Câu “Hy tế làm vui lòng Chúa Cha” là phản cảm?

Câu hỏi:

Con đọc đâu đó có câu: là hy tế làm vui lòng Chúa Cha.

Ai nghe câu này cũng rất phản cảm! cứ y như Chúa Cha quá ác tâm, đòi cho bằng được… để mình hả giận.

Có  lẽ ngày xưa thì thế cũng được đi, nhưng ngày nay, độc giả không thể không nghĩ như vậy.

Không biết Giáo hội dịch câu này thế nào; hoặc phải cắt nghĩa ra sao? Xin Cha giúp con

Như thế, Đức Giêsu là đấng Trung Gian duy nhất giữa TC và con người. Thập giá ngài là hy tế một lần là đủ, là hy tế làm vui lòng Chúa Cha. Ngài luôn ở trước ngai TC trong tư cách con chiên bị sát tế; Đấng ngự bên hữu Chúa Cha. .v.v

Trả lời:

Cha kính mến, cha hỏi một câu hỏi khó, nên con phải suy nghĩ kỹ mới dám trả lời. Con cũng không nghĩ mình có thể trả lời rốt ráo được, chỉ xin đưa ra vài điểm để chúng ta cùng suy tư.

  1. Câu “hy tế làm vui lòng Chúa Cha” hoặc “hy tế làm nguôi lòng Chúa” là câu có trong Kinh Nguyện Thánh Thể III và trong nhiều sách thần học, nhưng dường như trong Thánh Kinh không có nguyên văn câu đó (xin cha nghiên cứu giúp con, có câu Thánh Kinh nào nói như vậy không). Như vậy, có vẻ câu này phản ánh một quan niệm thần học về vai trò của hy tế đối với ơn cứu độ, chứ không có nền tảng Thánh Kinh.

Thực tế, nhiều người hiểu câu này như là phản ánh cứu độ học của thánh Anselmo, người đã cho rằng: vì con người xúc phạm Thiên Chúa, mà không thể đền bù xứng đáng, nên Con TC phải xuống thế làm người mới có thể đền bù thay, một cách xứng đáng, xúc phạm mà con người gây ra cho TC (x. Cur Deus Homo), tức là chỉ có hy tế của Con TC mới có thể làm nguôi lòng TC Cha. Quan niệm thần học này quả là mạnh mẽ, phổ thông và kéo dài trong lịch sử thần học của Giáo Hội.

Nhiều người cho rằng nếu đây chỉ là một quan điểm thần học mà không có nền tảng trong Thánh Kinh, thì chỉ có tính tương đối, tức là chỉ thích hợp trong thời điểm và hoàn cảnh nhất định nào đó và có thể bị thay thế bởi cách giải thích thần học khác. Đặc biệt là trong hoàn cảnh ngày nay, khi chúng ta đã có cái nhìn khác về hy tế, nên câu đó, với cái nền là cứu độ học của thánh Anselmo, nghe có vẻ “phản cảm”, gây ấn tượng về một TC nổi khùng, ác ôn và khát máu.

Tuy nhiên, chúng ta thử nhìn vấn đề từ một quan điểm khác xem sao nhé.

  1. Có lẽ nguyên văn câu “hy tế làm nguôi lòng Chúa Cha” không có trong Thánh Kinh hay Giáo lý, nhưng những câu sau lại có: hy tế của Chúa Giêsu đền bù tội lỗi cả thế gian (x. 1Ga 2,2); TC đã sai Con Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (x. 1Ga 4,10); Đức Kitô đã đổ máu mình ra làm hy tế xá tội (x. Rm 3,25). Thư Hipri nói hy tế của Đức Kitô Giêsu là duy nhất, hoàn tất và vượt trội hơn hẳn mọi hy tế Cựu ước (x. Hp 10,10).

Như vậy, rõ ràng, Thánh Kinh xem cái chết của Chúa Giêsu như một hy tế, có giá trị đền bù tội lỗi cả nhân loại và, từ đó ta có thể nói, quan điểm của thánh Anselmo không hẳn là không có nền tảng Thánh Kinh. Hy tế không phải là điều chỉ dành cho Cựu ước hay dân ngoại; không hẳn là khi Chúa Giêsu đến thì Ngài phủ định giá trị của mọi hy tế, mà chỉ khuyến khích thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật và Thần Khí mà thôi (x. Ga 4). Truyền thống và Giáo lý của Giáo hội cũng luôn nói về hy tế của Chúa Giêsu, và xem Thánh lễ vừa như là hy tế vừa như là Bàn Tiệc (như cha có thể đã biết, ngày nay có một số quan điểm thần học thiên lệch: chỉ muốn nói về Thánh lễ như Bàn Tiệc mà không muốn nói về Thánh lễ như hy tế).

Vậy ta có thể kết luận cách an toàn là cái chết của Chúa Giêsu được Thánh Kinh và Thánh Truyền mô tả như là hy tế vĩnh cửu, duy nhất, có giá trị đền bù và tẩy xoá tội lỗi nhân loại. Nhưng bây giờ ta đi vào tâm điểm của câu hỏi của cha: liệu hy tế này có làm vui lòng Chúa Cha không?

Câu trả lời chắc chắn phải là “có” theo nghĩa: không có gì làm vui lòng Chúa Cha bằng việc nhân loại được cứu độ, tội lỗi của họ được tẩy xoá. Thánh Irene đã nói câu đại ý là Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và được sống dồi dào. Thiên Chúa là Cha nhân từ, điều Ngài ước ao nhất là con cái Ngài được giải thoát khỏi tội lỗi giam cầm họ trong sự chết và đau khổ, và từ đó được sống dồi dào. Vậy nếu hy tế của Chúa Giêsu làm được điều đó, thì tại sao hy tế đó lại không làm cho Chúa Cha vui được?

Hơn nữa, hy tế của Chúa Giêsu còn là biểu hiện của tình yêu vâng phục và tự hiến của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Không có gì làm vui lòng người cha bằng tình yêu biết hy sinh và dâng hiến của người con. Hy tế hay cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá làm Chúa Cha vui lòng là vì đó là biểu hiện cao nhất của tình yêu hoá ra không, hiến thân chính mạng sống mình vì người mình yêu.

  1. Tại sao hình ảnh hy tế lại gây “phản cảm”?

Khi nói về hy tế, chúng ta cần ý thức hai chiều kích của nó: một chiều kích mang tính tàn khốc, có đổ máu; một chiều kích mang tính yêu thương, hy sinh, dâng hiến. Người thời nay, ít nhất là một số người, dị ứng hay “thấy phản cảm” đối với hy tế là vì họ nghĩ đến chiều kích thứ nhất mà quên chiều kích thứ hai: họ sợ nhìn thấy máu đổ, và họ cũng phớt lờ luôn sự hy sinh; họ không thích giết chóc các con vật, nhưng họ cũng không màng phải hy sinh cho ai; họ có vẻ nhân từ với con vật (ví dụ: không chịu được cảnh người khác đánh chó), nhưng lại thờ ơ với con người, ngại khó ngại khổ, sợ mất sắc đẹp (nên phá thai, ví dụ vậy).

Não trạng đó đang lan rộng và ảnh hưởng tới thần học, làm cho nhiều quan điểm thần học ngại nói về hy tế. Nhiều người hỏi rằng: vấn đề là tại sao lại có máu đổ? Tại sao TC lại muốn máu đổ? Vâng, đúng đấy, tại sao lại có máu đổ? Nhưng đó là câu hỏi chúng ta cần hỏi chính mình, chứ không phải hỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta như vậy: Tại sao vậy con? Tại sao tay con lại dính máu anh chị em con? Tại sao tay con lại dính máu Con Yêu Dấu duy nhất của Ta? Thực tế là thế giới chúng ta đã nhuốm máu Abel, ngay từ đầu lịch sử của mình; chính chúng ta đã gây ra máu đổ. Chiều kích tàn khốc, tàn bạo của hy tế là do chính chúng ta gây ra. Thiên Chúa đã chấp nhận bị chúng ta phanh thây Ngài, làm cho sự kiện đổ máu đó trở thành hy tế, mang tính dâng hiến và hy sinh.

Kết luận: Chúng ta có thể nói hy tế của Chúa Giêsu làm vui lòng Thiên Chúa Cha là ở chiều kích dâng hiến, hy sinh và cứu độ, chứ không phải ở chiều kích tàn ác, man rợ, vốn là “công trình” của con người tội lỗi. Chúng ta không nên phủi trách nhiệm mà nói rằng, thế giới này không cần đổ máu (và vì thế không cần hy tế). Máu đã đổ và vẫn đổ mỗi ngày vì sự tàn ác và vô trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Ngày nay, nếu chúng ta nhận ra được sự man rợ của chính mình và ghê sợ nó, là bởi vì Thiên Chúa đã hy sinh, dâng hiến và chết thay cho chúng ta và dưới chính tay chúng ta. Chúng ta cần phải thờ phượng, ca tụng Tình Yêu cứu độ vĩ đại đó của Thiên Chúa và nhắc nhớ mình về sự hy sinh dâng hiến, chứ không nên phớt lờ và không muốn nói về hy tế nữa, coi đó như là một thứ thần học lỗi thời.

Con xin đưa ra vài ý tưởng như vậy, xin cha tiếp tục phản hồi và cho ý kiến nhé. Con cám ơn cha.

L.m. F.x. Nguyễn Hai Tính, SJ.

11.12.2018

Nguyễn Hai Tính, SJ.

 

Kiểm tra tương tự

Dọn đường cho Chúa

  Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta …

Thánh Lucia – Ánh sáng dẫn lối cho Mùa Vọng

  Ngày 13 tháng 12 là ngày kính thánh Lucia, một trinh nữ tử đạo. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *