Một ngày lên bản Sùng Đô – Văn Chấn, Yên Bái

Có lẽ tôi sẽ viết một cái gì đó về Sùng Đô – mảnh đất tôi một lần đặt chân đến, bằng một cái giọng kể lể. Tôi đoán vậy. Đã là lần thứ ba được cử đi khảo sát một bản H’Mông trước các chương trình thiện nguyện, và cũng đã nhiều lần khác đến với các bản vùng cao, lẽ thường, những sự hào hứng, hồi hộp hay bất an đều không còn cao trào như những lần trước. Nhưng tôi cũng biết, mỗi chuyến đi thường sẽ không dừng lại ở công việc, và mọi trải nghiệm sẽ không lặp đi lặp lại như những chuyện thường ngày.

1010205_1433374103585598_218984546088996934_n
Tôi đã bắt đầu cảm thấy mình “già” từ cái ngày “bị” gọi là cựu sinh viên, và quả thật khi đang thấy mình già, người ta lại hay nghĩ về tuổi trẻ. Tôi lại tình cờ nghe được một câu nói thật thấm thía “Tuổi trẻ là gì? Chắc đó không phải là một khoảng đời nào đó giữa tuổi thơ và tuổi trưởng thành. Đó là một khoảng thời gian đặc biệt mà Chúa quan phòng ban cho mỗi người để họ nhận ra ơn gọi của mình. Đó là thời gian mỗi người tìm kiếm, như người thanh niên trong Phúc âm, lời giải pháp căn bản cho những vấn nạn về ý nghĩa đời mình” (1).

10153834_1433373883585620_596538837933582867_n

Ra là vậy, theo cách định nghĩa đó thì mình chưa bao giờ già cả. Khi mà Chúa còn đặt vào trong lòng ta những thao thức, những khát vọng như là một phương cách để gọi ta lên đường tìm biết Ngài ở giữa lòng đời; khi tâm hồn ta vẫn còn tự vấn về ý nghĩa, niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, khi ta còn cảm thấy sẵn sàng để cho thật nhiều người bước qua cuộc đời ta và để lại những va chạm làm thay đổi chính ta, thì chắc hẳn Chúa còn chưa cho ta cái quyền “già”.

Vậy lý do nào người trẻ chúng ta cứ bị thôi thúc ra đi. Có người thích học hỏi: “Đi cho biết đó biết đây – Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, có người đi tìm niềm vui trong những kỷ niệm bè bạn, có người bay bổng “Đi xem để thấy trời đất hùng vĩ mà cảm tác ơn Tạo dựng của Đấng Tạo hóa”, có người thiết thực “Đi để đến với những người nghèo khó, để nhận ra Chúa giữa mọi người, và giúp đỡ Ngài bằng cách giúp đỡ những người mang hình ảnh của Ngài”, có người tâm niệm một lý tưởng “Ra đi để chia sẻ và xây dựng tình liên đới Ki-tô giáo”, … Với bất cứ lý do gì, tôi đều cảm thấy ở trong tâm hồn họ – những người trẻ sẵn sàng đánh đổi thời gian và công sức của mình cho cái gọi là ý nghĩa của cuộc đời – có một vẻ đẹp kỳ diệu, kín đáo, tiềm ẩn, nhưng mãnh liệt và đầy tràn.

10299090_1433371936919148_3963386714519415129_n
Sùng Đô – cũng giống như những bản H’Mong khác mà tôi đã từng đặt chân đến, có những ngôi nhà gỗ cheo leo trên các vách núi. Người H’Mong có truyền thống sống trên những ngọn núi cao, có cuộc sống thực sự khó khăn, nhưng cũng có những truyền thống đáng khâm phục. Vẫn là như vậy, tôi ngạc nhiên trước sự hồ hởi của những người xứ bản khi có khách đến thăm, tôi trầm lại khi bước vào những ngôi nhà tối tăm, bếp lửa đặt ngay trong nhà – chắc để sưởi ấm nhiều hơn là để nấu ăn, bàn thờ mộc mạc có ảnh Chúa và sách Lời Chúa, bên cạnh đó là một tập vở mỏng của trẻ con. “Sáng chúng nó đi học, chiều thì đi nương” – cụ già bảo tôi thế. Đoàn khảo sát chúng tôi trì trật bước lên những con đường “vạn bước” – nghĩa là sau cơn mưa nó in hàng vạn bước chân của cả người lẫn trâu, bò, lợn, gà. Cả bản đi làm nương, thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp mấy đứa trẻ đi kiếm rau và hái măng sặt, chúng nó nhút nhát, nhưng rất ngoan ngoãn.

10303813_1004085849608005_3401650471478096409_n
Chúng tôi không có nhiều thời gian ở lại bản vì trời sẽ nhanh chóng tối đi, chúng tôi tạm biệt ra về và không quên hẹn gặp lại. Nắng xế chiều hôm, đi trên con đường dốc xuống núi, tôi có cảm giác là lạ, cuộc sống ở đây chênh vênh như chính con đường này vậy. Tôi hỏi cô gái ngồi sau xe “Anh đang tưởng tượng liệu như thế nào nếu mình sống ở đây?” Cô ấy bảo “Chắc anh không ở được đâu, buồn chán chết”. Tôi mỉm cười. Hẳn là như vậy, đến ở thì không nhưng chắc chắn sẽ có lần tôi lại sẽ đi trên những con đường như vậy.

Dường như tôi đã giải mã được cái cảm giác là lạ của mình, tôi biết rằng những Khe Kẹn, Phình Hồ, Giàng La Pán, và bây giờ là Sùng Đô – đó không phải là những cái đích của những chuyến đi trong cuộc đời tôi, mà là những trạm dừng chân trong hành trình dài của cuộc đời mình. Và hành trình đó vẫn đang còn tiếp diễn …

1509685_695972963849111_7980763470794920122_n

Chú thích:
(1) Trích Lời tựa cuốn sách: “ 13 người đã làm thay đổi thế giới”

 

Bài: Tiến Hoàng

Ảnh: Ban Truyền Thông nhóm SVCG Hà Nam

 

Kiểm tra tương tự

Làm gì cũng được, miễn là làm cùng nhau

Nhóm SVCG Lạc Hồng chính thức sinh hoạt và có những định hướng ban đầu …

Thánh lễ khởi đầu sứ vụ Giám Tỉnh của Cha Giuse Phạm Tuấn Nghĩa, S.J.

Sau khi được cha Bề Trên Cả Dòng Tên Arturo Sosa, S.J. bổ nhiệm làm …

Một bình luận

  1. ad có thể cho e thêm chút thông tin được không ạ. sắp tới chúng em muốn lên đấy làm thiện nguyện ạ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *