Thầy Giuse Trịnh Duy Suýt, S.J sinh ngày 28.08.1974 tại Giáo xứ Đại Ơn, Chương Mỹ, Hà Nội.
Sau khi kết thúc chương trình đại học, thầy Giuse đã gia nhập Dòng Tên năm 1999. Vào những năm 2002 – 2006 và 2008 – 2010, thầy theo học thần học tại Pháp. Sau khi hoàn tất chương trình, thầy trở về Việt Nam và được Nhà Dòng gởi đến phục vụ tại Giáo họ Ngọc Mạch, thuộc Giáo xứ Cổ Nhuế, Tổng giáo phận Hà Nội từ tháng 09.2010 đến nay.
Được biết, thầy Giuse đã nhận tác vụ Phó Tế trong thời gian còn học ở Pháp và sẽ lãnh nhận tác vụ Linh Mục trong Thánh Lễ Truyền Chức vào lúc 6h00 ngày 03.12.2011, tại giáo xứ Hiển Linh, giáo hạt Thủ Đức, Tổng giáo phận Sài Gòn, nhân dịp bổn mạng Tỉnh Dòng Tên Việt Nam – thánh Phanxicô Xaviê,
Trong những ngày vừa qua, Ban truyền thông giáo xứ Hiển Linh đã có dịp gặp gỡ và được thầy Giuse chia sẽ về những tâm tình cũng như hành trình đến với ơn gọi Linh mục.
PV: Thưa thầy, xin thầy chia sẽ về những biến cố đã đánh động tâm hồn để thầy hướng đến ơn gọi sống đời thánh hiến?
Thầy Giuse: Đó là một hành trình dài, khởi đi từ hoàn cảnh của đời sống đạo nơi quê nhà tôi. Vào những năm 1980 ở miền Bắc có rất ít Linh mục. Xứ đạo nơi tôi ở trong khoảng 50 năm không có Linh mục. Mỗi lần đi lễ thì phải ra Hà Nội, cách nhà khoảng 20km. Lúc đó, bà nội thường đưa tôi đi lễ, phải đi từ ngày hôm trước, ở lại đêm để có thể tham dự Thánh lễ sáng hôm sau vì phương tiện đi lại khó khăn. Rất nhiều người cũng ở trong hoàn cảnh đó. Hình ảnh nhiều người lặn lội đường xá xa xôi để đến nơi có Linh mục dâng Thánh Lễ đã đọng lại trong lòng tôi một dấu ấn đặc biệt.
Trong thời gian học cấp 3, tôi bắt đầu có ước muốn đi tu. Nhưng sau đó đã quên lãng đi một thời gian. Đến khi học đại học, ước muốn đó quay trở lại với tôi.
PV: Thưa thầy, cơ duyên nào đã đưa thầy đến với Dòng Tên?
Thầy Giuse: Tôi đến với Dòng Tên rất tình cờ. Trước đó, tôi có dịp giúp dạy văn hóa cho lớp đệ tử của Dòng Phaolô Đà Nẵng. Một soeur ở đây khi biết tôi có ý muốn đi tu đã giới thiệu về Dòng Tên. Mùa hè năm 1995, tôi đến Đà Nẵng thăm soeur và thật bất ngờ, soeur giới thiệu tôi vào Sài Gòn để gặp thầy Siêu – bây giờ đã là Linh mục – lúc đó đang giúp cho lớp Ứng sinh của Dòng Tên.
Tôi đến đúng vào dịp lễ Thánh I-nhã. Hôm đó có một khóa tĩnh tâm 5 ngày ở Vũng Tàu cho nhóm sinh viên do các thầy trong Nhà Dòng giúp. Thầy Siêu đã giúp tôi tham dự đợt tĩnh tâm này, và tôi ở trong nhóm của Thầy.
Đó là lần đầu tôi đi linh thao, mọi thứ đều mới mẻ. Sau kỳ tĩnh tâm đó, tôi có được một cảm nghiệm nội tâm rất đặc biệt, đó là “sự tự do nội tâm”. Trước đây, cũng như nhiều người vẫn thường quan niệm, tôi nhìn nhận đời tu có một cái khung của những khuôn phép, một sự bó buộc về hình thức, cách cư xử trong các mối tương quan. Sau đợt linh thao, tôi nhận ra điều quan trọng nhất chính là sự tự do đến với Chúa, nhận ra Chúa mời gọi mình làm gì và tự do triển nở trong ơn gọi đó. Bản thân mình sống như thế nào trước mặt Chúa mới quan trọng chứ không phải là xây dựng một hình ảnh khuôn khổ bên ngoài. Tôi hết lòng biết ơn Chúa vì đợt linh thao đầu tiên đó đã cho tôi có được cảm nghiệm về sự tự do nội tâm, một dấu mốc quan trọng trong hành trình đến với ơn gọi, và sau này tôi luôn chia sẽ điều đó với mọi người.
Chính từ dấu ấn kinh nghiệm này, tôi bắt đầu yêu thích Dòng Tên.
Và với dấu ấn từ thuở nhỏ, khi thấy nhiều người không có điều kiện thuận lợi để được tham dự Thánh lễ, như “Chúa Giê-su đã chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông, như đàn chiên không người chăn dắt”, tôi đã ước muốn trở thành Linh mục để đến với họ. Đây cũng là một xác tín của tôi trong đời sống dâng hiến.
PV: Thưa thầy, qua hơn 12 năm trong đời tu, quãng thời gian nào là khó khăn nhất thầy phải vượt qua ?
Thầy Giuse: Ngưỡng khó khăn đầu tiên là năm đầu ở Pháp, một thế giới khác về quan niệm xã hội, về đời sống, đời tu. Ở Việt Nam thì dù tự do, vẫn có những khuôn phép nhất định trong cách thể hiện tình cảm. Trong nếp sống ở Pháp, trách nhiệm cá nhân được đẩy mạnh, mỗi người chủ động sống gìn giữ nếp sống của mình. Trong một môi trường tự do, tư tưởng người dân phóng khoáng hơn, mọi người thể hiện tình cảm cách tự nhiên bên ngoài, nên đôi lúc cũng khó tránh khỏi những xao xuyến, dao động. Đó là những khó khăn trong việc hội nhập với nền văn hóa mới, cách diễn tả tương quan mới. Nhưng may mà có các cha linh hướng ở bên cạnh giúp đỡ ! Và đặc biệt là sự hiện diện của các anh em trẻ người Pháp trong Dòng. Tôi nhìn thấy họ cũng rất trẻ, sống trong môi trường đó mà vẫn đi tu được, thì tại sao mình không làm được. Tôi là người cũng dễ mở lòng nên có thể chia sẽ khó khăn của mình với anh em trong Dòng và được nâng đỡ nhiều. Đó là một động lực để tôi tiếp tục gìn giữ ơn gọi.
Ngưỡng khó khăn thứ hai là khi tôi trở về Việt Nam vào năm 2006. Trong những ngày thực tập tông đồ đầu tiên, cha Giám tỉnh sai tôi về Giáo Hội địa phương ở Hà Nội để làm những việc cần thiết theo nhận định. Tôi đã đến trại phong Quả Cảm thuộc tỉnh Bắc Ninh, giáo phận Bắc Ninh để phục vụ. Lúc đó, tôi cứ tưởng tượng vi trùng bệnh ở khắp nơi. Khi nhìn những người bệnh bị rụng các ngón tay, có những vết thương khắp mình, phải dùng phần cùi tay còn lại để rót nước mời, tôi không sao tránh khỏi sự e ngại, không dám uống. Nhưng nếu sợ như vậy thì không thể đi vào mối tương quan với họ được, nên rồi tôi cũng đành liều. Đó thật sự là một cuộc chiến bên trong. Sau đó tôi suy nghĩ nhiều về con đường mình đã chọn.
Tôi nghĩ mình đi theo một Chúa Ki-tô đã chết cho mình, vậy mình có dám làm như vậy cho người khác không? Kinh nghiệm yêu thương đó đã hoán cải tôi. Tôi ra khỏi con người cũ, đến với các bệnh nhân. Họ cảm nhận được tình cảm đó nên đón nhận tôi như người nhà, rất thân tình. Ba tháng ở trại phong là một kỷ niệm đẹp. Kinh nghiệm đó đã biến đổi tôi rất nhiều.
PV: Thưa thầy, xin thầy chia sẻ tâm tình trong những ngày dần tiến đến một dấu mốc rất quan trọng trong đời sống thánh hiến !
Thầy Giuse: Tôi vừa có một khóa tĩnh tâm 8 ngày, trong những ngày đó tôi nghĩ nhiều về cuộc đời của Mô-sê, người đã từ bỏ ý riêng của mình để hoàn toàn theo ý Chúa. Ông đã luôn thao thức về dân Israel, gắn bó với dân, và rồi vì tội của dân mà khi chết ông vẫn chưa được vào Đất hứa. Và tôi nhìn ngắm lại cuộc đời Chúa Giê-su, chết trong cô đơn vì tội loài người. Khi so sánh cuộc đời Mô-sê, rồi cuộc đời Chúa Giê-su như thế, thì có thể thấy cuộc đời theo Chúa là cuộc đời dâng hiến hết mình, hoàn toàn theo ý Chúa, và là cuộc đời gắn bó với dân. Chính sự gắn liền với dân như vậy cũng sẽ có những nỗi lo lắng về trách nhiệm, về lòng thương đối với dân.
Tôi cũng rất hồi hộp vì niềm vui lớn lao được Chúa sắp ban cho một ơn quá lớn, ơn làm Linh Mục của Chúa. Niềm vui vì mình chẳng là gì, nhưng Chúa đã chọn, trao ơn của Chúa để rồi thánh hóa mình trở thành phương tiện trao ơn Chúa cho người khác. Tôi vẫn hằng cầu nguyện xin Chúa ban nhiều ơn trợ giúp để có thể hoàn thành ơn lớn lao đó.
PV: Thầy có những dự định nào về đời sống, về công việc khi đã lãnh nhận tác vụ Linh Mục ?
Thầy Giuse: Điều này thì tùy thuộc vào nhiệm vụ mà Nhà Dòng trao phó. Tôi chưa biết Bề trên sẽ trao sứ vụ gì, quan trọng là mình vâng theo sự sắp xếp của Bề trên, còn mình thì suy nghĩ cách thức, đường hướng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đã lãnh nhận.
PV: Xin cảm ơn thầy đã dành thời gian chia sẽ những tâm tư, tình cảm cách chân tình. Những kinh nghiệm trên con đường theo Chúa của thầy chắc chắn thật hữu ích, cách đặc biệt cho những người đang dấn bước vào đời sống thánh hiến cũng như cho tất cả mọi người.
Xin chúc thầy khỏe mạnh và bình an luôn để hoàn thành sứ vụ mà Chúa sắp trao phó !
Maria Lệ Duy
Ban Truyền Thông Giáo Xứ Hiển Linh
01.12.2011