Một vấn đề của sử học Việt Nam: Vị trí của Đại Việt, Chiêm Thành, Phù Nam trong lịch sử Việt Nam

Một vấn đề của sử học Việt Nam: Vị trí của Đại Việt, Chiêm Thành, Phù Nam trong lịch sử Việt Nam

Bất thức lư sơn chân diện mục

Chỉ duyên thân tại thử sơn trung

(Tô Đông Pha)

Nội dung:

  1. Một vài quan điểm (của ông NGUYỂN PHƯƠNG, ông HỒ HỮU TƯỜNG)
  2. LẠC VIỆT là CỔ VIỆT
  3. SỰ THÀNH HÌNH SƠ KHỞI CỦA QUỐC GIA VIỆT NAM
  4. HIỆN TƯỢNG GỌI LÀ NAM TIẾN: dòng lưu chuyển nhân chủng
  5. HIỆN TƯỢNG GỌI LÀ NAM TIẾN: dòng lưu chuyển văn hóa.
  6. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: lịch sử nhìn từ bên trong các bộ phận tập thể

 

  1. MỘT VÀI QUAN ĐIỂM

CÂY CÓ CỘI, NƯỚC CÓ NGUỒN

Lúc lớn lên, không ai chú ý để nhớ mình đã học câu ấy vào lúc nào của cái thời học đọc, học viết. Nhưng điều quan trọng chắc không phải ở nơi thắc mắc có tánh cách lý trí đó. Điều ta chú ý bây giờ chính là ở sự tràn trề tình cảm trong ý nghĩa luân lý ẩn giấu nơi lời xác nhận có vẻ lửng lơ, có vẻ “cách trí” của lời khuyên kia. Có lẽ chính bởi sự thúc đẩy tình cảm mà ban sơ người ta đi tìm quá khứ của tập thể mình. Nhưng từ chỗ bắt đầu đó, người ta lại phân tán ra… Bởi vì trong suy tưởng, người ta phải được hướng dẫn bằng lý trí – bao hàm sự chấp nhận và phủ nhận những lý trí tập thành, thứ “danh khả danh” quen thuộc của loài người.

Người ta đã tìm biết gì và tìm biết bằng cách nào quá khứ của quốc gia dân tộc? Lý tế Xuyên, Trần thế Pháp… Ngô sĩ Liên, Phan thanh Giản… Ngô Thì Sĩ… kẻ nhàn cư ngờ nghệch ghi chuyên “trâu ma, rắn thần”, người cẩn trọng một cách vụng về, ghi chép, hay trông coi người ghi chép những đời vua, họ chúa kế tiếp nhau ngự trị trên một vùng đất nước, kẻ lại hãnh diện muốn chen ngòi bút Xuân thu vào sách vở. Nhưng cho dù không đồng ý nhau về việc phân chia thời đại, – Đinh là thuộc ngoại kỷ hay bản kỷ – về việc chấp thuận triều đại – Triệu là “triều ta” hay không -, các sử quan ngày xưa của chúng ta cũng xoay quan điểm quanh sự phát triển của dân tộc đến thời đại họ, ở khu vực họ sống.

Lịch sử được ghi chép ở đây là lịch sử giành sống độc lập của đám con cháu thần nông, đời Hồng bàng, có vua Hùng, Lạc Hầu, Lạc tướng chống đối với sức đồng hóa của người láng giềng mạnh, vừa là thù vừa là thầy ở Phương bắc. Là thù của họ nên đánh đuổi họ cho “sơn hà nam đế cư”, là học trò nên chấp nhận quan điểm “trung hoc”, “trung quốc” đem đặt ở đồng bằng Nhĩ hà, coi các tập thể chung quanh là “phiên”, là “liêu”… để mở rộng cương giới, vừa tăng thêm nguồn sinh lực quốc gia, vừa tránh xa ông thầy khó chịu cứ chực tròng ách nô lệ lên trên đầu. Biển phía đông, núi bên tây đóng khuôn lại con đường phát triển về nam.

Thời Pháp thuộc, các sử gia Tây phương coi sự phát triển đó của quốc gia Việt nam như một bằng cớ biện hộ cho công trình thực dân của họ. Các sử gia ta thì nhắm mắt chấp nhận lý thuyết đó để lấy một niềm an ủi trong quá khứ oai hùng của dân tộc so với hiện tại đau buồn mà quốc gia phải chịu. Cũng nên lưu ý rằng quan điểm đó không phải là kết quả của một chấp nhận cố ý thức: lối mòn dễ đi, vì quen thuộc, không thắc mắc thành tự nhiên; các sử gia của ta của thế kỷ 20 đem danh từ “nam tiến” choàng lên sự lấn lướt của chiều suốt gần mười thế kỷ dẫn dân tộc Việt nam từ đồng bằng Nhĩ hà đến đồng bằng Cửu Long, tiêu diệt dân tộc Chiêm Thành, một phần Chân lập mà các sử gia quan xưa đã lần lượt ghi nhận.

Cho nên mới có lời thương vay, khóc mướn, cùng lời biện hộ lúng túng của một sử gia đáng kính vừa qua đời:

“… Nước Chiêm Thành là nước Lâm ấp ngày trước đã từng quan mấy trăm năm, cùng với họ Lý, họ trần đối địch, chống với quân Mông cổ, không cho xâm phạm bò cõi, lập nên một nước có vua, có tôi, có chính trị, có luật pháp. Nhưng chỉ hiềm người nước ấy cứ hay sang cướp phá ở đất An nam, thành ra hai nước không mấy khi hòa hiếu được với nhau.

Đã là đối địch với nhau thì không sau (sao?) tránh được cái luật chung của tạo hóa là khỏe còn, yếu chết (…) Chẳng những là đến nổi mất nước với chúa Nguyễn mà chủng loại Chiêm thành bây giờ cũng chẳng còn được mấy nghìn người nữa. Một nước xưa như thế mà nay như thế, dẫu rằng nước ấy đồng hóa với nước ta mặc lòng song nghĩ cũng thương tâm thay cho những nước yếu hèn không tránh được khỏi cái họa: “cá lớn nuốt cá bé”[2]

Không muốn đứng trong con đường vạch sẵn, có ông Nguyễn Phương và ông Hồ hữu Tường.

Trình bày lại thuyết của ông Nguyễn Phương nơi các bài “Lịch sử Lạc Việt” [3], “Tiến trình hình thành của dân tộc Việt nam [4], để từ đó tìm xem ông đặt vị trí Lạc Việt vào đâu trong lịch sử Việt Nan, thật phải đầy ngại ngùng. Vì có một người, ông  Bùi hữu Sũng khi hết sức dè dặt bày tỏ cho ông thấy những dấu vết Lạc việt còn lại trong sinh hoạt dân chúng, đã khiến ông phải rầy la. Tuy nhiên một lời viết ra là để cho kẻ khác hiểu, và kẻ khác hiểu những gì, một phần tùy vào mớ kiến thức có sẵn của họ, phản ứng tình cảm của họ… đã khiến họ thu nhận như thế nào, nhưng phần lớn khác cũng là bởi sự thực nằm trong những ý kiến phát biểu kia đã hướng dẫn họ. Bởi vậy, chúng tôi cũng phải tóm lược thuyết của ông Nguyễn Phương, đinh ninh rằng đã hiểu theo như ông đã cho mọi người cùng hiểu.

Chúng ta có thể nói gọn lại – sau những lời dè dặt trên – là ông Nguyễn Phương muốn nghĩ rằng người Lạc việt “không phải là tổ tiên của người Việt nam”, “không phải dân Lạc việt, người Việt nam rất giống dân Trung quốc: Người Việt nam ngày nay giống người Trung quốc về cả phương diện nhân chủng, cả về phương diện phong tục, tôn giáo, xã hội và đồng thời không giống gì hết về các phương diện đó với người Việt xưa ở đất cổ Việt”.

Kết luận có được là vì ông đã tìm tòi rành mạch rằng “sử sách không hề nói người Việt ở Nam việt đã di cư, trái lại có những tài liệu cho biết con đường Nam tiến của dân Trung hoa”. Đến đồng bằng Nhĩ hà “ ở trong hoàn cảnh mới này, người Trung quốc đã (…), đầu ít lâu nhiều (…) kẻ trước, người sau (…), lúc đầu ở gần người Lạc-việc, về sau mới lan dần ra miền châu thổ (…) Tiến trình hình thành dài mười thế kỷ. Thời gian đó, đủ để làm cho người Trung Quốc di cư từ đời này qua đời khác đến ở đất Đại Việt biến thành người Việt Nam…”

Thế là dứt khoát. Nguồn gốc xa xôi của nước Việt “chỉ có trong tưởng tượng của Ngô Sỉ Liên chứ không có trong sự thật…” Dân Lạc Việt cũng như dân Chàm, Cao Miên sau này đã từng sống trên đất Việt Nam, nhưng không phải là dân Việt Nam. Không chịu bằng lòng ở thời kỳ xa xưa đầy vẻ huyền hoặc khó cho một khối óc duy lý kiểu Aug. Comte chấp nhận, ông Nguyễn Phương rứt mạnh một cái: lịch sử Việt Nam thu ngắn lại trong phần sang sủy, rành mạch dễ chấp nhận hơn.

Trái với ông Nguyễn Phương, ông Hồ Hữu Tường muốn gom lại coi lịch sử Lạc Việt, Chiêm Thành, Chân Lạp là ba bộ phận lịch sử của Việt Nam, phát triển đồng quy đến độ kết thành cao nhất vào thế kỷ 19. Chiến tranh giữa các nước đó là cuộc chiến tranh phong kiến như cuộc chiến tranh phong kiến ở nước Pháp, thế thôi… Ông dẫn chứng rằng dân Miên chẳng hạn, không bị tiêu diệt mà chỉ bỏ tiếng Miên nói tiếng Việt. Không có vấn đề diệt chủng, chỉ có hiện tượng thay thế ngôn ngữ, hiện tượng “tiếng nuốt tiếng” thôi. Ông ví văn minh Việt Nam như các tầng lớp phù sa ở Hậu Giang: Nho, Phật, Lão và Tây Phương bồi đắp trên một nền văn hóa “trinh thuần” Việt như đất sét nguyễn kết rơm rạ, tre thành vách nhà [5].

Giả thuyết này đáng chú ý ở chỗ mới mẻ và táo bạo của nó. Đáng tiếc là nó mất đôi phần tác dụng thuyết phục khi được lồng trong những chuyện ngụ ngôn, ma quái, tiểu thuyết, nằm trong những “thị kiến” của một lãn nhân, thị kiến mà như nhà văn Nguyễn mạnh Côn đã nói, có dọn sẵn con đường rút lui khi thất bại sã làm thành “vẻ đẹp của người nghệ sĩ”. Tuy chuyện ma quái đối với người hiểu biết chỉ là viên thuốc bọc đường để độc giả bình thường nuốt trôi được những lý thuyết khó khăn, nhưng việc trình bày lý thuyết mãi mãi dưới hình thức ngụ ngôn cũng chứng tỏ một ẩn ý hoài như không che giấu được. Ưu thế chăng là nhờ ở hình thức cợt đùa, bóng bẩy, rõ ràng như là không thực mà tác giả có thể vượt qua được những yếu kém về luận cứ, để không ai trách tác giả và mặc khác lý thuyết có vẻ suông sẻ, thuần nhất hơn.

Đành rằng óc sáng tạo làm nảy sinh luận thuyết cũng đồng bản chất với mối kích động trong tinh thần nghệ thuật, nhưng người đi tìm hiểu vẫn mong trở lại chịu đựng sự khắc khổ trí thức để dừng nơi những bấu víu xác đáng, cho sử học, thành một khoa hoa, cho người ta thấy rõ quá khứ trong giới hạn khả năng cho người – cả người chỉ vạch lẫn kẻ thu nhận. Trên nền tảng đó, chúng ta gắng đi tìm vị trí đích thực của ba tập thể Đại việt, Chiêm Thành, Phù Nam trong lịch sử Việt Nam.

Kiểm tra tương tự

Chúng ta có thực sự biết mình cần một Đấng Cứu Tinh?

  Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, chúng ta dễ bị cám dỗ …

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *