Ngôi Lời đã làm người: Một khái quát về đức tin Công Giáo – Phần II (tt)

 Chương II: ĐỨC TIN: TƯƠNG QUAN CHÚNG TA VỚI THIÊN CHÚA[1]

[1] (Trích dịch chương 2 trong cuốn THE WORD MAKE FLESH: An Overview of the Catholic Faith xuất bản năm 1999 của tác giả ANTHONY MARINELLI)

  4. Tin bằng Con Tim

Những tương quan quan trọng nhất trong cuộc sống luôn được bám rễ sâu xa nơi con tim của chúng ta. Nơi những tương quan này, mối dây liên kết bằng tình yêu mạnh mẽ đến mức người ta thực sự trở nên một phần của nhau. Cũng thế, tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng cần một mối liên kết tương tự. Khi tương quan của chúng ta với Thiên Chúa càng lớn mạnh, thì tương quan ấy ngày càng trở nên một phần con người của chúng ta chúng ta. Chúng ta không thể hình dung được chúng ta sẽ thế nào nếu không có những tương quan tình bạn thân thiết hay gia đình. Tuy nhiên, không dễ để chúng ta có được một đức tin như vậy, và nhiều người (nếu không muốn nói là tất cả mọi người,) không thể đạt đến chiều sâu như vậy cho đến tuổi trưởng thành. Tin Mừng Maccô trình bày một câu chuyện minh họa ba cách hiểu đức tin khác nhau, nhưng chỉ có một cách đúng đắn. Câu chuyện này diễn ra khi Chúa Giêsu đang ở trong đền thờ Giêrusalem.

Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Mc 12, 38-44).

Câu chuyện này minh họa ba cách hiểu ý nghĩa của đức tin rất khác nhau. Với những kinh sư, đức tin là những hình thức đạo đức bề ngoài hầu được người khác kính trọng. Không có phân biệt nào giữa người đạo đức và người sống đức tin. Tuy nhiên, các kinh sư thực sự chỉ chú tâm đến địa vị và danh dự của mình. Họ dùng đức tin của dân Israel để tôn vinh bản thân. Đó cũng là cám dỗ rất thường gặp đối với những người “đạo đức”một cách chuyên nghiệp (như tác giả của cuốn sách này).

Cách hiểu thứ hai về đức tin được trình bày bởi người giàu có đang dâng cúng trong đền thờ. Chúa Giêsu không bình luận người ta phải dâng cúng bao nhiêu tiền, nhưng Ngài dùng số tiền họ dâng cúng như một biểu tượng về đức tin của họ. Theo câu chuyện, người giàu có chỉ dâng một phần của họ. Đức tin là một phần của cuộc sống, nhưng không phải là cốt lõi của họ. Những bổn phận tôn giáo cũng là một phần trong số các phần khác như việc họ có gia đình, bạn bè, công việc, sở thích riêng. Họ trung thành với những bổn phận tôn giáo, nhưng Thiên Chúa chỉ chiếm một phần trong cuộc sống của họ.

Trái lại, bà góa cho thấy một người có niềm tin đích thật. Bà đã dâng hết tất cả những gì bà có. Bà thực hiện giới răn đứng đầu trong số các giới răn mà Chúa Giêsu đã chọn:

“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (Mc 12, 29-30).

5.      Tin là Sự Cam Kết Cá Vị

Một sự thật đáng buồn là có vô số kitô hữu chỉ mang danh kitô hữu mà thôi. “Đức tin” của họ không gì hơn là một sự tình cờ của cuộc đời. Họ được rửa tội khi mới sinh, được gia nhập Giáo Hội, và thế rồi đã trở thành “Kitô hữu” hay “người công giáo.” Điều này khác xa với cách hiểu về đức tin của Chúa Giêsu. Với Chúa Giêsu, đức tin có nghĩa là sự hoán cải cá vị. Chìa khóa của đức tin phải là tự mình chọn đức tin cho chính bản thân mình. Đức tin cho thấy họ là ai và điều họ tin quan trọng thế nào.

Trong Giáo Hội Công Giáo, bí tích Thêm Sức thường được liên kết với việc cá nhân chọn lựa để dấn thân trở thành một Kitô hữu. Nhưng, những người lãnh nhận bí tích này có thực sự hiểu như thế, hay đây chỉ là một minh chứng cho thấy đức tin là một “hệ thống”? Chỉ việc xếp hàng và lãnh nhận các bí tích. Nhiều khi những người trẻ gặp khó khăn khi dấn thân trong đời sống đức tin của mình. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Khả năng dấn thân của chúng ta chỉ bắt đầu vào thời niên thiếu. Nếu từng lứa tuổi đều gặp phải những bối rối, thì đức tin cũng không ngoại lệ. Có lẽ, câu hỏi quan trọng thời niên thiếu là liệu tôi có đang cố gắng lớn lên trong đức tin hay không? Tôi có sống các giá trị của đức tin không? Tôi đang tìm kiếm thời gian để cầu nguyện? Tôi đang tìm đáp án cho các câu hỏi của tôi? Đối với nhiều người, đây là thời gian chuẩn bị nền tảng cho sự dấn thân trong tương lai. Trong khi đó, cũng có những người đã và đang dấn thân rồi!

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong mức độ từ 1 đến 10, bạn đã chọn lựa và dấn thân cho đức tin của bạn ở mức nào? Bạn sẽ làm gì để giúp cho đức tin ngày một lớn mạnh hơn?

(còn nữa)

Kiểm tra tương tự

Cuốn sách cảm động về một người tị nạn được giới thiệu bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô

‘Little Brother: A Refugee’s Odyssey’ – ‘Người em bé nhỏ: Cuộc phiêu lưu của người …

Hướng về các linh hồn đã khuất

  “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *