Lm. Nguyễn Ngọc Thế, SJ.
Hướng mắt ngắm nhìn Thánh Giá.
Giờ đây tập trung hướng nhìn Đức Kitô trên thánh giá. Chúng ta thấy gì và chúng ta cảm nghiệm điều gì ? Chắc chắn mỗi người một cảm nhận riêng biệt. Nhưng hôm nay, đầu tiên chúng ta để thánh An-tôn thành Pa-do-va nhắn nhủ chúng ta : “Chúa Kitô là sự sống của bạn, bị treo trước mắt bạn để bạn nhìn vào thập giá như nhìn vào một tấm gương. Nơi đó bạn có thể nhận biết các vết thương của bạn có thể gây chết chóc như thế nào, các vết thương không có thuốc nào chữa được, nếu không phải là thuốc Máu của Con Thiên Chúa. Nếu bạn nhìn kỹ, bạn có thể ý thức được bản tính nhân loại của bạn và giá trị của nó lớn lao đến mức nào… Không ở nơi nào khác con người có thể ý thức được giá trị của mình cho bằng khi nhìn vào tấm gương của thập giá”. (Sermones Dominicales et Festivi III, tr.213-214).
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giải thích lời của thánh An-tôn trong ngày gặp gỡ một nhóm tín hữu hành hương vào ngày 10.02.2010 như sau : “Khi suy ngắm các lời này chúng ta có thể hiểu rõ ràng tầm quan trọng của hình ảnh của Thập Giá đối với nền văn hóa của chúng ta, đối với thuyết nhân bản của chúng ta nảy sinh từ đức tin Kitô. Chính khi ngắm nhìn Thánh Giá chúng ta thấy phẩm giá và giá trị của con người cao cả biết bao. Không có điểm nào khác có thể giúp hiểu con người giá trị dường nào, chính bởi vì Thiên Chúa khiến cho chúng ta trở nên quan trọng đến thế, Ngài coi chúng ta quan trọng đối với Ngài đến độ đáng cho Ngài phải đau khổ. Như thế phẩm gia con người xuất hiện nơi tấm gương của Thánh Giá và hướng nhìn về Thánh Giá luôn là suối nguồn việc thừa nhận phẩm giá con người”.
Ôi, thật tuyệt vời biết bao nhiêu, khi chúng ta khám phá phẩm giá cao quý của chúng ta trên chính Thập Giá của Đức Kitô. Một thập giá giương cao như muốn nói với chúng ta rằng : “Trong đôi mắt Cha, con thật là quý giá”. Và quý giá đến nỗi, Đức Kitô như vị mục tử nhân lành giờ đây hy sinh chính mạng sống mình cho chúng ta, những người của riêng Ngài, những người là một phần của chính Ngài. Thật không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống cho người mình yêu. Ôi tình yêu cao quý ! Ôi tình yêu nở hoa trên thập giá ! Dừng bước nơi đây, chúng ta cùng nhau tri ân cảm tạ Chúa, Đấng là một phần của chính chúng ta, và chúng ta là một phần của chính Ngài.
Ngắm nhìn Đức Kitô xong, chúng ta hãy trở về với chính mình. Như ngày xưa, có rất nhiều người đứng dưới chân thập giá của Đức Kitô. Có người tỏ lộ nét hận thù oán ghét, có người mang nét của hung hăng và nhạo báng, và cũng có cả những người dửng dưng bước qua thập giá của Đức Kitô, mà chẳng một ánh mắt cảm thông, nhưng cũng có những khuôn mặt tỏ lộ cảm thông và sẻ chia, đớn đau và xót thương. Đám đông đang ở dưới chân thập giá của ngày xưa, và cả chúng ta ngày hôm nay, như muốn đưa ra một lời nhắn nhủ: không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Giờ đây, chúng ta những người có mặt trong đám đông của ngày hôm nay đang đứng dưới chân thập giá, cần tự hỏi mình : “Tôi là ai trong đám đông kia ? Khuôn mặt của tôi biểu lộ sắc thái nào ?”
Chắc chắn mỗi đôi mắt và mỗi tâm hồn sẽ có những cảm nhận khác nhau, khi ngắm nhìn thập giá. Nhưng dù sao, một cách nào đó, chúng ta mỗi người đều tham dự vào việc Đức Kitô bị đóng đinh trên thập giá. Khi cầu nguyện với các bài tĩnh tâm về tội lỗi, Thánh I-Nhã thành Lô-giô-la luôn mời gọi : “Tưởng tượng đang ở trước mặt Ðức Kitô Chúa chúng ta nằm trên Thánh Giá, tâm sự cùng Ngài: vì đâu Chúa là Ðấng Tạo Hóa, Chúa đã xuống thế làm người, và vì đâu Chúa là Ðấng hằng sống, Chúa đã chịu chết và chết như thế này vì tội lỗi tôi”. (Linh Thao số 53a).
Ngắm nhìn Chúa Giê-su trên thánh giá, chúng ta nhận ra được rằng, Ngài đã chết vì tội lỗi chúng ta. Thật vậy, Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
Thật đau lòng biết bao nhiêu. Nhưng đau lòng không thôi chưa đủ. Cái đau của lòng cần hướng chúng ta đi tới một hành động cụ thể nào đó. Thánh I-Nhã mời gọi tiếp : “Cũng nhìn vào chính mình tôi mà tự hỏi: tôi đã làm gì cho Ðức Kitô? Tôi đang làm gì cho Ðức Kitô? Và tôi phải làm gì cho Ðức Kitô. Cuối cùng nhìn Chúa treo trên Thánh Giá như thế và cân nhắc theo những điều hiện đến trong trí tôi” (Linh Thao số 53b).