghe nói đến Danh Thánh Giệsu thì làm sao có thể hiểu cho anh cùng với bước đường anh đã chọn. Do đó, mỗi độ xuân về, con cái sum họp, nhà nhà vui mừng, còn anh hễ có mặt ở nhà thì ông bố lại tránh qua hàng xóm, vì ở nhà cứ có ai đến lại chúc cho ông bà năm nay có cháu bồng. Anh hiểu nỗi lòng của mẹ, nhưng anh không thể cưỡng lại tiếng gọi, đòi anh lao mình về phía trước.

Nhưng rồi, anh đã gặt hái được những gì trên con đường theo Chúa, một bước đường dài dọc suốt 17 năm qua, một con đường không mấy suôn sẻ, so với các anh em khác. Nhưng cũng  nhờ vậy, con tim của anh ngày được nhào luyện thêm mềm mại, anh được tạo dáng để trở nên hiền lành và khiêm tốn, và đặc biệt một trái tim luôn mở rộng để đón nhận và thương yêu các trẻ em nghèo.

Đó là một cuộc rèn luyện để anh được tái sinh trở nên môn đệ…

Từ một năm nay trên vùng đất lạ, người ta ngày ngày thấy bóng dáng anh ẩn khuất giữa bầy em bé và rồi mất hút giữa xóm nghèo. Thực ra anh đã có một thời gian khá đủ để sống, học viết và nói tiếng bản xứ thành thạo, anh đã là người nhà của mọi nhà: trong bóng dáng hiền lành, cặp mắt trìu mến cùng với vòng tay luôn giang rộng, giọng nói ân cần, nhỏ nhẹ, nói gì thì nói cũng là kể chuyện Giêsu, làm gì thì làm cũng là rao truyền Danh Thánh, khắc ghi dấu ấn đời bạn đường trên mọi nẻo đường,

Quả thật, anh đã nhận được phần thuởng dành cho người môn đệ trong ngày lễ Hiện Xuống. Đó là được hòa chung tiếng reo vui với những con tim bừng cháy, không ngừng loan báo danh Giê-su, sống chết nhân danh Giê-su, trong tư cách chứng nhân, cùng với Thánh Thần:

“Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô”.

Ngày 19.05.2023 vừa qua, khi tuyển chọn anh lên hàng phó tế, Hội Thánh đã trao cho anh bổn phận.

“Nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân…” (Lc 24,47), cho những người dân chung quanh, trên vùng đất anh được sai đến, một vùng đất hoàn toàn xa lạ đã trở thành thiết thân hơn đâu hết.

“Vì dưới gầm trời này không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).

Danh Giê-su đã được ban tặng, người môn đệ có gì trong cuộc đời rao giảng ngoài Danh Giê-su:

“vàng bạc tôi không có, nhưng cái tôi có tôi trao anh đây: Nhân danh Đức Giê-su người Nagiaret…”.

Dĩ nhiên, người môn đệ không nhân danh một Giê-su ở đâu đó, nhưng nhân Danh Giê-su mà tôi có, gắn bó không rời.

Đường anh đi từ đây là con đường Giêsu, anh luôn có “Giê-su đi với mình, nói với mình, thở với mình, làm việc với mình. Cảm thấy Giê-su đang sống cùng mình giữa sứ vụ loan truyền danh Thánh…(x. EG 266).

Cứ thế, bước đường của anh trở thành lời kinh hiến tế, tạ ơn và chúc tụng.

Đaminh Trần Văn Tân, SJ.

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …