Nhà thừa sai Dòng Tên Felice Morelli và sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Kẻ Bái (Bồ Ngọc, Thái Bình)

Thấm thoát mà đã 375 năm kể từ khi hạt giống Đức tin được gieo vãi tại vùng đất Kẻ Bái, tức giáo xứ Bồ Ngọc, giáo phận Thái Bình ngày nay. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cha xứ và anh chị em giáo dân giáo xứ Bồ Ngọc sẽ tổ chức tuần Đại phúc từ ngày 10/11 đến ngày 17/11/2013 để tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân cũng như để khơi dậy tinh thần truyền giáo tại mảnh đất vốn được xem là nơi tiếp nhận những hạt giống Đức tin đầu tiên trên giáo phận Thái Bình ngày nay.

Nhân dịp Dòng Tên Việt Nam sẽ kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng trên Đất Việt và hòa với niềm vui của anh chị em giáo dân Bồ Ngọc, chúng tôi muốn chia sẻ đôi điều về nhà thừa sai Felice Morelli, S.J. và sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Kẻ Bái cách đây 375 năm. Tuy nhiên, trước khi kể về câu chuyện của cha Morelli, chúng tôi muốn nhắc lại một số biến cố lịch sử quan trọng.

Ba nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong

Ngày 18.01.1615, vùng biển Cửa Hàn – Đà Nẵng đón bước ba nhà truyền giáo Dòng Tên: Linh mục Francesco Buzomi – người Ý, Linh mục Diogo Carvalho và Tu huynh António Dias – người Bồ Đào Nha. Họ được Bề Trên gởi đến vùng đất An Nam với ý định khiêm tốn ban đầu là chăm sóc thiêng liêng cho một cộng đoàn Công Giáo người Nhật, những người đã chạy trốn khỏi các cuộc bách hại đạo khốc liệt và đến sống ở Hoài Phố – Hội An, cách Đà Nẵng khoảng 30 cây số về hướng Nam. Tuy nhiên, từ cuộc “đổ bộ” lần đầu tiên này của các thừa sai Dòng Tên, một công cuộc loan báo Tin Mừng đã từng bước mở ra ở Đàng Trong với nhiều thành quả đáng khích lệ.

Từ 1615 đến 1623, các thừa sai Dòng Tên đã thành lập được ba cư sở tại Đàng Trong: Hội An (1615), Nước Mặn (1618), Thanh Chiêm (Quảng Nam Dinh) (1623). Số người tin vào Tin Mừng ngày càng gia tăng. Vào năm 1618, tại khu Cửa Hàn – Thanh Chiêm – Hội An, số bổn đạo đã lên tới 300 người. Năm 1620, tại Hội An, có 82 người Việt và 27 người Nhật được rửa tội. Đặc biệt, tại Hội An, năm 1620, một sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đã được soạn thảo. Năm 1625, tại Thanh Chiêm, có 306 người trở lại. Tờ biểu đệ trình lên Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII ngày 17.07.1640 cho biết số giáo hữu Đàng Trong là 15.000 người. Tới năm 1663, số bổn đạo của Đàng Trong đã lên tới khoảng 50.000 người.

Sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Đàng Ngoài

Để dọn đường cho việc giới thiệu Tin Mừng cho xã hội Đàng Ngoài, hai tu sĩ Dòng Tên, cha Giuliani Baldinotti (người Ý) và tu huynh Giulio Piani (người Nhật), cả hai đều không biết tiếng Việt, từ Áo Môn, theo tàu buôn Bồ Đào Nha, được phái đi tìm hiểu về tình hình ở đó. Ngày 15.03.1626, họ đặt chân đến Kẻ Chợ, tức kinh đô Thăng Long, và ở lại đó cho đến ngày 11.08.1626. Ngày 19.03.1627, lễ kính thánh Giuse, cha Đắc Lộ và cha Pedro Marques đặt chân đến Cửa Bạng (Thanh Hoá). Cả hai đều biết tiếng Việt, nhưng Đắc Lộ thông thạo hơn. Tin Mừng bắt đầu được chính thức giới thiệu cho người Đàng Ngoài dưới sự bảo trợ của thánh Giuse. Vì Đắc Lộ thành thạo tiếng Việt hơn, nên đóng vai trò chính trong việc giới thiệu Tin Mừng cho người Đàng Ngoài.

Sau những thành quả truyền giáo với số bổn đạo là 5.602 người, các tu sĩ Dòng Tên trong đó có cha Đắc Lộ đã bị Chúa Trịnh trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630. Tuy nhiên, mối bận tâm về giáo đoàn, đông đảo nhưng còn non trẻ bị bỏ rơi, thúc đẩy các tu sĩ Dòng Tên ở Áo Môn khẩn cấp tìm mọi cách gởi các thừa sai trở lại Đàng Ngoài. Mười tháng sau, tháng 3.1631, bốn tu sĩ Dòng Tên đã đến Đàng Ngoài để tiếp tục công cuộc truyền giảng Tin Mừng đang bị dang dở. Đó là cha Palmeiro, Gaspar d’Amaral, cha António de Fontes và cha António-Francisco Cardim.

Tiếp sau đó, nhiều tu sĩ Dòng Tên đã được gởi đến truyền giảng Tin Mừng ở Đàng Ngoài. Tới năm 1663, giáo đoàn Đàng Ngoài đã có hơn 300.000 bổn đạo và hơn 300 nhà thờ. Tính tổng cộng, từ năm 1627-1773, có tất cả 95 tu sĩ Dòng Tên ngoại quốc đến hoạt động truyền giáo ở Đàng Ngoài, cộng thêm với 26 tu sĩ Dòng Tên Việt Nam.

Cha Felice Morelli và sứ mạng loan báo Tin Mừng tại Kẻ Bái

Đầu năm 1637, cha Felix Morelli người Italia được cha Emmanuel Dias, bề trên Dòng Tên miền Viễn Đông tại Ma Cao sai đi phục vụ tại Đàng Ngoài, lúc ấy đang là thời Vua Lê Chúa Trịnh.

Sau một thời gian học tiếng Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), cha Morelli được cử đi truyền giáo phía nam Kẻ Chợ (Trấn Sơn Nam). Mùa thu năm Dương Hòa thứ bốn, tức năm Mậu Dần (1638) cha Morelli dùng thuyền xuôi sông Hồng Hà rẽ vào sông Luộc và ghé làng Bồ Trang ngay bên bờ hữu ngạn. Người dân Kẻ Bái đã hân hoan đón tiếp cha, hăng say nhận lãnh Tin Mừng đạo Chúa và truyền đạo đến các làng lân cận.

Bảy năm sau (1645) Kẻ Bái đã có ngôi nhà thờ đầu tiên đơn sơ nhỏ bé và được chính cha Morelli làm phép đúng vào lễ Đức Mẹ Dâng Con (02 /02/ 1645). Lễ Phục Sinh năm 1645, cha đã thành lập xứ Kẻ Bái.

Có một điều rất đặc biệt thiết tưởng cần phải nhắc lại đó là việc vua Lê nhận cha Morelli làm dưỡng tử. Thực vậy, năm 1647, để tỏ lòng quý mến cha Felix Morelli, vua Lê Chân Tông đã ban sắc phong nhận ngài làm dưỡng tử. Ngày 11 tháng 03 năm 1647 nhà vua viết và gởi chứng thư lên giấy hoa bằng chữ Hán, nội dung dịch sát nguyên bản như sau :

“Ta hạ Kien Thượng vương toàn quyền và tối cao trong xứ Đàng Ngoài, ta gửi người chứng thư tự tay ta thảo, để làm bằng chứng ta quý mến ngươi, Felix bậc tôn sư đệ nhất và tiến sĩ đạo trưởng thờ Chúa trời đất. Từ khi ngươi vào xứ ta, ta đã đặc biệt quý mến ngươi hơn hết các tôn sư ngoại quốc đến dạy đạo ở đây. Ta coi ngươi như vườn ruộng trồng hoa hướng dương quay về mặt trời soi sáng và sưởi ấm, ta cũng coi ngươi như quý tử của ta. Để cho ngươi biết lòng ta quý mến ngươi, ta đặt cho ngươi một tên mới là Phúc Chân, có nghĩa là một người chân thật có phúc cao cả. Thế nên từ nay ngươi chỉ có ý nghĩ hay không có nghĩ như ta, như tất cả những ai phải làm khi quý mến nhau và chỉ có một tâm hồn. Nếu ngươi làm như vậy thì ngươi được kể vào sổ những kẻ có thế giá và có nhiều danh vọng vì đã giữ luật nhân ái và ngươi được ta quý mến”. (Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646 – Alexandre De Rhode)

Nhà vua đã sai người đem thư sắc phong tới tận nhà của cha Morelli với đám rước linh đình trọng thể với các bậc cận thần.

33

Nhà thờ Kẻ Bái (1645)

Về phần xứ Kẻ Bái, trải qua bao thăng trầm của dòng lịch sử, các tín hữu đã xây dựng những ngôi nhà thờ thay thế cho những ngôi nhà thờ hư, cũ hoặc bị tàn phá trong thời kỳ cấm đạo. Đầu thế kỷ XX, cha cố Đaminh Cao Xuân Yến đã điều hành xây dựng ngôi nhà thờ bề thế nguy nga Kẻ Bái năm 1917. Năm 1928 Đức cha Munhagorri Trung, Giám mục địa phận Trung đã ban sắc đổi tên xứ Kẻ Bái thành xứ Bồ Ngọc và tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi được thay tước hiệu Đức Mẹ Dâng Con có trước.

Nhà thờ Bồ Ngọc (1917)

Sau mấy chục năm chiến tranh, ngôi nhà thờ này bị xuống cấp nghiêm trọng nên ngày 25/03/2006, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Lương và bà con trong giáo xứ đã khởi công xây dựng một thánh đường mới. Ngày 06/12/2007, Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Sang Giám Mục giáo phận Thái Bình đã chủ sự Thánh Lễ cắt băng khánh thành và cung hiến nhà thờ.

Hiện nay, giáo xứ Bồ Ngọc nằm trên địa dư 4 xã: Quỳnh Hoa, Quỳnh Giao, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ và An Đồng thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Bồ Ngọc hiện nay có 5 giáo họ: họ Thiện, họ Bái Đông, họ Sơn Đồng, họ Đồng Tâm và họ nhà xứ.

Có thể thấy rằng những hạt giống đức tin mà cha Felix Morelli xưa kia gieo vãi trên miền đất Kẻ Bái đã trổ sinh hoa trái là giáo xứ Bồ Ngọc hiện nay. Nhân dịp kỷ niệm 375 năm Kẻ Bái – Bồ Ngọc đón nhận tin mừng, noi gương ba thánh tử đạo Kẻ bái là Thomas Nguyễn Văn Đệ, Augustino Nguyễn Văn Mới và Têphanô Nguyễn Văn Vinh, bà con tín hữu giáo xứ Kẻ Bái ao ước và quyết tâm sống gắn kết với Chúa Giêsu hơn qua việc sống Bí tích Thánh Thể, thực thi công bằng bác ái và dấn thân hy sinh phục vụ tha nhân như là những phương thế để loan báo Tin Mừng.

———-

CHƯƠNG TRÌNH TUẦN ĐẠI PHÚC KỶ NIỆM 375 NĂM ĐỨC TIN TRÊN KẺ BÁI – BỒ NGỌC

=== 17-11-2013 ===

1. KHAI MẠC

Chúa Nhật (ngày 10/11): Kính Đức Mẹ Mân Côi

07h 00: Cộng đoàn tập trung
08h 00: Đón mừng Đức cha Phanxicô Xavie nguyên Giám mục giáo phận Thái Bình
09h 00: Rước
09h 30: Thánh lễ (Đức cha Phanxicô chủ sự)

2. TĨNH TÂM

Cha giảng tĩnh tâm: Giuse Đinh Tiến Hưng, OP

Thứ hai (ngày 11/11): Chủ đề: Sống Bí Tích Thánh Thể

Thứ ba (ngày 12/11): Chủ đề: Sống công bằng, bác áiThứ tư (ngày 13/11): Chủ đề: Dấu chỉ cho Chúa Kitô

3. KÍNH NHỚ

Thứ năm (ngày 14/11): Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô

– 15h 00: Cộng đoàn tập trung đón mừng Đức cha, quý cha và quý khách

– 15h 30: Rước – Suy tôn Lời Chúa

– 16h 00: Thánh lễ (Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân , Giám mục Gp Lạng Sơn chủ sự)

– Sau Thánh lễ Kiệu Thánh Thể

Thứ sáu (ngày 15/11): Cầu cho các đấng bậc truyền giáo, tổ tiên và quý ân nhân

– 15h 30: Cộng đoàn tập trung

– 16h 00: Rước

– 16h 45: Nghi thức kính nhớ tổ tiên

– 17h 00: Thánh lễ tại nghĩa địa(Cha Đaminh Đặng Văn Cầu chủ sự)

Thứ bảy (ngày 16/11): Kính Ba thánh tử đạo quê hương và Năm Thánh tử đạo hy sinh trên mảnh đất Quỳnh Côi

– 14h 00: Cộng đoàn tập trung tại Bái Đông, hôn kính Hài cốt các Thánh Tử đạo quê hương

– 14h 30: Rước các Thánh về họ Nhà xứ

– 16h 00: Thánh lễ (Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt Giám mục Gp Bắc Ninh chủ sự)

– 19h 00: Tâm tình hoan ca mừng đại lễ 375 năm

4. Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa – Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Cầu cho việc truyền giáo

Chúa Nhật ngày 17 – 11 – 2013

– 07h 00: Cộng đoàn tập trung

– 08h 00: Đón quý Đức cha, quý cha, quý khách

– 08h 30: Rước Thánh giá

– 09h 15: Nghi thức khai mạc

– 09h 30: Thánh lễ (Đức cha Phêrô Giám mục Gp chủ sự)

(Sau Thánh Lễ chúc mừng và tặng hoa Đức cha)

11h 00: Tiệc mừng

Chỉnh Trần, S.J.

Tổng hợp từ tư liệu của cố linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, S.J. và của giáo xứ Bồ Ngọc

Kiểm tra tương tự

Cùng Loan Báo Tin Mừng với Cộng Đoàn Hội Thánh Căn Bản

  Dẫn Nhập Nhiều người Kitô hữu chắc hẳn đã từng nghe nói về các …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *