Nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi “Dòng Chúa Giêsu” (dòng Tên)

Ý tưởng thành lập một dòng tu không hề xuất hiện trong tâm trí của I-nhã và các cha đầu tiên cho đến khi họ dâng mình cho Đức Thánh Cha và đứng trước nguy cơ mỗi người có thể được Ngài sai đi để thực thi sứ mạng ở các vùng đất khác nhau trên thế giới. Tiếc nuối cho một tình bạn gắn bó keo sơn từ thời còn học ở Paris, họ quyết định thực hiện một cuộc phân định chung để suy xét xem, liệu có nên tiếp tục duy trì mối tương quan này hay không và nếu có, thì bằng cách thức nào. Cuộc phân định nổi tiếng này diễn ra từ tháng 3-6.1539, với những khó khăn và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, dựa theo phương pháp Linh Thao mà tất cả đã thân quen, cuối cùng đã đi đến kết quả tốt đẹp là, nếu Giáo Hội cho phép, các thành viên sẽ khấn vâng phục một người trong số họ, và như thế, vì tất cả đã khấn khó nghèo và khiết tịnh trước đó rồi, giờ đây, với lời khấn vâng phục, sẽ thành lập một dòng tu.

Để có thể trình bày ý muốn thành lập một dòng tu cho Đức Thánh Cha, họ cần có một phác thảo về bản chất của Dòng. Vì thế, cả nhóm đã thảo luận và cho ra đời bản thảo, gọi là Bản Năm Chương (1539). Bản này được Đức Hồng Y Contarini trình cho Đức Phaolo III. Sau khi đọc xong Bản Năm Chương, Đức Giáo Hoàng đã rất hài lòng và ngay lập tức chuẩn y nó vivae vocis oráculo (bằng miệng), cùng với câu nói: “Ngón tay Thiên Chúa hiện diện ở đây” (FN IV, 308). Nhưng phải đến tháng 9.1540, Đức Thánh Cha mới ban Trọng Sắc Regímini Militantis Ecclesiae, phê chuẩn cho việc thành lập Dòng. Với Trọng Sắc này, Giáo Hội có thêm một dòng tu mới, có tên gọi là “la Compañía de Jesús” (chính xác, nó có nghĩa là “nhóm bạn của Chúa Giêsu”, dòng Chúa Giêsu hay dòng Tên, vì bối cảnh văn hóa, không thể gọi tên cực trọng của Chúa Giêsu).

Ra đời trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội đang có những rối ren và khủng hoảng trầm trọng về đời sống và đức tin, dòng Tên, với những đặc thù của mình, đã nhanh chóng lan rộng khắp năm châu bốn bể, thực thi sứ mạng trên hầu hết tất cả các lĩnh vực. Sự lan rộng nhanh chóng của dòng Tên cùng với những thành công trong công việc tông đồ đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Tuy vậy, người ta vẫn không ngừng có những thắc mắc về dòng này, không biết đây là dòng gì, có phải là một dòng tu đích thực hay không, vì các tu sĩ dường như không tuân theo lối sống tu truyền thống. Trong tác phẩm nổi tiếng Theo gương Chúa Kitô, vốn đang lưu hành rộng rãi lúc đó, có câu nói rằng: “Các tu sĩ phải ở trong lều của mình vì tu sĩ nào hay đi ra ngoài thì rất khó nên thánh” (I, 23). Tuy nhiên, với sự chuẩn y của Giáo Hội, các tu sĩ dòng Tên được miễn chuẩn khỏi việc đọc kinh Thần Vụ chung, không có tu phục, không hãm mình, đánh tội, không ở trong khuôn viên tu viện nhưng thường xuyên ra ngoài để làm việc tông đồ. Đối với tâm thức của con người thời đó (và cũng có thể thời nay), một lối sống như thế, có vẻ không giống tu sĩ cho lắm.

Do mới thành lập, cả người ngoài lẫn người trong Dòng đều không biết gọi các tu sĩ dòng Tên là gì. Ở Ý, người ta gọi các tu sĩ dòng Tên là “các linh mục cải cách” hay “các linh mục Roma”, ở Bồ Đào Nha, họ được gọi là “các tông đồ”. Ở chỗ khác thì được gọi là “nhóm Inhaxio” (ignistae hay ignatiani) (Chron. 1, 444). Khi có cơ hội gặp cha Jeronimo Nadal, vị đại diện của thánh I-nhã đi thăm viếng các cộng đoàn của Dòng và phổ biến cung cách hành xử của Dòng trong thời gian Hiến Pháp đang được soạn thảo, họ đã hỏi ngài. Là một người thân tín của I-nhã và am hiểu cách thâm sâu linh đạo của Đấng Sáng Lập, cha Nadal đã trả lời rằng: các thành viên của dòng được gọi là jesuita (iesuit-tiếng Anh, gesuita-tiếng Ý, Giêsu hữu-tiếng Việt), có nghĩa là bạn đường hay bạn đồng hành của Chúa Giêsu Kitô (socii Christi Jesu).

Từ “jesuita” không phải do Nadal nghĩ ra và cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện để nói đến tu sĩ dòng Tên. Nó đã tồn tại trong nhiều tác phẩm thiêng liêng của các thế kỷ trước. Vào thế kỷ XIV, đã có một dòng tu ở Ý lấy tên là “jesuatos”. Trong tác phẩm Cuộc đời Chúa Kitô của Ludolfo Cartujano mà I-nhã đã đọc khi nằm trên giường bệnh ở Loyola, cũng có từ này: “Nhờ ân sủng của bí tích rửa tội, các tín hữu được gọi là Kito hữu của Đức Kitô (cristiano de Cristo), cũng tương tự như vậy, trong vinh quang thiên quốc, chúng ta sẽ được gọi là jesuitas của Chúa Giêsu (jesuitas de Jesús)” (Vita Christi I, c.10). Như thế, lúc đó, từ “jesuita” nhằm nói đến một Kitô hữu tốt lành, người đi theo Chúa Giêsu bằng đời sống thánh thiện và được Ngài đón nhận vào Nước Trời. (Trong một vài tài liệu, người ta cũng dùng từ “jesuita” theo nghĩa khá tiêu cực, nhưng chúng tôi xin mạn phép không trình bày ở đây).

Việc cha Nadal sử dụng từ “jesuita” chắc chắn là để ám chỉ đến Jesús (Chúa Giêsu) và mối tương quan mà các tu sĩ dòng Tên phải có đối với Ngài. Nghĩ ra một cái tên cho nhóm và cho các thành viên của nhóm không phải là điều dễ dàng. Khi các cha còn ở Venezia và Vicenza (Bắc Ý), mặc dù chưa có ý định thành lập dòng, họ đã từng trao đổi với nhau và tự hỏi là “nếu người khác hỏi chúng ta là ai, thì chúng ta phải trả lời thế nào”. Dù là người đã có công lớn quy tụ các bạn và cũng là người được tất cả các bạn xem như anh cả, nhưng thánh I-nhã chưa bao giờ xem đây là nhóm của mình. Cuối cùng, do cùng xuất phát từ trường đào luyện của Linh Thao và nghe được tiếng gọi của Vua Giêsu, nên tất cả đã đồng lòng cho rằng giữa họ sẽ không có một thủ lĩnh nào khác ngoài chính Ngài.

Cái tên “la Compañía de Jesús” mà I-nhã và các cha đã chọn để gọi dòng tu mà họ mới thành lập có lẽ được gợi hứng từ quyển sách Cuộc đời Chúa Kitô đã nói ở trên. Trong đó, khi nói về việc Giuda rời bỏ buổi tiệc ly để đi gặp các Thượng Tế (x.Ga 13,30), Ludolfo đã nói rằng “Giuda đã bỏ nhóm của Chúa Kitô (la compañía de Cristo)” (I, 1, 55). Thánh Inhã và các cha đầu tiên đã chọn “la compañía de Jesús” để nói về nhóm của mình, đặc biệt, sau khi nhận được thị kiến ở La Storta (11.1537), I-nhã càng đặc biệt có lòng sùng kính Thánh Danh Giêsu và xác tín rằng đây chính là tên mà Chúa muốn cho nhóm, cho Dòng và không gì có thể làm cho ngài thay đổi quyết định này (FN I, 204; FN II, 377). Trong lịch sử, thậm chí đã có nhiều vị Giáo Hoàng muốn thay đổi Thể Chế và tên gọi của Dòng (như Đức Phaolo IV, Đức Pio V, Đức Sisto V), nhưng nhờ ơn Chúa, Dòng vẫn được gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn tên gọi cũng như đặc sủng nguyên thuỷ.

Như thế, ngay từ lúc đầu, I-nhã và các bạn đã xem chính mình như là các môn đệ của Chúa Giêsu. Họ ở với Chúa Giêsu, được Chúa Giêsu dạy dỗ để sau này được Chúa Giêsu sai đi thực thi sứ mạng. Trong các thư từ của I-nhã, chúng ta thấy ngài lặp lại hình ảnh này rất nhiều như một nguồn hứng to lớn. Để giải thích cho lối sống có phần khác lạ của tu sĩ dòng Tên mà chúng tôi đã trình bày ở trên, cha Nadal đã giải thích rằng “các tông đồ năm xưa cũng không hề có tu phục… Họ không dành giờ để hát Kinh Phụng vụ chung với nhau” (Orat.obs., 379. 414; MNad V, 125-127). Về căn tính của tu sĩ dòng Tên, cha Nadal đã không ngần ngại lặp đi lặp lại điều này: “Chúng ta không phải là những đan sĩ [những người sống trong bốn bức tường của đan viện và ít khi, hay thậm chí không bao giờ ra ngoài] (MNad V, 413.608) và “nhà của chúng ta là cả thế giới” MNad V, 54. 364-365. 469-470. 773-774). Điều mà cha Nadal nhắm đến chính là đặc tính sứ mạng của Dòng, nghĩa là việc các tu sĩ dòng Tên được sai đi khắp nơi để xây dựng Nước Chúa trong sự vâng phục ý Chúa được thể hiện qua vị bề trên. Chính đặc tính này đã chi phối mọi năng động của Dòng, từ việc thu nhận và thải hồi, đến thời gian và đường hướng huấn luyện, cách thức chu toàn các bổn phận thiêng liêng, cách quản trị và nhiều yếu tố khác.

Việc các tu sĩ dòng Tên cứ phải làm việc và thực thi sứ mạng như thế liệu có biến họ trở thành những người chỉ đơn thuần là những nhà hoạt động xã hội không? Dành toàn bộ thời gian và sức lực cho sứ mạng có vẻ là một điều tốt nhưng không phải là không có những nguy cơ của nó. Thánh Inhã, với kinh nghiệm cuộc sống và thiêng liêng dày dặn, chắc chắn là biết rõ điều này. Vậy ngài đã dạy các tu sĩ dòng Tên phải sống như thế nào để dung hoà giữa “chiêm niệm” và “hoạt động”?

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …