Như là kết quả hội nhất của việc thực thi lề luật “mến Chúa yêu người”, tình yêu Phanxicô Xaviê dành cho tha nhân không chỉ dừng lại nơi những người anh em Dòng Tên, những người bạn trong Chúa của ngài, nhưng tình yêu ấy còn vươn tới một chân trời vô tận là cuộc sống của mọi lớp người. Những ai đã từng gặp và sống với Phanxicô Xaviê đều muốn gọi ngài bằng một cái tên thật là trìu mến: “người cha yêu thương.”[1] Vì đâu ngài được như vậy?
Không khó để nhận ra rằng tình yêu ngài dành cho tha nhân, dành cho các linh hồn là một tình yêu “nhập thể,” một tình yêu “sống với.” Ngài hết sức thân tình và gần gũi với cuộc sống của mọi lớp người. Dù họ là tiểu thương hay thuyền trưởng, dân nghèo hay vua quan, trẻ em hay người già…, thánh nhân đều cố gắng thấu hiểu và cảm thông. Trong lá thư gửi cho Mansilhas, một người cùng lao tác với ngài trên cánh đồng sứ vụ, Phanxicô đã căn dặn kỹ càng: “em hãy thăm người đau yếu…phải luôn luôn đối xử rất tình cảm với họ.”[2] Hẳn rằng, kinh nghiệm: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu.”[3] đã được tái hiện nơi cuộc đời của Phanxicô Xaviê.
Chính nhờ sống với mọi người và hiểu mọi người nên thánh nhân nhiều lần mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến cảnh bao người còn chưa biết Chúa. Đặt chân tới nhiều ngôi làng của Ấn Độ, ngài nhói đau vì thực trạng các tân tòng chỉ biết tới chuyện họ có đạo, mà không hề biết thực hành đạo. Cũng có lần ngài cảm thấy hối hận và tự trách mình khi nghe tin một chàng trai trẻ đột ngột qua đời mà ngài chưa kịp nói về Chúa cho chàng, dù hai người đã từng đi chung chuyến tàu.[4] Những thực tại đó khiến Phanxicô Xaviê lên tiếng và hành động.
Từ nơi phương Đông xa xôi, ngài muốn hướng về đại học Paris để gào thét với những kẻ chỉ vùi đầu vào sách vở mà không quan tâm tới phần rỗi của các linh hồn.[5] Thậm chí, các vua chúa quan quyền cũng nằm trong số những người được thánh nhân thúc giục: “Biết bao linh hồn không được hưởng phúc vinh quang, nhưng phải sa địa ngục, vì quý vị lơ là.”[6] Chẳng những vậy, thánh nhân bất chấp mọi khó khăn gian khổ, vượt qua bao sóng lớn biển cả để mang Tin Mừng đến với mọi người. Dõi theo những năm tháng truyền giáo tại phương Đông của Phanxicô Xaviê, ta không khỏi ngỡ ngàng thán phục khi biết rằng cứ ba ngày thì lại có một ngày thánh nhân lênh đênh trên biển.[7] Ngài chấp nhận một đời lênh đênh trong bàn tay quan phòng của Chúa. Mấy ai biết rằng, ngay từ đầu, Phanxicô Xaviê đâu phải là người chính thức được chỉ định cho công cuộc truyền giáo tại phương Đông xa xôi. Thế mà, vì yêu mến các linh hồn, ngài sẵn sàng theo tiếng “xin vâng” để lên đường đến với mọi người và sống giữa muôn người.
Sống với muôn người, Phanxicô Xaviê yêu mến họ bằng một tình yêu có “phương pháp.” Khi tới một ngôi làng mới, thánh nhân rung chuông tập hợp trẻ em để truyền giảng đạo lý Chúa Ki-tô. Vì sao lại là trẻ em? Có lẽ, với một con tim rực tràn lửa mến của mình, thánh nhân đã nghĩ tới những người trẻ, nghĩ tới tương lai của Giáo Hội. Tâm hồn trẻ nhỏ tinh tuyền tựa trang giấy trắng quả là mảnh đất tuyệt vời để hạt giống Tin Mừng nảy sinh và đơm bông kết trái. Chính các em đã trở về gia đình mình và truyền rao lối sống Phúc Âm cho cha mẹ và cho người thân. Thậm chí, đã có lần thánh nhân sai các em đến với những người đau yếu để dạy họ thực hành Đức Tin, và cầu nguyện cho họ.[8]
Ngoài kinh nghiệm với trẻ nhỏ, thánh nhân còn sẵn sàng đón nhận và mời gọi mọi người cộng tác với mình trong việc loan báo Tin Mừng. Ngài đào tạo giáo lý viên và chăm lo cho hàng giáo sĩ bản địa. Mọi phương tiện và tương quan tốt đều được ngài tận dụng để gieo mầm hạt giống Đức Tin. Các vị vua quan, trưởng làng hay thuyền trưởng đều có thể nhập cuộc với ngài.[9] Hẳn rằng, Phanxicô Xaviê đã nghiệm được nơi lời mời gọi: “Anh em hãy đi làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” một chiều kích cộng đoàn truyền giáo. Sứ mạng loan báo Tin Mừng được trao cho hết thảy mọi người, bất kể họ là giám mục, linh mục, tu sĩ, vua quan hay giáo dân. Với Phanxicô Xaviê, Thiên Chúa mới là chủ sứ mạng, và mọi người được mời gọi đóng góp phần mình vào sứ mạng ấy.
Vì lẽ đó, tình yêu mà Phanxicô Xaviê dành cho tha nhân, dành cho các linh hồn luôn là một tình yêu biết đón nhận những giới hạn. Với bổn đạo mới, Phanxicô Xaviê luôn kiên trì nhẫn nại, cho dù họ yếu đuối hay lầm lỗi. Ngài ân cần sửa dạy bằng tình yêu của một người cha hiền hậu. Với những người cùng thực thi sứ mạng, Phanxicô Xaviê vui lòng đón nhận những khả năng và giới hạn nơi họ. Chẳng những thế, ngài còn luôn khích lệ họ bằng những lá thư đầy tình đỡ nâng. Viết thư cho Mansilhas, ngài khuyên: “Nếu chưa làm được nơi họ tất cả những gì mình muốn, em hãy bằng lòng với những gì mình có thể làm được. Anh cũng vẫn làm như vậy.”[10] Và, hơn lúc nào hết, cái “biết đón nhận giới hạn” của tình yêu ấy thể hiện rõ nhất nơi những giây phút cuối đời của ngài trên đảo Thượng Xuyên. Dù vẫn tràn đầy khao khát mang Tin Mừng đến với Trung Hoa, tràn đầy lửa yêu mến các linh hồn, nhưng Phanxicô Xaviê bằng lòng nhắm mắt xuôi tay nghe theo tiếng gọi từ Trời Cao. Ngài phó thác linh hồn trong tay Thiên Chúa với một tâm tình hoàn toàn khiêm hạ: “Lạy Con Vua Đa-vit xin thương xót con.”[11] Và, Phanxicô Xaviê nghỉ an trong Chúa.
Như một lời kết, Phanxicô Xaviê đã để lại cho hậu thế một “tổng luận” tình yêu vĩ đại, một tình yêu “cốt ở hành động hơn là lời nói.”[12] Khởi sự của tổng ấy chính là một tình yêu được bắt nguồn và bén rẽ sâu nơi tình yêu Thiên Chúa, Đấng mà Phanxicô Xaviê luôn hằng mến yêu. Nhờ đó, Phanxicô Xaviê đã khai triển thân bài của tổng luận bằng những hoa trái Tin Mừng trổ sinh bốn phương: hoa trái tại những nơi Xaviê sống, hoa trái nơi những người Xaviê gặp. Và, còn gì đẹp hơn khi tổng luận tình yêu được chính Thiên Chúa khép lại bằng một cái kết vẫn còn dang dở nơi cuộc đời của Phanxicô Xaviê: giấc mơ mang Tin Mừng đến với Trung Hoa. Phải chăng đó là lời mời gọi đặc biệt Thiên Chúa dành cho mỗi người khi chiêm ngắm cuộc đời của thánh nhân? Ở nơi đây và ngay lúc này, vẫn luôn vang vọng những lời mời gọi “Trung Hoa” khác nhau để mỗi người có thể noi gương Phanxicô Xaviê dệt nên tổng luận tình yêu của riêng đời mình.
Trần Đỉnh S.J – Quang Khanh S.J – Minh Vương S.J
Các bài viết trước: Ngày thứ hai: Thánh Phanxicô Xaviê – Tình Yêu Mang Tên Tình Huynh Đệ
Ngày thứ nhất: Phanxicô Xaviê – Người Say Yêu Thiên Chúa
[1] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier (India: Anand Presss, 1984), 200.
[2] Bút tích Phanxicô Xavier, Hoàng Sóc Sơn, S.J. chuyển dịch và giới thiệu (Frisco: An Tôn & Đuốc Sáng, 2007), 192.
[3] 1 Cr 9,22-23
[4] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 65.
[5] Bút Tích Phanxicô Xavier, 46.
[6] Bút Tích Phanxicô Xavier, 62.
[7] Bút Tích Phanxicô Xavier, 49.
[8] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 78.
[9] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 200.
[10] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 190.
[11] Albert Jou, S.J., The Saint on a Mission: the Story of Saint Francis Xavier, 195.
[12] Thánh Inhã, Linh thao, số 230.