Những Nghịch Lý Của Lý Tính Thuần Túy (phần 2/2)

zImmanuel Kant (1724-1804)

  • Dẫn nhập
  • Nguyên nhân hình thành các nghịch lý
  • Các nghịch lý
  • Ý nghĩa của các nghịch lý
  • Kết luận

Trong khi Kant trình bày các luận cứ đối lập (chính đề, phản đề), mục đích của Kant không phải để chứng minh luận cứ này hơn luận cứ kia, mà đúng hơn Kant muốn cho thấy cả hai đều có tính biện chứng. Xuất phát từ kinh nghiệm không-thời gian, chúng yêu sách phải đưa ra nhận thức về sự trọn vẹn tuyệt đối của sự tổ hợp và phân chia của cái toàn bộ được mang lại nơi mọi hiện tượng, sự trọn vẹn tuyệt đối trong nguồn gốc ra đời của một hiện tượng, sự phụ thuộc về sự tồn tại của cái có thể biến đổi trong hiện tượng. Đó là tìm kiếm sự trọn vẹn tuyệt đối trên cơ sở của kinh nghiệm bị giới hạn về không gian lẫn thời gian, là kinh nghiệm đã đưa lý tính vào những nghịch lý. Đối với lý tính, Kant xem đó là điều không thể tránh khỏi và tự nhiên phải làm như vậy. Nhưng, qua việc trình bày những nghịch lý, Kant hy vọng làm thức tỉnh lý tính khỏi “sự ngủ quên trong niềm tin tưởng tự tạo”. Ông cũng không muốn uốn nắn chúng thành “thái độ hoài nghi tuyệt vọng”, hay dẫn chúng đến cái chết của một nền triết học lành mạnh trong một thái độ khư khư bám giữ một lập trường duy nhất một cách giáo điều. Những giải pháp cho những nghịch lý, được phát biểu rộng rãi và tinh tế, cốt yếu là cho thấy chúng nảy sinh như thế nào từ sự sai lầm của lý tính, để từ đó hiểu được những danh giới của chính lý tính; tức là, sự nắm bắt sai lầm của lý tính khi cho các vật tự thân là các hiện tượng.

Trong khi bàn luận về các nghịch lý và cách giải quyết chúng, Kant bày tỏ sự nhất quán rằng: thế giới vật tự thân con người không thể nhận thức được, nhưng nó phải có. Con người chỉ có tri thức về thế giới hiện tượng mà không thể có tri thức về thế giới vật tự thân. Khi đối diện với các antinomy, lý tính rơi vào sai lầm, tri thức về vật tự thân trở nên xa lạ với lý tính. Đây là quan điểm bất khả tri của Kant. Tuy nhiên, vật tự thân bất khả tri nhưng khả niệm, nghĩa là, không thể tri thức về vật tự thân nhưng lại có thể có ý niệm về vật tự thân. Vật tự thân theo quan điểm của Kant là vũ trụ vô hạn, linh hồn bất tử và thượng đế. Đây là thế giới không tuân theo quy luật, không tuân theo liên hệ nhân quả, không tồn tại trong không gian và thời gian, cho nên chúng là thế giới tự do tuyệt đối và không thuộc thẩm quyền của nhận thức. Vật tự thân với tư cách là thế giới tự do tuyệt đối nằm ngoài phạm vi của nhận thức. Điều này thể hiện sự khác nhau trong quan niệm về tự do của Kant, Spinoza, và Hegel. Nếu như Spinoza và Hegel coi tự do như là tất yếu được nhận thức thì Kant cho rằng tự do chỉ là tương đối thuộc về hiện tượng luận. Ngoài ra còn có thế giới siêu nghiệm, lĩnh vực của tự do tuyệt đối mà nhận thức của con người không đạt tới được.

Khi nhận ra được ranh giới giữa thế giới của hiện tượng và thế giới của vật tự tự thân, chúng giúp cho khoa học tự nhiên biết được phạm vi hoạt động của mình. Phạm vi hoạt động của khoa học tự nhiên là thế giới hiện tượng. Bởi vì, trong thế giới hiện tượng sự vật mới tồn tại trong không gian và thời gian; tuân theo các quy luật tất yếu; và tuân theo quy luật nhân quả. Ngược lại, trong thế giới của vật tự thân là thế giới của cái vô hạn, vĩnh viễn, thường tồn trong không gian và thời gian; không bị chi phối bởi các quy luật tất yếu; và tồn tại ngoài mối liên hệ nhân quả. Do đó, khoa học tự nhiên chỉ được áp dụng trong giới hạn của thế giới hiện tượng, còn phạm vi vật tự thân khoa học tự nhiên không thể được áp dụng.

Mặc dù, thế giới của vật tự thân con người không có khả năng nhận thức về chúng (chúng chỉ là những ý niệm), nhưng chúng giữ vai trò là ý niệm điều phối đối với đời sống con người. Là ý niệm điều phối, các khái niệm về bản ngã, vũ trụ có trật tự, và thượng đế có một vai trò hợp pháp, vì chúng giúp chúng ta tổng hợp những kinh nghiệm của chính mình. Cũng thế, nói về một thực tại bản thể, hay thực tại của vật tự thân, là đáp ứng những kinh nghiệm và khuynh hướng hiển nhiên của tư duy. Vì thế, chúng ta có thể nghĩ về một người theo hai cách, như là một hiện tượng hay như là một bản thể. Ở góc độ hiện tượng, một người có thể được nghiên cứu một cách khoa học như một hiện hữu trong không gian, thời gian và trong bối cảnh của nguyên lý nhân quả. Đồng thời, kinh nghiệm của chúng ta về nghĩa vụ đạo đức gợi ý rằng bản chất bản thể của con người (là cái vượt ra ngoài tri giác của chúng ta) mang nét đặc trưng là tự do. Trong bối cảnh này, khái niệm về tự do, cũng như ý niệm về bản ngã, hay về thượng đế là một ý niệm điều phối. “Không bao giờ có thể chứng minh rằng con người có tự do hay thượng đế tồn tại, bởi vì các khái niệm này đưa chúng ta sang lĩnh vực tiên nghiệm nằm ngoài kinh nghiệm cảm giác, là lĩnh vực mà các phạm trù của trí khôn không có dữ liệu nào để xử lý.”[1]

Một điều quan trọng nữa, chính nhờ sự giới hạn phạm vi của lý tính lý thuyết trong lĩnh vực kinh nghiệm đã dành chỗ trống để được lấp đầy bằng các dữ kiện thực hành (đạo đức). Bởi vì, vấn đề đạo đức không thể đặt ra nếu không lấy tự do làm tiền giả định. Nhưng, tự do sẽ không được cứu vãn nếu không biết nhìn đối tượng theo hai tầng ý nghĩa: con người với tư cách là hiện tượng, là không tự do (vì phải tuân theo các quy luật của tự nhiên), vừa với tư cách là vật tự thân, tức là tự do. Nhờ đó mà Kant cho rằng “tôi phải dẹp bỏ tri thức [sai lầm][2] đi để dành chỗ cho lòng tin”[3].

Tóm lại, Những Nghịch Lý Của Lý Tính Thuần Túy tạo thành một trong những phần tiêu biểu nhất của tác phẩm Phê Phán Lý Trí Thuần Túy. Trong đó, Kant trình bày bốn nhóm suy luận biện chứng về bản tính của thế giới tương ứng với bốn phạm trù. Các phạm trù toán học về lượng và chất, và các phạm trù về năng động về tương quan và hình thái. Sau khi trình bày các nghịch lý, Kant đã nhận thấy rằng: lý tính của con người chỉ có khả năng nhận biết được thế giới hiện tượng, còn với thế giới của vật tự thân là thế giới mà lý tính của con người không thể. Cũng nhờ giới hạn của lý trí mà Kant cho rằng thế giới của vật tự thân là thế giới tự do của con người, nơi đây con người sống ý thức đạo đức kèm với trách nhiệm của mình.

 

Nguyễn Văn Hòe, S.J.

Học Viên Triết I

Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam

 

Tài liệu tham khảo

Kant, E., Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch, Nhà Xuất Bản Văn Học, 2004.

Stumpf, S., Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch, NXB Lao Động Hà Nội, 2004.

 

[1] Stumpf, S., Triết Học Và Các Luận Đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Huy dịch, NXB Lao Động Hà Nội, 2004, T 253.

[2] Tri thức sai lầm được hiểu là: khi lý tính giải thích thế giới tự thân thì có thể dẫn đến sai lầm, vì thế giới vật tự thân nằm ngoài phạm vi hiểu biết của lý trí.

[3] Kant, E,. Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch, NXB Văn Học, 2004, T 55.

Kiểm tra tương tự

Đất nước duy lý trước cơn đói khát thiêng liêng

Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học …

Đạo làm người

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.   Ý thức luân lý Con vật chỉ phản …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *