Nhà thầy Dòng Tên: Từ bếp núc đến chuyện đàn ca

 

Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.

 

Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google

 

YouTube Terms of Services

 

 

Ai đã một lần ghé thăm Học Viện Dòng Tên sẽ nhận ra một điều thú vị, rằng khoảng cách từ nhà bếp đến sân khấu chỉ là một đoạn rất ngắn. Đơn giản vì sân khấu nằm trong nhà ăn, mà nhà ăn lại thông ngăn với nhà bếp! Thế nên, từ bếp núc đến chuyện đàn ca của thầy dòng Tên cứ ngỡ chẳng liên quan nhưng lại liên quan ít nhiều, vì việc hát đàn cũng như chuyện bếp núc rất gần nhau xét về khoảng bí ẩn và gợi trí tò mò cho những ai muốn biết.

    Sâu khấu trong nhà ăn Học Viện 

Trong nhiều giai thoại liên quan đến việc hát hò của thầy dòng Tên, xem ra nổi tiếng nhất vẫn là khả năng hát … ngang và chắc. Tưởng đùa mà hóa ra thật, vì “ngang và chắc” đã trở thành “đặc nét”, truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Nếu ai thường xuyên tham dự các dịp lễ tiệc của nhà Dòng, họ sẽ được thưởng thức những “đặc sản” âm nhạc để đời. Có người còn khuyên cha quản lý nên đặt thực đơn bớt đi một món, vì cứ như rằng thực khách sẽ được tặng thêm món “cua hấp tại bàn” qua điệu hò của một cha trong nhà. Các bạn biết đấy, con cua luôn bò ngang, và vỏ của chúng thì bao chắc!  

Tre già thì măng mọc, “hậu sinh khả úy” tiếp tục phát huy khả năng hát chắc và ngang. Chuyện là trong thánh lễ, có thầy A ngồi sát thầy B vốn nổi danh với giọng hát “bè 5”. Kết quả sau đó, thầy A thấy hoài nghi dữ dội, không biết mình hát đúng thầy kia sai, hay mình hát sai thầy kia sai hơn?! Thật ra, cộng đoàn cũng có tập hát mỗi tháng một lần, nhưng cốt chỉ để ôn lại các bài quen. Thế nên, anh em truyền tai nhau hai điều luật bất thành văn khi chọn bài hát cho Thánh Lễ: Điều (1) chọn bài quen; điều (2) nếu lỡ chọn bài không quen thì coi lại điều (1). Dầu đã chọn bài quen và mặc tay ca trưởng cứ phất, giọng hát chúng tôi vẫn ngang-chắc và lệch nhịp như thường! Nhưng chuyện ấy chẳng đáng phải ngại, vì chúng tôi tự an ủi rằng, hát cốt cũng chỉ để ca tụng Chúa mà thôi.


Ca đoàn tổng hợp trong Thánh Lễ dịp họp tỉnh 2017

Ngoài chuyện hát lễ, anh em chúng tôi còn được lên sân khấu trong các buổi “Happy Hour” (giờ hạnh phúc) hàng tháng, tức là những dịp mừng sinh nhật và bổn mạng các thành viên cộng đoàn, hay giờ sinh hoạt chung của khối thần, khối triết. Kinh nghiệm cho thấy trong những buổi diễn ấy tính nghệ thuật thường rất ít nhưng bù lại tính giải trí luôn nhiều. Phương châm của chúng tôi: Vui là chính! – chủ yếu nhằm mang lại tiếng cười cho anh em.

Có tiết mục lời dẫn còn dài hơn và hay hơn bài hát vì chất chứa triết lý và suy tư. Thêm vị bề trên vui tính, mỗi khi được mời đều cầm mic hát đủ ba bài mới xuống. Anh em giải thích thêm: “Ăn ba bát hát ba bài” là đúng rồi. Có hôm ban tổ chức mở cuộc thi âm nhạc. Biết anh em khiêm tốn về mảng tài năng, họ đành xét các tiêu chí khác để đánh giá: Sâu – Sến – Sầu. Tức là, tiết mục được đánh giá xét theo 3 yếu tố: bài hát có nội dung sâu sắc – người hát biểu đạt sến súa, khán giả cảm thấy sầu buồn. Kết quả chung cuộc là hầu như tiết mục nào cũng có điểm số xấp xỉ 30/30.

Các tân khấn sinh biểu diễn văn nghệ cùng cha giáo tập trong ngày hồng phúc

Dòng Tên dạy anh em phải “biết mình,” nên sau nhiều lần làm “sao xẹt”, nhiều anh em tự nhủ: Biết không thể làm vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật, thôi đành theo đuổi ngành triết-thần giải trí. Tức là, thay vì làm nghệ sĩ, họ chấp nhận đời ẩn dật để suy tư về giải trí và tìm ý nghĩa cuộc đời!

Nói đi thì phải nói lại,cũng vì biết giới hạn bản thân nên anh em chúng tôi cũng gắng tập tành để cải thiện chuyện đàn hát phần nào, ước nguyện làm sao một ngày có thể “ho ra nhạc khạc ra thơ.” Đó là lý do những lớp bổ túc âm nhạc cơ bản tự phát liên tục được anh em khởi xướng. Từ nhạc lý, xướng âm, đánh nhịp, đến hòa âm, sáng tác đều được dạo qua. Tiếc rằng sau khi hoàn tất ba năm triết học, giáo sư âm nhạc đành “bỏ của chạy lấy người”, lên đường đi thực tập tông đồ. Lớp học vì thế cũng tan. Nhưng ít ra thầy cũng đã kịp để lại cho cộng đoàn vài tay phất nhịp và dăm ba đàn sĩ. Nhiều tân binh chơi piano và organ cũng đã “góp tay” trong mỗi thánh lễ hàng ngày. Dù buổi đầu còn loạng choạng, intro đến độ “vỡ trận”, nhưng (sau màn bắn phá tả tơi) anh em cũng đã cảm thông và đón nhận, trong tinh thần nhịn nhục chịu đựng thì ít mà yêu thương và nâng đỡ thì nhiều.

Hai trong số các đàn sĩ của cộng đoàn

Ca đoàn Học Viện cũng góp mặt và góp giọng cho những thánh lễ lớn như truyền chức linh mục, khấn Dòng, lễ khải giảng, bế giảng của Học viện, v.v…

 Các thầy học viên và các bạn ứng sinh góp giọng trong ca đoàn lễ phong chức 2017

Tiếp tục tinh thần ấy, câu lạc bộ ghita mới mở cũng được anh em hưởng ứng ghi danh. Cha viện trưởng và cha linh hướng nhiệt tình ủng hộ bằng cách “cấp phép” mở hội quán ghita và trang bị nhạc cụ cho anh em. Chúng tôi cứ hay đùa nhau rằng sinh viên là nguồn động lực để quý thầy nỗ lực học đàn học hát. Cũng đúng phần nào, vì dù đàn hát chỉ là phương tiện thứ yếu, nhưng có còn hơn không. Quan trọng là có thêm phương tiện để phục vụ.

Hội quán ghita tạm thời “đóng đô” tại thư viện

Mọi người hay nhắc đến câu nói trứ danh được gán cho thánh Âu-tinh: “Hát hay là cầu nguyện hai lần”. Nhưng hát thế nào là hay? – cảm thấy đụng chạm tí chút, các triết gia mini nhảy vào mổ xẻ. Đành trích câu khác của ngài có nguồn hẳn hoi để an ủi nhau: “Hát là công việc của người biết yêu.” Ừ thì chúng tôi hát chưa hay, đàn chưa giỏi, nhưng chắc hẳn từng người đã biết yêu một chút nào. Thôi thì đã lỡ yêu, nên đành liều cất giọng. Nếu vì giọng hát tiếng đàn của chúng tôi mà Chúa cười, thì đấy chẳng phải là phúc lớn cho anh em chúng tôi đó sao?

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

 

Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.

 

Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google

 

YouTube Terms of Services

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …

Cách cầu nguyện dành cho người bận rộn

Khi ngồi tòa giải tội, tôi thường nghe rất nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng: …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *