Người Chứng Thứ Nhất – Chương XI: Lửa cháy Dinh Chiêm

NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT

Tác giả Phạm Đình Khiêm

CHƯƠNG XI: LỬA CHÁY DINH CHIÊM

AnreSau khi thầy giảng Anrê đổ máu làm chứng Đức tin, nhiều sự lạ đã xảy ra, trong đời sống thực tại, cũng như trong lãnh vực siêu nhiên. Ở đây, cũng như trong các giai đoạn khác về lịch sử vị tiên khởi tử đạo, người viết sử được cái lợi dùng chứng cớ trực tiếp của chính những kẻ đã tai nghe mắt thấy, hoặc đóng một vai tuồng trong những biến cố lạ xảy ra. Quan trọng và đầy đủ nhất là chứng cớ của giáo sĩ Đắc Lộ, được biết ra với tất cả danh dự và lương tâm của vị linh mục, và được xác nhận nhiều lần trong các tác phẩm khác nhau, xuất bản giữa Giáo đô La Mã hoặc các thủ đô lớn Au Châu, ngay khi các sự việc vừa mới xảy ra.

Theo những chứng cớ ấy, thì trong ba ngày liên tiếp sau cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê, “lửa cháy ngút trời ở Thanh Chiêm, làm cho thị trấn lớn này hầu như ra tro”1. Giáo sĩ Đắc Lộ nhìn thấy ở đó “sự báo oán của phép công bằng Thiên Chúa để tỏ rõ sự vô tội của vị tử đạo và quyền thế của vị ấy bây giờ ở trên trời”2.

Hỏa tai thứ nhất xảy ra ngay sau ngày thầy giảng Anrê tử đạo, tức là ngày 27 tháng 7 năm 1644.

“Người ta không bao giờ biết – lời cha Đắc Lộ – do cách nào và nguyên nhân nào, mà lửa thiêu cháy tất cả các nhà cửa ở chỗ đô hội nhất của thị trấn quan trọng này, nơi họp chợ lớn nhất trong xứ, có người bđn, người Trung Hoa, người Nhật Bản từ mọi nơi đến buôn bán. Tại đó có những nhà cửa lớn của những phú hộ trong nước và nhiều đền chùa, đều bị hỏa thiêu không còn một dấu vết…”3

Ngày hôm sau, 28 tháng 7, đến lượt nhà lao giam giữ thầy giảng Anrê – nơi thường không có bếp lửa – cũng tự nhiên bốc cháy4, lửa tràn tới các nhà lân cận rồi lan rộng ra khắp phố phường lớn mà thầy Anrê đã bị điệu đi qua để đến pháp trường.

Người ta không thể nào dập tắt được lửa, tất cả nhà cửa trên con đường ấy bị thiêu huỷ hết, “chỉ trừ một căn nhà duy nhất còn được tồn tại do một phép lạ hiển nhiên”, lời cha Đắc Lộ.5

Nhà ấy của một người lính trong toán đã đưa thầy Anrê đi giết: người lính này đã tỏ ra rất hung hãn đối với vị tử đạo, thù ghét các giáo hữu, và đã có những lời nói và việc làm rất ngạo ngược. Sau khi xử Anrê rồi, thấy người bđn và bổn đạo thấm máu và tôn kính thi hài vị tử đạo, y tức giận, đến xin phép quan để chém xác ấy ra nhiều mảnh, song quan không cho.

Khi y thấy lửa tràn khắp phố, và nhà y không còn hy vọng gì tránh khỏi tai họa từ các nhà khác lan đến, lại nghe thiên hạ kêu ca rằng: vì giết kẻ ngay lành nên Trời phạt cả phố, bấy giờ y bỗng nhớ lại sự thái quá của mình đối với vị tử đạo, và cũng nghĩ rằng có lẽ đó là nguyên nhân gây tại họa cho cả thị trấn.

“Tức khắc anh cầu nguyện cùng vị thánh tốt lành này – lời cha Đắc Lộ – và nài xin chính kẻ mình đã giết bầu cử cho mình. Lạ lùng biết bao! Tất cả các nhà giáp bên nhà người lính này đều bị cháy với cả dãy phố, duy nhà người lính thoát cảnh lửa thiêu, để cho ta biết cách các thánh báo oán kẻ thù của mình như thế nào”.6

Nhưng chưa hết. Đến đêm hôm sau cuộc hỗn loạn thứ hai này, tức là đêm thứ ba sau cuộc tử đạo, một phụ nữ công giáo rất đạo đức đang ở trong phòng mình, suy đến sự khốn khó do việc giết người vô tội gây nên cho cả thành, và chảy nước mắt ròng ròng, bỗng bà ta thấy thầy giảng Anrê hiện về như sống thật, mặc ánh hào quang. Không thể nào nói hết sự sợ hãi lẫn vui mừng xâm lấn lòng bà. Thầy giảng Anrê thân ái bảo bà đừng khóc nữa, lại nói nếu mình muốn báo thù thì rất dễ, nhưng trên Trời, người ta chỉ lấy ân để báo oán.

Trên đây là thuật theo ký sự của cha Đắc Lộ 7. Một nhân chứng trong cuộc tra vấn tại tòa Giám mục Ao Môn, cho biết thêm chi tiết: bà này, khi thầy Anrê còn ở trong ngục, đã đưa đồ ăn cho thầy, và khi lính toan xử, bà đã trải chiếu ở chỗ thầy sắp chịu xử.8

Cũng đêm nói trên, lại một hỏa tai thứ ba dồn dập xảy đến cho thị trấn Thanh Chiêm. Và giáo sĩ Đắc Lộ ghi chép:

“Tất cả những sự lạ ấy, gây nên sự kinh hoàng cho tất cả những người đã biết cái chết của thầy Anrê; không ai còn nghi ngờ chính tội ác kia đã gây nên những trận hỏa thiêu này; tuy nhiên vẫn còn nhiều người mù quáng đến nỗi cho những sự lạ ấy là do phù phép của các giáo hữu, họ lại nói: chính để làm các phù phép ấy, mà giáo hữu đã thâu lượm tất cả mọi giọt máu của người tử đạo một cách kỳ dị.”9

Phép lạ trong lòng người

Với cái chết của thầy giảng Anrê, cuộc cấm đạo mới chỉ bắt đầu: Ông Nghè Bộ mỗi ngày một truy nã các giáo hữu gắt gao hơn. Ông cho lính đi lục soát khắp các nhà bổn đạo, tìm các ảnh tượng để đốt, nhà nào dấu thì chủ nhà bị bắt và bị tra tấn10. Ông nghĩ rằng biện pháp khủng bố ấy, và nhất là cái gương kinh sợ của thầy giảng Anrê bị chém nơi chợ, sẽ làm nhụt nhuệ khí giáo dân và tận diệt nền đạo. Nhưng trái lại, chính lúc này là lúc hạt giống đã được gieo trong lòng đất, và đã tan rữa ra, để sắp sửa trổ sinh mùa màng phong phú.

Đoàn thầy giảng mười người khấn năm trước, nay đã mất một còn chín, nhưng hai tháng sau, lại có thêm ba người, quê ở Quy Nhơn, được thâu nhận giữa cơn bách hại 11. Thế là chẵn mười hai tông đồ. “Tất cả đều trong sạch và sốt sắng như thiên thần”12 và “thật sự có tinh thần của các thánh tông đồ xưa”13. Mỗi ngày lại có thêm nhiều thanh niên sốt sắng xin nhập đoàn, nhưng cha Đắc Lộ không thể nhận hơn được. Thấy các thầy giảng đều có thể bị bắt và bị giết bất cứ lúc nào, cha và các thầy không ra mặt nơi đô hội, ban ngày chỉ ẩn náu dứơi thuyền, chơi vơi trên các dòng sông mé biển, ban đêm mới lên bờ thăm viếng giáo hữu và làm các phép Bí tích.

Có lần cha Đắc Lộ xin các thầy xét có nên theo người nữa không, hay là hẵng tạm về quê với cha mẹ ít lâu để tránh qua cơn cấm đạo, vì trong hoàn cảnh này, các thầy rất dễ bị bắt và chịu số phận như thầy Anrê. Tất cả đều trả lời:

“Chính vì thế mà chúng tôi muốn ở cùng cha. Chúng tôi không chuyển động. Điều mà cha sợ cho chúng tôi, lại chính là điều chúng tôi mong ước hơn cả ở đời này.”14

Tấm gương của người em út Anrê, nay đã trở nên anh cả trên Trời, có sức quyến rũ dường nào! Chỉ ít lâu sau, một phần lớn trong số các thầy giảng cũng được thỏa mãn trong ước vọng làm chứng cho Chúa. Quả thực, chính ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1645, trong cuộc hành trình ngoài khơi từ Quảng Nam ra Quảng Bình để làm phúc cho các giáo hữu, tám thầy giảng cùng với cha Đắc Lộ đã bị bắt: Lính hải tuần tố cáo đoàn tông đồ muốn vượt biển ra Bắc.

Trong lúc bị giải từ Quảng Bình về Thuận Hóa, một giáo hữu tên là Batêlêmê đón giáo sĩ Đắc Lộ ở dọc đường, đòi giáo sĩ phải nhận mình vào đoàn thầy giảng. Nguyên trước đây ông ấy muốn tòng giáo song vợ ông không nghe, ông liền xin bỏ vợ để theo giáo sĩ. Giáo sĩ khuyên ông hãy về thuyết phục vợ trước đã, nếu vợ cứ nhất định không cùng chồng thờ một Chúa, thì lúc ấy giáo sĩ sẽ nhận cho ông đi tu. Bây giờ ông ấy đến để buộc cha Đắc Lộ thi hành lời hứa khi trước, vì ông ấy đã giữ lời hứa của mình rồi. Cha Đắc Lộ nói: “Ông không biết tôi đang bị tù ư? Bây giờ là lúc nên ra khỏi đoàn của tôi chứ sao lại vào?” Ông trả lời: “Cha nói sao? Chính vì lẽ ấy mà tôi ước mong nhập đoàn thầy giảng hơn bao giờ: sở dĩ tôi muốn theo cha, chính vì cha vào ngục để rồi tử đạo. Cha muốn sao thì sao nhưng cha không được quên lời cha, tôi không rời cha nữa”. Nói rồi ông ta nhảy xuống thuyền của giáo sĩ hiện có lính áp giải, và hòa mình với các thầy giảng.15

Thế là chín thầy giảng và giáo sĩ bị giải về chính dinh. Công Thượng vương đích thân chủ tọa phiên tòa, lên án xử tử giáo sĩ Đắc Lộ. Nhưng sau đó, vì sự can thiệp của vị thượng quan trước đã dạy nhà vương, mà vợ là người công giáo, án tử hình được đổi thành án trục xuất vĩnh viễn. Giáo sĩ Đắc Lộ than tiếc vô cùng vì mất phúc tử đạo, lại phải lìa biệt giáo đoàn Đàng Trong. Trong khi đó, chín thầy giảng phải đóng gông và chịu cực hình trong ngục thất vì Chúa Giêsu.

Sau khi giáo sĩ Đắc Lộ xuống tàu để về Ao Môn, đến lượt chín thầy giảng bị giải đến Công Thượng vương. Nhà vương bắt bỏ đạo. Tất cả đều can đảm xưng danh Chúa Giêsu, dầu chết cũng không đổi lòng. Chúa Thượng đích thân lên án xử tử hai người cầm đầu, còn bảy người kia phải chặt một ngón tay. Hai người được phúc tử đạo chính là Ynhaxô Quảng Trị, lãnh tụ các thầy giảng, cựu quan ở Thuận Hóa, thọ 37 tuổi, và thầy giảng Vinh Sơn Quảng Nghĩa, cũng 19 tuổi như thầy giảng Anrê.16

Lạ lùng thay! – và đó là dấu bầu cử rõ ràng của vị tiên khởi tử đạo: ngày ấy đúng là ngày giáp năm (kỷ niệm đệ nhất chu niên) cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, tức 26 tháng 7 năm 1645.17

Thế là trong mười anh em thầy giảng làm lễ khấn lớp đầu tiên, chỉ sau hai năm truyền giáo, đã được ba vị tử đạo. Dòng dõi ấy, rồi đây, sẽ nối tiếp và nảy nở nhiều thêm mãi.

Nhưng ảnh hưởng của vị tử đạo tiên khởi không phải chỉ tác động trong hàng các thầy giảng, mà còn lan rộng ra toàn thể Giáo đoàn miền Nam. Nguyên một tích chứng sau đây do cha Đắc Lộ kể 18 đủ để tiêu biểu cho Đức tin can đảm của giáo hữu sau cuộc tử đạo của Anrê.

Khi các giáo hữu miền Quy Nhơn, nghe tin thầy giảng Anrê tử đạo, chẳng những họ quyết chí sẽ không nao núng khi bị bắt, mà còn tăng thêm lòng can đảm để đối phó với sự dữ. Trùm trưởng giáo khu này là ông Antôn Ngữ 19 nóng lòng ước muốn được triều thiên như Anrê, liền lên đường đi tìm giáo sĩ Đắc Lộ để tỏ ý kiến và xin phép đến xưng đạo trước mặt quan. Giáo sĩ bảo ông không được tự ý làm như vậy, phải về khuyến khích anh em vững lòng giữ đạo và can đảm xưng Đức tin nếu khi nào bị bắt.

Ông về làm như lời dặn, được kết quả đến nỗi, mấy ngày sau, khi một thuộc quan do ông Nghè Bộ ở Quảng Nam phái về truyền lệnh cho các bổn đạo phải ra khai để chịu phạt, không ngờ chưa đầy một ngày, đã có bảy trăm người chen nhau đến khai, và mỗi lúc càng tăng thêm nữa. Ông quan đó không biết tính sao, đành chọn lấy ba mươi sáu người giải về nộp cho ông Nghè Bộ. Trong số đó không may có một người giàu có, tiếc của và sợ chết, đành chối đạo, nhưng ba mươi lăm người kia lại càng mạnh mẽ xưng hô Đức tin để xóa nhòa gương xấu. Cuối cùng, quan chọn sáu người để đem ra đánh đòn trước công chúng, nhưng một cảnh tượng lạ lùng hiện ra: mọi người đều tranh giành nhau để được đánh đòn, vì ai ai cũng ước muốn chịu khó vì Chúa Giêsu.

Cuộc tử đạo của thầy giảng Anrê Phú Yên, chẳng những làm cho các giáo hữu tốt càng nên tốt hơn và sẵn sàng đổ máu vì Chúa, lại làm cho kẻ khô khan cũng thêm lòng sốt sắng. Thực vậy:

“Trong một bức thư gởi về Ao Môn, giáo sĩ Đắc Lộ nói rằng: Sau cuộc xưng tỏ Đức tin (của thầy giảng Anrê), cả đến những kẻ nguội lạnh cũng tỏ lòng ăn năn, vội vàng đến tìm tôi để xưng tội, dầu có kẻ đã bỏ hơn mười năm không xưng tội. Trong một thư khác giáo sĩ lại viết: Giáo hội này vẫn phát triển luôn, và bây giờ, với hạt giống mới là máu của vị tử đạo thánh, tôi tin tưởng trong Chúa rằng: Giáo hội ấy còn trổ hoa sinh trái dồi dào hơn nữa; chính tôi đã kinh nghiệm điều ấy, vì có nhiều giáo hữu bỏ giữ đạo lâu năm, nay thống hối ăn năn trở về với đoàn chiên Chúa, cả những người Hòa Lan (theo đạo rối) hiện ở đây, cũng được vị tân tử đạo đánh động lòng, và đã có mấy người đến ngỏ ý với tôi về việc trở lại cùng Hội thánh và xin xưng tội”.20

Đoạn trên đây rút trong một cuốn sách bằng tiếng bđn, do giáo sĩ Emmanuel Perreyra, dòng Tên, viết về việc truyền giáo ở Việt Nam. Giáo sĩ này đến Việt Nam và Ao Môn, vào khoảng mười lăm năm sau khi thầy giảng Anrê tử đạo. Cuốn sách của ông, hoàn thành đúng năm mươi năm sau cuộc tử đạo (1694), đã dành ba thiên cho thầy Anrê, đủ tỏ cuộc tử đạo này, hồi ấy có ảnh hưởng sâu xa và tiếng tăm rộng lớn như thế nào.

Sau cùng, theo tài liệu của linh mục Philipphê Bỉnh, dòng Tên người Việt, thì những đồng bào bên lương “thấy thầy Anrê chịu tử vì đạo, cùng thấy phép lạ, liền tin là đạo thật, thì trong năm ấy, một vạn hai ngàn người chịu phép rửa tội, mà chẳng tiếc của cải và chẳng sợ chết là những phép lạ rất lớn”. 21

Chú thích

(1) A.R Glorieuse mort, tr.82. Đối chiếu: Sumarium III, tr.283-285.

(2) A.R, Relation Progrès Foi, tr.59.

(3) A.R Glorieuse mort, tr.83. Nơi đó là chợ Củi vậy.

(4) Sự sợ hãi của dân chúng đối với di tích đất nhà lao có lẽ đã bắt nguồn từ biến cố này.

(5) A.R Glorieuse mort, tr.83

(6) A.R Glorieuse mort, tr.84 – Đối chiếu P.B, Truyện Đàng Trão tr.85 (ở đây nói là quan cai quản thuỷ đạo (?) và Summarium tr.283 (ở đây nói lẫn là quan trấn). “Người lính” mà cha Đắc Lộ nói đây có lẽ là một viên cai hay đội.

(7) A.R Glorieuse mort, tr.85-86

(8) Summarium tr.282.

(9) A.R Glorieuse mort, tr.86-87. Ngoài tài liệu của cha Đắc Lộ, một trong những nhân chứng khác, ông Horace Massa, thương gia người Ý, có làm bản khai trình về các phép lạ lửa cháy nói trên, với lời tuyên thệ trên sách Phúc Am, và gửi về Tòa thánh. Bản khai trình này (có khác hoặc lẫn lộn ít nhiều chi tiết nhỏ sánh với lời thuật của cha Đắc Lộ) được dịch đăng trong L.E.Louvet, La Cochinchine religieuse, quyển I, trang 240-242.

(10) A.R, Voyages et Missions (1854), ch.XXXIII, XXXIV.

(11) A.R, Voyages et Missions (1854), ch.XXXV

(12) A.R Glorieuse mort, tr.66

(13) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.261

(14) A.R Glorieuse mort, tr.66

(15) A.R, Voyages et Missions (1854), tr.306

(16) A.R, Voyages et Missions (1854) ch.LI. Đón đọc tiểu sử đầy đủ hai thầy giảng Ynhaxô và Vinh Sơn trong tập “Đốt đuốc xem gương tiền bối” sẽ xuất bản.

(17) Nhiều tài liệu về sau chép: 15 tháng 7 năm 1645, và chúng tôi cũng đã lầm như vậy (Minh Đức Vương thái phi, tr.82). Song giáo sĩ Đắc Lộ nói rất rõ ràng: “Ce fut au vingt-sixième de juillet de l’année 1645, justement à l’an révolu à la glorieuse mort de leur compagnon André, et trois jours après mon arrivée à Macao” (Voyages et Missions (1854), tr.330).

(18) A.R, Voyages et Missions (1854) ch. XXXIV

(19) A.R, Voyages et Missions (1854) tr.248 (Rất hiếm trường hợp giáo sĩ Đắc Lộ ghi cả tên thánh và tên gọi như ở đây).

(20) Noticias Summarias, tr.75. Hai bức thư của cha Đắc Lộ nói ở đây là tài liệu quan trọng lần thứ nhất được biết đến. Đối chiếu P.B. Truyện Đàng Trão, tr.85-86.

(21) P.B, Truyện Đàng Trão, tr.86. Con số kể trên có lẽ còn cần minh chứng, song việc gia tăng giáo hữu do ảnh hưởng cuộc tử đạo là điều vững chắc rồi.

Kiểm tra tương tự

Chương trình LỜI CHÚA LÀ HỒN SỐNG

  Nếu Bạn say mê Lời Chúa, Nếu bạn thật tâm muốn để Lời Chúa …

Cái chết

  Nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết chấm hết mọi thứ. Chết là xong… …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *