Một vấn đề của sử học Việt Nam: Vị trí của Đại Việt, Chiêm Thành, Phù Nam trong lịch sử Việt Nam

Bởi vậy, các cuộc đào bới mới phát hiện được nền văn minh Lạch Trường (đầu đến cuối thế kỷ III) trong vùng Bắc Ninh (Lim, Nghi Vệ), Thanh Hóa (Lạch Trường)[30] không phải là một nền văn minh của một đám dân riêng biệt; ta có thể coi sự khai quật đó bổ túc cho sự hiểu biết về hình ảnh nền văn minh của đám dân bản xứ miền châu Giao, châu Hoan. Một dụng cụ ba chân, trang trí với đầu con gà trống, xâu tai hình trụ bằng chai của người Mường, chỉ rõ chủ nhân ông của nền văn minh này. Hình người râu tóc như của nghệ thuật Gandhara, vị thần Pan Ấn độ hóa mang trước ngực một vật hình viên trụ (linga), một hình giống như thần giám hộ Dwara palas, tường đánh xập xỏa, tượng thổi sáo, tất cả chứng tỏ nguồn gốc xa với là Đông Địa trung hải, nhưng nguồn gốc cận là xứ Phật.

Bởi vậy, khi dân Giao Chỉ, Cửu Chân thôi cách làm ruộng Lạc để dung điền khí thì vùng Óc Eo vượt qua giai đoạn Samrong Sen để lập thành vương quốc Phù Nam mà đám dân indonésien sống trên nhà sàn, buôn bán, chài lưới, nhận một ít ảnh hưởng Trung Hoa, Cận Đông và rất nhiều tính cách Ấn độ với các thứ cối xay Pesani, tiền bạc đánh hình các conque của Vishnu, bóng dáng những tia sáng mặt trời[31]…, với truyền thuyết xây dựng nước do sự phối ngẫu giữa một người brahmane tên Kaundinya và một nàng công chúa bộ lạc thờ rắn Naga[32].

Ảnh hưởng Ấn độ vào đầu kỷ nguyên cũng đủ mạnh để rút khỏi quyền lực Trung Hoa một vùng đất đã chịu đầu phục Thiên triều: huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam. Khu Liên, người làm phản nhà Hán, giết huyện lệnh, tự lập làm vua xứ Lâm Ấp năm 192, là con viên Công tào huyện đó, giống như trường hợp của Dương Thanh, viên cựu thứ sử châu Hoan, “đời đời làm chủ dân Mường”, những người bản xứ cũng ra làm quan, lại cho phủ Đô Hộ. Không biết đám dân Đông sơn bị Mã Viện xua đuổi, có Chu Bá chạy thoát, có góp phần với Khu Kiên để thành lập nước mới không? Chỉ biết từ khi nước này được xây dựng nên, tựa trên sự giao thương miền biển dung dưỡng sinh hoạt cướp bóc – do đó nền tảng chủng tộc indonésien của họ đã pha rất nhiều giống Mã Lai -, sự quấy nhiễu của họ vào Giao Chỉ từ thế kỷ thứ 3 đã đóng góp một phần không ít vào sự tan rã chính quyền ở đây.

Trong khi đó, dân Giao cũng lợi dụng sự suy bại ở chính quyền Trung Quốc vì mâu thuẫn nội bộ, vì sức lấn át của văn minh du mục miền Sa mạc, để mà tìm cách thoát ách ngoại bang. Nằm trong truyền thống cũ để mà chống đối, tuy rõ rệt là ở vào thế yếu kém hơn trước nhiều, là Bà Triệu (248) mà hình ảnh nữ lưu lấn át hình ảnh người anh Triệu quốc Đạt, tiếp nối hình ảnh Bà Trưng che khuất chồng trong cuộc khởi nghĩa 40. Người phụ nữ này là đại biểu cuối cùng ở miền Bắc của quan niệm đàn bà có uy quyền chủ tể, quan niệm, bắt nguồn từ tín ngưỡng nông nghiệp xưa và âm vang còn lại trong chuyện chia con: Hùng vương thứ nhất thuộc vào 50 người trong số Tiên nữ đem lên núi.[33]

Như trên đã nói (phần II), trong thời thuộc địa, uy tín kiến thức, giàu sang của cải về tay những người gốc Trung Hoa một phần lớn. Thêm vào đó, những tù trưởng của bộ lạc bàn xứ cũng được dùng vào các ngạch cai trị, nên có thể chia xẻ những quyền lợi. Một số dân thuộc hạ của các vị này thoát khỏi vòng kiềm tỏa của họ đến sống nhập chung với đám dân mất chủ trong những cuộc chống đối trước, để trở thành thuộc dân các thành trì, thuộc dân dưới quyền những nhà hào phú. Đó là xã hội của những bộ mặt Lý Bí, Mai Thúc Loan, của Dương diên Nghệ với đám “con nuôi” ba ngàn người…

Phật giáo hiện rõ nơi hình ảnh những vị “hồ tăng” theo hầu Sĩ Nhiếp, đem đến một quan niệm bình đẳng mới giúp cho một số người có hướng thoát những kiềm tỏa cũ về bộ lạc, về tương quan cai trị – bị trị… Nho học đem ra giảng dạy cho dân bản xứ cũng làm cho sự cách biệt bị trị – cai trị bớt đi, đem người bản xứ thành đồ đệ của đạo Thánh, thành một người gần như Trung Hoa, khiến họ có thể thi cử, làm quan, tiến đạt trong hệ thống sĩ phu. Sự thông thương mở rộng khiến một số người trở thành hào phú. Đó là trường hợp của Lý Tiến, Lý Cầm, Tinh Thiều, Khúc Hạo…

Nhưng đám dân thuộc địa dù xuất xứ từ đâu cũng vẫn là một thứ dân Trung Hoa hạng nhì. Lý Cầm phải phủ phục dưới sân Hán Hiến để kêu khóc mới xin được cho người Giao Chỉ làm quan. Tinh Thiều học giỏi nhưng không được bỏ dụng; Dương Thanh thứ sử Hoan Châu, bị Đô Hộ Lý tượng Cổ triệu về làm nha tương để dễ bề trông chừng. Đó là không kể những áp bức tập thể nhắm vào đám thổ dân. Cho nên, Tinh Thiều, tù trưởng Châu Diên Triệu Túc theo phò Lý Bí nổi dậy, thời Nam-Bắc triều; Mai thúc Loan dấy quân 40 vạn (quá nhiều !) xưng Hắc đế, liên kết với Lâm Ấp, Chân Lâp làm phù trợ bên ngoài. Kẻ thất bại, người thành công tạm thời, nhưng những cuộc nổi dậy đó đã gây men chống đối, nung đúc ý chí độc lập, rèn kinh nghiệm giữ chánh quyền cho đám dân địa phương đến bây giờ đã Trung Hoa hóa một phần về chủng tộc và văn hóa.

Sự kiện quan trọng nữa vừa phát sinh: sự thành hình của tiếng nói Việt Nam. Ngôn ngữ này lấy những âm tố (phoneme) Mường làm căn bản, mượn các thanh giọng ở người Thái hoặc Trung hoa mà cấu thành[34]. Phật giáo của các vị sư, Nho giáo của Sĩ Nhiếp và các sĩ phu, thương nhân đi làm ăn xa, tất cả đã góp phần vào việc dồi dào thêm một thứ tiếng mà tính cách dản dị, phong phú sẽ đóng một vai trò quyết định trên phần đông bán đảo Đông Dương này.

Người học trò Việt cứng đầu ngăn chặn ảnh hưởng Trung Hoa ở phần đất bắc, bỏ rảnh phần phía nam Hoành Sơn, cho ảnh hưởng Ấn Độ lan vào càng sâu đậm. Ta đã nói là Khu Liên có những tính chất giống như Mai Thúc Loan, Triệu Túc, Dương Thanh: cũng là quan lại hay là kẻ ít nhiều thần phục Triều đình, chính quyền Đô Hộ mà xuất thân là tù tưởng bộ lạc: nước Lâm Ấp cũng chỉ là một phần đất bị đô hộ được độc lập sớm hơn vùng trung châu miền Bắc vì ở nơi xa xôi hơn. Bởi lẽ đó, những cuộc cướp phá liên miên sau thời thuộc trị vào Giao Chỉ, chỉ là tiếp tục mở rộng thành quả của buổi đầu mà nước Lâm Ấp, vì thái độ thù nghịch với Trung Hoa, và vì ảnh hưởng có sẵn, đã trở nên kẻ đại diện xa xôi nhất về phía đông bán đảo của văn minh Ấn Độ.

Thổ ngữ indosésien còn thấy trên bia đá vùng Trà Kiệu (cuối thế kỷ thứ IV) nhưng Bhadravarman (Phạm hồ Đạt) đã xây ở Mỹ Sơn đền thờ đầu tiên thờ thần Civa Bhadrecvara. Tiếng đồn về sự giàu có của xứ Lâm Ấp nhờ vị trí tiếp nối thương mại Trung Hoa, Ấn Độ, Ba Tư, có quyến rũ được Lưu Phương vào cướp phá Trà Kiệu (605) cũng không ngăn được sự tiếp nối nơi các danh hiệu Hoàn vương, Chiêm thành. Vương triều thứ VI (860-986) đóng đô ở Indrapura (thành phố của thần Indra, Đồng  Dương bây giờ) năm 875, nâng đỡ cho Phật giáo Đại thừa phát triển mà ảnh hưởng sẽ góp phần ngược lên phía bắc.

Ấn Độ ở đông bán Đông dương chỉ có đại diện văn hóa dưới hình thức thương nhân, giáo sĩ chứ không phải binh lực, cho nên khi nước Phù Nam được người bạn Lâm Ấp đỡ đòn quân đội Trung Hoa ở miền bắc, thì có đủ rảnh rang để phát triển thương mãi, mở rộng đất đai với triều Jayavarman (480-514). Những liên lạc sứ thần với triều Ngô (giữa thế kỷ thứ III) ở Giang Đông, với triều Lương (thế kỷ thứ VII) đã lưu sử liệu cho đời sau: Ấn Độ hiện hiện trên tầng lớp quý tộc với các tín ngưỡng Civa, Vishnu, Phật giáo Tiểu thừa.

Thế nhưng từ giữa thế kỷ VI đến giữa thế kỷ VII, nước Phù Nam phải sáp nhập vào nước tân lập của nhóm người Khmer từ trung lưu Mékong theo dòng tràn xuống. Danh hiệu “vua núi” vẫn được các vua Chân Lạp tiếp tục sử dụng cho hợp với tin tưởng về quả núi Méru trong truyền thống Ấn Độ và qua truyền thống địa phương nơi các đền thờ cùng Angkor. Thần Civa với biểu tượng Linga vẫn được tôn thờ. Dấu hiện totem của bộ lạc naga dẫn xuất nơi con rắn trên giường vua. Nhưng nếu có những dấu vết về phương diện mỹ thuật, suy tưởng, xác định rằng Chân Lạp tiếp tục truyền thống Phù Nam, thì dấu vết địa lý văn hóa lại tỏ ra có sự khác biệt giữa hai nước: trọng tâm của Chân Lạp nằm trên vùng Biển Hồ dựa trên sức phát triển về nông nghiệp trong vùng để làm cơ sở cho một nền văn minh muốn địa phương hóa những kiểu mẫu Ấn Độ[35]. Trong khi đó, kinh đô Phù Nam, Vyâdhapura, nằm phía hạ lưu Cửu Long, vùng Preyveng bây giờ. Vị trí kinh đô đó phù hợp với tính chất một nước mà sự giàu sang mạnh tùy thuộc vào dòng thương mại phồn thịnh trên mặt biển, ghé qua địa điểm Óc Eo làm bến đỗ.

Chân Lạp vẫn giữ truyền thống nội địa của mình và sự tách biệt đối với Phù Nam khiến cho trên phần đất họ kiểm soát rộng từ Chantaboun tới Chiêm Thành phải in dấu vết nứt rạn từ năm 706: Lục Chân Lạp ở phía Bắc là một vùng rừng núi xen các thung lũng, Thủy Chân Lạp phía nam gồm những vùng lầy lội, khí đất xông và đầy rắn rết độc địa. Kinh đô Pnom Kulen của Jayavarman II người giải thoát Chân Lạp khỏi ách đô hộ của dòng Cailendre (Java) kinh đô Angkor đầu tiên của Yacovarman I (889-900) và sẽ là kinh đô liên tiếp của Chân Lạp suốt năm thế kỷ rưỡi, tất cả đều nằm trong vùng biển hồ đầy cá, tốt lúa nuôi dân đông đúc và có thể thông thương với phía Ménam bằng các phụ lưu của hai lưu vực. Cho nên mọi tài nguyên đều đổ dồn về vùng Angkor: tài nguyên nước Chiêm Thành mà kinh đô Vijaya bị chiếm năm 1145, từ các cuộc viễn chinh Đại Việt (1132,1137,1150) được Suryavarman II (1113-1150) đem về xây cất Angkor Vat, tài nguyên từ sự phát triển hồi phục để cai trị đất Chiêm Thành (1190) trên 30 năm của Jayavarman VII được đem ra hoàn thiện Angkor, xây Angkor Thom và đền Bayon cùng các kiến trúc Ba teay Kdei, Ta Prohm, Preah Khan, Neak Peân.

Trong tình hình đó, Thủy Chân Lạp, thối thân của Phù Nam, nằm thiêm thiếp cho đến thế kỷ 18 mới trở lại tột đỉnh của một vị trí hàng hải với đội thủy quân của Nguyễn Ánh.

 (Còn tiếp)


[1] Tập san Sử Địa là một tập san sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sưsinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, phát hành mỗi 3 tháng. Tập san do nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã chủ biên với sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm có 29 số (22 tập), được phát hành từ năm 1966 cho tới sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 thì ngừng lại. Ban chủ biên tập san có sự tham gia của các chuyên gia như giáo sư Nguyễn Thế AnhBửu CầmPhan KhoangPhạm Văn SơnPhạm Cao DươngQuách Thanh TâmTrần Anh TuấnTạ Chí Đại Trường, Chen Chin Hô tức Trần Kình Hòa, Đặng Phương Nghi… Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu tham gia viết bài như Hoàng Xuân HãnLê Văn HảoVương Hồng SểnHồ Hữu TườngNguyễn Hùng Cường,Nguyễn Đăng Thục … (Theo http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_san_S%E1%BB%AD_%C4%90%E1%BB%8Ba )

 

[2] Trần trọng Kim, Việt nam sử lược, Tân Việt tái bản lần thứ 5, Saigon, 1954, tr 328.

[3] Đại học sư phạm ,tập 1, niên khóa 1980 – 61 Huế, 17-35; tạp chí Bách khoa Thời đại, các số 196-200, tháng 3.5.1965.

[4] Tạp chí Đại học Huế, tháng 6.1963, 151-219. Những dòng chữ in xiêng trong trích văn sau là do chúng tôi gạch.

[5] Cô Hồng Minh – Hòa Đồng, số 7, ngày 20.3.65, trang 9

[6] H. I. Marrou, De la connaissance Historique, De Seuil, Paris, 1961, 315

[7] Chúng tôi căn cứ trên hai bản dịch, chú của Giáo sư Lê hữu Mục, Khai Trí xuất bản, 1961.

[8] Nhượng Tống, Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Ngoại kỷ (dịch), Tân Việt tái bản, Saigon, 1964, 35

[9]  H. Brunchwig, Unfaux proplè: l’ethnohistoire, Annales: Economie Sociétés – Civilisations, A. Colin?, Mars-Avril 1965, 291-300

[10] Xin xem bề thế của quyển L’histoire et ses Méthodes, Encyclopédie de la Pléiade. Paris, 1961

[11] Các số Bách Khoa Thời Đại 201-250, tháng 5,6,7/1965.

[12] Tạp chí Quê Hương – Bộ 2 – tập 3 – số 36 – tháng 6/1962, trang 133-172

[13] H.Vallois, Les Races Humaines, P.U.F.1948-M. Hankins, Les Races dans la Civilisation, Payot, 1935,6 – Dr.G.Montandon, Larace et les Races, Payot, 1933, chap.III –A. Montagu, Les Premiers ages de l’Homme, Marabout Université, 1964 Cháp VI.

[14] Les Prigines el la Diffusion de la Civilisation, Payot, Paris, 1951, 186-89, 331-35

[15] Táo chú Missi, 6-1960, 198

[16] Thực ra, theo bản bính duy kỷ, dân tộc nào cũng tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, nhất là đối với các dân tộc văn minh sớm. Riêng về dân tộc Trung Hoa, ta hãy xem niềm hãnh diện của một nhà sử học Trung hoa hiện đại, ông Trần kinh Hòa, khi phê bình hành vi của nhà sư Thích đại Sán từ Quảng đông qua giúp Nguyễn phúc Chu. “Bình tâm mà xét, truyền pháp cho phiên quốc vương có gì là tội lỗi, và đứng về quan niệm truyền thống của văn hóa Trung quốc mà nói thì “viễn bá thánh giáo” còn đáng được khuyến khích là khác… Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại Học Huế, 1963, phần khảo cứu, 250)

[17] Chữ của ông Nguyễn Phương.

[18] Phải đặt vấn đề ngày cho khỏi có những phi bác hấp tấp: có thể chấp nhận được một sự đối chiếu lịch sử không? Thiết tưởng tương quan giữa xã hội học và lịch sử thật quá mật thiết để ta khó có thể phủ nhận được điều này. Một kh sử học còn dùng một cách có ích những kiến thức xã hội học để phát triển tìm tòi, thì một sự đối chiếu có giới hạn với ý thức cảnh giác về tính cách riêng biệt (singulier) của sự kiện sử học, chắc sẽ không khiến người ta lầm lạc quá xa.

[19] Mme M. Cornevin, – Histoire de l’Arique, Pte Bibliothèque Payot, Paris, 1962.

[20] Etude d’Histoire d’Annam, B.E.F.E.O., 1918/3,39.

[21]  Đại Việt Sử Ký, sdd, 211, 212. Trong khi dẹp loạn Nam Chiếu, Cao Biền đến Phong Châu thì gặp 5 vạn người di đang gặt lúa, bèn chém giết. Chiến dịch giành lương thực này, hẳn không phải chỉ động chạm đến quân Nam Chiếu, cho nên phải hiểu đám man di nói ở đây là thổ dân vậy.

[22] Xin xem bài ông Nghiêm Thẩm đã dẫn, chú ý đến nghĩa thực sự hướng dẫn những luận cứ của ông Hồ hữu Tường, về đạo Trung Quang trong các tiểu thuyết và luận thuyết của ông; Tư mã Thiên, Sử Ký 113, 3a, do ông Nguyễn Phương (Tiến trình…, 165) trích.

Vế ý kiến danh tính chủ nhân nên văn minh nông nghiệp Sam rong Sen của bà P. Laviosa Lambotti, ta nhận thấy rằng ý bà có hàm sự cách biệt dân tộc, văn hóa của hai miền nam, bắc trong thời đại lịch sử, khi bà nói đến cuộc nam tiến của những người Mông cổ hình thái mới (Mongoloide néomorphe) theo đồ đồng, đồ sắt. Về ý kiến nền nông nghiệm Samrong Sen phát xuất từ trung tâm Hoàng Hà, ta nên lưu ý đến kiến giải ngược của G. Clark (La Préhistoire de l’Humanité, P.B.P., Paris, 1962, 238) chủ trương rằng dấu vết hạt lúa trên mảnh đồ gốm ở thôn Yangshao, thuộc Hà Nam vào khoảng 1500 nằm trước tây lịch, chứng cớ xưa nhất đó ở tận cùng giới hạn vùng trồng lúa khiến người ta nghĩ rằng lúc do đám nông dàn hạ lưu Dương Tử đã trồng vào thời đồ đá mới.

Một bản đồ về Trung Hoa thời Thất quốc trong LaChine Ancienne P.U.F., Paris, 1964, 88, 89) của J Gernet khiến ta lưu ý đến các điểm: địa giới nước Sở thong xuống phía nam như cái bị, nước Việt ở vùng Giang hạ nằm trong khu vực Chiến Quốc còn sát phía nam địa giới thì có các “rợ” Dương Việt, “rợ Mân Việt,  “rợ” U Việt.

[23] Lời chú số (2), (3) của Maspéro, bđd, 8

[24] Trần kinh Hòa. Giáo sư Maojiro Sugimoto và học thuyết trong cuốn sách mới của Tiên sinh: Nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á Đại học. 1-1959, 101.-khảo về danh xưng Giao Chỉ, Đại học, 7-1960, 146

[25] P. Laviosa Lambotti, sdd. M. Giteau, Histoire du Cambodge, Didie Paris, 1957, 8-9. –A. Dauphin Mennier, Historie du Cambodge, P.U.F. Paris 1961, 8,9.

[26] G. Clark, sdd, – O.R.T. Janse, Nguồn gốc văn minh Việt nam, Đại học xuất bản, Huế, 1861, 5. Theo các ông này, văn minh Đông Sơn nửa indonésien, nửa Trung Hoa đó, xuất từ thế kỷ thứ 5 trước tây lịch kỷ nguyên. Nhưng với dấu vết của đồng tiền Ngũ Thù của Vương Mãng, ta biết văn minh này phát triển mãnh vào thời Tây Hán.

[27] Tiến trình hình thành?, 164, 165.

[28] Trần kinh Hòa, Khảo về danh xưng Giao chỉ…, hình vẽ các mác đồng. Về thống đồng ở Đào Thịnh, xem Nghiêm Thẩm, bđd, 157

[29] A. Dauphin Meunier, sdd, 9,10.

[30] O.R.T. Janse, sdd.

[31] Bài điểm sách: L. Malleret, L’Archéologie du della du Mékong t.I, t.II, t.III, t. IV, trong B.S.E.I. t. XXXIV/4, 1959, t. XXXVI/4, 1961, t. XXXIX/1, 1964.

[32] A. Dauphin Meunier, sdd, 8.

[33] Cho nên ta không ngạc nhiên như Lê văn Hưu khi lấy làm lạ rằng sau Bà Trưng cả 200 năm, không có một đấng “mày râu” nào phất cờ khởi nghĩa cả mà kẻ ra quân lại là một bậc anh thư. Các cuộc loạn ở Cửu Chân, Nhật Nam các năm 144, 160, đều không có tên chủ tướng (vì ô hợp) vì chưa đủ sức kết tập sau những cuộc đàn áp năm 43 và tiếp theo. Cuộc loạn Triệu còn giữ tên chủ tướng tỏ ra có quy mô hơn là gắng gượng trỗi dậy cuối cùng của truyền thống Lạc Việt cũ ở một nơi cách trở như là quận Cửu Chân.

[34] P. Huard và Maurice Durand, Connaissance du Vietnam, Hanoi, E.F.E.O. 1954, 46.

[35]  P résence du Cambodge, Fr – Asie, No 114-115, Nov-Bec 1955, 339-344.

Kiểm tra tương tự

Chúng ta có thực sự biết mình cần một Đấng Cứu Tinh?

  Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, chúng ta dễ bị cám dỗ …

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *