Năm 2008, khi “chim trời” vào lớp 2, học thêm ở một nhà thầy cô giáo, hai thầy cô dạy dỗ rất tận tình. Với một chú chim trời thì phải kiên nhẫn lắm, vì chú bé học đâu quên đó, còn với môn toán thì coi như chào thua. Tuy nhiên cũng nhờ thầy cô rèn cặp mà cuối năm vẫn đủ điểm lên lớp, điểm số thật chứ không phải quay cóp bạn bè đâu, vì tánh của chú bé là muốn tự mình làm bài, dù bạn có cho coi cũng không thèm chép.
Bẵng đi một thời gian, năm 2016, thầy bị tai nạn, để lại gánh nặng gia đình cho cô. Một mình phải lo nuôi hai con, thêm ba đứa cháu của bà chị nữa, thêm mẹ già, cuộc sống mỗi ngày mỗi khó khăn, phải vay mượn đầu nọ vá đầu kia là chuyện đương nhiên, đến khi không còn gì để chắp vá thì nhà đất cũng đem thế chấp và cuối cùng bị thanh lý.
Tuy nhiên, định luật cuộc sống xưa giờ thường là “họa vô đơn chí”, một cô giáo với lẽ khôn ngoan ở đời vẫn không đủ để vượt qua những cái khó dồn dập, một mầm bệnh nhen nhúm từ lâu, cô dấu mọi người và gắng gượng chịu đựng, đến khi không thể chịu đựng được nữa mới chịu đi bệnh viện thì đã quá muộn màng, cô được bác sĩ cho biết bị ung thư vòm họng giai đoạn bốn, phải nhập viện xạ trị ngay.
Nhà cửa không còn, tiền bạc đâu nữa để chữa bệnh. Thế nhưng, trong hoàn cảnh này, một cô giáo hiền chắc phải gặp lành, tổ tiên ta đã dạy thế mà. Cái phúc của một gia đình được gieo trồng qua bao nhiêu năm, từ ngày thầy còn sống đến cô không chỉ lo cho hai con, mà cả ba đứa cháu nữa, hai khuôn mặt đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp giữa nhà trường và mọi người. Vì thế, trong cảnh đường cùng như hiện tại, tất cả các thầy cô giáo trong nhà trường đều chung sức chung lòng đứng ra nâng đỡ và chăm sóc.
Khi một cô giáo đã trở thành người của mọi người giữa các thầy cô giáo thì chính cô hiệu trưởng đứng ra lo liệu mọi chuyện :
Để chăm sóc cô giáo đơn thân phải đi bệnh viện,
Cả nhà trường đã đồng lòng cử một cô giáo đi nuôi, và để lấp vào chỗ trống, các cô giáo trong trường đã chia nhau dạy thế, để các cô vắng mặt mà vẫn có lương,
Còn bé trai đang học lớp năm thì cô hiệu trưởng nhận nuôi nấng và chăm sóc.
Tiền bệnh viện cũng như chuyện ăn học của cậu con trai đang theo đại học thì tất cả các thầy cô trong trường góp lại, cùng với sự trợ giúp của những người thành tâm thiện chí, thế là cô giáo có thể an tâm chữa bệnh.
Chúng ta thử hình dung tâm trạng của cô giáo đang nằm bệnh viện lúc này, và cả cô giáo đang nuôi bạn nữa.
Những người tin theo định luật nhân quả thì cho rằng một gia đình đã gieo nhân tốt thì bây giờ nhận được quả ngon, nghĩa là được mọi người chăm sóc thương yêu. Cuôc sống có qua có lại là vậy.
Những người theo thuyết luân hồi, khi nhìn thấy những gian nan cô giáo phải trải qua, là nghĩ ngay đến oan gia trái chủ trong vô lượng kiếp, cùng với lời khuyên là hãy giữ cho cái tâm được an nhiên tự tại để nhận cái quả trổ ra, cũng từ vô lượng kiếp. Chuyện phải hiểu sao đây?
Còn đối với những người theo truyền thống dân ta thì luôn ngước mắt nhìn trời, biết rằng ông Trời có mắt, và trong vòng tay của Trời thì đời người “sống gửi thác về”.
Trời sinh Trời dưỡng, sinh ra trong quyền năng của Trời, lớn lên trong ân lộc Trời ban thì kết thúc cuộc đời sẽ như “lá rụng về cội”, về với ông bà tổ tiên và với Trời là lẽ đương nhiên. Từ từ dân ta cũng biết gọi Trời là Cha, và bước đường cuộc sống đã rõ ràng hơn :
“Xưa kia chỉ biết kêu trời,
mà nay đã biết gọi Trời là Cha,
trần gian chẳng phải là nhà,
đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.
Như thế, niềm tin của dân ta đã vưọt qua kiếp luân hồi và nhân quả,
Thế còn tương lai của các con cô giáo thì sao,
Dưới mái nhà của cô thì ba cháu con bà chị cũng được chăm sóc và được kể là con.
Nếu đi sâu vào truyền thống của các dân tộc thiểu số trước đây thì các gia đình ông bác với cô chú dì thường ở chung một mái nhà, và con họ sinh ra đương nhiên gọi nhau là anh em. Dưới mái nhà này, khi bà bác mất đi thì các con ở với bà dì, và khi bà dì mất đi thì các con ở với chị con của bác, nghĩa là không có cái cảnh trẻ mồ côi.
Còn theo truyến thống của dân ta ngay từ thời lập quốc đã có những thần thoại và huyền thoại kể về cội nguồn của mình là con rồng cháu tiên, sinh ra chung một bọc từ lòng dạ mẹ Âu Cơ. Vì thế, giữa dân con ở đồng bằng hay trên núi cao cũng là đồng bào, sống với nhau theo tình làng nghĩa xóm. Người lớn liên đới trách nhiệm trong mọi chuyện, lấy đình làng làm nơi bàn bạc mỗi khi có việc để cùng nhau chung sức chung long. Còn con trẻ thì cứ nương nhờ cha anh mà lớn lên. Làng xóm như thế đã mở ra khung trời của cái đẹp, khung trời của tình yêu và sự sống, thế hệ nối tiếp thế hệ theo kiểu tre già măng mọc.
Trở về lại với khung cảnh của tình liên đới giữa các giáo viên trường cô giáo đây, làm sáng lên con tim Việt và cung cách Việt, những con tim được rèn luyện và dẫn dắt dưới cái nhìn của Trời mà dân ta gọi là Cha, để mỗi lần ngước mắt nhìn lên trời cao cũng biết nhìn nhau, để thấy phận người nhỏ bé nhưng cũng thật cao cả, phận người nhưng duyên Trời : “hành sư tại nhân, thành sự tại thiên”. Chữ duyên cũng đi với chữ nợ nần, nợ tình nợ nghĩa làm cho mọi người gắn kết keo sơn, khác với nhiều người chỉ nghĩ đến nợ tiền, dễ vay và dễ trả. Chuyện tình nghĩa với nợ nần như thế đã trở thành đương nhiên, và đã đi vào truyền thống dân gian, quê hương Quan Họ có câu:
“Nợ tiền càng trả càng vơi; nợ tình càng trả, người ơi, càng đầy!”
Vì thế mà các thầy cô không sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được đắm chìm trong cái nhìn trìu mến của Trời, không sợ để cho “lưới Trời lồng lộng” rất cao xa nhưng lại thật gần hướng dẫn lương tri. Lòng tốt đã làm cho các thầy cô không còn bó gọn trong chính mình và gia đình, nhưng đẩy mọi người bước ra, chung sức chung lòng, trở thành một tập thể mạnh mẽ. Từng cá nhân yếu đuối trở thành mạnh mẽ vì được nhận chìm trong sức mạnh và quyền năng của Cha Trên Trời là cội nguồn của lòng tốt.
Lòng tốt từ trời bén rễ vào lòng người và lan tỏa. Khi lan toả, lòng tốt tiếp tục bén rễ và phát triển, làm cho mái trường xanh màu sự sống, quanh năm trổ sinh hoa thơm trái ngọt, đậm đà tình nghĩa.
Đa-minh Trần Văn Tân, S.J.