Những đêm lạnh tê tái của cái tết đã cận kề. Phía trước những hiên nhà cao tầng , một góc phố hay một bờ đường là nơi ngủ lại qua đêm của những cụ già, các em nhỏ, các cô chú vô gia cư.
23h30 phút tối thứ Tư , tôi trở về nhà sau một đêm lang thang cùng nhóm Sinh Viên Công Giáo Kiên Giang (SVCGKG) – một nhóm Sinh Viên Công Giáo hoạt động tại Kiên Giang . Nhiệt độ ngoài trời những ngày rét đỉnh điểm lúc nào cũng xuống dưới 19 độ C, nhưng các thành viên của nhóm chẳng quan tâm. Chẳng mấy ai để ý đến dự báo thời tiết, vì mưa hay tạnh, nóng bức hay rét run, tôi cùng mọi người trong nhóm vẫn xuất phát đúng hẹn.
Đã từ lâu, 1 tháng chúng tôi dành ra 1 ngày gạt bỏ những thú vui giải trí cùng bạn bè để cùng nhau nấu và phát cháo thiện nguyện. Mỗi buổi thiện nguyện tối thứ Tư thường bắt đầu từ 19h đến 22-23h đêm …
Bất chợt suy nghĩ, tôi nhận ra rằng ban ngày chẳng ai biết những người này là vô gia cư. Chỉ khi đêm đen buông xuống, khi họ lục đục trải chiếu, kéo chăn, co ro trên vỉa hè hay núp trong cột ATM… những phận người vô gia cư mới rõ rệt, cuộc sống nghèo khổ mới được phơi bày. Phần nhiều trong số họ hoàn cảnh xô đẩy phải ra đường: những cụ già mất nhà, mất đất ở quê, bị con cháu vô ơn đẩy ra đường, hay những người quá nghèo khổ, không có nổi chục ngàn qua ngày, nói gì đến tiền trăm thuê một phòng trọ tránh mưa tránh nắng.
Có rất nhiều người vô gia cư cố nép vào những bức tường lạnh ngắt để chống chọi với cái rét vô tình, hay ăn vội vàng một vài miếng cơm thiu moi được từ thùng nước gạo đâu đó. Mỗi hành trình của nhóm SVCG chúng tôi đều mang tới vài chục suất cháo trao tận tay cho họ. Mặc dù, những phần cháo đó không thấm vào đâu nhưng vượt lên trên những gì có thể thấy được là cả tấm lòng của nhóm chúng tôi dành cho họ.
Chị Bích Ngọc một thành viên của nhóm chia sẻ: “Có đi và nói chuyện với họ rồi mới biết, người ta không có nhà, tặng nhiều quần áo cũng chẳng để làm gì. Cái họ cần nhất là đồ ăn, đồ dùng, thuốc men, chăn ấm để sống sót qua ngày. Sau đó là một công việc phù hợp để nuôi thân.” Qua những phận người chúng tôi gặp gỡ, biết bao câu chuyện buồn vui đã được sẻ chia. “Tôi không thích tiền đâu, tôi thích tấm lòng” là một chia sẻ của một người mà tôi gặp gỡ. Những lời của cô làm tôi cảm thấy ấm áp và có thêm động lực để tiếp tục những điều tốt đẹp mà tôi được mời gọi dấn thân, dù nhỏ bé và không ai hay.
Phận đời vô gia cư trong mắt chúng tôi không chỉ cần tấm lòng, mà còn mang sẵn tấm lòng nhân hậu, thật thà. Nhiều cụ già gầy gò run run nhận quà xong xua tay bảo chúng tôi, “Thôi bác nhận thế là đủ, cháu chia bớt cho cả những người ở chỗ kia, chỗ kìa.” Càng chứng kiến nhiều, tôi càng muốn ra đường, mang quà cho người vô gia cư, để mùa tết này tất cả đều ấm.
Gần cái khổ lại thấy lạc quan hơn
“Trước đây khi chưa tham gia nhóm , tôi nghĩ rằng cuộc sống của người vô gia cư rất khó khăn nên họ lúc nào cũng cảm thấy buồn tủi, bi quan. Nhưng sau khi nói chuyện, chia sẻ với họ, tôi nhận ra mình đã nhầm. Đoạn hội thoại làm tôi nhớ mãi:
“- Nằm ở dưới hiên nhà mưa gió, lạnh như thế này mà bà vẫn nằm được ạ?
– Chú thấy đấy, nằm ở đây mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, không khổ đâu chú à. Ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình, ở như thế này còn sướng chán.”
Sau câu chuyện ấy, tôi rút ra được một điều: đó là dù cho hoàn cảnh khó khăn thế nào chăng nữa, giữ được tinh thần và suy nghĩ lạc quan là vượt qua hết cả. Điều quan trọng là biết trân trọng những gì mà mình đang có, vì ngoài kia còn có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Một bạn mới trong nhóm chia sẻ: “Buổi tối đầu tiên tham gia cùng các anh chị trong nhóm từ thiện, được trực tiếp chia sẻ khó khăn với những cảnh đời vô gia cư, tôi nghĩ sao mình không được biết đến nhóm sớm hơn nhỉ. Hoạt động của nhóm đã làm em cảm nhận được hơi ấm của lòng yêu thương, dạy em biết sống nhân ái hơn. Những việc nhỏ bé mà nhóm làm không kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc sống hiện tại của người vô gia cư. Nhưng, chỉ cần bỏ chút thời gian trò chuyện cùng họ, giúp họ có một đêm ấm áp hơn, tôi thấy mình dần mở lòng hơn, không còn vô tâm như trước.”
“Càng tiếp xúc với những người khốn khổ, tôi càng thấy mình may mắn. Tôi đã từng rất vô tâm với bố mẹ, đua đòi mua xe mua quần áo hàng hiệu một cách điên cuồng. Tôi thậm chí không thấy mình may mắn khi mẹ không cho tiền tiêu vặt. Nhưng tất cả thay đổi 180 độ khi tôi gặp người vô gia cư”.
Từ ngày đi thiện nguyện với nhóm, lúc nào đi đường tôi cũng đưa mắt sang hai bên vỉa hè để tìm những mảnh đời thiếu thốn không nơi nương nựa. Có khi họ ở vườn hoa công cộng , ghế đá công viên có khi lại co ro bên hiên nhà… và đâu đó vang vọng lời của Đấng đã trở nên đồng hình đồng dạng với những mảnh đời đó “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25, 34-36)
Tuấn Cảnh
Sinh Viên Công Giáo Kiên Giang