Ngôi Lời đã làm người: Một khái quát về đức tin Công Giáo – Phần II (tt)

9.      Nội Dung của Đức Tin

Đức tin Công Giáo không được tái chế theo từng thế hệ. Có những xác tín cơ bản làm nên trọng tâm của Giáo Hội Công Giáo. Những xác tín này không phải là những ý tưởng khô khan xa rời cuộc sống. Điều chúng ta tin nên được áp dụng cho cách chúng ta sống. Chẳng hạn, những niềm tin của chúng ta về Thiên Chúa sẽ ảnh hưởng đến lý tưởng sống của chúng ta. Khi chúng ta tin Chúa là Đấng oán giận và thích báo thù, chúng ta có thể sống trong sợ hãi và tùng phục, nhưng không phải là yêu mến. Khi chúng ta tin Giáo Hội Công Giáo là con đường duy nhất để được ơn cứu độ, chúng ta có thể dành cả đời mình để cố gắng thuyết phục những người khác rằng họ đã sai, còn chúng ta đúng. Phần mục lục của cuốn sách này sẽ cho thấy một sự quan tâm lớn về “nội dung” của đức tin. Người Công Giáo có những niềm tin đặc thù về Thiên Chúa, về cứu độ, về Chúa Giêsu, về Giáo Hội, về các bí tích và luân lý. Cuốn sách này sẽ nỗ lực để xem xét những niềm tin này. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là chúng ta cần luôn tự hỏi: niềm tin này ảnh hưởng đến tôi, đến cách tôi sống và đến tương quan với người khác thế nào?

Một vài yếu tố trong nội dung của đức tin cần được lưu ý:

  1. Tín điều: Đây là những giáo huấn cốt yếu của Giáo Hội. Đó là những điều cốt lõi của đức tin của chúng ta. Chẳng hạn, Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Tín điều không thể thay đổi mà không làm thay đổi đức tin. Tuy nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về một tín điều có thể thay đổi và tiến triển.
  2. Giáo thuyết/giáo huấn: Đây là những giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Theo lý thuyết, một số giáo huấn có thể thay đổi. Chẳng hạn, phụ nữ không thể trở thành linh mục trong Giáo Hội Công Giáo. Mặc dầu giáo huấn này có thể chẳng bao giờ thay đổi, nhưng về mặt lý thuyết thì hầu hết các thần học gia tin rằng, giáo huấn này có thể thay đổi bởi vì nó không phải là tín điều của đức tin. (Tất cả các tín điều là những giáo thuyết, nhưng tất cả các giáo thuyết không phải là tín điều.)
  3. Giáo luật: Đây là những luật chính thức để điều phối sự vận hành của Giáo Hội. Chúng bao trùm nhiều chủ đề rộng lớn khác nhau.
  4. Thần học: Đây là nỗ lực hiểu biết và giải thích giáo huấn của Giáo Hội. Các thần học có thể thay đổi từ thầy dạy này đến thầy dạy khác miễn sao chúng tìm thấy cách thức tốt nhất để giải thích ý nghĩa của đức tin Kitô Giáo.

10.      Đức Tin Công Giáo

Đâu là tính độc nhất của đức tin Công Giáo? Đức tin Công Giáo phân biệt với các hình thức khác của đức tin Kitô giáo như thế nào? Đây là một câu hỏi hết sức khó trả lời, nhưng một số đặc tính của đức tin Kitô Giáo Công Giáo khi được đặt chung với nhau có thể cho thấy tính độc đáo của đức tin này. Cùng với những yếu tố mang tính “tín điều”, một số đặc tính của đức tin Kitô Giáo Công Giáo có thể bao gồm những điều sau:

  1. Từ “Công Giáo” có nghĩa là chung, phổ quát. Đức tin Công Giáo luôn mở ra với kinh nghiệm phổ quát của con người. Đức tin ấy dành cho mọi người và bao gồm mọi người. Đạo Công Giáo không bao giờ có tính loại trừ. Trong Giáo Hội Công Giáo luôn có những tư tưởng, quan niệm và văn hóa hết sức đa dạng. Vì thế, Công Giáo đủ lớn cho tất cả mọi người.
  2. Đức tin Công Giáo có “tính bí tích” sâu xa. Điều này đơn giản nghĩa là đức tin Công Giáo nhìn nhận rằng sự hiện diện của Thiên Chúa có thể được nhận ra nơi thế giới này. Thế giới không phải là Thiên Chúa, nhưng thế giới phản ánh sự hiện diện của Ngài. Thế giới và kinh nghiệm của con người mang tính bí tích, vì chúng là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa; người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa phải được tìm thấy nơi kinh nghiệm sống thường ngày.
  3. Đức tin Công Giáo có “tính tông truyền.” Công Giáo có một lịch sử lâu dài và thánh thiêng. Tuy nhiên, ý niệm “truyền thống” không bị trói buộc với quá khứ. Các truyền thống mới luôn trong tiến trình được ra đời và truyền rao. Mục đích của truyền thống không phải làm cho Giáo Hội sống trong quá khứ, nhưng đúng hơn là giúp đức tin sống động cho mỗi thế hệ. Vì vậy, Thánh Thể là một truyền thống xa xưa và đáng tôn kính trong Giáo Hội, nhưng có thể được cử hành theo nhiều hình thức khác nhau hầu làm cho bí tích đó sống động đối với con người của thế kỷ 20 và đối với con người thuộc các nền văn hóa khác nhau.
  4. Đức tin Công Giáo mang tính cộng đồng. Giáo Hội Công Giáo là đức tin của một dân tộc. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ hơn trong chương nói về Giáo Hội. Hành trình đức tin là hành trình của một cá nhân, nhưng cá nhân đó không bao giờ đi một mình. Chúng ta sống đức tin trong tương quan với những người khác. Trở thành một người Công Giáo nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn đức tin, một cộng đoàn làm phong phú đời sống của mọi thành viên trong đó.
  5. Đức tin Công Giáo xem tội rất nghiêm trọng, nhưng lại nhìn nhận vai trò của ân sủng còn quan trọng hơn. Giáo Hội Công Giáo nhìn con người giới hạn, bị tổn thương và cần được chữa lành. Tuy nhiên, một cách sâu xa, Giáo Hội hiểu con người được Thiên Chúa yêu thương, con người có khả năng yêu thương và chăm sóc. Hai yếu tố này luôn căng thẳng nơi con người chúng ta, và chúng ta không nên phớt lờ yếu tố nào. Thế nhưng, Giáo Hội Công Giáo luôn luôn nhấn mạnh ân sủng của Thiên Chúa vượt trên tội lỗi của con người.
  6. Đức tin Công Giáo chấp nhận Đức Giáo Hoàng là người kế vị thánh Phêrô và là đầu của các Giám Mục, những người kế vị các Tông Đồ. Đức tin Công Giáo xem trọng thẩm quyền của Giáo Hội, đồng thời nhìn nhận tầm quan trọng của lương tâm cá nhân.

Trong chương này, chúng ta đã cố gắng xem xét ý nghĩa của đức tin, nhìn nhận rằng đức tin vượt quá bất cứ cố gắng diễn tả nào. Chúng ta cũng đã cố gắng xem xét một số cách hiểu về đức tin, thay vì dừng lại ở một ý niệm nào đó của đức tin. Những cách hiểu này không loại trừ lẫn nhau. Tất cả chúng tạo nên một phần trong toàn cảnh của đức tin.

Thật ra, có hai yếu tố riêng biệt của đức tin được trình bày ở đây. Yếu tố thứ nhất nhấn mạnh các thái độ của đức tin, là những thái độ cần có nơi cộng đoàn của những người tin: tín thác, tương quan cá vị, dấn thân, sống đức tin. Yếu tố thứ hai tập trung vào nội dung đức tin. Cả hai yếu tố này cần phải được duy trì. Đức tin không thể chỉ đơn giản là những giáo thuyết được viết trên giấy. Mặt khác, đức tin cũng không phải chỉ là một cảm nhận chủ quan. Những giáo thuyết của đức tin phải là sự trợ giúp lý tưởng để giúp con người đi sâu vào tương quan cá vị của họ với Thiên Chúa.

Cả hai yếu tố này cũng đi với nhau nơi con người Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu là khuôn mẫu cho đức tin của chúng ta nơi sự tín thác, dấn thân và tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Ngài cũng là trung tâm của nội dung đức tin. Chính khi tin vào Chúa Giêsu, đức tin Kitô Giáo trở thành người Kitô hữu.

Một Số Câu Hỏi Ôn Tập

  1. Trong Kinh Thánh Do Thái, người nào được phác họa như là khuôn mẫu của đức tin? Tại sao?
  2. Sứ điệp của ngôn sứ Amos là gì? Sứ điệp đó nói với chúng ta điều gì về đức tin?
  3. Thư của thánh Giacôbê nói gì về đức tin không có việc làm?
  4. Trong câu chuyện về người góa phụ ở đền thờ, hãy so sánh thái độ của các kinh sư, người giàu và người góa phụ?
  5. Đức tin là sự dấn thân có nghĩa là gì?
  6. Đức tin Kitô Giáo là đức tin đúng đắn duy nhất? Đức tin đó liên hệ thế nào với các đức tin khác?
  7. Tin vào Chúa Giêsu trước và sau biến cố phục sinh khác nhau thế nào?
  8. Nội dung đức tin có nghĩa gì?
  9. Một trong những khác biệt lớn nhất giữa đức tin Công Giáo với đức tin Tin Lành là gì?
  10. Hãy nêu định nghĩa: tín điều, giáo thuyết, giáo luật và thần học?
  11. Thuật ngữ “Công Giáo” có nghĩa gì?
  12. Đức tin Công Giáo có “tính bí tích” có nghĩa gì?
  13. Vai trò của truyền thống trong đức tin Công Giáo?
  14. Người Công Giáo hiểu thế nào về mối tương quan giữa tội lỗi và ân sủng?
  15. Chúa Giêsu vừa là nội dung vừa là khuôn mẫu của đức tin nghĩa là sao?

(Trích dịch Chương II: ĐỨC TIN: TƯƠNG QUAN CHÚNG TA VỚI THIÊN CHÚA, trong cuốn THE WORD MAKE FLESH: An Overview of the Catholic Faith xuất bản năm 1999 của tác giả ANTHONY MARINELLI)

 

Kiểm tra tương tự

Sự ra đi của Mẹ Maria: Niềm tin thời Giáo phụ và Trung cổ

Tháng Tám được đánh dấu bằng lễ trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, …

Tầm quan trọng của nền Giáo dục Công giáo trong thế giới hiện đại

Vai trò độc nhất  Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nền …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *