Ngày mai nó về

(Truyện)

  1. Nằm trên giường, chị cứ lăn qua lăn lại, chẳng tày nào chợp mắt được. Nỗi lo lắng đè nặng trong tâm hồn, buột miệng chị thốt lên: “Mai nó về!”.

Nó là đứa con trai duy nhất của chị, tên Tuấn. Tuấn là món quà duy nhất mà anh, trước khi lìa đời, để lại cho chị. Chị thương con vô kể vì mỗi lần nhìn nó là chị nhớ tới chồng. Càng lớn Tuấn càng giống y ba nó ngày xưa. Thắm thoát anh ra đi đã hai mươi năm, thằng Tuấn năm nay hai mươi tuổi. Nhưng trong hai mươi năm đó, chỉ có mười lăm năm ở nhà với chị, còn suốt năm năm nay nó đi bụi đời với lũ bạn, chị khuyên răn, dạy bảo, van xin, thậm chí nặng lời cỡ nào nó cũng không nghe.

Mỗi lần Tuấn về là mỗi lần đau khổ và dằn vặt hoành hành trong tâm can người mẹ. Nói là về chứ thực nó ghé vài tiếng, có khi chưa đầy mười lăm phút, rồi đi bụi tiếp. Ghé ngang để biết chị sống hay chết. Nhiều lúc chị không cầm được mà chửi thành tiếng, nó trả lời lại cách ngang ngược rồi bỏ đi nước một. Muốn chạy theo níu con lại mà đôi chân chị không bước đi được nữa, lời nó nói làm chị suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác: “Đ…M…! Biết vậy tui chết quách cho rồi, về làm gì!”.

 

2. Anh ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Tuấn là kết quả cố gắng của anh trong những giây phút sức khỏe anh suy sụp vô cùng. Hồi mới cưới, gia đình anh chị cũng khá giả, nhưng từ độ anh phát hiện bị bệnh, gia đình dần rơi vào túng thiếu. Anh thương chị nhưng trước bệnh tình như vậy thì biết làm sao. Nhiều lúc anh muốn ngưng điều trị để ở nhà chờ chết, nhưng nghĩ mình ra đi quá sớm bỏ chị lại một mình thì cũng tội. Điều trị đồng nghĩa với chấp nhận cái nghèo đeo bám, nhưng càng điều trị thì sức khỏe của anh càng xuống. Sau những liều thuốc vào người, tóc rụng dần, da vẻ xanh xao và yếu ớt hẳn trông thấy rõ. Tuấn ra đời được vài hôm thì anh mất, chị mới sinh con nên không đứng dậy nổi lo đám cho anh, bà con xóm giềng chung tay giúp. Rốt cuộc hậu sự cho anh cũng xong.

Còn liếp rau sau nhà, chị cắt đem ra chợ sớm, bán được ngày nào nuôi con ngày đó. Cuộc sống không đến nỗi quá cơ cực, xem ra ít rau trồng được đủ lo miếng ăn cái mặc cho hai mẹ con. Nhưng lúc bệnh tật, trái gió trở trời, thì hơi túng thiếu; cũng may những lúc như thế có bà con chung tay hỗ trợ. Tuấn dần lớn, chị cho nó đi học. Mặc cảm đứa trẻ không cha và nhà nghèo trong nó quá lớn, mà lũ bạn vô tình cứ trêu chọc mãi, nó ráng tới bảy thì nghỉ học. Bước ra đời ở cái tuổi non dại, nó nhanh chóng bị lũ bạn xấu rủ rê, thế là nhập bọn với đám bụi đời trong xóm.

Mới đầu chị hay thì đi kiếm hết chỗ này tới chỗ nọ. Có hôm suýt bị mấy đứa bụi đời đánh, vì chúng nghĩ chị là công an chìm theo dõi cả bọn, hên nhờ thằng Tuấn ra mặt kịp mà chị thoát nạn. Chị kêu nó về, nó nhất quyết không về. Nó tự hỏi về để làm gì? Có gì để nuôi sống đâu? Có mỗi mái nhà lụp xụp với bà mẹ già. Đi bụi dù bấp bênh nhưng đảm bảo cái ăn, cái chơi và thậm chí là có trò tiêu khiển thì không thiếu. Hoặc ít ra khi đi với lũ bạn, nó có chút hy vọng nơi cuộc sống này, còn trở về với chị thì chán quá! Thế là nó không nghe lời chị.

Từ quê, lũ bạn rủ nhau đi tới thành phố, tham gia vào nhóm đàn anh đàn chị ở Sài Gòn. Tuổi trẻ hăng máu của Tuấn với lũ bạn, được mấy anh chị “quý mến” và “chăm sóc” đặc biệt, chẳng mấy chốc thành giang hồ thứ thiệt. Nó bắt đầu kiếm ra đồng tiền, dẫu là tiền bất chính từ những vụ làm ăn phi pháp, nhưng nó vui. Có lần về thăm mẹ, Tuấn đưa cho chị chiếc điện thoại, rồi dặn: “Bà giữ điện thoại, chừng nào tui về tui báo!”. Nói xong nó bỏ đi, chị nhìn theo mắt rơm rớm mà chẳng nói được tiếng nào.

 

3. Hồi chiều, Tuấn mới điện thoại báo với chị mai nó về. Chị vẫn thương con, nhưng chị cũng sợ. Cái máu giang hồ thể hiện trong cả cách nói chuyện của nó, chị mở lời câu nào nó đáp ngang câu đó, cuộc nói chuyện của hai mẹ con chưa khi nào tới mười câu, rồi quăng lại cho chị ít tiền, ít quần áo mà ra đi. Chị sợ lần này về cũng thế thôi, chắc không có gì tốt hơn. Tiền và quần áo nó mua cho, chị nào dám dùng, vì chị biết đồ ấy được mua bằng những đồng tiền bất chính. Lần nào Tuấn về, chị cũng kêu nó lấy tiền trả lại người ta, lấy quần áo cho người nghèo, nó chẳng quan tâm mà cứ để tiền và quần áo lại mà đi. Chị cứ để tiền và quần áo như thế, tháng này qua tháng nọ, năm này tới năm kia.

Nhưng trong lần điện thoại này, chị nghe giọng nó có chút gì đó hơi khác. Có thể là chị nhầm, nhưng linh cảm của một người mẹ hầu như khó sai lầm. Mọi lần nó gọi về, giọng nó mạnh bạo, ngắt tiếng, gằn giọng nghe ghê lắm. Còn lần này giọng nó dịu lại chút đỉnh. Chị thấy lạ quá!

 

4. Sáng hôm sau, chị tranh thủ cắt rau sớm như thường lệ, ra chợ gửi bạn hàng bên cạnh bán giùm. Chị đi mua ít miếng đồ ăn về nấu cho nó ăn. Lúi húi nấu cơm, xong chị dọn ra bàn để sẵn. Chị chỉ để mỗi một cái chén và một đôi đũa, đồ ăn thì bày ra đẹp mắt, rồi chị ngồi lên bộ ván dòm ra cửa.

Gần mười một giờ, chị thấy dáng một thanh niên từ xa xa bước tới, đeo kính mát, tay cần áo khoát vắt ngược ra sau lưng, tướng đi dang rộng khá bụi bặm, đang đi vào nhà. Tới trước cửa, người thanh niên tháo kính mát ra, đứng yên nhìn chị đang ngồi trên ván. Như những lần trước, chị chẳng nói tiếng nào. Tuấn đi thẳng vô nhà để áo khoác lên chỗ ván cạnh chị, đặt chiếc kính mát kế bên. Chị kêu:

-“Cơm đằng bàn, lại ăn rồi hẳn đi!”.

Nó ra hè khoát nước rửa mặt, rửa tay. Chị nhìn theo từng bước đi và hành động của Tuấn, lòng thấy mừng vì nó vẫn nhớ cái lu nước để chỗ nào. Tuấn đi thẳng lại bàn với khuôn mặt lạnh ngắt, mắt nhìn mâm cơm với da heo kho quẹt, canh khổ qua dồn thịt vốn là những món nó thích, và lâu rồi nó chưa được ăn lại. Thấy có một cái chén với một chiếc đũa, nó đứng lên xuống bếp lấy thêm một chén và một đôi đũa nữa, đặt lên bàn, kéo ghế, nhìn chị rồi nói:

-“Má lại ăn cơm với tui!”.

Hiếm lắm mới có chuyện Tuấn nói chuyện lịch sự với chị như vậy. Đã năm năm từ ngày nó đi bụi, những câu nói cửa miệng của nó luôn là “Đ…M…!”, vậy mà hôm nay nó mời chị. Chị không chần chừ mà lại ngồi xuống bới cơm cho cả hai, gắp da heo cho vào chén của Tuấn, lấy muỗng khứa miếng khổ qua nhồi thịt để vô chén nó, rồi nói: “Ăn đi con!”. Tuấn và cơm ăn một mạch.

Chị không hỏi câu nào, chỉ quan sát. Dạo này Tuấn ốm xuống nhiều, xương hai gò má nhô cao, đôi mắt quầng đen như thiếu ngủ. Ngó xuống khu vực cổ áo, chị thấy vết thương lấp ló trong lớp áo thun nửa kín nửa hở, chị muốn vạch áo để xem nhưng không dám vì sợ nó bỏ đi. Nhìn xuống hai bàn tay, thấy gân và xương nhô ra rất rõ. Vẫn còn những vết thương nhỏ chi chít như giăng lưới từ phía trên cổ tay xuống mu bàn tay, có vết gần lành, có vết mới. Chị không khỏi xót xa, mà không dám mở lời hỏi chuyện. Tranh đấu tư tưởng hồi lâu, không nén được nữa:

-“Sao cấp này con ốm quá!”.
Tuấn nhìn chị bằng ánh mắt lạnh lùng, rồi cúi xuống tiếp tục và cơm vào miệng. Không trả lời chị.
-“Con có khỏe không Tuấn?”
Nó vẫn cúi gầm mặt ăn cơm, không trả lời. Chị tỏ rõ vẻ lo lắng, khuôn mặt già hơn rất nhiều so với cái tuổi năm mươi của chị.
-“Tuấn! Nói gì với má đi con!”. Nước mắt chị chảy ra như những giọt mưa giữa cái hạn hán trong lòng Tuấn. Tuấn dừng ăn, mắt ngó chị đăm đăm, tay nắm đôi đũa chặt lại, răng nghiến ken két. Chị sợ quá, định đứng lên chạy vào bếp vì nghĩ rằng nó sắp đập đồ hay chửi mắng chị. Vừa nhớm người, Tuấn nắm tay chị, tim chị đập thình thịch. Nước mắt Tuấn tuôn ra, nó khóc, nó đang khóc, và nó rống lên từng tiếng. Dẹp qua nỗi sợ, chị chạy lạy ôm đầu nó sát vào lòng, cằm chị đặt lên trên, nước mắt hai mẹ con thi nhau rơi xuống, chị hỏi:-“Chuyện gì vậy Tuấn, nói má nghe! Ngoan, nói má nghe.”
Ngăn được cơn xúc động, nó nói với chị:
-“Từ rày con ở nhà với má! Không đi bụi đời nữa!”.

Dứt tiếng nó ôm chị thật chặt rồi khóc như một đứa con nít bị té đau được mẹ dỗ dành. Trong tiếng khóc, nó nấc lên: “Má ơi! Má!” liên hồi. Chị không hỏi nguyên do, chỉ ôm nó rồi khóc. Cái ôm năm năm nay chị mong mà không được, cái ôm yêu thương như hồi nó còn ở nhà với chị, cái ôm thay cho nỗi sợ hãi, dồn nén mà lâu nay chị chịu đựng, một sự chịu đựng khủng khiếp đối với người mẹ đau khổ.

 

5. Chừng hơn nửa năm sau, Tuấn cũng ra đi theo ba nó. Nó trở về nhà khi đã bị vướng căn bệnh thế kỷ, còn lũ bạn “chí cốt” thì đã bỏ rơi nó. Trước khi quyết định quay về nhà, nó lay lất hết nơi này đến nơi khác, bị người ta khinh khi xua đuổi. Trong phút ấy, nó nhớ tới chị, người mẹ hiền, đang chờ đợi nó. Nó hiểu ra cái hạnh phúc mà lâu nay nó tìm kiếm và hưởng thụ chỉ là tạm bợ, vô nghĩa và chóng vánh, chỉ một chớp mắt là mất đi tất cả. Trong khi mẹ đang chờ nó về từng phút giây, dù nó có chửi mắng, đối xử tàn tệ với chị đến mức nào, thì tình mẹ vẫn không thay đổi.

Mấy tháng về sống với chị, nó hạnh quá vô cùng. Hàng xóm xì xào vì căn bệnh nó đang mang do ăn chơi, nhưng chị vẫn yêu thương là chăm sóc cho Tuấn tận tình. Tranh thủ lúc nó còn đi đứng khỏe mạnh, chị kêu nó đem hết số tiền mà lâu nay nó đem về trả lại những ai nó đã cướp, xin lỗi những gia đình mà nó từng kiếm chuyện hoặc gây ra hậu quả tồi tệ. Mặc cho người ta có tha thứ hay không, nhưng nó vẫn xin lỗi, nhưng thay vì lần trước đi với lũ bạn bụi đời gây bất hòa, thì lần này nó đi với chị để giải hòa. Số quần áo nó đem về, chị cùng nó đem tới nhà thờ xin cha phân phát cho bà con nghèo trong họ đạo. Nó cũng xin được rửa tội, lãnh nhận các Bí Tích, nhất là bí tích giải tội. Nó xưng thú tất cả tội lỗi suốt cuộc đời, nhất là năm năm tung hoành tội lỗi vừa qua.

Vài tháng cuối Tuấn gầy nhom, xuống sức chỉ nằm chứ không đi được nữa. Chị chăm sóc cho nó hết mình, rồi xin cha tới đem Mình Thánh Chúa và giải tội thường xuyên cho nó. Tuấn ra đi trong bình an thanh thản, đau đớn của bệnh tật được bù lại bằng tình thương Thiên Chúa và tình thương của người mẹ. Trước khi nhắm mắt, Tuấn nắm tay chị, hổn hển vài tiếng: “Má ơi! Con về rồi!”.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *