Ngày nay, Lương Tâm có còn là “vị thầy” hướng dẫn luân lý?

Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu đã làm nhiều người xôn xao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là vào ngày 18 tháng 10 năm 2011, tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, một bé gái hai tuổi bị một xe tải cán qua người hai lần, sau đó một chiếc khác cán lên em thêm một lần nữa. Trong khoảng thời gian 7 phút, có tới 18 người đi ngang qua em, nhưng tất cả 17 người đầu đều làm ngơ, chỉ có người cuối cùng là giúp đỡ em. Nếu ai biết câu chuyện này, thì một câu hỏi lớn đặt ra là phải chăng những người kia đã mất hết lương tri?

Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều câu chuyện tương tự vẫn thường xảy ra. Xét về mặt đạo đức, dù cho việc viện dẫn những câu chuyện để kết luận rằng con người không còn sống theo lương tâm của mình, là điều không khả thi; thì thật là cần thiết để chúng ta đặt lại vấn đề về thực trạng đời sống luân lý con người ngày nay, là phải chăng lương tâm con người ngày càng mất đi vai trò của một “vị thầy” hướng dẫn luân lý của mình?

Để tìm một câu trả lời khả dĩ cho vấn đề được đặt ra ở trên, trong bài viết này, trước hết người viết sẽ tìm hiểu một vài nguyên nhân nhằm làm sáng tỏ hơn vấn nạn được đặt ra. Thứ đến, người viết bàn sâu về lương tâm và cố gắng trả lại vai trò hướng dẫn luân lý của nó. Sau cùng, người viết đưa ra một vài nhận định cá nhân.

Những nguyên nhân làm lương tâm bị lu mờ

Cách chung, lương tâm được hiểu “như là sự phán đoán của lý trí thực hành liên quan tới hành vi cá nhân vốn là điều ta phải thực hiện nếu nó tốt, và phải tránh nếu nó xấu.”[1] Nghĩa là, khi nói đến lương tâm người ta vẫn thường nghĩ đến một luật, một mệnh lệnh hay một tiếng nói vang lên mà cá nhân nhận thấy trong mình khi đứng trước một quyết định cho một lựa chọn mang tính luân lý. Cá nhân bị bó buộc phải chọn lựa để làm hay không làm điều mà lương tâm của người đó nhận thấy tốt hay xấu, đúng hay sai. Tuy thế, việc lựa chọn của cá nhân luôn bị tác động mạnh mẽ bởi môi trường sống chẳng hạn văn hóa xã hội, thể chế chính trị, tôn giáo, hay nền giáo dục,… Do thế, những điều này cũng tác động mạnh mẽ lên chính lương tâm của cá nhân. Cụ thể như sau:

Trước hết, lương tâm con người bị tác động của một nền “văn hóa sự chết”. Việc toàn cầu hóa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các phương trình thông tin đại chúng, ngoài những phương diện tích cực mà việc toàn cầu hóa mang lại, thì nó cũng mang đến cho con người một nền “văn hóa sự chết”. Nền văn hóa đang tràn lan khắp nơi, ảnh hưởng không ít đến quan niệm sống, lối sống của rất nhiều người trên khắp thế giới, đặc biệt là giới trẻ. Nền văn hóa cổ vũ cho một lối sống xem nhẹ và loại trừ sự sống (ngừa thai, phá thai,…), tìm kiếm lạc thú bất chính (xì ke ma túy, mãi dâm,…), hay chạy theo bao lực (bạo lực gia đình, học đường, chiến tranh, khủng bố…)

Dần dần lối sống trên dẫn đến một tình trạng mà tạm gọi là “bầy đàn” không còn có tính cá vị – lối sống mà trong đó nhiều người làm điều xấu (chẳng hạn phá thai), và ít người làm điều tốt (chẳng hạn giúp đỡ người bị nạn). Hệ quả là người ta cho rằng điều nhiều người làm và cho là đúng, thì là đúng; còn điều gì ít người làm và cho là sai, thì là sai. Đây được xem như là tiêu chuẩn đưa ra cho cá nhân để suy xét một hành vi luân lý. Quả thật là một điều hết sức tai hại, bởi vì một khi “lương tâm” tập thể lầm lạc, thì lương tâm cá nhân chắc chắn phần lớn là bị ảnh hưởng, bị che lấp và cuốn theo.

Thứ đến, một tình trạng khác của lối sống hiện nay, đó là con người sống theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vị kỷ, – một lối sống theo kiểu “sống chết mặc bay”. Cá nhân chỉ biết cái tôi của mình: tôi luôn luôn làm điều tôi muốn nhất, điều tôi cảm thấy tốt nhất, hay là điều tôi quan tâm nhất. Thậm chí đẩy xa hơn là hành xử theo chủ quan của mình. Những lựa chọn luân lý là dựa duy chỉ trên cảm xúc: đúng hay sai là do bởi tôi cảm thấy, không còn có sự đúng hay sai khách quan. Tất cả điều này cho thấy một lối sống vị kỷ loại trừ tha nhân. Loại trừ những đòi buộc của lương tâm trong những điều tôi phải làm để giúp đỡ tha nhân.

Ngoài ra, các chủ nghĩa khác như chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy lợi, chủ nghĩa thực dụng, và chủ nghĩa khoái lạc đang bao trùm và chi phối con người ngày nay. Một lối sống đề cao và chạy theo những giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần. Điều gì nếu đem lại cho tôi về mặt vật chất, điều gì dụng được, điều gì mang lại vui thích, khoái lạc,.. thì tôi làm, nếu không, thì không làm. Quả thực hơn bao giờ hết, con người ngày này đang sống trong một thực trạng như thế. Và hậu quả của những chủ nghĩa này thật rõ ràng, vì chúng mà nhiều người bất chấp những đòi buộc của lương tâm, hành xử với nhau một cách vô tâm, tàn nhẫn.

Hơn nữa, chủ nghĩa vô thần cũng là một nguyên nhân làm cho lương tâm con người bị lu mờ. Một khi không còn kính sợ một “Thực tại Siêu việt”, thì con người cho mình cái quyền tự do có thể nói là tuyệt đối trong những chọn lựa luân lý mang tính riêng tư và thậm chí không riêng tư. Bởi mệnh lệnh của lương tâm là điều mà chỉ có cá nhân đó biết, nếu trong những vấn đề luân lý riêng tư, mà cá nhân không tin vào một Đấng siêu việt, không có một giao kèo xã hội – một chế tài xã hội, hay sự hiện diện của người thứ hai; thì cá nhân có thể làm bất cứ điều gì kể cả những điều trái với lương tâm, trái đạo đức mà không sợ bất cứ một hình phạt nào. Francis S. Collins đã từng viết: “Những cuộc thử nghiệm lớn nhằm thiết lập xã hội hoàn toàn dựa trên nền tảng vô thần là chế độ Mác-xít ở Liên bang Xô viết và chủ nghĩa Mao Trạch Đông ở Trung Quốc đã chứng tỏ chế độ ấy đã thực hiện được ít nhất là nhiều bằng và có thể còn nhiều hơn việc giết người và lạm dụng quyền lực so với cái chế độ tồi tệ nhất trong tất cả các chế độ tồn tại thời gian dần đây.”[2] Đây thật là hậu quả ghê gớm của chủ nghĩa vô thần mang lại cho nhân loại, khi gạt tôn giáo sang một bên.

Cuối cùng, việc giáo dục cũng tác động không ít đến lối sống, cách hành xử của con người. Ngày nay, trong giáo dục người ta đề cao việc truyền thụ thật nhiều kiến thức, hơn là nhắm đến việc giáo dục nhân bản, giáo dục đức dục cho học sinh. Điều này làm cho trẻ không có được những đức tính tốt đẹp, cần thiết cho sự trưởng thành nhân bản. Trong khi đó, nhân đức chính là cái gốc của con người, còn hành vi luân lý của con người luôn luôn dựa rất nhiều vào cái gốc này. Do đó, nếu nhân đức không được giáo dục, không được huấn luyện, thì chắc chắn rằng lối sống, lối hành xử sẽ lệch lạc và dẫn đến lương tâm lệch lạc.

Tóm lại, những điều trên đã tác động không ít đến lương tâm con người. Chúng đã, đang và sẽ tiếp tục bóp méo, làm lệch lạc và làm lu mờ lương tâm. Tác giả Juan Arias đã đưa ra một nhận định thật chính xác cho lối sống của con người ngày nay, ông nói: “Ngày nay người ta cai trị thế giới thông qua những hệ thống làm băng hoại và đảo ngược những nguyên tắc cơ bản của lương tâm con người.”[3]

Lối nẻo tìm lại được vai trò “vị thầy” hướng dẫn luân lý của lương tâm.

            Lương tâm vẫn luôn là “vị thầy” hướng dẫn luân lý

Những nguyên nhân được nêu dẫn ở trên có thể phản ánh đúng thực trạng xã hội ngày hôm nay rằng nhiều người đang trở nên bị tha hóa hoặc tự họ để cho mình bị tha hóa, nghĩa là, họ không còn sống theo những đòi hỏi bó buộc của lương tâm – tâm của họ không còn “sáng”. Dù cho chúng ta phải đối diện với thực trạng bi quan như thế, thì vẫn không ai phủ nhận được rằng lương tâm vẫn là nền tảng cho mọi hành vi luân lý. “Hãy để lương tâm là người hướng dẫn của bạn” luôn là một phương châm luân lý mà mọi người đều nhìn nhận. Điều này có nghĩa rằng “việc phán đoán mang tính phản tỉnh chân thành của cá nhân về điều phải làm thiết lập một ranh giới cho việc hành động với sự chân thành, hay với cái tâm ngay thẳng.”[4]

Như vậy, thật cần thiết để đào sâu tìm hiểu về lương tâm và trả lại vị thế “người thầy” hướng dẫn luân lý của lương tâm, – vị thế “bẩm sinh” của lương tâm. Để thực hiện điều này, ta tìm hiểu sâu hơn về lương tâm với các chiều kích của nó.

            Lương tâm là gì?

Lương tâm là một thực tại không thể phủ nhận. Khi nói đến lương tâm, nhiều người cảm thấy đây là một khái niệm mù mờ, khó hiểu, và cũng không ít người nghi ngờ sự tồn tại của nó. Tuy thế, chính kinh nghiệm cá nhân khẳng định sự tồn tại của lương tâm. Và trong thực tế nơi các nền văn hóa, không có nền văn hóa nào là không nói đến lương tâm. Người ta nhận ra rằng lương tâm không phải là một sự kiện nhưng ít nhất như là một vấn đề. Họ đã dùng những từ ngữ diễn tả lương tâm như “trái tim”, “lòng”, “bụng”,…chúng thường biểu thị bản chất sâu xa nhất của con người.[5]

Trải qua các thời kỳ lịch sử tư tưởng, lương tâm mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Trong thời thượng cổ Hy Lạp, lương tâm được gọi là suneidhsij (synderesis), một thuật từ diễn tả sự tự ý thức hay tri thức có phản tỉnh. Lương tâm đã trở thành một thực thể liên hệ đến hành động thuộc con người.[6] Thời trung cổ, theo thánh Tôma, lương tâm như là một chức năng của trí năng (lý trí thực hành) hay của ý chí (việc chọn lựa),[7] vốn liên hệ đến một hành vi cá nhân nếu nó tốt thì thực hiện, nếu nó xấu thì tránh.[8] Đây chính là nguyên tắc đệ nhất của luật tự nhiên: làm lành lánh dữ. Đến thời hiện đại, chưa bao giờ lương tâm lại được hiểu với rất nhiều quan điểm khác nhau và thậm chí trái ngược nhau. Kant cho rằng lương tâm như là “sự ý thức về công bình nội tại bên trong con người”. Trường phái duy nghiệm đưa ra một sự giải thích thuộc tâm lý về lương tâm. Còn Nietzsche không thừa nhận sự tồn tại của lương tâm. Freud coi lương tâm như sự đè nén của Libido. Heidegger xem lương tâm như là “tiếng gọi của sự quan tâm” (‘‘call of care’’) vốn tồn tại độc lập với con người. K. Jaspers hiểu lương tâm như là tiếng nói được nói với con người và tỏ cho con người thấy “bản thân con người là gì” (‘‘which is man himself’’),…[9]

Vì vậy, thật khó để đưa ra một định nghĩa chính xác về lương tâm mà mọi người chấp nhận. Tuy nhiên, ta cần đứng về một lập trường nào đó.[10] Ngày nay, theo quan điểm của Kitô giáo, lương tâm được bắt nguồn từ khái niệm về “tâm” (heart) trong Kinh Thánh. “Tâm là nơi đưa ra những quyết định sống còn, vì nó là trung tâm của cảm xúc và lý trí, quyết định và hành động, ước muốn và ý thức.”[11] Như thế, lương tâm bao gồm không chỉ là những khía cạnh thuộc nhận thức và thuộc ý chí mà còn là những khía cạnh thuộc cảm xúc, trực giác và thể xác. Lương tâm được hiểu như một diễn tả về toàn thể con người. [12]

Một vài dẫn chứng nói lên quan điểm của Giáo Hội về lương tâm. Tông huấn Niềm vui và Hi vọng (Gaudium et Spes) của Công đồng Vaticanô II viết: ở trong chiều sâu của lương tâm, con người khám phá ra một luật vốn bó buộc phải tuân theo. Một luật luôn luôn thúc đẩy con người yêu mến điều thiện và tránh xa điều dữ. Thiên Chúa đã viết luật này nơi tâm của mỗi người. Về tính bất khả xâm phạm của lương tâm, tông huấn Nhân phẩm Con người (Dignitatis Humanae) dạy rằng: “Trong tất cả hành vi, con người bị bó buộc tuân theo lương tâm một cách trung thành, để con người có thể đến với Thiên Chúa”. Gần đây, trong thông điệp Chân lý rạng ngời (Veritatis Splendor), Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định lương tâm như là một sợi dây liên kết giữa tự do con người với chân lý luân lý.[13]

Theo Richard M. Gula, lương tâm có thể được hiểu như “là sự cam kết với toàn thể con người đối với những giá trị và phán đoán mà con người thực hiện trong ánh sáng của sự cam kết đó về người mà tôi phải trở nên và điều mà tôi phải làm hay không làm.(Conscience is the whole person’s commitment to value and the judgement one makes in light of that commit ment of who one ought to be and what one ought to do or not do.) Lương tâm, với lối hiểu như thế, được đặt trong ba chiều kích: một khả năng, một tiến trình và một phán đoán. [14]

Lương tâm như một khả năng

Lương tâm là khả năng nền tảng phân định giữa điều thiện và ác, lành và dữ, công bằng và bất công. Khả năng này cũng khám ra điều gì làm cho con người trở nên tốt hay xấu và hành động nào đó là đúng hay sai về mặt luân lý. Điều này đòi hỏi một sự phán đoán chân thực: ‘đây là điều tôi chọn lựa làm, bởi vì đây là điều chân lý luân lý đòi hỏi.’ Phán đoán này mang tính thực hành vốn diễn ra trong tâm của mỗi người nơi từng hoàn cảnh cụ thể. Phán đoán này làm tròn đầy phương châm: “Hãy để lương tâm là người hướng dẫn của bạn.” [15]

Có ba tình trạng của lương tâm cần phân biệt. Thứ nhất, trước khi cá nhân hành động, vai trò mà lương tâm là soi sáng, tỏ lộ cho cá nhân đó biết phẩm chất luân lý của hành vi được chọn lựa, và những mệnh lệnh kéo theo, cho phép, hay ngăn cản,…Thứ hai, trong khi cá nhân hành động, lương tâm xác nhận hành vi đó là hợp luân lý hay không: trong tình trạng này, lương tâm không gì hơn là nhận thức tức thời của cá nhân đó, không phải về hành động mà về giá trị luân lý của hành động. Thứ ba, sau khi cá nhân hành động, lương tâm thẩm định một lần nữa điều cá nhân đó vừa hành động hợp luân lý hay không, nghĩa là, lương tâm chuẩn nhận hay lên án điều vừa được thực hiện.[16]

Lương tâm như một tiến trình nhận định[17]

Việc bó buộc tuân theo lương tâm giả định rằng lương tâm chúng ta đã được huấn luyện đúng đắn. Lương tâm như là một tiến trình của việc nhận định liên tục điều gì là tốt hay xấu, tìm kiếm mẫu người mà tôi muốn trở nên và điều tôi phải trung thành thực hiện.

Trước khi đưa ra một phán đoán đòi hỏi chúng ta cần có một tiến trình nhận định và đây cũng là quá trình huấn luyện lương tâm. Trước hết, ngoài việc học hỏi từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta cần đến kinh nghiệm của những người khác chẳng hạn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay các chuyên gia trong những lãnh vực liên quan đến phạm vi phán đoán của chúng ta. Thứ đến, chúng ta cần học hỏi từ những câu chuyện hình ảnh, những thực hành đạo đức hay các nguyên tắc thiêng liêng. Cuối cùng, chúng ta học hỏi từ những giá trị trong Kinh Thánh đặc biệt là những giáo huấn của Đức Giêsu, và từ những truyền thống và giáo huấn của Giáo hội.

Huấn luyện lương tâm còn là huấn luyện đức hạnh. Mục đích của việc huấn luyện lương tâm là không chỉ dừng lại ở chỗ tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Tôi phải làm gì?”, nhưng nó còn phải bao gồm câu trả lời cho câu hỏi “Tôi phải trở nên loại người nào?” Đây là việc huấn luyện cả con người: thái độ, động lực, ý hướng, lý trí, cảm xúc và đặc biệt là những đức hạnh thiết yếu (khôn ngoan, dũng cảm, công bình và tiết độ). Huấn luyện nhân đức là cái gốc luân lý vững chắc. Một khi con người thủ đắc phần nào các nhân đức, điều này chi phối và ảnh hưởng rất lớn đến hành vi luân lý.

Lương tâm như một phán đoán

Khi đối diện với những vấn đề luân lý, chính lương tâm đưa ra phán đoán cuối cùng để hành động. Phán đoán là điều mà cá nhân, với lương tâm đã được huấn luyện, nhận định tính đúng hay sai, tốt hay xấu về một hành vi luân lý để hành động hay không hành động.

Trong phán đoán, hai nguyên tắc cần được áp dụng. Thứ nhất, cá nhân luôn luôn phải tuân theo lương tâm chắc chắn. Lương tâm chắc chắn phán đoán rằng một hành vi là tốt hay xấu mà không e ngại điều ngược lại là đúng. Một lương tâm chắc chắn không có nghĩa là một lương tâm đúng, mà nó có thể đúng hoặc sai lầm. Tuy nhiên, một cá nhân với một lương tâm chắc chắn bị bó buộc phải hành động thậm chí lương tâm người đó là lầm lạc, như lời thánh Tôma nói : “Thà bị Giáo Hội tuyệt thông, hơn là làm trái lương tâm.” Thứ hai, cá nhân không bao giờ được hành động với lương tâm nghi ngờ. Lương tâm nghi ngờ là khi cá nhân có những lý do tốt, hoặc không có lý do tốt cho cả hai mặt tốt và xấu của hành vi.[18]

Tóm lại, ba chiều kích trên của lương tâm đòi hỏi được thực hành liên tục, nhằm để có được một lương tâm trưởng thành – một con người người trưởng thành. Chúng ta cần thiết trau dồi liên tục, cần duyệt xét lại lương tâm: duyệt xét lại tiến trình nhận định và việc huấn luyện lương tâm, và duyệt xét lại phán đoán của mình. Do vậy, việc huấn luyện lương tâm là một nhiệm vụ suốt đời hầu.

Một vài nhận định

Các trường phái luân lý luôn muốn tìm một nguyên tắc luân lý hầu có thể áp dụng cách phổ quát cho mọi người. Tuy nhiên, mỗi trường phái đều có những ưu khuyết điểm của nó và không đáp ứng hoàn toàn được đòi hỏi đặt ra. Không phải ai cũng có cơ hội để tìm hiểu những nguyên tắc luân lý và vận dụng những nguyên tắc đó. Nếu như tìm được chúng đi chăng nữa, thì trước hết và trên hết các nguyên tắc con người luôn luôn lấy lương tâm mình để suy xét, do bởi lương tâm là nền tảng luân lý.

Kitô giáo có một cái nhìn đặc sắc về lương tâm, xem lương tâm như là toàn thể con người. Dưới cái nhìn như thế, dẫn đến việc huấn luyện lương tâm cũng đồng nghĩa với việc huấn luyện con người – huấn luyện nhân đức – cũng là một nét đặc sắc. Đây là một quan điểm rất khác với cái nhìn thông thường về lương tâm vốn xem lương tâm như một thuộc tính của con người. Do đó, không phải dễ để nhiều người thuận theo quan điểm này, ngay cả những người Kitô hữu.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là liệu rằng ta có thể áp dụng quan điểm về lương tâm của Kitô giáo cho mọi người? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được. Trong những chiều kích của lương tâm, thì chiều kích thứ hai (tiến trình nhận định) có thể một vài điểm cần phải tùy theo hoàn cảnh của cá nhân mà thay đổi; còn các chiều kích còn lại thì vẫn hợp lý.

Kết

Đứng trước thực trạng con người ngày hôm nay, có vẻ con người đang bất lực trong nỗ lực làm cho chính mình ngày càng chân, thiện và mỹ hơn. Ngược lại, con người có chiều hướng đi xuống, nhất là trong đời sống luân lý.

Không ai phủ nhận được sự tồn tại của lương tâm, cho dù có thể người ta diễn tả với một ngôn từ khác hay một ý nghĩa khác. Lương tâm là nền tảng luân lý. Nhưng nền tảng này sẽ lung lay, lu mờ và mê muội nếu như con người để cho nền “văn hóa sự chết” và các yếu tố tiêu cực khác chi phối. Vì thế, lương tâm cần được làm cho “sáng”, tức trau dồi, củng cố và huấn luyện. Kitô giáo xem lương tâm như là toàn thể con người. Huấn luyện lương tâm là huấn luyện con người với mọi chiều kích của nó, đặc biệt là nhân đức.

Luật của lương tâm là luật phổ quát cho mọi người: làm lành lánh dữ. Lương tâm vẫn luôn là “vị thầy” hướng dẫn luân lý cho mọi người trong mọi thời đại. Nếu như con người ngày nay nỗ lực để trở về với “vị thầy” đó, trở về với cõi thẳm sâu trong lòng mình, và lắng nghe lời gọi mời của lương tâm, sẵn sàng tuân theo lời mời gọi đó; thì chắc hẳn con người sẽ được đổi mới và thế giới này sẽ khác.

Thiên Kính, SJ.

[1] Dougherty, Kenneth F., General Ethics (New York: Graymoon Press, 1959), p. 132.

[2] Collins, Francis S., Ngôn Ngữ Của Chúa (Hà Nội: NXB Lao Động, 2007), tr. 61.

[3] Arias, Juan, Đức Kitô Luôn Mới Lạ, tr. 59.

[4] Hoose, Bernard, Christian Ethics (New York: Continuum, 1998), p. 114.

[5] The New Catholic Encyclopedia, Second edition, 4, Com-Dyn, (Washington, D.C.: Thomson Gale, 2003 ), p.139.

[6] Ibid.

[7] Hoose, Bernard, Christian Ethics (New York: Continuum, 1998), p. 112.

[8] Dougherty, Kenneth F., General Ethics (New York: Graymoon Press, 1959), p. 132.              

[9] The New Catholic Encyclopedia, Second edition, 4, Com-Dyn, (Washington, D.C.: Thomson Gale, 2003 ), p.140.

[10] Người viết chọn quan điểm về lương tâm của Kitô giáo.

[11] Hoose, Bernard, Christian Ethics (New York: Continuum, 1998), p.112.

[12] Ibid., p.115.

[13] Ibid., p.113.

[14] Ibid., p.114.

[15] Ibid., p.113.

[16] Finance, Joseph De, S.J., An Ethical Inquiry (Rome: University Gregoriana, 1991), p.435.

[17] Ibid., p.115.

[18] Dougherty, Kenneth F., General Ethics (New York: Graymoon Press, 1959), p. 132.

Kiểm tra tương tự

Hôn nhân không phải là một trò chơi để “chiến thắng”

Gần đây, nhiều tác giả và diễn giả nổi tiếng đang nhấn mạnh đến tình …

Vẻ đẹp của lời cầu nguyện

“Cầu nguyện là thiết lập tình bạn với Chúa, bằng cách thường xuyên trò chuyện …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *