Một mái nhà giữa những mái nhà-Một người…cho mọi người

                       

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

                                                                                                               MM Tân, S.J.

Ngày nào Chúa gọi con, ấp ủ con trong vòng tay của Hội Thánh,

Và từ giữa lòng Hội Thánh, Chúa sai con đến  vùng ngoại vi…

con đã cúi đầu xin vâng theo thánh ý…

ra đi từ dạo đó :  ngày… tháng … năm 2010

Miệng cất cao lời nguyện lên đường,  cô thôn nữ rời cha mẹ với  ruộng đồng, đến với nương rẫy của vùng đồi núi sỏi đá khô cằn. Bước đầu có 2 chị em, thì cứ mượn  tạm  ngôi nhà hoang ở đỡ, nhưn g rồi một ngừời rẽ bước sang ngang, một người đi với một người, bỏ một người lạc lòng, chơ vơ.  Một thân đơn độc trong ngôi nhà hoang cô quạnh ẩn sau lùm cây, giữa những mảnh vườn khoai bắp và chè, đêm về phải dõi mắt xa xa mới thấy những  ánh đèn mờ ảo hắt ra từ những ngôi nhà  đang chìm dần vào màn đêm  tối.

Thực ra, ngôi  nhà thoạt nhìn thấy hoang mà không vắng, vì đấng đã dẫn đưa cô nàng đến đây là để chính Người tiếp tục loan  báo Tin Mừng ngang qua bước chân con người, dẫu chỉ là một thân  gái chân yếu tay mềm, tuy  ít tật nhưng nhiều bệnh. Sẵn nét vui tươi đon đả, chẳng mấy chốc cô  đã quen được nhiều người, và có người còn cho cô mượn cả một ngôi nhà khác ngay bên đường, và chuyện một mái nhà giữa mọi nhà bắt đầu từ đây.

Ngôi nhà mới đã lâu lắm rồi vẫn ngóng đợi chủ. Tuy nhiên một mái nhà nhỏ bé, siêu vẹo dột nát, xung quanh cỏ ngập đầu cũng kén người lắm, nó chờ đợi một ai đó sẵn có con tim đơn nghèo. Vẫn chỉ cần một buổi chiều và một buổi sáng và ngôi nhà mang khuôn mặt mới, sạch sẽ, thông thoáng, cho cánh chim có chỗ dừng chân và mở tung cửa đón những cánh chim cũng đang cần trạm nghỉ dăm ba tháng : những bà mẹ đơn  thân, mấy cô gái mang thai cần chút thời gian tĩnh dưỡng, và  nhất là mấy cháu nhỏ quanh đây có chỗ nô đùa.

Chẳng biết các đấng bề trên quyết định ra sao chứ nhìn chị  bề ngoài cứ như ngừơi đi làm công tác xã hội. Thực chất đây chỉ là khúc dạo đầu của người được sai đi loan báo Tin Mừng : đến với dân, ở với dân, đi hái chè mướn cho dân kiếm sống qua ngày : một cuộc sống hòa  nhập đến nỗi có thể hóa thân thành sơn nữ của vùng rừng núi tây bắc, để cuối cùng  con tim nghe được tiếng của Thiên  Chúa thì thầm giữa nhân gian, và nghe biết bà con quanh mình ngày đêm vẫn hằng ngước nhìn trời cao ước nguyện những gì.

Vùng đất này, ngoài xóm chợ nhà cửa đông vui , còn lại thưa thớt, bà con sống rải rác và nằm sâu trong nương rẫy, và ngôi nhà thờ bé nhỏ của bà con bên đạo cũng chung hoàn cảnh : hẻo lánh và  ít người lui tới, mỗi tối giờ kinh chỉ có hơn chục, phụng vụ Chúa  nhật vỏn vẹn chừng ba mươi người, trong khi số dân công giáo cả họ là trên hai trăm. Để khơi dậy lòng đạo, chị tổ chức đọc kinh tối theo khu, còn chị thì cứ đi xoay vòng hết khu nọ tới khu kia, để cuối cùng đêm nào cũng phải đi tối về khuya.  Chẳng biết cuộc sống trên nương chè khá cơ cực hay vì bà con  tham viêc mà nhà ai cũng như thể tất bật : ngày hái, tối về tranh thủ vò sấy. Đấy là những gia đình bình thường chứ nhà nào có ông chồng hay con cái vướng vào vòng nghiện ngập thì hỡi ơi! và con số này cũng không ít, vì thế cảnh các mẹ góa trẻ ở đây có tới mấy chục, và con côi cứ thế  nhân lên. Trong hoàn cảnh này, cô sơn nữ của chúng ta thân gái sáng nắng chiều mưa phải làm gì, và có thể làm gì được kia chứ?

Thực ra giữa cuộc sống của bà con như thế này, làm thân gái cũng có  nhiều lợi thế lắm đó, chỉ cần vài cái tài mọn như cắm  hoa đẹp, múa hát hay, nấu ăn ngon, thêm nét vui tưoi hồn nhiên, cùng với tấm lòng nhân hậu là có thể gần gũi mọi nhà. Chả thế mà giờ kinh tối tầm 8.30 là  xong,  nhưng khi cô nàng lết về được tới nhà cũng phải sau 10 giờ. Phụ nữ là thế, làm gì chứ đi buôn  chuyện là nghề của nàng rồi. nhờ vậy mà cô nàng ít khi phải nấu cơm trưa cũng như chiều.

Nhà đất theo thời gian cũng đã được Hội Thánh, anh chị em  và mọi người góp sức để mua và nới rộng thêm, chứ cái tổ chim ban đầu làm mấy em sinh viên cứ phải chen chân mỗi khi kéo nhau đến phụ giúp tổ chức lễ hội cho giáo họ và khu xóm, dẫu biết rằng các cụ xưa vẫn thường nói :  “ăn nhiều chứ ở có bao nhiêu”. Nhà nay nới rộng gấp ba, nhưng tháng hè các cháu kéo tới học vẫn không đủ chỗ. Lớp học cũng vui, thầy cô vừa dạy vừa nấu ăn, học trò ngồi bệt trên nền nhà thấy thương, mỗi cháu ôm một cái ghế nhỏ làm bàn, tay viết, miệng ê a, trưa đến ôm tô mì ăn rồi lăn ra ngủ.

Đi bước trước,  dấn thân, nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng…

Một chặng đường đã qua, thấm thoát thế là đã gần 7 năm trời, cái bóng dáng của người con gái ngày cất bước lên đường mới 30 tuổi đời nay đã sấp xỉ bốn mươi, những lần cúi xuống trên thân xác của mấy ông hàng xóm nằm liệt vì căn bệnh thế kỷ đã giúp chị biết dìm mình vào cung lòng của Thiên Chúa giầu lòng xót thương, để biết chỉ đường cho ngừoi ta thấy Thiên Chúa hiện diện, và để khi phải trải qua những cơn đau của chính thể xác mình, chị cũng cảm nghiệm bàn tay hiền dịu của Thiên Chúa ngay trong  sâu thẳm lòng mình. Thật vậy, những cơn đau chợt đến khi chỉ có một mình trong đêm vắng, chị biết kêu ai, một con  người ít tật nhưng lắm bệnh, với căn bệnh phổ biến  là xương khớp phải cẩn thận khi đi đứng, thêm cái bao tử cứ hay gây chuyện, thay vì cất lên bài ca mưa không rơi ngoài trời, mà lại rơi ngay trong lòng ai,  chị cất tiếng gọi Chúa ơi, và Thiên Chúa đấng hiện diện nơi kín ẩn, cũng là Đấng  khơi nguồn sự sống đã ấp ủ, chở che và chữa lành, và chị có thể tưoi vui và an bình đi vào giấc ngủ trong tiếng ru êm của lòng Chúa xót thương .

Mái nhà này, mái nhà của tình bạn, mảnh đất này, mảnh đất để chia sẻ, làm nên cuộc sống với những khuôn mặt, những cảnh đời với những mảnh đời chan chứa mến thương, và có thể gắn kết với nhũng mái nhà khác. Trong khi lân la tìm đến với mọi nhà, chị cũng đến với bà con bản Nùng, nơi đây chị có thêm một mái nhà, cái cảnh mẹ gà con vịt vui vui làm sao , phải nói U CON nó thương nhau lắm, xa là nhớ, gần là ăn, ôi! phước đức gì khi có thêm đứa con chỉ thêm hao của? đã vậy nhiều khi có đồ ăn ngon phải gọi mãi cô nàng mới vô, vậy chứ mỗi khi U cần chuyện gì thì cô nàng cũng được việc ra phết.

Dù sao cuộc sống vẫn cứ là một cuộc kiếm tìm, có đi tới đi lui rồi cũng phải trở về với ngôi nhà thờ xóm đạo như điểm xuất phát.  Cho đến nay ngôi nhà thờ thì vẫn vậy nhưng phần đầu đã được cơi nới thêm để có chỗ cho linh mục vể ở luôn với bà con , và ngày 08.09 vừa qua, đàn chiên bao năm côi cút đã có chủ chăn. Ngay lúc này đây mọi ngừời như  nhìn thấy một chân trời mới đang mở ra, khuôn mặt của giáo họ không chỉ là những con người tối ngày lầm lũi trên nương chè hay cắm đầu cắm cổ lo cơm áo gạo tiền, nhưng với một mục tử vương mùi chiên, gần gũi và thân thiện, thương xót như Chúa Cha, sẽ dẫn đưa tất cả vào cung lòng của Ba Ngôi Thiên Chúa, để trong khi  cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa dọc suốt cuộc sống này, thì dù trên nương chè hay bên lò sấy hoặc những phen tất tả ngược suôi, mọi người luôn tin tưởng và vui mừng. 

                 Thế là  khúc dạo đầu của bước đường người được sai đến đây để loan báo Tin Mùng đã có thể chuyển qua giai điệu  của bài ca lên đường.  Mai đây, tiếng chuông nguyện  cầu từ ngôi nhà thờ họ nhỏ bé sẽ vang  đến mọi nhà, và  tiếng nguyện cầu từ con tim của chủ chăn với đoàn chiên sẽ nối liền mọi con tim, làm thành lời kinh hiến dâng và chúc tụng, và Thiên Chúa sẽ rất vui giữa một đoàn dân đông đảo.

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *