Nguyên Hưng
Tranh có liên quan đến chủ đề “Chúa Giáng sinh” xuất hiện khá sớm. Tuy còn nhiều tranh cãi, nhưng bức họa trên tường hầm mộ Priscilla được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ II ở Rôma – bức ảnh ngay dưới đây – đã được phần lớn sử gia nghệ thuật xem là tác phẩm hội họa cổ xưa nhất được tìm thấy về chủ đề này.
Bức họa diễn tả Đức Trinh nữ đang ẵm Chúa Hài đồng, và người đàn ông tay trái cầm sách, tay phải chỉ lên trời cao là một tiên tri nào đó (thường được cho là Isaia).
Có một điều lạ, là sau đó, suốt thời Trung cổ kéo dài hơn 10 thế kỷ, trong hội họa chủ đề này dường như không được chú ý lắm. Trong kho tàng nghệ thuật Công giáo thời Trung cổ – cũng không kém phần phong phú – hầu như không có bức họa thể hiện chủ đề “Chúa Giáng sinh” nào còn lại (?).
Chỉ từ thế kỷ XIV, chủ đề “Chúa Giáng sinh” mới quay trở lại trong hội họa. Và từ đó đến nay, đã trở thành một chủ đề lớn với vô số thành tựu trong nghệ thuật Công giáo. Một số sử gia nghệ thuật đã giải thích, sự trở lại và “lên ngôi” của chủ đề “Chúa Giáng sinh” phản ánh niềm hân hoan của một tôn giáo toàn cầu.
Tác phẩm “Các đạo sĩ đến thờ lạy” sáng tác năm 1423, của Gentile da Fabriano (1370 – 1427) đã được xem là minh họa nổi tiếng nhất cho nhận định trên.
“Các đạo sĩ đến thờ lạy” – 1423 – Tempera trên gỗ, 300 x 282 cm- Gentile da Fabriano (c. 1370-1427) – Galleria degli Uffizi, Florence
Câu chuyện trong tranh với hình thức lộng lẫy, sang trọng và nghiêm trang… đã toát lên thông điệp: “Thiên Chúa là vua của các vua!”
Tác phẩm này, cũng đã được xem là thành tựu điển hình của nghệ thuật Gothic (một khuynh hướng nghệ thuật kiểu thức hóa với ngôn ngữ tượng trưng và giàu tính trang trí…) với chủ đề “Chúa Giáng sinh”.
Dưới đây là vài trích đoạn chi tiết tác phẩm:
Cùng cảm hứng ngợi ca, nhưng với ngôn ngữ hội họa gần hơn với hiện thực, tác phẩm “Ba Vua đến thờ lạy” vẽ năm 1475 của Sandro Botticelli (1445-1510) – có ảnh ngay dưới đây – cũng là một tác phẩm nổi tiếng.
“Ba Vua đến thờ lạy” – 1475 – Tempera on panel, 111 x 134 cm – của Sandro Botticelli – Galleria degli Uffizi, Florence
Bức tranh này, Botticelli vẽ theo đơn đặt hàng của Gaspare di Zanobi del Lama – một chủ ngân hàng giàu có ở Florence – với mục đích hiến tặng cho nhà nguyện Santa Maria Novella của gia đình Medici. Theo Vasari (người viết sử nghệ thuật đương thời), hầu hết các nhân vật xoay quanh Đức Mẹ Maria, Chúa Hài Đồng và thánh Giuse được thể hiện trong tranh là các thành viên chủ chốt trong gia đình Medici.
Cũng theo Vasari, bức tranh này nổi tiếng chủ yếu bởi sự sống động trong cách diễn tả câu chuyện. Sự khác biệt đa dạng của những thế dáng nhân vật, sự tự nhiên của bố cục, sự uyển chuyển của đường nét và các khối hình, là những thành tựu lớn của tác phẩm so với nền hội họa đương thời.
Dưới đây là vài trích đoạn chi tiết tác phẩm:
Trong các tác phẩm hội họa thể hiện chủ đề “Chúa Giáng sinh” thời Phục Hưng, nổi tiếng nhất có lẽ là tác phẩm “Đêm Thánh”, hoàn thành năm 1530 của Correggio (1490-1534).
“Đêm Thánh”(1528-1530) – Oil on canvas, 256,5 x 188 cm – Correggio -Gemäldegalerie, Dresden
Đây cũng là một trong những bức họa nổi tiếng nhất của Correggio.
Trong “The Story of Art”, E. H. Gomrich đã diễn tả bức tranh này: “Người mục tử cao lớn vừa được thị kiến nhìn thấy các tầng trời mở ra với các thiên thần hát khúc “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”. Ta nhìn thấy các vị ấy tung tăng bay lượn trên đám mây và nhìn xuống nơi mà chàng mục tử tay cầm chiếc gậy dài đã vội vã tìm đến. Trong chuồng bò hoang phế tối tăm, anh nhìn thấy phép lạ: Hài nhi chào đời tỏa sáng ra chung quanh, thắp sáng khuôn mặt đẹp đẽ của người mẹ hạnh phúc. Chàng mục tử dừng lại, lần mò tìm chiếc mũ trùm đầu, chuẩn bị quì xuống thờ lạy. Có hai người tớ gái, một bị chói mắt vì ánh sáng từ máng cỏ, một sung sướng nhìn kẻ vừa đến. Thánh Giuse trong bóng tối mù mịt bên ngoài đang bận rộn với con lừa.”
Và, ông đã nhận định: “Mới nhìn, cách sắp xếp có vẻ thiếu nghệ thuật và hú họa. Cảnh chen chúc bên trái dường như không được cân bằng bởi bất cứ nhóm tương ứng nào bên phải. Nó chỉ được cân chỉnh nhờ sự nổi bật do ánh sáng đem lại cho nhóm nhân vật Đức Trinh nữ và Hài nhi. Correggio, còn hơn cả Titian, đã triệt để khai thác cái khám phá rằng sắc màu và ánh sáng có thể được dùng để cân bằng các hình thể và hướng dẫn mắt ta theo những hướng nhất định. Chính chúng ta là những kẻ cùng chàng mục tử chạy ùa tới nơi, là những kẻ được làm cho thấy những điều anh ta thấy: phép lạ Ánh Sáng chiếu soi trong tối tăm mà Phúc Âm Thánh Gioan nói đến…”.
Gần như hầu hết các tác phẩm hội họa thể hiện chủ đề “Chúa Giáng sinh” sau “Đêm Thánh” của Correggio, đã noi theo, ứng dụng hiệu ứng ánh sáng này. Dưới đây là vài ví dụ:
“Các người chăn chiên đến thờ lạy” – 1609 – Oil on canvas, 314 x 211 cm – Caravaggio – Museo Nazionale, Messina
“Các người chăn chiên đến thờ lạy” – 1608 – Oil on canvas – Rubens – St. Pauluskerk, Antwerp
“Các người chăn chiên đến thờ lạy” – 1751-53 – Oil on canvas, 43 x 58 cm – Giovanni Domenico Tiepolo
Sự noi theo cách sử dụng ánh sáng như vậy, theo một số nhà phê bình nghệ thuật, có ý nghĩa hiển nhiên. Đó gần như là cách duy nhất để thể hiện Thần tính nơi Chúa Hài đồng giáng sinh. Sự nhận biết về Chúa Giêsu sẽ không thật đầy đủ, nếu không nhìn thấy cả khía cạnh Nhân tính lẫn Thần tính nơi Người…
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111224/14053