Nếu không Công giáo thì là gì?

Chúng ta được tác tạo không phải để vượt qua mọi sự trong đời bằng sức lực tự thân. Chúng ta cần một sự trợ sức từ bên ngoài để một mặt kéo chúng ta tránh khỏi núi đá của sự tuyệt vọng, và mặt kia là khỏi sự phù phiếm của cái tôi tự mãn. Chúng ta là những thực thể phức tạp và cần được bảo vệ bằng nhiều cách, vì chúng ta có thể dễ dàng sa ngã bằng vô vàn cách thế khác nhau.

 

Luôn có một kẻ thù rình rập trong mọi nhu cầu của ta. Nếu chỉ tin tưởng chính mình, ta rơi vào cái vực thẳm của sự kiêu ngạo; nếu ta đặt hết tin tưởng vào người khác, ta lại đánh mất sự trung thực với chính mình. Nếu dành toàn bộ thời gian cho công việc, ta đánh mất những ích lợi của việc giải trí; nếu ta chỉ dành thời gian vui chơi, ta đánh mất ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta cần đến vô số phương thế để tránh sa ngã. Chúng ta cần tìm điểm cân bằng để bảo vệ mình khỏi cái bẫy của sự thiên lệch.

 

Trong Giáo hội Công giáo, ta tìm thấy một chuẩn mực của sự cân bằng. Trên phương diện này, không đâu sánh bằng Giáo hội. Tội lỗi được đền tạ bằng sự tha thứ. Hình phạt được dịu đi bởi lòng thương xót. Bản tính tự nhiên được nâng cao nhờ ân sủng. Tính dục con người trở nên có ý nghĩa qua trách nhiệm. Quyền lợi song hành với nghĩa vụ, và mọi công việc được thành toàn qua lời cầu nguyện. Ý chí được liên kết chặt chẽ với lý trí. Nơi nào có gian truân, nơi đó có hi vọng. Nơi nào có nghi ngại, nơi đó có đức tin. Nơi nào có sự tốt lành, nơi đó có tình yêu thương. Những vấn đề được giải quyết, trật tự được duy trì. Không một tổ chức nào khác có thể đem lại một trật tự cân bằng như thế.

 

 

 

G. K. Chesterton đã diễn tả sự cân bằng này với lối văn phong tuyệt vời trong tác phẩm Orthodoxy [Chính Thống Giáo], trong đó ông đã tóm gọn chiều dài lịch sử bất di bất dịch của Giáo hội Công giáo:

 

“Sa ngã thì rất dễ, luôn có vô vàn góc độ mà theo đó con người sẽ sa ngã, nhưng chỉ có một góc mà nương theo đó người ta sẽ đứng vững. Để sa đà vào một lạc thuyết nhất thời nào đó, từ thuyết Ngộ giáo đến Khoa học Cơ Đốc, là chuyện dễ thấy và bình thường. Nhưng tránh được tất cả những điều đó lại là một cuộc phiêu lưu đầy sóng gió; và trong sự mường tượng của tôi, cỗ chiến xa của thiên đàng lướt qua các thời đại trong tiếng sấm vang rền, trong khí các lạc thuyết nhàm chán bại trận tan tác, còn chân lý dẫu quay cuồng nhưng vẫn đứng thẳng.”

 

Giáo hội chắc hẳn đã đi đúng hướng, khi là tổ chức đứng vững qua hơn 2,000 năm lịch sử, quy tụ được vô số giáo hữu trung thành từ khắp nơi trên thế giới. Giáo hội vừa có tính trường tồn vừa có tính hoàn vũ.

 

Những nhu cầu nào làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa? Bên cạnh những nhu cầu vật chất mà thế giới trần tục mang lại, con người còn có những nhu cầu thiêng liêng. Họ cần yêu thương và được yêu thương. Họ cần mục đích sống. Họ cần sự khích lệ khi vấp ngã, và sự sửa dạy khi phạm sai lầm. Họ cần sự kết nối với Thiên Chúa. Họ cần một sự đảm bảo rằng cuộc đời này đáng sống và cái chết không phải là dấu chấm hết của cuộc hành trình.

 

Trí óc con người phải tìm kiếm chân lý, và mọi ý hướng phải quy đến đàng lành. Cái đẹp của nghệ thuật đem lại sự phong phú cho tâm hồn, triết học dẫn dắt ta tới chỗ khôn ngoan, và thần học cho ta hiểu biết về Thiên Chúa. Chỉ có Giáo hội Công giáo mới đáp ứng được trọn vẹn tất cả nhu cầu đó.

 

Giáo hội đáp ứng mọi cơn đói khát thiêng liêng của con người, nhưng trong một thể thức thống nhất. Giáo hội không đáp ứng từng nhu cầu riêng rẽ, mà đáp ứng cho một tổng thể thống nhất. Theo nghĩa này, Giáo hội giống như một hệ sinh thái, nó cân bằng mọi thành phần để tạo nên một chỉnh thể tuyệt mỹ. Không cần thêm bớt bất cứ một thành phần ngoại lai nào.

 

 

 

Nhà tâm thần học lỗi lạc Karl Stern từng nói: Điều này có nghĩa là mỗi sinh thể đều có một mối dây liên kết huyền nhiệm với phần bổ sung của mình. Người nam và người nữ, Đức Kitô và Hội Thánh, Thiên Chúa và thụ tạo, hôn nhân và con cái, trời và đất – đó là vài một số ví dụ về mối liên kết mang tính chất hôn nhân này. Cũng vậy, lấy mỗi cá nhân là một thực thể, ta vừa là một cá thể riêng biệt vừa là một thành viên biết chăm lo đến cộng đồng.

 

G. K. Chesterton kể lại cuộc đối thoại giữa ông và một nhà xuất bản. Vị này đã nói: “Người đó chắc chắn sẽ thành công, vì anh ta tin vào chính mình.” Câu trả lời sau đó của Chesterton, tác giả của cuốn sách Chính Thống Giáo, hẳn đã khiến người này ngạc nhiên:“Những ai thật sự tin vào chính mình đều đang ở trại tâm thần hết rồi.” “Vậy,” nhà xuất bản này tiếp lời, “nếu một người không tin vào bản thân, vậy anh ta có thể tin vào điều gì đây?” Càng làm cho vị này ngạc nhiên hơn, Chesterton đáp lời: “Tôi sẽ về và viết một cuốn sách để trả lời cho câu hỏi đó.” Dĩ nhiên, cuốn sách mà ông nhắc tới chính là Orthodoxy [Chính Thống Giáo], và câu trả lời không gì khác là Thiên Chúa và Giáo hội.

 

Nếu những người thật sự tin vào bản thân không ở trong các trại tâm thần, họ hẳn đang tranh cử cho một vị trí trong bộ máy chính trị, hoặc đang viết kịch bản hài, hoặc đang tạo ra cho thế giới một thứ triết lý mới nào đó hoàn toàn xa rời thực tế. Hoặc thậm chí họ cũng có thể đang chống phá Giáo hội Công giáo. Mặt khác, đức tin Công giáo, với sự quân bình và phổ quát của nó, là phương thế hữu hiệu dẫn đến sự khôn ngoan.

 

Nếu đề cập đến G. K kiệt xuất. thêm một lần nữa, chúng ta hãy trích dẫn một đoạn trong cuốn The Well and the Shallows (tạm dịch Vũng Sâu Và Vùng Nông): “Việc dùng một nghệ thuật nói chuyện mang một nét riêng biệt, khéo léo, và tế nhị trong việc khẳng định tính chân lí của đức tin Công giáo, mà không mang hàm ý rằng những ý kiến chống lại đạo Công giáo là sai lầm, là một một nghệ thuật mà tôi, một ké duy lý, đã quá lớn tuổi để học ở thời điểm này của cuộc đời.”

 

 

Nguồn: Catholic Exchange

Tác giả: Dr. Donald Demarco

Chuyển ngữ: Nam Anh

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …