Người ghen tị

Con người vốn mang đặc tính xã hội; xã hội tính này được diễn tả qua các mối tương quan, trong đó, mối tương quan thường được đánh giá cao-thấp, hơn-thua… giữa hai chủ thể, đó là hậu quả tất yếu của việc so sánh. Một khi bị cuốn vào cách so sánh này, người hơn sẽ tỏ ra ngạo mạn, còn kẻ kém thì lại ghen tị những thành công, điều tốt đẹp nơi người kia. Ghen tị là một cảm xúc thông thường nơi con người. Mức độ đánh giá vấn đề này tùy tính cách từng cá nhân, văn hóa nơi họ sống và hoàn cảnh mà họ tiếp cận. Nếu lòng ghen tị chỉ như một cảm xúc thoáng qua trong tâm trí để rồi, chúng ta tiếp tục đảm nhận đời sống của mình thì không thành vấn đề; còn nếu lòng ghen tị ấy bị suy diễn tiêu cực qua lời nói và được chứng tỏ bằng hành động khác thường thì đây là một điều đáng lo ngại mà chúng ta cần phải tìm giải pháp để chuyển hóa, nếu không, nó sẽ làm cho nhân cách của chúng ta trở nên méo mó và lệch lạc.

NHỮNG NÉT NỔI BẬT NƠI NGƯỜI GHEN TỊ

Có nhiều cách để khám phá mẫu người này, ở đây, chúng ta có thể qui về hai yếu tố: lời nói và việc làm. Qua lời nói, chúng ta có thể nhận ra phần nào những gì họ suy tưởng trong tâm trí; qua hành động, chúng ta khả dĩ đánh giá ý hướng của chủ thể nhằm xác định rõ nét mẫu người này và tìm phương giải cứu kịp thời.

Lời nói

Chúng ta tìm thấy dẫn chứng cụ thể trong Kinh Thánh. Sau khi hạ được tên Philitinh trở về, ông Đavít được các phụ nữ tung hô rằng: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn”. Vua Saun giận lắm và bực mình vì nghe lời ấy. Vua nói: “Người ta cho Đavít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi !” Và tác giả ghi nhận rằng từ ngày đó về sau, vua Saun nhìn Đavít với con mắt ghen tị (x. 1Sm 18,6-9). Như chúng ta thấy, lòng ghen tị không chừa một ai, kể cả vị vua có mọi quyền hành trong tay, thế mà, cũng nghi kị với bề tôi của mình.

Tính ghen tị còn được mặc với bộ cánh khác, đó là việc họ hạ giá hay phủ nhận khả năng nơi người khác. Điều này được chứng minh qua việc Chúa Giêsu đã dùng quyền năng mà trừ quỷ nhưng những người Kinh sư và Pharisêu lại cho rằng Chúa dùng tướng quỷ mà trừ quỷ.

Trong đời sống hằng ngày, lời nói là thứ ngôn ngữ chiếm ưu thế giúp chúng ta diễn tả cảm xúc hay truyền đạt ý muốn của mình. Nhưng một khi bị nộc độc ghen tị tiêm nhiễm, lời nói của chúng ta trở nên cay cú và đay nghiến. Chẳng hạn, khi đối diện trước một điều tốt đẹp nơi người khác, chúng ta khen một cách ngượng ngạo: “Con bé trông có vẻ cũng được việc đấy nhỉ !”

Hoặc khi tranh đua trong cuộc thi đấu không thành công, chúng ta nhủ: “Dù sao, giải thưởng chẳng đáng giá gì, có thắng cũng chẳng được chi !” Phát biểu như thế, chúng ta đã tự mâu thuẫn với chính mình trong khi bản thân muốn tranh giành chiếc cup mà không được. Khi đó, trong thâm tâm, chúng ta cảm thấy ghen tị với khả năng của đối thủ. Thay vì khen người kia tài giỏi, chúng ta lại qui kết rằng do họ may mắn. Đó là cách chúng ta làm giảm trừ cảm nhận thấp kém nơi bản thân, và rằng: tôi cũng giỏi nhưng không may mắn. Đồng thời, chúng ta một trật đánh giá thấp khả năng của người kia.

