NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT
Tác giả Phạm Đình Khiêm
CHƯƠNG V: CHÚA NGUYỄN, SĨ PHU VÀ CÔNG GIÁO
Vào khoảng tháng 6 năm 1644, thầy giảng Anrê Phú Yên cùng với đoàn trưởng Ynhaxô, linh mục Đắc Lộ và các bạn đồng liêu, lại có mặt ở Kinh đô.
Chưa bao giờ Công Thượng vương tỏ ra dễ dãi với các tông đồ Phúc âm như lúc này. Cha Đắc Lộ được phép tự do ra vào phủ chúa. Chính giáo sĩ cho biết: “Nhà Vương còn tỏ ra có nhiều cảm tính tốt đối với đạo thánh ta, và chúng tôi được hưởng hiệu quả của mối thiện cảm đó trong ít lâu”.1
Có lẽ đoàn tông đồ lúc ấy chưa hề có hy vọng nhà Vương trở lại Công giáo, nhưng họ đã lợi dụng hoàn cảnh thuận lợi này để tích cực hoạt động trong giới cận thần và sĩ phu. Họ không ngờ rằng cuộc “tấn công Đức Tin” lớn lao này sắp đem lại cho họ một thành công vẻ vang, mở đầu cho nhiều thành tích anh dũng khác về sau: cuộc tử đạo đầu tiên của một tông đồ.
Muốn hiểu rõ mọi khía cạnh của biến cố quan trọng này, ta không thể không gợi ra đây bối cảnh lịch sử của thời đại: thái độ nhà cầm quyền và sĩ phu thời ấy đối với tôn giáo mới.
Từ Sãi vương đến Công Thượng vương.
Ta biết rằng cuộc truyền giáo được tổ chức liên tục và có quy củ ở Việt Nam bắt đầu từ xứ Nam (Đàng Trong), dưới đời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyễn (1613-1635), con kế nghiệp tiên vương Nguyễn Hoàng (1600-1613).
Khi giáo sĩ Francesco Buzomi, dòng Tên, người Ý, đến Cửa Hàn lần đầu tiên năm 1615, trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Phúc Kỳ, con cả Sãi vương, tiếp đón giáo sĩ rất đại lượng, lại cho đất làm nhà thờ. Không đầy một năm, do áp lực của một số người hiềm khích đối với đạo mới, giáo sĩ Buzomi bị nhà cầm quyền sở tại ra lệnh trục xuất, nhưng may được gặp ông tri phủ Quy Nhơn2 rước về giảng đạo tại Nước Mặn, lập nên ở đó một họ giáo vẻ vang vào bậc nhất trong lịch sử Giáo hội sơ khai. Các giáo sĩ tiếp tục đến Đàng Trong mỗi năm một đông hơn, và người Việt tòng giáo càng ngày càng tăng, thì sự hiềm khích của những người ghét đạo cũng tăng thêm, đúng như lời Chúa Cứu Thế đã tiên báo: “Chúng con sẽ bị thù ghét vì Ta”. Mỗi khi có hạn hán, thuỷ lạo hay thiên tai nào khác, những người mê tín hoặc thù ghét lại đổ tội tại các giáo sĩ giảng đạo mới. Một số người quyền thế, nhiều vợ, bất mãn vì các giáo sĩ bài bác tục đa thê, trong khi đó giới nho sĩ lại công kích các ngài cấm thờ cúng ông bà theo tục lệ cũ. Về điểm này, giáo sĩ Đắc Lộ nhìn nhận rằng, với một chút mềm dẻo, có thể tránh được sự hiểu lầm, vì trong tục lệ thờ tổ tiên của người Việt, có nhiều lễ nghi rất “vô tội”, nghĩa là không xúc phạm đến “sự thánh thiện của đạo giáo”. Rút kinh nghiệm, về sau các giáo sĩ dòng Tên tỏ ra rộng rãi trong vấn đề nghi lễ đối với người chết. 3
Sãi vương nghe thấu những bất bình đó, song hình như nhà vương không quan tâm mấy đến vấn đề tôn giáo. Ông mải lo củng cố thế lực để đối phó với chúa Trịnh, và vì vậy, cần giao hảo với người ngoại quốc để tiện việc buôn bán. Nhưng năm 1625, không có một chuyến tàu Bồ Đào Nha nào cập bến như các năm trước. Nhà vương tuy mới cho phép bảy giáo sĩ vào xứ, bỗng đổi ngay thái độ, không cho các giáo sĩ đi lại giảng đạo, bắt phải tập trung ở Hội An. Ba tháng sau, nhờ sự can thiệp của hoàng tử Kỳ, nhà vương đổi thái độ, cho các giáo sĩ lại được dễ dãi.
Năm 1639, sau khi cầm quyền thay cha được ba năm, Công Thượng vương (1635-1648) nghe lời xúc xiểm của “Ông Nghè Bộ” ở Quảng Nam, ra lệnh trục xuất tất cả các giáo sĩ. Cha bề trên Buzomi, trước đấy đã về Ao Môn để “lo liệu một việc lợi ích cho chúa Nguyễn” 4 chưa kịp sang, nghe tin ấy buồn phiền đến ngã bệnh mà chết, vì quá thương nhớ một Giáo hội do ngài tận tâm xây dựng trong 24 năm liền.
Được cử sang thay thế giáo sĩ Buzomi vào tháng 2 năm 1640, giáo sĩ Đắc Lộ sau khi chinh phục được cảm tình của viên bang trưởng Nhật kiều tại Hội An, đựơc ông này dẫn lên Kim Long yết kiến chúa Thượng. Bao nhiêu tiền mang từ Ao Môn để làm lương ăn trong một năm, giáo sĩ bỏ ra hết để mua lễ vật kỷ niệm dâng cho nhà vương, được nhà vương tiếp đãi rất ân cần. Chính lúc ấy cha Đắc Lộ gặp lại bà Minh Đức Vương thái phi lần đầu tiên sau 14 năm xa cách. Nhân dịp này và do ảnh hưởng của bà Minh Đức, có ba bà có họ rất gần với nhà vương, cùng với 91 người khác được chịu phép rửa tội.5
Chưa đầy 8 tháng, cha Đắc Lộ lại bị trục xuất do lệnh ông quan ác cảm tại Quảng Nam.
Trở lại Đàng Trong lần thứ ba vào dịp lễ Sinh nhật 1640, giáo sĩ hoạt động xuống tận Phú Yên, trong khi đó thì Ông Nghè Bộ tự động mở cuộc khủng bố các giáo hữu và giáo sĩ tại Hội An: bắt giam ông già Anrê Sen (Sơn) và đốt ảnh tượng đạo. Để tránh sự khiêu khích, giáo sị tự động rời Hội An ngày 2 tháng 7 năm 1641 như đã kể trước đây, để rồi trở lại lần thứ bốn vào cuối tháng giêng 1642 và ở luôn trong xứ được gần hai năm.
Cũng vì chúa Thượng hay thay đổi thái độ, mà giáo sĩ Đắc Lộ còn phải tự đọa đầy một lần nữa vào tháng 9 năm 1643, trước khi trở lại Việt Nam lần chót hồi tháng giêng 1644. Dầu sao, chúa Thượng không hề tỏ ra độc ác với giáo sĩ và giáo hữu, và càng không muốn đổ máu con chiên vô tội. Trái lại, chưa bao giờ nhà vương tỏ ra có thiện cảm với công giáo như khoảng giữa năm 1644 này.
Thái độ đó của chúa Thượng càng đáng chú ý hơn, nếu ta nhớ lại rằng, chính lúc ấy, một nước Tây phương vừa mới cử hạm đội hùng hậu tấn công vào đất chúa Nguyễn.
Nguyên năm 1641, có hai chiếc thuyền buôn Hòa Lan mắc cạn ở gần Cù Lao Chàm, bị chúa Thượng hạ lệnh bắt giam thuỷ thủ, vì chúa giận người Hòa Lan giúp đỡ họ Trịnh. Đồng thời một cửa hiệu Hòa Lan tại Hội An cũng bị đốt phá, vì họ tỏ ra khinh thường luật pháp nước ta. Để báo thù, cuối năm 1642, Công ty Hòa Lan ở Batavia (nay là Djakarta, thủ đô Nam Dương quần đảo), phái năm chiếc thuyền chở quân lính đến đánh phá cửa Hội An. Hai bên đều thiệt hại, song sự thất bại hoàn toàn về phía Hòa Lan.
Để rửa nhục, nhà đương cục Hòa Lan phái ba chiến hạm với một lực lượng hùng hậu hơn, do đề đố Pierre Breck chỉ huy, đến khiêu chiến ở ven biển Quảng Nam năm 1644. Thế tử Dũng lễ hầu, con Công Thượng vương (sau này là chúa Hiền), lúc ấy làm trấn thủ Quảng Nam, chỉ huy sáu chục thuyền trận xông ra vây đánh.
Quân ta chia ra ba đạo, tiến sát vào các tàu địch mà bắn súng, đốt lửa, chặt bánh lái, đục sườn tầu, lại leo hẳn lên sàn tàu mà đánh xáp lá cà. Trong lúc nguy kịch, biết thế không chạy thoát, mà để bắt sống thì nhục, chiếc soái hạm đành tự đánh chìm bằng cách châm lửa vào lò thuốc súng cho cháy. Hai chiếc kia vội vã tìm đường chạy trốn, một cái chạm vào mỏm đá bị vỡ, một cái chạy thoát được ra Đàng Ngoài. 6
Chính sau cuộc toàn thắng đó mà Công Thượng vương lại càng tỏ ra dễ dãi với giáo sĩ Đắc Lộ. Lý do có lẽ một đàng do tinh thần tự tín sau cuộc chiến thắng, đàng khác nhà vương hẳn biết rõ giáo sĩ Đắc Lộ là người xứ Avignon, đất của Tòa thánh lúc ấy – vả lại đạo của giáo sĩ rao giảng đối lập với đạo Thệ phản của Hòa Lan, và giáo sĩ lại thân với người Bồ Đào Nha, đang giúp chúa Nguyễn về nhiều phương diện.
Cận thần và sĩ phu
Trong bầu không khí tương đối thuận tiện ấy, các thầy giảng Việt Nam và giáo sĩ Đắc Lộ quyết gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa trong giới thượng lưu đương thời.
Lúc ấy trong phủ chúa có một vị quan lớn, rất được lòng nhà vương, và đã từng làm thái sư (thầy dạy vương). Giáo sĩ Đắc Lộ đã quen biết ông từ hai mươi năm trước, khi mới đến Đàng Trong lần đầu hết, và nhận thấy ông có cảm tình với người Công giáo, song chỉ vì quá tự ái mà chưa tìm được ánh sáng Đức tin. Nay (1644) giáo sĩ Đắc Lộ quyết tìm gặp ông để thuyết phục. Ông tiếp đãi rất thân mật, và sẵn sàng nghe giáo sĩ nói lẽ đạo. Giáo sĩ tặng ông mấy cuốn sách giải nghĩa các chân lý công giáo bằng chữ hán do các cha dòng Tên soạn và in ở Trung Hoa7…. Ông kính cẩn nhận sách, hứa sẽ đọc kỹ càng, và sau khi đọc và hiểu, sẽ đến nói với nhà vương về vấn đề đạo Thiên Chúa. Giáo sĩ khuyên ông tòng giáo trước, mới dễ thuyết phục nhà vương. Ông không dám tiến bước nhưng ông cho phép bà vợ và tất cả giai nhân ai muốn thì được tòng giáo. Cha Đắc Lộ liền rửa tội cho bà thái sư cùng nhiều người khác trong gia đình quý phái này, với hy vọng có ngày Thiên Chúa sẽ đánh động lòng ông nhiều hơn.8
Trong dinh bà Minh Đức Vương thái phi, người “quản lý sự vụ” cho ông tổng trấn Nguyễn Phúc Khê, tên thánh là Gioan, hợp tác với bạn đồng liêu cũ là Ynhaxô, giúp việc truyền giáo rất đắc lực tại Kinh đô9. Ông lập được một kỳ công: thuyết phục được một nhân sĩ lão thành (80 tuổi) rất có uy tín trong Triều và cả xứ Thuận Hóa. Chẳng những ông ấy trở lại mà còn cho tất cả gia đình gồm ba mươi người cùng rửa tội. Từ đó ông chỉ dùng ngày giờ còn lại để làm cho nhiều người biết Chúa.
Nhưng ông quản sự Gioan lại phải thất bại đáng tiếc trong việc chinh phục một quan Chưởng vệ. Ông này đã được nghe cắt nghĩa tường tận về giáo lý, nhận thấy là hợp với lẽ phải, và quyết định tòng giáo. Ông đã bỏ việc thờ cùng dị đoan, chăm đọc sách giáo lý, và chuyển cho người khác đọc, lại tôn kính ảnh đạo trong nhà mình.
Lúc ấy ông phải đi đánh giặc10, vì có cuộc tấn công của hạm đội Hòa Lan. Vì đã biết đạo, ông không tham dự các cuộc lễ cúng vái thần linh trước khi ra quân, như các bạn đồng ngũ, chỉ muốn cầu nguyện cùng Thiên Chúa vạn năng. Các quan khác thấy vậy, lấy làm bất mãn, tâu trình về Kinh. Nhà vương sợ ảnh hưởng không hay cho cuộc chiến đấu, bèn gọi quan Chương vệ đến khiển trách, và truyền phải bỏ các “tệ đoan bên giáo” mà giữ “phép nước”. Ông sợ hãi quá, đành bỏ ý định tòng giáo, khiến các thầy giảng và nhất là ông Gioan buồn tiếc vô cùng. Các thầy lại càng đau lòng hơn, vì cũng chỉ một cớ nhỏ ấy, đã làm cho ông phó tướng chồng bà Maria Mađalêna không được chịu phép rửa tội.
Trên đây ta thấy ông cựu trấn thủ dinh Phú Yên, tức phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, đã tỏ ra có thiện cảm với công giáo như thế nào. Nhưng chưa ai thuyết phục được ông theo đạo.
Một hôm có mặt bà phó tướng, giáo sĩ Đắc Lộ nói với ông rằng: Năm nay ông đã quá 80 tuổi, sống không được bao lâu nữa vậy ông chẳng nên từ chối ơn Đức Chúa Trời mãi, hãy lo cứu linh hồn mình, hãy nghĩ đến cõi đời sau vô tận. Ông tỏ ra rất cảm động. Bà vợ ông cũng hết lời khuyên giục. Ông liền tuyên bố sẵn sàng tòng giáo và tỏ ý tiếc vì đã trì hoãn quá lâu. Giáo sĩ Đắc Lộ và bà Maria vui mừng vô hạn. Giáo sĩ và các thầy giảng giúp ông dọn mình chịu phép Rửa tội. Giáo sĩ đã mặc áo dòng, nến đã đốt, và nước đã sẵn sàng.
Cha Đắc Lộ nhắc lại cho ông một lần nữa các bổn phận người công giáo, dặn từ nay không được cúng kiếng chi cả. Ông ngỏ ý không tin tưởng gì ở các việc cúng kiếng, song có một việc ông không thể bỏ được: thờ cúng một vị thần trong quân đội; ông thật không tin, song ông cũng sẽ cứ cử hành nghi lễ bề ngoài, nếu không sẽ phải nguy hại về tài sản hoặc cả tính mạng.
Giáo sĩ cũng như bà phó tướng vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, đem hết lời lẽ ra thuyết phục, để giúp ông thắng vượt trở ngại chót ấy, song vô hiệu. Cuộc lễ Rửa tội đã sửa soạn đành phải bỏ. Tuy nhiên, ông phó tướng xin cha Đắc Lộ tự tay viết thánh danh Giêsu và Maria trên một tờ giấy giao cho ông, để ông giữ luôn trong người. Giáo sĩ hy vọng rằng một chút lòng tin ấy, hiệp cùng lời cầu nguyện của bà vợ đạo đức sẽ kéo ơn Thiên Chúa xuống cho ông trước khi từ trần.11
Hồi này, thầy giảng Ynhaxô (với Anrê Phú Yên luôn luôn đi theo) thường được dịp công khai thảo luận vấn đề tôn giáo trong dinh một vị đại thần khác, ở Kinh đô. Một hôm, ông này cho mời giáo sĩ Đắc Lộ đến dinh, không nói rõ vì mục đích gì. Tới nơi, giáo sĩ thấy rất đông người hội họp, trong đó có nhiều thầy sãi. Giáo sĩ được mời giải nghĩa về đạo công giáo. Nhiều người nghe lấy làm thích, song nhiều người khác tỏ ý bất mãn, thường cắt lời giáo sĩ, đưa các lý lẽ rút ở sách Nho, sách Lão để phản đối.
Giáo sĩ nhường lời cho thầy giảng Ynhaxô hiện có mặt, để bài bác các lý lẽ đó, vì Ynhaxô có biệt tài đối phó trong những trường hợp này. Theo lời giáo sĩ Đắc Lộ, vị lãnh tụ các thầy giảng biện luận hùng hồn và khúc triết, đến nỗi khiến đối phương phải thua lẽ, xấu hổ, song không ai chịu trở lại.
“Từ chỗ xấu hổ, họ đem lòng oán hận thầy giảng, và quyết lạm hại thầy, vẫn lời cha Đắc Lộ. Muốn đạt mục đích ấy, họ nhờ cậy một bà mà nhà vương coi như vợ, mặc dầu trước kia bà ấy đã là vợ của người anh nhà vương, một điều luật nước nghiêm cấm, song sự dâm ô xá kể gì luật pháp”.12
Riêng ông quan chủ nhà tỏ ra tử tế hơn. Cuộc thảo luận tôn giáo chẳng làm cho ông trở lại, song ông tỏ ra rất hài lòng và từ đó ông rất tử tế với giáo hữu. Chính ông đã nói tốt với chúa Thượng về giáo sĩ và người công giáo13, khiến chúa Thượng để cho giáo sĩ được tự do ra vào phủ chúa, và còn tỏ ra thiện cảm với đức tin công giáo, như đã nói trên.
Tóm tắt những hoạt động của ngài và các thầy giảng trong thời kỳ này, giáo sĩ Đắc Lộ đã nói:
“Chúng tôi đã cùng nhau đi khắp các thị trấn và thôn xóm ở xứ Đàng Trong; nhờ ơn Thiên Chúa, số giáo hữu chỉ trong ít lâu đã tăng thêm hơn một ngàn người”.14
Thế là các thầy giảng Việt Nam đã tích cực thi hành nhiệm vụ tông đồ trên khắp các nẻo đường đất nước. Tinh thần xung phong truyền giáo, một đặc điểm của dòng Tên, đã là tinh thần của các thầy vậy.
Đồng thời với những hoạt động ấy, các thầy chăm chú tu luyện bề trong, đào tạo nhân đức trọn lành. Về phương diện này thầy giảng Anrê tuy trẻ tuổi hơn hết, nhưng đã tỏ ra xuất sắc:
“Từ ngày khấn – lời cha Đắc Lộ – thầy giảng Anrê tự cho mình có bổn phận sống trọn lành hơn khi trước nhiều lắm; sự thật thì suốt năm ấy, chính là năm cuối cùng đời thầy, thầy tiến rất cao trên đường thực hành mọi nhân đức, khiến chúng tôi chẳng hiểu ý Chúa dự định về thầy như thế nào, nhưng chúng tôi biết rõ, những tác động ấy của ơn thánh sủng chẳng phải là sự thường”.15
Vậy rồi đây, Anrê sẽ làm gì?
Chú thích
(1) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.223
(2) Các giáo sĩ Au Châu cũng gọi ông quan này là “Gouverneur” song không thể dịch là trấn thủ vì lúc ấy, Quy Nhơn chỉ là một phủ thuộc dinh Quảng Nam.
(3) Chappoulie: Rome et les Missions d’Indochine au XVIIe siècle, quyển I, tr.25.
(4) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.144
(5) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.148 – P.Đ.K, Minh Đức Vương thái phi, tr.32
(6) Sử liệu ta có ghi cuộc chiến thắng hiển hách này (Thực Lục, q.III, tờ 9) Đào Trinh Nhất, trong Việt Sử giai thoại (trang 39 trở đi), tường thuật kỹ cuộc hải chiến này.
(7) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.221, xem chương III ở trên.
(8) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.220-221.
(9) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.224 và tiếp P.Đ.K, Minh Đức Vương thái phi, tr.42-43.
(10) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.226. Xét ra xứ Nam lúc ấy (1644) không có đánh nhau với chúa Trịnh, cũng không có cuộc nội loạn nào, chỉ có cuộc tấn công của ba chiến thuyền Hòa Lan vào miền duyên hải Quảng Nam như đã nói trước. Có lẽ chúa Thượng cũng điều động một phần quân lực ở Thuận Hóa, hoặc cho vào Quảng Nam tiếp tứng, hoặc tăng cường việc canh phòng ngoại cửa Nộn Hải. Vì thế nên ông võ quan nói trên phải “đi đánh giặc”.
(11) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.226-228. Tác giả không nói rõ việc này xảy ra tại đâu, song theo lẽ, là ở Quảng Nam chứ không phải tại Kinh đô.
(12) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.222. Đó là Tống Thị, chương sau sẽ nói rõ.
(13) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.223
(14) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.188.
(15) A.R, Glorieuse mort, tr.79-80. Đối chiếu: Summarium num.II