“Các anh là ai?” cùng với vẻ mặt nghi ngờ, người ta hỏi anh em chúng tôi, khi gặp họ lần đầu. Đã quen rồi với những câu hỏi như vậy, nên chúng tôi không cảm thấy chán nản khi trả lời cho họ về bản thân chúng tôi. Sau một vài câu chào hỏi qua lại, người ta liền cảm thấy một sự an tâm và bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh, thao thức và những ước mơ của họ …
Những ngày cuối tuần, công việc của chúng tôi là tìm đến với những người nghèo. Rong ruổi trên đường, sau đó ghé vào những xóm nghèo, những khu nhà trọ. Nơi ấy, chúng tôi gặp những con người nghèo khó, cô đơn, già cả, bệnh tật… Chúng tôi đến với họ để lắng nghe họ chia sẻ, tâm sự. Có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một cái là “nghèo”. Họ nghèo về vật chất, tiền bạc, nghèo về sức khỏe thể lý, tâm lý, nghèo về đời sống tâm linh, nghèo về các mối tương quan, và nghèo kiến thức. Chính vì cái nghèo, cái thiếu thốn ấy, nên họ cần có người lắng nghe, cần người nâng đỡ, cần người chia sẻ cuộc sống với họ. Quả thật, chúng tôi chỉ đến để nghe họ nói lên những nỗi đau khổ, những thao thức và khát mong của họ… Giữa một thành phố văn mình giàu có, có những con người ăn chơi phung phí tiền bạc mà vẫn không hết, nhưng có người tìm kiếm đến mệt cũng không có của ăn, nói cách khác, họ “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”[1].
Gặp gỡ, tiếp xúc với những con người như thế, lòng tôi rung lên với một con tim đồng cảm. Thực sự, những lúc ấy, tôi muốn làm điều gì đó đề giúp đỡ họ. Nhìn về bản thân mình, tôi nhận ra cái nghèo của mình. Tôi muốn làm nhưng không thể, bởi vì tôi cũng không có gì ngoài cái nghèo của mình. Nhờ đó, tôi được ý thức hơn về lời khấn Khó Nghèo của mình, và tôi đã nhận ra cái nghèo của mình cũng là ân sủng Chúa ban như Tổng Hội 34 đã nói. Khó nghèo vật chất là một ân sủng mang lại niềm vui và bình an[2]. Tôi được mời gọi sống lời khấn Khó Nghèo với sự tự do và tinh thần lớn để đến gần Thiên Chúa hơn. Thế nên, bản thân tôi ao ước có được sự khôn ngoan để sống nghèo như là một quà tặng Chúa ban. Tôi cám ơn những người nghèo đã giúp tôi ý thức về cái nghèo nơi bản thân mình.
Tìm đến với những người nghèo, ý thức về cái nghèo nơi bản thân mình, tôi nhìn lên Chúa, chính Ngài đã trở nên nghèo khó để tôi được là con Thiên Chúa và là người đồng thừa tự trong Đức Ki-tô. Hàng tuần, chúng tôi rong ruổi đến các con hẻm, để gặp gỡ người nghèo quanh chúng tôi. Nhìn vào sâu thẳm nơi tâm hồn mình, Chúa cũng đang vất vả cực nhọc tìm đến với chúng tôi, những người nghèo của Ngài. Ngài tìm đến chúng tôi để lắng nghe chúng tôi, để cảm thông, để nâng đỡ, để dẫn dắt và đồng hành cùng chúng tôi. Hơn ba mươi phút đồng hồ để đến với người nghèo bằng xe gắn máy, đã thấy khá xa rồi. Vậy mà, có những khoảng tối trong tâm hồn chúng tôi cách xa nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, Chúa vẫn lặng lẽ tìm đến, gõ cửa và chờ đợi từng người chúng tôi. Ngài đang chờ tôi mở của cho Ngài bước vào tâm hồn tôi, Ngài mong tôi đừng chạy trốn, Ngài mong tôi đến với Ngài để được giàu có để được xứng đáng là con của Thiên Chúa hơn.
Tạ ơn Chúa, qua kinh nghiệm đến với người nghèo, và người đau ốm bệnh tật, tôi được trở nên người bạn để chia sẻ, nâng đỡ tình thần của họ; đồng thời tôi nhận biết cái nghèo nơi bản thân của mình để không phụ bạc với Chúa; đặc biệt tôi nhận ra rằng chính Chúa đang tìm kiếm tôi, đang chờ đợi tôi – người nghèo của Chúa, Ngài mời gọi tôi bước đi theo Ngài và chung chia cuộc sống với Ngài. Ước mong những cơ hội gặp gỡ với người nghèo là những cơ hội để chúng tôi học nơi Chúa bài học Khó Nghèo để lấy chính cái nghèo của mình làm phong phú đời sống của nhân loại.
Như Thế
[1] Trần Tế Xương, bài thơ Than Nghèo
[2]Tổng Hội 34, nq 9, S.291