Một hình thức khác của lòng ghen tị là họ tự tô bóng mình cách lố bịch. Tất nhiên, nó không tương xứng với những gì họ đáng nhận được. Thái độ quá khích này nhằm che giấu một mặc cảm thua kém và lòng đố kị với một đối tượng nào đó mà mình muốn công kích.

Đức Phanxicô quả chí lý khi nói: “vì ghen ghét, người ta đã giết hại nhau bằng miệng lưỡi và ngôn từ của mình. Khi không thích hay ghen ghét một điều gì đó, người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán. Và chính những lời bàn tán đó sẽ giết chết người khác”.

Hành động

Chúng ta không thể nào lượng định được những hành động xấu xa và đê tiện do tâm ghen tị mang lại. Vì một chút hơn thua trong đời mà người ta có thể tẩy chay người anh chị em ra khỏi cộng động họ đang sống. Đó là điều đã nghe trong đoạn Kinh Thánh mà chúng ta vừa trình bày liên quan đến vua Saun và ông Đavít. Vì ghen tị, vua Saun và đoàn quân của ông tìm giết ông Đavít. Vì một câu nói tung hô của người dân đã gieo vào tâm trí ông một nghi ngờ rằng ông Đavít một ngày nào đó sẽ chiếm ngôi vua. Và với cảm xúc dâng trào cộng thêm quyền điều khiển binh lính trong tay, ông quyết định sát hại ông Đavít.

Chúng ta cũng dễ nhận ra lòng ghen tị nơi những nhà chức trách vào thời Chúa Giêsu, họ đã có hành động gì khi thấy Chúa thành công trong việc thu hút dân chúng ? Họ không những giải thích sai lạc và tiêu cực những hành động của Chúa mà còn muốn tìm mọi cách để tiêu diệt Người, vì Người đã phá ngang “bát cháo” của họ trong việc đánh đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ, hoặc khi Người làm các dấu lạ điềm thiêng mà lôi kéo dân chúng khiến họ mất quyền giảng dạy và lãnh đạo dân…Cuối cùng, khi thời cơ đến, họ đã sách động dân chúng mà giết chết Người trên Thập Giá. Có thể nói, Người là nạn nhân của lòng ghen tị trong một xã hội bất công.

Trong thực tế đời sống hiện nay, chúng ta cũng đã từng chứng kiến bao người sống chính trực lại bị mất việc hay chịu nhiều thiệt thòi vì lòng ghen tị. Hay có người bị khai trừ khỏi một tổ chức chỉ vì họ vô tội hơn người khác. Hoặc chuyện một nữ tu phải chuyển đi nơi khác ở hay xuất dòng vì chị nổi tiếng và giỏi giang hơn chị em. Trong khi ngoài xã hội, chị nổi tiếng và ảnh hưởng tích cực với mọi người nhờ tài hùng biện của mình, niềm vui còn đó ! Nhưng khi về lại cộng đoàn, chị bị chị em “tấn công” bằng những cặp mắt ghen tị. Sự ghen tị tiềm ẩn trong vô thức của chị em đã khiến nữ tu này cảm thấy ngột ngạt và mất bình an khi sống trong cộng đoàn; chị buộc phải quyết định ra đi.

HẬU QUẢ

Với những gì được mô tả trên đây, thoạt tiên, chúng ta dễ có cái nhìn thiển cận về những nạn nhân của lòng ghen tị, nhưng thật ra, người ghen tị mới là kẻ hủy hoại chính mình.

Trước tiên, chúng ta có thể xét lòng ghen tị ở cấp độ thấp, nó được thay thế bằng một hạn từ khác: ghanh đua. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ này, đương sự có thể dùng như đà tiến giúp mình thắng vượt những trở ngại hầu thành công như đối tượng kia. Quả đúng, như lời Brian Tracy đã khẳng định: “Nếu bạn ghen tị với những người thành công, bạn tạo ra một trường lực lượng tiêu cực đẩy bạn khỏi những điều bạn cần làm để thành công. Nếu bạn khâm phục những người thành công, bạn tạo ra một trường lực lượng tích cực hấp dẫn bạn trở nên ngày càng giống những người bạn muốn giống”. Thật vậy, thay vì chỉ làm hao tổn nội lực trong việc so sánh hơn thua đến mức sao nhãng những việc bổn phận của mình, chúng ta nên lấy đó là động lực để mình cần phải cố gắng hơn nữa. Thay vì, dùng hết sức lực của mình mà quan sát và ghen tị với những gì của họ, không thuộc về mình, chúng ta dồn hết tâm lực để phát huy những thế mạnh, những đam mê lành mạnh giúp bản thân tiến xa trên đường tự lập và hoàn thiện.

Thiết tưởng, chúng ta cần ghi nhận một điểm tích cực nữa nơi người ghen tị, đó là họ có lòng khao khát những điểm tốt đẹp như thành công, hạnh phúc trong cuộc đời. Nhưng việc họ quá chú trọng đến những gì người khác thủ đắc mà trốn chạy bản thân hay tránh né thực tại đời sống mình, đó là một cám dỗ tai hại.

Đức Phanxicô đã dùng một hình ảnh dễ hiểu để ví những người này rằng sự ghen ghét và lòng đố kỵ phát triển trong lòng người ta như cỏ dại. Nó phát triển và không để cho bất kỳ thứ thảo mộc tốt lành nào có thể mọc lên được nữa. Thứ cỏ dại ấy sẽ khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, bệnh hoạn. Nó không để cho con người được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Một con tim đố kỵ rất có thể dẫn đến mưu sát và chết chóc.

Ở đây, chúng ta cũng có thể ví tâm hồn người ghen tị như một thửa vườn đầy gai góc nó bóp nghẹt chính những ước mơ hoài bão của chính mình.

Như chúng ta biết: người có lòng ghen ghét, đố kỵ luôn nghĩ rằng những điều tốt lành mà người khác có, chống lại họ. Nhưng thực tế cho thấy, người khác chẳng lấy đi bất cứ thứ gì nơi ta. Chỉ có điều, một khi ta lo mải mê thành công của người khác, chính mình lại đánh mất những cơ hội giúp ta thành công trong đời.

Nhà văn Balzac từng nói: “ Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho họ đau khổ gấp nhiều lần”. Quả thật, người ghen tị lại có những tâm tình trái ngược với những hoàn cảnh bên ngoài. Họ cảm thấy đau lòng trước thành công hay vận may đến với người khác nhưng lại cảm thấy hả hê và an lòng khi đối thủ bị sa cơ thất thế hay chịu nhiều nỗi oan khiên, đau khổ trăm bề.

Cuối cùng, lòng ghen tị hay đố kỵ không chỉ phá đi những mối quan hệ giữa người và người, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cho họ đánh mất chính mình. Thật vậy, khi ai đó ghen tị, vô tình họ đã không chấp nhận những giới hạn của mình, từ đó, họ cướp đi chính nội lực giúp họ vượt qua bản thân để lớn lên và trưởng thành.

CHUYỂN HÓA

Tiên vàn, chúng ta cần khám phá bản thân cách riêng những mặt tích cực. Để chúng ta đủ tự tin trong cuộc sống, từ đó, những thành công, hạnh phúc hay điều tốt lành đến với người khác không làm bạn phải siêu lòng và ghen tị với những gì họ có mà quên đi những gì bản thân mình đang thừa hưởng. Tại sao bạn cứ thừa nhận giọng hát của họ tuyệt vời mà không nhận ra bạn cũng là một tay chơi đàn không đến nỗi tồi ? Bạn cần hợp tác với họ làm nên một tác phẩm hoàn hảo hơn là ghen tị với những gì không là của mình. Mà nếu bạn có ghen tị đi nữa thì những thứ ấy cũng không thuộc về bạn, từ đó, bạn trở nên ảo tưởng, sống xa rời thực tại cuộc sống. Bạn đã quên một chân lý tuyệt vời rằng Chúa có một chương trình riêng cho bạn cũng như cho người ấy và Người đã đặt để những nén bạc khác nhau cho mỗi người nhằm giúp ta sinh lợi để phục vụ cho công ích và cho hạnh phúc mai sau. Nếu ai đó ghen tị về việc làm của Mẹ Têrêsa Calcutta và những ảnh hưởng của Mẹ trong cộng đoàn nhân loại thì hãy bắt tay vào việc để thế chỗ cho Mẹ đi ! Bạn sẽ nhận ra rằng sự ghen tị của bạn thật vô lý và hão huyền.

Bởi đó, bạn cần có một lòng tự trọng đúng đắn và lành mạnh. Chỉ những ai biết tôn trọng chính mình mới không ghen tị với những gì thuộc về người khác. Chính não trạng hay so sánh đã dẫn bạn đến việc đánh giá lệch lạc thực tại mình đang sống. Chúng ta chỉ nên so sánh với chính mình: ngày hôm nay hơn ngày hôm qua và ngày mai lại khác ngày hôm nay. Một qui tắc khác chúng ta cần ghi nhận ở đây, là những bước tiến nhỏ sẽ làm nên công trình lớn. Chúng ta chỉ nhìn thấy công trình lớn nơi họ mà không quan sát toàn diện hơn cả quá trình họ đang phấn đấu. Thời gian sẽ trả lời cho mọi nỗ lực của chúng ta. Chính khi quan sát những khó công khổ luyện của họ, sẽ là động lực giúp ta vượt khó hầu đạt những bước tiến ngoạn mục trong tương lai. Thật vậy, chỉ có những gì mình cố công xây đắp mới thực sự có giá trị và đáng trân trọng.

Một điều nữa, chúng ta thường hay bỏ sót, đó là tự khen thưởng chính mình. Qua mỗi những bước tiến nhỏ thành công, chúng ta lại tự khen mình bằng những ngày thoải mái để có thể sống cho chính mình với gia đình hay với bạn bè… Rồi lại tự nhủ mình: Cố lên. Có thế, bạn có thể bẻ gãy được 10 chiếc đủa. Người khác thì khỏe, họ bẻ một lúc 10 chiếc; còn bạn vốn yếu, cứ bẻ 10 lần cũng được chục chiếc. Thật vậy, chỉ có những người biết mình đủ mới thành công mà không phải phí sức.

Và bước cuối cùng để chuyển hóa lòng ghen tị là luôn sống tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Chúa vì mỗi sớm mai thức dậy, ta thêm một ngày nữa để yêu thương, hay con cảm tạ Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương…Khi sống tâm tình tạ ơn như thế, bạn không còn thời gian để mà so sánh hơn thiệt với người khác. Mà nếu có nhận ra những gì hay đẹp nơi người khác, cũng là cách giúp chúng ta cảm nhận hồng ân của Chúa đã ban cho mỗi người một vẻ đẹp độc đáo và duy nhất. Nếu trong vườn hoa Giáo Hội có nét đẹp chiêm niệm của Têrêsa HĐGS, thì cũng có đó một vẻ đẹp khác: vẻ đẹp bác ái phục vụ quên mình của Mẹ Têrêsa Calcutta. Và mỗi người chúng ta cũng sẽ là mỗi vẻ đẹp nào đó khi sống hết sức có thể với những nén bạc Chúa trao vì đã nhận ra điều Chúa muốn tôi hiện hữu trong cuộc đời này để làm gì.

EYMARD An Mai Đỗ, O.Cist.

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

TỘI và TÔI

  Lặng thầm cầu nguyện trên môi Sấp mình thờ lạy bồi hồi tâm can …

Chúa Giêsu trong vòng dư luận

Đức Giêsu trong vòng dư luận. Ảnh: Pinterest.com Suy niệm Tin Mừng tuần vừa qua …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *