“Buồn vì nhớ người thân, nhớ nhà, nhớ cả cuộc sống trước đây họ từng có, cái cuộc sống mà họ được tự do làm những gì mình thích, không có những tiếng quát tháo của người quản trại, không có sự bó buộc trong những sinh hoạt hằng ngày…” Trong một xã hội đang ngày một phát triển, vẫn còn đâu đó những nỗi buồn không tên, thầm lắng… Ở đâu?
Trong cuộc sống, ai cũng muốn mình được hòa nhập với xã hội, được gắn kết với mọi người. Nhưng đối với những bệnh nhân ở Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tam Hà thì cuộc sống của họ bị tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Đến với những bệnh nhân vào một ngày đầu tháng 9, cuộc sống của các cô bác tại đây cũng không khác mấy so với một năm trước, khi tôi có dịp đến với trung tâm lần đầu tiên. Vẫn là những song sắt ấy, vẫn là từng khu nhà ấy, nơi mà những bệnh nhân đã phải bất đắc dĩ gắn liền cuộc sống của mình với nó, nơi đã giam giữ cả con người lẫn tâm trí của những con người nơi đây. Họ – những bệnh nhân – đều đã có cuộc sống bình thường như bao người khác, có nghề nghiệp ổn định, gia đình hạnh phúc, là những con người lương thiện, đóng góp sức mình cho xã hội. Tôi còn nhớ, có một chị quê ở Nghệ An, từng là công nhân trong một công ty dệt; có bác từng học về công nghệ thông tin suốt 15 năm ròng rã. Có người tinh thần hôm đó không tốt thì được bác sĩ đưa vào khu riêng, còn những người chúng tôi được tiếp xúc, là những bệnh nhân phần nào đã thuyên giảm. Nơi đây, có người “nặng”, người “nhẹ”, nhưng khi được hỏi, họ đều có chung một cảm giác duy nhất, đó là “ buồn”. Buồn vì nhớ người thân, nhớ nhà, nhớ cả cuộc sống trước đây họ từng có, cái cuộc sống mà họ được tự do làm những gì mình thích, không có những tiếng quát tháo của người quản trại, không có sự bó buộc trong những sinh hoạt hằng ngày. Thời gian trôi qua, trong ánh mắt họ lại có thêm một nỗi buồn nữa, đó sự vô tâm của người thân, số lần vào thăm của người nhà ngày càng ít đi, không có người thăm hỏi, chia sẻ cùng họ những khó khăn với cuộc sống trong trung tâm. Giờ đây, điều an ủi duy nhất của họ là những lần thăm hỏi của các hội nhóm. Chỉ những dịp này, họ mới có cơ hội để chia sẻ về những tâm sự, những điều họ không thể nói với ai trong một khoảng thời gian dài. Là những câu chuyện về cuộc sống trước đây; những câu hỏi thăm về sức khỏe; cái nhoẻn miệng cười khi được hỏi về những chuyến đi do trung tâm tổ chức; những mong muốn, khát khao được người nhà đón về để trở lại với xã hội, để được thấy cuộc sống bên ngoài những song sắt, những khu nhà tù túng ấy.
Chia tay với trung tâm là những lời nhắn gửi của những bệnh nhân: “ Lâu lâu lại vào chơi nha!”, là những cái bắt tay tha thiết không muốn rời ra, là những lời khuyên các cô các bác ráng giữ gìn sức khỏe để mau được trở về với gia đình.
Cuộc sống ngày nay đã làm cho chúng ta quên đi tình người đối với nhau. Người thân coi họ là gánh nặng, là nỗi lo, xã hội coi họ là những con người không có giá trị. Mấy ai biết rằng, những con người này vẫn từng ngày, từng giờ trông ngóng sự thăm nom của người thân, vẫn từng ngày sống trong nỗi nhớ, trong buồn tủi về căn bệnh của mình. Qua những chuyến đi như thế này, tôi nhận ra rằng mình cần phải biết trân trọng hơn nữa những gì mình đang có; cuộc sống này không cho ta nhiều cơ hội để yêu thương và đựơc yêu thương, cần phải làm sao để những người xung quanh ta luôn được thấy hạnh phúc khi có ta ở bên và khi trong những lúc không có ta, họ vẫn có thể vững bước trong cuộc đời này.
Maria Trương Thị Phương Mỹ
(Nhóm SVCG Sư Phạm Kỹ Thuật)