Trong con, âm vang từ sự hướng dẫn suy gẫm bài Tin mừng của Chúa Nhật thứ V như được bồi đắp thêm trong bài Tin mừng của Chúa nhật thứ VI thường niên năm B này. Lần nữa, sự cần thiết cùng ích lợi của việc dành giờ cầu nguyện cùng Chúa đã đánh động con.
Bởi chỉ khi quỳ xuống cầu nguyện, dành thời gian để ở bên Ngài thì con mới có được sự bình an, nếu đủ lặng thì con sẽ nhận ra ý Người, vì “…cầu nguyện đối với Chúa Giê-su là sống trong một tương quan tình yêu thật nồng ấm với Cha của Ngài” ( Hubaut). Cầu nguyện cũng là cách Chúa Giêsu (CGS) quân bình giữa hoạt động nội tâm con người và hoạt động phục vụ mỗi ngày từ sáng sớm tới tối mịt. Sức mạnh ấy được Chúa Cha trao ban và soi sáng thông qua việc cầu nguyện của CGS.
Người phong hủi đã quỳ xuống với trọn niềm tin vào CGS, chỉ mình Người mới có thể chữa cho anh.
“Ý nguyện của tôi là công bố cho mọi người nhận thấy lòng thương xót của Người, để Danh Người được ca tụng và tôn vinh rộng rãi” (Thánh Têrêsa Avila. Lâu Đài Nội Tâm. VII 1,1). Câu nói của thánh nhân nhắc con về một câu chuyện của một người bạn mới quen.
Chị kể về Mẹ chị, một người Công giáo, sau khi lấy chồng thì theo chồng về quê và từ đó đã không còn được đến nhà thờ tham dự thánh lễ nữa vì gia đình chồng không cùng tôn giáo, vì nhà ở nơi ấy rất xa xôi hẻo lánh không có nhà thờ, nhà nguyện. 30 năm sau, mẹ chị ốm nặng, ước nguyện cuối cùng là bà muốn được gặp một Ông Cha. Cả nhà ngơ ngác vì biết tìm vị ấy ở đâu? May thay, hàng xóm là một người Tin lành nghe nói cũng có nhà thờ nên chắc biết nơi để đi kiếm “ông cha”, nên người bạn con nói với mẹ rằng sẽ sang nhờ hàng xóm giúp. Bà cụ nghe và dặn rõ ràng “mẹ cần gặp 01 linh mục Công giáo, không phải mục sư Tin lành nha con”. Cô gái sang nhà hàng xóm, người hàng xóm tốt bụng vội lên đường trực chỉ nhà thờ, đến nơi thì nhà thờ đang lễ, bà chờ hết lễ rồi hỏi thăm người ta, và gặp được vị linh mục của nhà thờ, thưa vắn tắt câu chuyện. Cha xứ lật đật chuẩn bị và đi ngay cùng 01 người nữa, theo bà hàng xóm đến nhà bạn. Ngài đã giúp cho bà được xưng tội, được rước Chúa, những nghi thức cuối cùng. Bạn kể, chỉ sau khi tiễn vị linh mục ra về một xíu thôi, Chúa đã đón mẹ bạn về với Chúa, nét mặt bà rạng rỡ và bình an đến nổi ai cũng ngạc nhiên. Vị linh mục ấy đã đến giúp gia đình bạn, cùng với nhiều hội đoàn đến đọc kinh cầu nguyện, một ngày nhiều lần. Đường xá xa xôi, vất vả gập ghềnh, bạn kể, trời tối, có người bị té cả xuống kênh khi đi giúp gia đình bạn. Gia đình, làng xóm bạn ngạc nhiên và cảm động lắm vì sao mà người dưng lại có tình thương tình mến dành cho mẹ bạn như thế này. Bạn kể thêm, trên đầu giường mẹ bạn có sợi dây đẹp đẹp, bà đã cầm sợi dây này quơ quơ và vùng vẫy, la lên “không đi, không đi” những ngày trước khi gặp được “ông cha”. Sau này bạn biết sợi dây đẹp ấy gọi là “chuỗi Mân Côi”.
Đó là câu chuyện 19 năm trước, nay một người em trai và bạn ấy đã là một tân tòng. Với con, mẹ bạn thật là một người có đức tin thật vững vàng, bà đã tín thác hết tất cả vào Chúa và Đức Mẹ. Đức Mẹ đã không bỏ rơi con cái mình trong giờ lâm tử.
Ngồi nói chuyện, bạn nói mọi sự giờ gẫm lại cứ như từng hạt trong sợi chuỗi Mân Côi. Gia đình Ngoại bạn đạo gốc với 11 người con, một lần về nhà dự tang lễ người em trai theo nghi thức Công giáo, mẹ bạn đã thốt lên “ cậu bây thật là có phước”. Bạn chẳng hiểu sao mẹ nói vậy, nhưng tới khi mẹ ốm nặng thì bạn chợt nhớ ra, và nghĩ rằng, chắc mẹ mình cũng muốn về với Chúa như ông cậu ngày xưa. Hay khi vị linh mục hỏi tên thánh của mẹ bạn, mấy anh chị em bạn ngơ ngác, nhưng xực nhớ, cả nhà gọi về kiếm các dì, các cậu nhà ngoại, một dì còn nhớ được mẹ bạn có tên thánh là Maria. Và còn nhiều lắm những ơn ban như không, những sự kiện mà bạn tin rằng đó là tình yêu vô bờ bến và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho con cái mình. Và bạn đã yêu mến việc cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi từ đó.
Bạn kể câu chuyện của bạn, bạn nói bạn cảm nếm được Chúa thương mẹ bạn và gia đình bạn nhiều như thế nào, 30 năm, thật dài và cũng có thể là cái chớp mắt. Lòng thương xót của Chúa và Đức Mẹ đã đánh động hai anh em họ. Sau một năm làm việc ở Saigon, Tết đến, bạn về quê thăm gia đình, cũng để được dâng thánh lễ tại giáo xứ thân thương, nơi chất chứa nhiều ân nghĩa và ân tình với gia đình và với bạn – Nhà thờ Chính tòa Mỹ Tho.
Mẹ bạn đã là 01 cây nến sáng ngọn lửa đức tin ở ngôi nhà ở rất xa nhà thờ năm ấy, và giờ đây, gia đình bạn đã tiếp nối ngọn nến của mẹ để thêm 02 ngọn nến từ bạn và người em trai. Ước mong chúng ta sẽ cùng nhau lan tỏa các ngọn nến này đến muôn nơi.
Lời cầu nguyện cùng Chúa của chị Véronique – một nữ bệnh nhân phong – dạy cho con về sự tín thác tất cả nơi Chúa trong sự lạc quang và đầy lòng tin tưởng của chị. Vượt mọi nổi đau đớn, buồn khổ trong phận người, chị đã dâng tất cả lên Chúa với sự lạc quang hiếm gặp cùng lòng tin tưởng vững vàng.
Và câu chuyện được Cha gửi đến tuần này – “Hôm nay, tôi cảm thấy chúng tôi là người” làm con xót xa, cảm phục và cảm động biết chừng nào về sự can đảm và bác ái của ông Raoul Follereau. Cùng phận người, nhưng ý thức mình là bệnh nhân và vì tuân thủ nội quy của trại phong, nên cô gái không bắt tay vị khách ấy, xót xa làm sao. Còn vị khách ấy sau lúc ngỡ ngàng và đã hiểu lý do, đã đi bước trước trong sự can đảm, xin được chủ động ôm hôn người đồng đẳng của mình trong sự vỡ òa cảm xúc của cả khách lẫn chủ nhà, vì “Hôm nay, tôi cảm thấy chúng tôi là người”. Nhiều năm trước, con cũng đã rụt rè từ chối đi cùng khi bạn con đến dâng lễ tại một trại phong ở Di Linh. Khi ấy và mãi tận bây giờ, thực sự con thấy mình thật là hèn quá đi thôi.
Lạy Chúa, “Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện” (Tv 143, 10).
Maria Hồ