Dẫn nhập
Trọng tâm Phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Luật chữ đỏ hướng dẫn: “Hôm nay không cử hành bất cứ bí tích nào. Khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, trừ khi lý do mục vụ khuyên nên làm muộn hơn.”[1] Từ đó, Sách Lễ Rôma khai triển chi tiết các nghi thức được cử hành hôm ấy với ba phần chính:[2] Phụng Vụ Lời Chúa, Kính Thờ Thánh Giá, và Rước Lễ.
Thực tế, để giúp dân Chúa chìm sâu trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu chịu Thương Khó, Giáo Hội khắp nơi còn cử hành thêm những nghi thức đặc trưng. Ở Miền Bắc Việt Nam, tại các giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình, Bắc Ninh, v.v., trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, sau cử hành Phụng vụ chính thức vào buổi chiều, buổi tối, các giáo xứ thường có thêm hai cử hành đạo đức, là Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu và Táng Xác Chúa.[3]
Bài viết này chính yếu tìm hiểu cử hành thứ hai, đó là Táng Xác Đức Chúa Giêsu theo hình thức quen thuộc của người Miền Bắc trong bối cảnh của Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Đây không phải là cử hành Phụng vụ chính thức nhưng có thể được coi là một dạng thức thực hành đạo đức bình dân được đặt trong bối cảnh Phụng vụ. Như vậy, trước khi tìm hiểu chính cử hành này, bài viết sẽ xem xét đôi chút về cơ sở nền tảng, và sau cùng là đôi điều luận bàn cần lưu ý.
Cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu trong bối cảnh Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh
Nghi thức Táng Xác Đức Chúa Giêsu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có thể manh nha hình thành trong khoảng nửa sau thế kỷ XVII.[26] Chúng ta không biết rõ cử hành ấy đã trải qua những thăng trầm nào, nhưng qua chiều dài lịch sử, thực hành đạo đức này đã phát triển và trở nên gần gũi thân quen với các tín hữu Việt Nam, đăc biệt nơi các Giáo phận Miền Bắc. Cử hành này trở nên như bước đệm làm liên tục Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh với Đêm Vượt Qua.
Thoáng nhìn lịch sử hình thành cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu trong bối cảnh Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh
Trong phần dẫn nhập, chúng tôi đã nói Phụng vụ chính thức của Thứ Sáu Tuần Thánh được Giáo Hội hướng dẫn là cử hành Cuộc Thương Khó của Chúa với ba phần chính: Phụng Vụ Lời Chúa, Kính Thờ Thánh Giá và Rước Lễ. Như thế, cử hành Táng Xác Chúa phải được xem là một thực hành đạo đức được thêm vào. Và theo mạch nội dung suy niệm vốn được xây dựng trên nền tảng Tin Mừng, cử hành Táng Xác Chúa phải được xem là sự tiếp nối cử hành Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa. Tất cả nhằm giúp các tín hữu đi vào bầu khí Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, đó là chìm sâu trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu chịu Thương Khó vì yêu thương nhân loại.
Về lịch sử, việc xuất hiện cử hành Táng Xác Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có thể được nhìn trong một tiến trình phát triển tiệm tiến. Tác giả Phạm Đình Ái cho rằng các cử hành như Rước Tiệc Chiên vào Thứ Năm Thánh, Rước Kiệu Bắt, Đọc Đoạn, Ngắm Đứng, Dâng Hạt, Tháo Đinh, Táng Xác Chúa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đều do cha Đắc Lộ và các tu sĩ Dòng Tên tạo ra.[27] Tuy nhiên, với bút tích cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhode, 1593-1660) để lại trong cuốn Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài (Pháp ngữ, 1646) và Hành Trình Và Truyền Giáo (Pháp ngữ, 1653), chúng ta chỉ nói được rằng các thừa sai Dòng Tên thời đầu truyền giáo ở Việt Nam đã tổ chức Ngắm Đứng và Kính Thờ Thánh Giá.
Dù không nói được rằng cử hành Táng Xác Chúa là do cha Đắc Lộ và các vị thừa sai thời ấy tạo ra, chúng ta vẫn có thể tin rằng những tâm tình nảy sinh từ các cử hành đạo đức mà các ngài đã tổ chức cho các tín hữu của mình tham dự đã trở nên chất liệu và nguồn khởi hứng cho việc khuôn đúc hình hài cử hành Táng Xác Chúa về sau. Chúng ta sẽ thấy những tâm tình như thế trong lời tường thuật của cha Đắc Lộ: “hôm sau [Thứ Sáu Tuần Thánh] tôi trưng bày thánh giá để họ tới kính thờ và hôn, cùng lúc đó họ ngâm những bài ca rất sầu thảm nức nở, đổ giòng nước mắt rửa tội họ và dâng cho các thiên thần ngự ẩm”[28] và:[29]
Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong Tuần Thánh vì chúng tôi có ít người và giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì vì không hiểu biết sách (Latin). Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo Hội Rôma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc kêu gào và rên rỉ tỏ lòng mến thương những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế chịu.
Thực ra, việc khuôn hình cử hành Táng Xác Chúa như hiện nay có thể do các vị thừa sai đến Việt Nam sau này. Và hầu chắc có sự đóng góp lớn lao của các vị thừa sai dòng Đaminh.[30] Thực tế, năm 1916, cha Manuel Moreno (tên Việt là Trinh), cũng là linh mục dòng Đaminh, khi ấy đang là cha Chính giáo phận Trung, giáo phận mẹ của hai giáo phận Bùi Chu và Thái Bình ngày nay, đã cho xuất bản cuốn “Sử Ký Địa Phận Trung” tại nhà in Phú Nhai Đường. Thời gian này, giáo phận Trung đang được các vị thừa sai dòng Đaminh coi sóc. Ngài liệt kê các nghi thức được cử hành trong giáo phận vào Thứ Sáu Tuần Thánh như sau:
Sáng ngày thứ sáu thì viếng câu rút, cùng hôn chân Tượng chiụ nạn đã sắp sẵn trên ghế, có màn giải và những hoa thơm ướp Tượng để giữa nhà thờ; còn chiều ngày ầy thì kiệu Tượng vác, đoạn đóng đanh, rồi ngắm mười lăm sự thương khó cách trọng thể, đoạn lại tháo đanh Tượng xuống, rồi đi kiệu táng xác.
Việc cử hành các nghi thức ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã được lưu truyền và được phổ biến rộng rãi. Cho đến hiện tại, thực hành đạo đức ấy vẫn mang giá trị lớn lao, như kho tàng quý báu được chuyển trao từ các bậc tiền nhân cho thế hệ con cháu. Để rồi các tín hữu của thế kỷ XX – XXI này vẫn tiếp tục được dìm mình trong bầu khí sinh hoạt tôn giáo có truyền thống và đậm đà bản sắc như vậy. Cử hành Táng Xác Chúa trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của giáo xứ Trung Lao, một giáo xứ lớn thuộc giáo phận Bùi Chu, được xem như một ví dụ điển hình:[31]
Ngắm, dâng hạt và đọc đoạn kể lại những đoạn thương khó của Chúa, thời gian kéo dài tới khoảng 12 giờ đêm. Lúc đó, ba tông đồ, tay búa, vai mang thang tới trèo lên tháo xác. Khi đem xác Chúa xuống, ba tông đồ này trịnh trọng đặt nằm trên bàn thờ trước tượng Mẹ để Mẹ được ngắm con lần cuối và than thở nỗi niềm. Liền đó, cuộc lễ táng xác được cử hành rất cảm động trang nghiêm. Hết thảy mọi hội đoàn, chức việc, bát âm, tây nhạc các kẻ ở trong hàng ngũ đám rước cũng như những người theo đòn táng có quan tài Chúa, đều phủ áo trắng đi khăn tang, hoặc đeo băng đen. […] nhiều khi cuộc táng xác kéo dài thời gian, khi về tới hang đá đã quá nửa đêm.
Như thế, về mặt hình thức, cử hành Táng Xác Chúa có một tiến trình lịch sử, và chúng ta tin rằng nơi đó có sự đóng góp lớn của các thừa sai, đặc biệt là các thừa sai dòng Đaminh. Về nội dung, cử hành ấy có nền tảng Tin Mừng vững chắc. Thực vậy, cả bốn Tin Mừng đều kể lại nghi thức ấy, bao gồm việc hạ xác Chúa, tẩn liệm, và mai táng (Mt 27,57-61; Mc 15,42-47; Lc 23,50-56; Ga 19,38-42). Trong bối cảnh Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, cử hành ấy được khai triển như một bài cầu nguyện chiêm niệm về Sự Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã nhập thể, làm người, chịu thương khó, chịu chết vì vâng lời Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại.
Cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu: cuộc chiêm niệm khơi gợi lòng yêu mến và chuẩn bị tâm hồn tín hữu hướng về đỉnh cao của Phụng vụ
Như đã chú thích, trong bài viết này, chúng tôi hiểu nghi thức Táng Xác Chúa bao gồm cả việc tháo đinh, tẩn liệm, kiệu táng xác, và táng xác Chúa trong mồ. Sau cử hành Phụng vụ chính thức vào buổi chiều, đến tối, người ta tổ chức Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa. Sau mười lăm ngắm, mọi người, đặc biệt trong đó có nhóm Mười Hai Tông Đồ, đầu thắt khăn tang, đứng trước Thập Giá, nơi treo Chúa Giêsu chịu nạn, thân xác tả tơi. Ba người đàn ông trong vai ông thánh Giuse thành Arimathê, ông thánh Nicôđêmô, ông thánh Gioan cũng chít khăn tang trắng, bắc thang lên tháo đinh, hạ xác Chúa xuống. Khi được rồi các ông đặt Chúa trên bục đã sẵn khăn trắng để bọc xác tẩn liệm. Bục ấy được đặt trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi. Bên cạnh đó, người ta cũng chuẩn bị chiếc xăng, thường có khung bằng gỗ với các họa tiết cổ tinh vi được sơn son thiếp vàng, có thành bằng kính trong, để khi đã liệm xác Chúa, người ta có thể nhìn thấy Người. Chiếc kiệu nhất cũng sơn son thiếp vàng để kiệu táng xác Chúa cũng sẵn sàng ở đó.
Từ lúc tháo đinh, đặt xác Chúa trước mặt Đức Mẹ cho đến khi liệm xác Chúa, người ta dẫn giải nghi thức bằng những suy niệm về sự tháo đinh, hạ xác và táng xác Chúa với cung điệu ngân nga trầm bổng, sắc thái bi ai sầu muộn, đau đớn, chạm vào lòng dân Chúa, giúp họ cảm nghiệm sâu sắc sự Thương Khó của Chúa, trào dâng một lòng biết ơn và cảm mến vô hạn dành cho Đấng đã hy sinh nhục hình vì chính họ. Lời dẫn giải chính là các trích đoạn Cất Xác Đức Chúa Giêsu Xuống và Tắm Xác Đức Chúa Giêsu Mà Táng Trong Hang Đá trong sách Giảng Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu.[32] Xét về nguồn gốc, các trích đoạn này được lấy từ sách Đức Chúa Giêsu – Quyển Chi Thất và Chi Bát, bản chữ Nôm, của cha Girolamo Maiorica (1591–1656), người đến Việt Nam vào tháng 12 năm 1624 cùng 6 tu sĩ Dòng Tên khác, trong đó có cha Đắc Lộ.[33]
Việc truy nguồn những trích đoạn này dẫn ta về với linh đạo thánh Inhaxiô Loyola, với cốt tủy là Linh Thao, vốn được xem là công cụ thiết yếu giúp hun đúc đời sống thiêng liêng của các tu sĩ Dòng Tên và hình thành trong họ thói quen đi vào đời sống chiêm niệm. Những gì cha Maiorica để lại trong các trích đoạn ta đang đề cập có thể được xem là dấu vết của đời sống ấy. Về cấu trúc, thánh Inhaxiô chia Linh Thao làm bốn tuần. Ở tuần thứ nhất, thao viên suy niệm về tội; tuần thứ hai, chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu; tuần thứ ba, chiêm ngắm Chúa chịu thương khó; và tuần thứ tư, chiêm ngắm Chúa Phục Sinh. Những trích đoạn dẫn giải các nghi thức trong cuộc Táng Xác Chúa mang màu sắc chiêm niệm của Linh Thao tuần ba.
Bước vào cuộc chiêm niệm tuần ba, thánh Inhaxiô đề nghị hai ơn xin: (1) xin cho được “sự đau đớn, buồn sầu và ngượng ngừng, vì chính bởi tội tôi mà Chúa đi chịu nạn;” [34] và (2) “xin cho được đau đớn với Chúa Kitô đầy đau đớn, tan nát cõi lòng với Chúa Kitô tan nát tâm hồn, được khóc lóc đau khổ trong lòng về sự đau khổ dường ấy vì Chúa Kitô đã chịu vì tôi.”[35] Trong Linh Thao, ơn xin vừa là điều tôi ao ước, nài van Thiên Chúa ban cho, đồng thời cũng ví tựa hoa tiêu định hướng giờ cầu nguyện.
Đối với thánh Inhaxiô, việc theo Chúa Giêsu trong tuần ba của Linh Thao phải là một hành trình liên tục, không hề đứt đoạn, theo diễn tiến về thời gian, không gian được xâu kết từ bốn Tin Mừng. Trong Linh Thao, ngài đề nghị bảy ngày chiêm niệm, mỗi ngày tương ứng với một hoặc hai mầu nhiệm trong Cuộc Thương Khó. Các bài chiêm niệm có cùng một mô tuýp: từ… đến… Ví dụ, bài chiêm niệm thứ nhất sẽ chiêm ngắm Chúa “từ Bêtania lên Giêrusalem đến hết bữa tiệc ly”; bài thứ hai sẽ “từ bữa tiệc ly đến hết việc xảy ra ở vườn Dầu”,… bài áp cuối sẽ “từ hạ xác khỏi Thánh Giá cho đến mồ”, và bài cuối của tuần ba là chiêm niệm lại toàn bộ Cuộc Thương Khó.[36]
Về phương pháp chiêm niệm trong Linh Thao, thường khởi đi từ chất liệu Tin Mừng, thánh Inhaxiô hướng dẫn thao viên nhập cuộc vào khung cảnh Lời Chúa để đi vào chiêm niệm và rút ra ích lợi. Nơi những khoảng trống của Tin Mừng, thao viên dừng lại, vận dụng trí tưởng tượng để lắng nghe, quan sát, và nhập vai trong khung cảnh ấy. Ví dụ, trong khung cảnh Giáng Sinh, thánh Inhaxiô đề nghị thao viên “tự coi mình như một đứa trẻ hèn mọn và một em bé nô lệ bất xứng, ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và hầu hạ các Ngài những công viêc cần thiết, như thể tôi đang có mặt, và với tất cả lòng kính trọng và tôn kính, và phản tỉnh trong lòng để rút ra ích lợi nào đó.”[37]
Bài chiêm niệm của cha Maiorica được dùng để dẫn giải nghi thức trong cuộc Táng Xác Chúa, cũng nằm trong mạch liên tục của các bài chiêm niệm Cuộc Thương Khó Chúa, và cũng bắt đầu với việc xây dựng khung cảnh chiêm niệm việc tháo đinh và táng xác Chúa mà bốn Tin Mừng kể lại. Cha dùng ngôn ngữ bình dân của người bản địa mà phác họa biến cố Tin Mừng:[38]
Khi đã chiều cả thì ông thánh Giuse là người Giudêu sang trọng cùng là đầy tớ Đức Chúa Giêsu xưa, mà khi người chẳng còn dái sự gì nữa, liền xin cùng Philatô cho được cất xác Đức Chúa Giêsu. Quan ấy chẳng biết là Người đã qua đời trên cây Câu-rút, thì quan hãi, vì chưng kẻ khác thường sống được hai ba ngày mới chết, mà Người chẳng khỏi một giờ rưỡi, liền cho ông cất. Bấy giờ ông Giuse mua một khăn dài và ông Nicôrimô mua những của thơm để mà sức xác Người.
Nơi những khoảng trống của Tin Mừng, cha Maiorica đặt mình như một người đang ở trong biến cố để quan sát các nhân vật. Trong đó, nhân vật Đức Mẹ xuất hiện nhiều hơn những gì Tin Mừng kể lại. Thực vậy, chỉ có Tin Mừng Gioan nhắc đến sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá. Như vậy, hầu chắc lối nhìn của thánh Inhaxiô đã ảnh hưởng trên cha Maiorica. Thực tế, trong Linh Thao, thánh Inhaxiô thường thêm những chi tiết cho thấy sự hiện diện của Đức Mẹ trong các biến cố của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, khi Chúa Phục Sinh, người đầu tiên Người hiện ra cùng là Đức Mẹ, trong khi không một Tin Mừng nào nói vậy. Tin Mừng không nó rõ sự hiện diện của Đức Mẹ trong cuộc tháo đinh và táng xác Chúa, nhưng chính chỗ không rõ nhưng có cơ sở ấy (Ga 19,25-27) lại là một khoảng trống cần thiết để cha có thể hiện diện. Cha đặt mình trong tâm tình của Đức Mẹ và các nhân vật để quan sát, hành động, cảm nghiệm, thốt ra lời tâm sự, than vãn, xót thương:[39]
…Thánh Giuong bắc thang lên mà tháo đinh hai tay xác Đức Chúa Giêsu, lấy cánh tay mình mà đỡ lấy, đoạn tháo hai chân mà đem xuống. Đức Mẹ ở dưới chân Câu-rút giơ tay lên ôm lấy xác con. Đến khi đã được mà ngồi một nơi, trước hết thì Đức Mẹ ôm xác Con, mà những gai che đầu cùng trán Con, những máu dích tóc cùng mặt Con thì chẳng kể sự ấy, liền sấp mặt xuống áp đầu con một giờ lâu, miệng chẳng nói được lời gì, con mắt chảy nước ra dòng dòng làm chứng sự đau đớn trong lòng…
Cảnh Đức Mẹ ẵm xác Con trong khi ba môn đệ và những người phụ nữ theo Người cũng ở đó có thể được xem như khoảng dừng của nghi thức, để từ đó tất cả những ký ức về Chúa ùa về nơi người chiêm niệm ngang qua các nhân vật trong khung cảnh Tin Mừng, và kèm theo đó là tâm tình đau đớn xót xa vì những gì Chúa phải chịu vì yêu thương nhân loại, vì yêu thương “tôi.” Sự đồng cảm với tâm tình các nhân vật trong khung cảnh này hầu chắc làm khơi lên trong tâm hồn người chiêm niệm lòng mến yêu thiết tha và lòng biết ơn vô hạn dành cho Chúa Giêsu:[40]
Hỡi ôi, Con tôi, tay ai làm cho hư đi mặt cực tốt cực lành nên hình này làm vậy […] này chẳng còn mắt xưa sáng như mặt trời ví bằng chăng, này tay xưa đã đến kẻ chết mà nó sống, này là miệng xưa nói những lời lành dạy dỗ thiên hạ […] song le Mẹ ôm xác con không chẳng còn sống. Xưa ẵm Con tôi mới sinh mà vui vẻ dường ấy, bây giờ ôm Con mà phải khốn nạn dường này […] Những kẻ ở đấy nam nữ cùng khóc theo Đức Mẹ. Ông Giuse cùng ông Nicôrimô cầm nước mắt chẳng được […] ông Thánh Giuong ôm xác Thầy mình mà than rằng: Lạy Chúa tôi, từ rày về sau còn ai dạy tôi […] Âu là bà thánh Mađalina cầm lấy chân Người khóc cùng than rằng: Ớ sáng con mắt tôi! Ớ Thầy chữa tội tôi! Từ nay về sau khi tôi có phạm tội gì hầu đi tìm ai cho khỏi, ai còn nhịn tôi nữa, lấy ai chữa linh hồn tôi.
Yếu tố thần học đáng lưu ý ở đây là những tâm tình như thế không chỉ dừng lại nơi sự đồng cảm với các nhân vật trong Tin Mừng, cũng không chỉ dừng lại với tình yêu và lòng biết ơn dành cho Chúa Giêsu như tình cảm con người tự nhiên thường có, nhưng nó dẫn người chiêm niệm vươn lên một cái nhìn siêu thăng, quy hướng về Chúa Cha với sự hiểu biết chân thực về Tình Yêu của Ngài dành cho nhân loại, để rồi cũng trào dâng lòng biết ơn tha thiết đối với Ngài. “Ấy lòng Đức Chúa Cha yêu dấu kẻ có tội, cho nên chẳng tiếc Con mình vì nó […] Tôi lạy Đức Chúa Cha nhân sao yêu loài người ta lắm, để Con thật mình phải khốn làm vậy.” [41]
Khung cảnh chiêm niệm việc mai táng Chúa trong mồ được dẫn giải như lời phi lộ đưa tín hữu nhập cuộc vào những cử hành tiếp theo. Những diễn biến của cuộc mai táng Chúa mà Tin Mừng phác họa và những tâm tình của Đức Mẹ cùng các nhân vật đang hiện diện, vốn như kết quả người chiêm niệm đạt được, được dẫn giải hết trong cảnh Đức Mẹ ẵm xác Con. Sau đó là nghi thức tẩn liệm nhanh gọn và kiệu xác Chúa đến mồ đá và mai táng ở đó. Cuối cùng là sự tĩnh lặng kéo dài sang ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, như một cách tạo dựng không gian cho các tín hữu chìm sâu trong sự thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu chịu Thương Khó, và một khoảng lặng dài giúp họ tiếp tục xét mình, cầu nguyện và chuẩn bị tâm hồn hướng về Đại Lễ Phục Sinh.[42]
Cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu: nét đẹp trong cuộc hội nhập văn hóa ở Việt Nam
Tục lệ tang ma là một văn hóa độc đáo của người Việt Nam, là cách thể hiện những tình cảm thiêng liêng cao quý như sự thờ kính, thương tiếc, yêu quý và biết ơn của người sống đối với người chết, đồng thời nói lên tình nghĩa thủy chung như nhất của con người lúc sống đối xử với nhau như thế nào thì khi chết cũng đối xử với nhau như thế ấy. Đó là đạo hiếu, đạo nhân, đạo nghĩa, nói chung là Đạo Làm Người trong xã hội Việt Nam xưa.[43]
Cách chung người Việt Nam dễ biểu lộ tình cảm sâu nặng dành cho nhau trong những biến cố trọng đại, đặc biệt là trong biến cố tang tóc. “Nghĩa tử là nghĩa tận,” lối nhìn như thế in sâu trong tâm thức người Việt bao đời. Vì thế, trong biến cố đặc biệt này, cứ bình thường, người ta có thể xí xóa giận hờn, vượt mọi rào cản mà đến với nhau. Con cái phải vượt qua những bất bình, nếu có, để một lòng một ý, yêu thương, gắn bó, cùng nhau lo liệu cho người quá cố, sao cho người ra đi được an bình, nhắm mắt xuôi tay. Ấy là đạo hiếu, là cách biểu lộ tình yêu và lòng biết ơn với người quá cố, bằng không, đó là tội bất hiếu không thể được dung thứ trong xã hội Việt Nam.
Việc cử hành táng xác Đức Chúa Giêsu trong ngày thứ sáu Tuần Thánh có thể được xem như một sự thích ứng và hội nhập văn hóa. Cử hành này đi thẳng vào trái tim và tâm thức người tín hữu Việt Nam, bởi nó thân quen gần gũi với họ, bởi những rung cảm phát sinh trong cử hành như sự xót xa đau đớn khi cảm nghiệm Chúa Giêsu đau đớn khổ nhục vì yêu họ, khiến họ có cảm giác chung chia “máu mủ ruột rà” với Chúa. Không cần phải giải thích, lý luận nhiều, nhưng những rung cảm xảy ra trong họ khiến họ hiểu Chúa là ai, và Ngài yêu thương họ thế nào.
Thường thường trong cử hành Táng Xác Chúa, các tín hữu hay mặc trang phục trắng, tím, hoặc đen, hoặc tối màu và chít khăn tang. Trong bài viết Có Nên Đeo Tang Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh?, cha Phạm Đình Ái, S.S.S. đã đưa ra ba lý do để đề nghị bỏ thực hành đội tang Chúa trong đêm táng xác, ngày thứ sáu Tuần Thánh:[44] (1) Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, nhưng Người Hằng Sống và chiến thắng tội lỗi; thứ sáu Tuần Thánh cốt để suy tôn “chiến tích của thập giá,” chứ không chìm trong bầu khí tang tóc; (2) Phụng vụ hôm ấy, vốn không tách biệt cái chết ra khỏi sự phục sinh của Chúa, làm kiểu mẫu cho nghi lễ an táng chứ không thể ngược lại; (3) hướng dẫn của Hội Thánh về lòng đạo đức bình dân, đó là cần “sửa sai nếu việc đạo đức bình dân có các yếu tố không còn hài hòa với tinh thần phụng vụ mới.”
Lập luận của cha Ái có nền tảng, nhưng nếu nhìn ở chiều kích khác, chúng ta vẫn có thể khám phá ra nét đẹp riêng của thực hành này. Về điểm thứ nhất, đúng là điểm nhấn thần học ngày thứ sáu Tuần Thánh là “suy tôn chiến tích thập giá.” Tuy nhiên, là con người bằng xương bằng thịt, sống trong không gian và thời gian, chúng ta luôn ở trong những tiến trình, và đôi khi chúng ta cần cái gì đó có thể nhìn thấy và khả dĩ đụng chạm để có thể đi vào cảm nghiệm nội tâm. Có lẽ vì thế mà Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ như một hình thức có thể đụng chạm được, để giúp các ông nội tâm hóa bài học yêu thương, phục vụ; Chúa cũng đã Lập Bí Tích Thánh Thể để suốt hơn hai ngàn năm qua, con người có thể “đụng chạm” và kết hiệp với Người cách thể lý. Thiết tưởng trong điều kiện vừa phải, nếu người ta có được cảm nghiệm u buồn bởi thấy được những đau đớn Chúa chịu vì họ, họ càng cảm thấy Chúa yêu thương họ, và nếu họ cảm nghiệm nỗi buồn sầu mất mát vì Người “ra đi,” điều ấy chứng tỏ họ có tình yêu dành cho Chúa. Từ đó, khi họ chạm vào chiến thắng của Thập Giá, giá trị biến đổi nơi họ càng lớn lao. Như thế, ở điểm khởi, người ta cần chiếc khăn tang như chất xúc tác bên ngoài khiến tác động và làm biến đổi bên trong tâm hồn, giúp họ chạm vào ý nghĩa sâu xa hơn nơi biến cố Chúa Giêsu.
Thứ hai, đối với các tín hữu, đúng là Phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh phải làm mẫu cho nghi lễ an táng. Cụ thể hơn, Phụng vụ ấy phải đem lại Niềm Hy Vọng bao trùm nghi thức an táng bình thường. Tuy nhiên, cũng khó để nói rằng bầu khí u buồn trong cử hành Táng Xác mà chiếc khăn tang mang lại không dẫn đến Niềm Hy Vọng. Nếu trở lại lập luận ở điểm thứ nhất, khi đề cập đến tiến trình, chúng ta có thể nói ở đây rằng người chiêm niệm hiện diện trong tiến trình “vượt qua sự chết để đến sự sống, vượt qua tối tăm để đến ánh sáng.” Thứ ba là về việc sửa sai đạo đức bình dân. Về việc đội tang, chúng tôi không nghĩ nó chỉ dừng lại ở bầu khí chết chóc, nhưng đằng sau đó là cả một mối tương quan “máu mủ ruột rà.” Thật đẹp nếu chúng ta nhìn thấy những chiếc khăn tang và trong lòng trao dâng cảm nghiệm, rằng với Chúa Giêsu, họ “không là người xa lạ, nhưng là người nhà,” họ không vô can, nhưng gắn bó mật thiết với Người.
Một số điều cần lưu ý trong cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu hiện nay
Những trình bày trên đây giúp chúng ta thấy phần nào những giá trị và nét đẹp của cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu ngày thứ sáu Tuần Thánh, ấy là khi cử hành này được thực hành trong mức độ hài hòa với Phụng vụ và quy hướng về Phụng vụ. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, chúng ta cũng nhìn thấy đôi điều lệch lạc, làm mờ nhạt, thậm chí mất đi ý nghĩa nền tảng của cử hành. Chính vì thế, chúng ta cần phải lưu tâm hơn một số điều liên quan đến việc cử hành này.
Thứ nhất là bầu khí buồn sầu. Bầu khí sầu buồn trong cử hành táng xác Chúa cũng cần, nhưng người ta cần tránh coi nó là chủ đạo, vì nếu vậy người ta có nguy cơ bị trệch khỏi bầu khí thiêng liêng. Ở một số nơi, sau khi mai táng Chúa, người ta chia nhau canh thức. Và thay vì để mình chìm sâu trong sự tĩnh lặng với tâm tình cầu nguyện, đi vào kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và chuẩn bị tâm hồn hướng về Đại Lễ Phục Sinh, người ta lại tiếp tục ồn ào với những bài than vãn sầu thảm nặng nề, nghiêng chiều theo tâm lý tự nhiên hơn là tâm tình thiêng liêng và nền tảng Tin Mừng. Có nơi người ta than đêm thứ sáu và cả ngày thứ bảy Tuần Thánh với những lời vãn như sau:[45] “Hĩ ôi tôi lậy Đức Bà/ Đứng bên hang đá thật là tả tơi/ Sầu tuôn rằng rặc xa khơi/ Ngập ngừng than khóc những lời thảm thương/ Chúa Con táng xác trong hang/ Mẹ thì héo hắt tân toan não lùng/ Lòng nên như biển đắng cay…;” “…Ở giờ cực dữ vô ngần/ Giết con để mẹ một thân một mình/ Kìa trông người nữ mang sinh/ Có ai khốn cực như hình tôi nay…” Theo thiển ý, những lời than vãn lúc này có nguy cơ làm cho người ta lạc hướng, thay vì vươn lên tâm tình thiêng liêng, kết hiệp với Chúa, người ta có nguy cơ bị níu chân lại với thứ tình cảm tự nhiên của con người.
Thứ hai là vấn đề hình thức. Một chút hình thức như cách để tạo dựng khung cảnh đi vào bấu khí chiêm niệm thì cần thiết, nhưng nệ hình thức, tổ chức hoành tráng rườm ra và huyên náo, ấy không phải là thứ nên có trong ngày thứ sáu Tuần Thánh. Tuy vậy, trong cử hành này, ở nhiều nơi, người ta rềnh rang tổ chức thật hoành tráng và ồn ào với cờ quạt trống kèn, đến nỗi người tín hữu có nguy cơ quên mất mình đang thực sự làm gì, nghĩa là người ta có nguy cơ quên mất mình đang đi vào khung cảnh của cuộc chiêm niệm, hướng đến kết hiệp với Chúa Giêsu và chuẩn bị tâm thế bước vào đêm Vượt Qua, đỉnh cao của Phụng vụ, đêm trọng nhất các đêm. Nói chung, việc tổ chức cử hành cần phải đơn giản hơn về hình thức, để ý nhiều hơn đến chiều sâu và những khoảng lặng cần thiết để dẫn các tín hữu đi vào tâm tình cầu nguyện.
Một vấn đề nữa thường xảy ra, đó là mất sự hài hòa giữa cử hành Táng Xác Chúa, xét như một sinh hoạt đạo đức bình dân, với Phụng vụ chính thức. Ngay từ đầu, bài viết đã thống nhất quan điểm rằng Phụng vụ luôn có vai trò chủ đạo, hướng dẫn, bởi Phụng vụ là chóp đỉnh, là nguồn mạch mà từ đó phát sinh mọi năng lực của đời sống Giáo hội. Phụng vụ ngày thứ sáu Tuần Thánh luôn phải được ưu tiên hơn so với các cử hành khác. Tuy nhiên, có một não trạng dường như đã ăn sâu trong tâm trí nhiều tín hữu, đó là coi trọng cử hành đạo đức bình dân như Ngắm Mười Lăm Sự Thương Khó và Táng Xác Chúa hơn là cử hành Phụng vụ buổi chiều. Nhiều người có thể bỏ cử hành Phụng vụ mà không áy náy nhưng cảm thấy thật là thiếu hụt nếu không thể tham dự các nghi thức buổi tối. Thực sự sự mất hài hòa này là một vấn đề đáng lưu tâm và cần tìm cách khắc phục khi tổ chức các cử hành ngày thứ sáu Tuần Thánh ở Việt Nam.
Kết Luận
Khi đứng đúng vị trí, đảm nhận đúng vai trò của mình trong tương quan với Phụng vụ thánh, cử hành Táng Xác Đức Chúa Giêsu, xét như một hình thức cử hành đạo đức bình dân ở một số giáo phận Miền Bắc Việt Nam, mang lại nhiều ý nghĩa trong việc khơi gợi lòng yêu mến Chúa, giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn, hướng lên và chủ động dấn thân tham dự Phụng vụ thánh. Khi đặt mình dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, cử hành ấy đem lại ánh sáng là Niềm Hy Vọng và là khuôn mẫu, hướng dẫn những nghi thức tương tự vốn tồn tại trong đời sống dân gian được đưa vào cử hành trong các Giáo hội địa phương. Bước vào thế giới trong sự hài hòa với Phụng vụ, cử hành Táng Xác Chúa trở nên một nét đẹp riêng cho thấy sức sống năng động của Giáo hội Việt Nam, và có sức lôi cuốn con người đến với Chúa qua tiến trình thích nghi và hội nhập văn hóa.
Trên đây, chúng ta đã nhìn nhận những giá trị, những hoa trái thiêng liêng mà cử hành Táng Xác Chúa mang lại, đồng thời cũng nhận ra đôi điều lệch lạc cần điều chỉnh cho phù hợp với thực hành trong Giáo hội. “Gạn đục khơi trong” để chỉ tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cử hành là điều thực sự cần thiết và đáng lưu tâm. Việc mở ra để “gạn đụng khơi trong” có thể sẽ là một thách thức cho công việc mục vụ hiện tại của Giáo hội ở miền Bắc Việt Nam, bởi nó có nguy cơ vấp phải cái gọi là “truyền thống” của một số xứ đạo lâu đời.
“Gạn đục khơi trong” để chỉ tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cử hành là điều thực sự cần thiết và đáng lưu tâm.
Thực vậy, giả như ở đâu đó, người ta tự hào với bề dày truyền thống trong việc tổ chức nghi thức Táng Xác Chúa cách rềnh rang, hoành tráng và huyên náo thì ý tưởng dẫn họ vào chiều sâu nội tâm, bầu khí chiêm niệm và khoảng lặng cầu nguyện để giúp họ hướng về Phụng vụ sẽ trở nên khó khăn rất nhiều. Việc thanh lọc và cải tổ như thế sẽ gặp những trở ngại lớn, nhưng thích đáng để thực hiện, bởi khi đi đúng hướng, việc canh tân góp phần quan trọng giúp nghi thức Táng Xác Chúa đứng vững và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho các tín hữu trong cuộc hội nhập văn hóa, bằng không nó mất chất, “bị hòa tan,” mất đi ý nghĩa căn cốt và sẽ có ngày trở nên lung lạc.
Đaminh Phan Văn Quỳnh, S.J
Tải bài viết đầy đủ tại (DOCX, 82KB)
[1] Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịch, Sách Lễ Rôma (1992), 263.
[2] Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sách Lễ Rôma, 263–278.
[3] Trong bài viết này, chúng tôi hiểu nghi thức Táng Xác Chúa bao gồm: Tháo Đinh, Liệm Xác, Kiệu Táng Xác Chúa và Táng Xác Chúa trong Mồ Đá. Ở Miền Nam Việt Nam, nơi nhiều giáo xứ gốc Bắc di cư, giáo dân cũng giữ lại và tiếp tục phát huy truyền thống đạo đức này của các bậc tiền nhân. Đào Trung Hiệu OP, Hành Trình Ân Phúc – Dấu Ấn Dòng Đa Minh (Chân Lý, 2013), 123–124.
[4] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh (Rome, 1963), số 10.
[5] Giuse Đỗ Đình Tư C.Ss.R., Phụng Vụ: Lịch Sử – Thần Học – Cử Hành (Học Viện Thánh Anphongsô, 2021), 79.
[6] Giuse Đỗ Đình Tư C.Ss.R., Phụng Vụ: Lịch Sử – Thần Học – Cử Hành, 89.
[7] Giuse Đỗ Đình Tư, C.Ss.R., Phụng Vụ: Lịch Sử – Thần Học – Cử Hành, 89.
[8] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 10.
[9] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, trans., Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (Hà Nội: Tôn Giáo, 2009), số 1674.
[10] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 12.
[11] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 13.
[12] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 13.
[13] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 37.
[14] Corrado Maggioni, SMM, “Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân Và Phụng Vụ – Lòng Đạo Đức Kính Đức Mẹ Trong Bối Cảnh Của Lòng Đạo Đức Bình Dân”, Thời Sự Thần Học, truy cập ngày 14.08.2023, https://tsthdm.blogspot.com/2019/08/huong-dan-ve-long-ao-uc-binh-dan-va.html.
[15] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ (Vatican, 2002).
[16] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 11-13.
[17] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 11.
[18] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Phụng Vụ Thánh, số 7.
[19] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 11.
[20] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 11.
[21] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 12.
[22] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Áp Dụng Đúng Đắn Hiến Chế Phụng Vụ, số 48.
[23] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 13.
[24] Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích, Hướng Dẫn Về Lòng Đạo Đức Bình Dân và Phụng Vụ, số 58.
[25] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1674.
[26] Cha Phạm Đình Ái cho rằng hình thức này được thành hình trong thế kỷ XVII, nhưng theo suy luận của chúng tôi từ bút tích của cha Đắc Lộ thì có thể nói hình thức này được nhen nhóm vào khoảng nửa sau thế kỷ XVII trở đi. Phạm Đình Ái, S.S.S., “Có Nên Đeo Tang Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh?”, truy cập ngày 16.08.2023 https://tinmung.net/nghithuc/Phung-Vu-Giai-Dap/co%20nen%20deo%20tang%20thu%20sau%20tuan%20thanh.htm,).
[27] Phạm Đình Ái, S.S.S., “Có Nên Đeo Tang Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh?”
[28] Alexandre de Rhodes, Hành Trình và Truyền Giáo, Hồng Nhuệ dịch (HCM: Tủ sách Đại kết, 1994), 129.
[29] Alexandre de Rhodes, Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch (HCM: Tủ sách Đại kết, 1994), 131.
[30] Đào Trung Hiệu OP, Hành Trình Ân Phúc – Dấu Ấn Dòng Đa Minh, 123–124.
[31] “Kỷ Yếu Trung Lao: 400 Năm Đón Nhận Tin Mừng – 100 Năm Xây Dựng Nhà Thờ – Năm Toàn Xá,” Lưu hành nội bộ (1996), 88–89.
[32] Về sách Giảng Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu, theo linh mục Nguyễn Hưng, người giới thiệu bộ sách Đức Chúa Giêsu của cha Maiorica, hiện nay người ta còn lưu trữ một số bản như sau: (1) bản của Đức cha Bảolộc Phúc, 1869; (2) bản của Đức cha Banabê Khang, 1875; (3) Bản của Đức cha Đông, 1904; (4) bản của Đức cha Jeantet Khiêm, 1903. Riêng bản Quốc Ngữ được xuất bản lần thứ XIII, vào năm 1968. Girolamo Maiorica, Đức Chúa Giêsu (Học viện Dòng Tên: Lưu hành nội bộ, 2003), 5–6.
[33] Nguyễn Hai Tính, SJ, “Sơ Lược Về Cha Girolamo Maiorica,” truy cập ngày 26.08.202,3 https://dongten.net/so-luoc-ve-cha-girolamo-maiorica/.
[34] Inhaxiô, Linh Thao, Giuse Lê Quang Chủng, SJ dịch (Nhà Tập Dòng Tên: Lưu hành nội bộ, 2014), số 193.
[35] Inhaxiô, Linh Thao, số 203.
[36] Inhaxiô, Linh Thao, số 190-208
[37] Inhaxiô, Linh Thao, số 114.
[38] Girolamo Maiorica, Đức Chúa Giêsu, 141-142.
[39] Girolamo Maiorica, Đức Chúa Giêsu, 142-143.
[40] Girolamo Maiorica, Đức Chúa Giêsu, 142-146.
[41] Girolamo Maiorica, Đức Chúa Giêsu, 142-143.
[42] Có một số nơi, người ta tiếp tục cử hành than hang đá, tuy nhiên cử hành này không phổ biến.
[43] Vinh Hồ, “Tang Ma Theo Tục Lệ Cổ Truyền,” truy cập ngày 10.08.2023, http://www.ninh-hoa.com/bk-VinhHo_TangMaCoTruyen-7.htm
[44] Phạm Đình Ái, S.S.S., “Có Nên Đeo Tang Trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh?”
[45] Giáo xứ Quỹ Nhất, Giáo phận Bùi Chu, “Ca Vãn Than Hang Đá,” truy cập ngày 29.08.2023, https://www.youtube.com/watch?v=UDawdBdMQAk.