Việt Nam, cùng với Trung Hoa và Ấn Độ, đang được xếp vào số những quốc gia có nạn phá thai cao nhất thế giới. Tình hình đó đã làm cho không ít người suy nghĩ về giá trị đích thực của thai nhi nói riêng và giá trị của con người nói chung. Như vậy, đứng trên quan niệm triết học, chúng ta thử tìm hiểu xem giá trị của con người hệ tại ở điều gì? Nói cách khác, điều gì làm cho con người khác con vật. Và từ đó chúng ta cũng có thể có một vài nhận định về vấn đề phá thai ở Việt Nam. Để làm điều này, trước hết, người viết xin trình bày về quan điểm nhân bản của John F. Kavanaugh[1]. Sau đó, người viết sẽ trình bày về cái nhìn truyền thống của người Việt Nam về giá trị con người nói chung cũng như thai nhi nói riêng. Và cuối cùng, với tư cách là một người học viên Dòng Tên, một người không thể trải qua kinh nghiệm đau thương của những bà mẹ phải đối diện với những khó khăn trong việc bỏ đi người con của mình. Tuy nhiên, người viết cũng mạo muội xin chia sẻ với họ một vài quan điểm về vấn đề trên như một lời thông cảm với những đau khổ của họ.
1. Quan niệm nhân bản của John F. Kavanaugh
Dưới ảnh hưởng của Toma Aquino, Kavannaugh cho rằng khi chúng ta nhìn thấy một vật sinh trưởng, phát triển, và hoạt động, chúng ta nhận ra nơi những sự vật này có một nguyên lý tổ chức giúp cho tất cả các hoạt động này diễn ra. Nguyên lý của những hoạt động trên thường được gọi là linh hồn. Đó không phải là một bóng ma trong sự vật, nhưng đúng hơn là một nguyên lý hội nhất năng động của toàn thể. Vì có những loại sinh vật khác nhau, nên cũng có những loại linh hồn khác nhau.[2]
Trước hết, mỗi cây có một linh hồn. Linh hồn này chính là nguyên nhân giúp cho sự phát triển hội nhất của nó trong những hoạt động phát triển và sinh trưởng. Trong khi loài cây có sinh hồn, thì động vật có giác hồn là nguyên lý sống của nó. Giác hồn hình thành và hội nhất đời sống của động vật.[3] Nơi động vật, không chỉ có những hoạt động phát triển, sinh sản, tính cảm ứng và sự thích nghi, nhưng còn có những hoạt động nhận thức và thèm muốn (appetite) dựa trên mức độ cảm giác bên trong cũng như bên ngoài. Cảm giác bên ngoài là khả năng nhận những dữ liệu có thể đo lường phụ thuộc vào các cơ quan có tính vật chất bên ngoài. Theo truyền thống Aristotle, các cơ quan này bao gồm thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác và khứu giác. Cơ quan cảm giác bên trong bao gồm nhận thức giác quan, trí nhớ giác quan, tưởng tượng giác quan và dự đoán giác quan. Con người cùng chung chia những khả năng của hai loại trên, nhưng đồng thời cũng có những khả năng trổi vượt hơn như khả năng yêu thương, trí năng, tự do chọn lựa.
Con người, xét như là một hữu thể hiện thân (embodied being), có những khả năng mà một hữu thể hiện thân và tự thức đòi hỏi. Con người có khả năng kinh nghiệm và khả năng nhận thông tin về chính bản thân mình và thế giới trong một tiến trình phức tạp của những giác quan bên ngoài. Con người có thể hội nhất, xử lý, lưu trữ và gợi nhắc những thông tin này. Con người cũng đáp trả với thế giới mà họ kinh nghiệm. Trong mức độ thông tin và sự thèm muốn, có lẽ con người cùng chia sẻ với những động vật không phải là người. Tuy nhiên, khác với con vật, con người kinh nghiệm chính mình được thiên phú khả năng ý thức tự phản tỉnh trong mối quan hệ với chính kinh nghiệm của mình. Khả năng này là trung tâm của sự tự do con người và dường như không được chia sẻ với thú vật.[4]
Khả năng để đi vào mối tương quan với thế giới là khả năng xác nhận. Đó là khả năng để nói “có” cũng như nói “không”. Chính khi con người biết nói “có” hay “không”, bước đầu anh ta thấy mình khác biệt với thế giới, khác biệt với người khác. Anh ta biết rằng mình không phải là trung tâm của vũ trụ, không phải là tất cả. Nói cách khác, anh ta bắt đầu xác định được “cái tôi” hay bản ngã của mình. Kinh nghiệm này không đơn thuần là một sự kiện ngôn ngữ. Ngôn ngữ thì chỉ là một sự xác nhận của người nói và bởi người nói. Để phát biểu một điều gì, thì tôi phải nói một điều gì của tôi. Ngôn ngữ thì đơn giản chỉ là sự nhại lại. Máy móc thường làm điều này tốt hơn con người. Khác với máy móc, ngôn ngữ con người thì không chỉ là sự biểu lộ những ký hiệu mà con người đã đón nhận mà còn là sự biểu lộ của sự đáp trả của cái bản ngã của con người đối với thế giới.[5] Theo quan điểm của Toma Aquino chúng ta cũng thấy rằng bất cứ một hữu thể nào biết chính mình thì có khả năng đi vào sự thân mật (intimacy) sâu xa hơn hữu thể không biết chính mình. Như vậy, con người, xét như là hữu thể biết chính mình, có khả năng yêu thương.[6] Ngoài ra, khi con người có thể liên hệ chính mình với kinh nghiệm của mình, anh ta có khả năng đặt câu hỏi “tôi phải làm gì?”, nghĩa là anh ta biết mình đang làm gì, và có quyền lựa chọn chứ không phải hành động theo một điều gì đã được tiền định. Như vậy, nhờ sự tự ý thức, con người có tự do, có quyền lựa chọn để hành động hoặc không hành động. Thế nhưng, sự tự thức này đến từ đâu? Nó mang tính vật chất hay phi vật chất?
Thật sự chúng ta rất khó xác định được nguồn gốc của khả năng thiên phú mà con người được trao ban. Khả năng này chưa bao giờ được đo lường, quan sát hay định lượng. Nó chỉ nhận biết được qua những kinh nghiệm của con người. Sự khó khăn này đã gây ra không ít vấn đề không những cho Hume cũng như Skinner, mà còn cho hầu hết các nhà khoa học về nhận thức hiện đại.[7]
John Eccles, một nhà thần kinh học, cho rằng mặc dù não con người có thể giải thích dưới thuật ngữ tiến hóa và hóa học, khả năng thiên phú của con người về sự tự ý thức thì không thể giải thích. Nguồn gốc của nó trổi vượt và không thể giải thích bằng vật chất. Để trả lời những người đặt vấn đề làm sao hiện tượng phi vật chất có thể tồn tại, Eccles chỉ đơn giản trình bày rằng chúng ta phải bắt đầu với giả thiết về điều đó. Sự tồn tại của nó là điều kiện cần thiết không chỉ cho khoa học mà còn cho văn hóa, nghệ thuật và triết học. Nếu chúng ta không thể giải thích được sự tự ý thức dưới phạm trù vật chất, điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại. Phạm trù vật chất của chúng ta đơn giản chỉ là không thích hợp để giải thích về sự tồn tại của nó.[8]
Kavanaugh cũng đưa ra giải pháp cho riêng mình. Con người là một sự thống nhất hữu cơ cá nhân vốn là một sự nghiệp (career) ý thức phản tỉnh và hiện thân (embodied). Không phải não của tôi cũng không phải tự ý thức của tôi biết sự vật, nhưng chính “tôi” biết. Mặc dầu sự tự ý thức thì phi vật chất và do đó chúng ta không thể giải thích bằng một sự kiện vật chất, tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét hành động phản tỉnh của ý thức, nó sẽ tự gợi ý về sự tồn tại của chính mình. Tự phản tỉnh là một hành động, mà cả hai việc biết và đối tượng được biết thì đồng thời hiện diện. Nếu là vật chất, nó phải ở hai nơi khác nhau. Hơn nữa, những đối thể vật chất thì quảng tính (extended), trải dài trong không gian và thời gian. Thực vậy, mắt có thể những thấy những đối thể khác như màu sắc, nhưng mắt không thể nhìn thấy chính mình. Mắt không thể nhìn thấy chính mình đang thấy.[9] Như vậy, tự phản tỉnh ở trong điều kiện của sự nhập thể của chính tôi, tôi kinh nghiệm hiện tượng này. Nó thì không phải là quảng tính, không được làm từ những phần khác nhau, là phi vật chất.
Vì là phi vật chất nên ý thức tự ý thức của con người thì không tự xác định bởi môi trường, não hay những luật tiến hóa thể lý. Nó là một khả năng được ban cho con người. Tuy nhiên, con người hiện thực hóa những khả năng này trong bối cảnh không gian và thời, phụ thuộc vào môi trường, bối cảnh lịch sử và tất cả những điều kiện tất định khác.
Như vậy, con người trổi vượt hơn con vật nhờ có khả năng tự phản tỉnh và đây là một khả năng có nơi mọi người. Mọi người đều có khả năng này, thế nên mỗi người đều có phẩm giá như nhau. Tuy nhiên, quan điểm cũng gặp không ít sự chống đối từ các triết gia khác. Đối với Pluhar[10], con người chỉ là người thực sự khi họ biểu lộ những khả năng của tự thức và trách nhiệm mà ghi dấu của một con người trưởng thành xét như là những chủ thể luân lý. Theo Pluhar, những người không phát triển trọn vẹn như thế có đáng được gọi là người không? Họ có hơn những con vật có những khả năng hoạt động tốt hay không? Pluhar cho rằng so với cách thức mà những con người thiếu khả năng hoạt động, thì động vật có thể hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Vì thế những con vật này ít nhất nên được đối xử, tôn trọng và bảo vệ giống như cách mà người ta làm cho những trẻ em hay những người bị tổn thương về não.
Đáp lại những lập luận này, Kavanaugh cho rằng con người ai cũng có những khả năng thiên phú, những khả năng làm nên phẩm giá của con người, do đó họ đáng được tôn trọng. Những khả năng này là những tiềm năng. Tuy có nhiều người có thể hiện thực hóa tiềm năng của họ, nhưng cũng có những người khác, vì những lý do khác nhau, không thể hiện thực hóa tiềm năng này. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không phải là người, họ thật sự vẫn là những con người đích thực. Một em bé bình thường sẽ có những khả năng này ở dạng tiềm năng, và với thời gian và những điều kiện thuận lợi, những tiềm năng này sẽ được hiện thực hóa. Trong khi một em bé khiếm khuyết có thể gặp khó khăn trong việc phát triển một số khả năng nào đó, nhưng bù lại em bé này có thể phát triển tốt hơn ở những khả năng khác. Pluhar không xem xét lựa chọn này vì đã đồng hóa thực tại của cá nhân với sự hiện diện của những hoạt động nào đó. Tuy hoạt động của con người biểu lộ bản chất của con người, nhưng chúng không hình thành nên bản chất con người.[11] Một con khỉ có thể thực hiện những động tác điêu luyện trong rạp xiếc và giúp ta thu được nhiều lợi nhuận nhưng điều đó không có nghĩa là con khỉ này có giá trị hơn một em bé có những khiếm khuyết về não. Phẩm giá của con người hệ tại ở những khả năng được ban, khả năng tự thức, khả năng tự do và khả năng yêu thương. Có thể những khả năng này không được hiện thực hóa trong lịch sử nhưng không vì thế mà những khả năng này bị tước đi. Trong hoàn cảnh nào, những khả năng này vẫn hiện hữu, và nó làm nên giá trị của một con người.
Như vậy, qua phần trình bày trên ta thấy con người có giá trị tự bản thân. Giá trị của con người không chỉ hệ tại ở những kỹ năng làm việc của một người. Nhưng giá trị của một người hệ tại ở những khả năng tự thức mà họ được trao ban.
2. Áp dụng vào hoàn cảnh Việt Nam
2.1 Quan niệm truyền thống của người Việt Nam về giá trị con người.
Như ta đã nói, trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Điều này đã gây ra không ít nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Như vậy, điều gì đã ảnh hưởng đến quyết định của những bà mẹ? Quan niệm của người Việt Nam đối về con người ra sao? Một cách cụ thể hơn, quan niệm về sự sống của thai nhi trong truyền thống văn hoá Việt Nam như thế nào?
Dân gian Việt Nam thường quan niệm con cái là tài sản quí của gia đình. “Con là của”. Gia đình nào có nhiều con là phúc đức, người son sẻ là người vô phúc. Điều này cũng thể hiện phần nào việc tôn trọng sự sống của con người Việt Nam. Hơn nữa, theo văn hóa Việt Nam, chỉ khi sinh con, thì người ta mới thực sự thành cha thành mẹ. Ca dao Việt Nam có câu:
“Sinh con, mới ra con người,
Làm ăn thịnh vượng, đời đời ấm no”.
Từ quan niệm tôn trọng sự sống của con cái, người Việt có một cái nhìn chê bai và mỉa mai những người hiếm muộn:
“Có chồng mà chẳng có con,
Khác gì hoa nở trên non một mình”.
hay
“Có võng mà chẳng có đòn
Có chồng mà chẳng có con để bồng” (Ca dao).
Tuy nhiên, khi nói những điều này, chúng ta không cố ý phê phán hay chê bai những con người bất hạnh này. Trái lại, chúng ta cần tôn trọng và cảm thông cho hoàn cảnh của họ, vì dẫu có những khiếm khuyết trong hôn nhân nhưng nơi họ vẫn không mất đi giá trị đích thực của đời sống vợ chồng. Dù không thể sinh con về mặt thể lý, họ vẫn có thể “sinh sản” cho xã hội những “người con thiêng liêng” và góp phần phát triển đời sống xã hội và con người.
Đối với người Việt Nam, con cái không chỉ là niềm mong mỏi của các cặp vợ chồng sau khi cưới mà còn là sự chờ mong của gia đình nội ngoại, của cả gia tộc. Bởi thế, việc có thai được xem là tin mừng, là sự đơm hoa kết trái của tình yêu của vợ chồng trẻ, là niềm hi vọng của gia đình và gia tộc. [12] Vì lý do đó, khi có tin mừng, người mẹ được dạy dỗ để bảo vệ đứa con về mặt thể chất cũng như tinh thần. Đó chính là quan niệm “thai giáo”[13] của người Việt. Quan niệm này một mặt thể hiện sự quý trọng thai nhi của cha mẹ nhưng mặt khác nó cũng biểu lộ niềm tin cho rằng thai nhi là một con người đích thực, là một phần của vợ chồng. Điều này cũng được chứng minh qua việc một thiếu nữ có thai ngoài ý muốn mà loại bỏ đứa trẻ, là “việc làm vô nhân đạo, xưa và nay vẫn bị phong tục và luật lệ ngăn cấm”[14] Vì rằng: “Không đẻ không thương, không máu không xót” (Ca dao).
2.2 Đi tìm nguyên do
Như vậy, rõ ràng con người Việt Nam không chỉ coi thai nhi như là một con người đích thực mà còn hết sức quý trọng thai nhi. Bởi lẽ, thai nhi trong bụng của người mẹ chính là tương lai, là hạnh phúc, là hi vọng của gia đình và dòng tộc. Vậy, đâu là nguyên nhân chính khiến không ít người nữ Việt Nam quyết định để phá thai. Có lẽ, đất nước chúng ta đang trên đà hội nhập quốc tế, nên đã chịu ảnh hưởng của rất nhiều về văn hóa, tư tưởng của các nước Phương Tây và người ta có xu hướng phóng túng trong đời sống tình dục, đặc biệt là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Nhà Nước với các biện pháp chế tài mạnh mẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của người dân. Riêng các bạn trẻ nhập cư tại các thành phố lớn, họ phải sống cuộc sống xa quê, thiếu sự giám sát và yêu thương của cha mẹ, phải gánh chịu những áp lực của cơm áo gạo tiền. Trong hoàn cảnh đó, các bạn dễ bị lây nhiễm lối sống buông thả như sống chung, quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Nếu xem xét những lý do được nêu trên, chúng ta thấy có phần hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tự hỏi đâu là lý do sâu xa nhất khiến không ít con người Việt Nam, những con người vốn rất quý trọng sự sống lại có hành động đó.
Phân tích những hiện tượng trên dưới cái nhìn của Kavanaugh, chúng ta thấy rằng con người Việt Nam cơ bản là quý trọng sự sống, đặc biệt là sự sống thai nhi. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của môi trường xã hội, kinh tế và chính trị, những tiềm năng được phú ban của con người về khả năng tự thức, khả năng yêu thương, tự do, trong một mức độ nào đó, đã không được hiện thực hóa. Họ không thực sự tự do khi đưa ra những quyết định của mình. Họ bị áp lực từ gia đình, xã hội, gia đình, tôn giáo… Những áp lực từ nhiều phía cũng phần nào che lấp đi khả năng yêu thương, tự do, và sự tự thức nơi họ. Đôi lúc họ đánh mất sự tin tưởng từ người thân, từ những người yêu quý nhất.
3. Vài ý hướng mục vụ
Như vậy, đứng trước tình hình trên, tôi, một người học viên Dòng tên có thể làm gì? Trước hết, về phía xã hội, chúng ta có thể góp một tiếng nói nào đó giúp xã hội phản tỉnh về chính mình. Có lẽ, xã hội ít nhiều cũng nhận ra được có điều gì đó bất ổn trong việc làm của mình. Những tiếng kêu của không ít người đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên, nhiều người chưa dám nhìn nhận sự thật hay có lẽ do có quá nhiều yếu tố che đậy, nhiều người không biết mình đang làm gì? Nói cách khác, vì lý do này hay lý do khác, nhiều người đã không hiện thực hóa được những khả năng mà họ đã được phú ban, đó là khả năng yêu thương, khả năng ý thức phản tỉnh và tự do. Như vậy, có thể một tiếng nói nào đó như Socrates ngày nào có thể giúp xã hội phản tỉnh, giúp xã hội thấy mình chưa thực sự sống đúng như chính mình là với tư cách là một con người đích thực với các khả năng được phú ban.
Thứ đến, để có thể chia sẻ với những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn trên, chúng ta không thể đến với họ như là một người đưa ra những lời huấn đức hay những lời hướng dẫn về luân lý. Từ trong thâm tâm họ, chúng ta tin rằng họ đã có những khả năng được thiên phú của một con người mà ai cũng có, đó là khả năng yêu thương, khả năng tự ý thức và sự tự do. Chúng ta cũng tin rằng những con người này hiểu rõ giá trị của người khác đặc biệt là những người con mà họ đang cưu mang. Vậy, họ thiếu điều gì? Chúng ta có thể làm gì cho họ? Theo tôi, điều duy nhất chúng ta có thể giúp họ là sự chia sẻ, cảm thông và một thái độ yêu thương. Để làm được điều này, chúng ta đi vào cuộc đối thoại đích thực. Để có một cuộc đối thoại đích thực, hai bên phải tôn trọng nhau, phải để cho người khác diễn tả thái độ khao khát và nhu cầu của mình.[15]
Hơn nữa, đối với Habermas[16], một cuộc đối thoại đích thực phải là cuộc đối thoại đa diện, nghĩa là phải có tiếng nói của các bên liên quan, đặc biệt là những người ở địa vị thấp kém. Như vậy, trong cuộc đối thoại của chúng ta, nhất thiết phải có tiếng nói của những bà mẹ và cả những người bác sĩ, những người đã giúp đỡ các bà mẹ trong việc bỏ đi người con của mình. Chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của các bà mẹ để hiểu được nỗi đau cũng như những khó khăn, những dằn vặt mà họ phải đối diện khi họ đứng trước một chọn lựa khó khăn như thế. Một bà mẹ đã từng chia sẻ: “Em đã phá thai được hơn sáu năm, nhưng em không thể nào quên được, nó cứ ám ảnh làm em rất sợ, có hôm em còn mơ thấy em bé khóc gọi mẹ”[17]. Còn những bác sĩ phụ sản thì sao? BS Hồng Minh tâm sự: “Tôi luôn có cảm giác bồng bềnh, buốt dọc sống lưng mỗi khi đỡ cho những hài nhi xấu số này… Là phụ nữ, tôi thấy chạnh lòng vô cùng cho những những đứa trẻ này xấu số. Những đứa trẻ khác ra đời được nâng niu, trân trọng, yêu thương đến thế. Còn những đứa trẻ này, 20 đến 22 tuần, đầy đủ hình hài, hoàn thiện rồi, là con búp bê nhỏ rồi, nhưng phải chết. Cái chết này thực là oan nghiệt.”[18] Như vậy, chỉ khi mở lòng ra để đón nhận những nỗi lòng trên, chúng ta mới phần nào thấu hiểu và cảm thông được với họ.
Tuy nhiên, trên thực tế, để cuộc đối thoại diễn ra là một điều không dễ. Chúng ta thường dễ có thái độ của một người quen đưa ra những huấn đức hay dạy dỗ về mặt luân lý. Về phía người đối thoại, họ thường có những thành kiến không tốt khi họ thực hiện cuộc đối thoại với chúng ta. Đó có thể là thái độ mặc cảm tội lỗi hay là thái độ bất cần. Họ nghĩ rằng chúng ta chẳng hiểu gì, và có lẽ cuộc đối thoại chẳng giúp ích gì. Đó là sự bất đồng ngôn ngữ giữa chúng ta và họ.
Như vậy, đâu là giải pháp cho khó khăn này? Để vượt qua khó khăn này, có lẽ chúng ta cần bổ sung vào trong mô hình của chúng ta lý thuyết của Levinas[19] về gương mặt của người khác. Theo Levinas, khi chúng ta nhìn vào gương mặt của người khác, chúng ta khám phá ra chiều kích vô tận trên gương mặt của họ. Gương mặt của người khác mời gọi ta yêu thương, mời gọi ta phục vụ. Kinh nghiệm nhìn vào gương mặt của người khác để nhìn thấy chiều kích thánh thiêng nơi gương mặt của họ là kinh nghiệm quan trọng. Đặc biệt, tôi cũng như các bà mẹ được mời gọi để nhìn vào gương mặt của thai nhi, nhìn vào gương mặt đơn sơ, bé nhỏ, bất lực. Đôi khi đó chỉ là một cục máu đỏ chưa rõ hình hài, tuy nhiên, khi nhìn những gương mặt đó, có lẽ chúng ta sẽ cần phải phản tỉnh về hành động động của chính mình. Gương mặt của thai nhi cũng mời gọi ta yêu thương và phục vụ. Như vậy, khi nhìn vào gương mặt của người khác, chúng ta sẽ có được thái độ cảm thông, yêu thương và trân trọng. Những thái độ này xóa dần những khoảng cách, những thành kiến giữa ta và người đối diện, nhờ đó cuộc đối thoại giữa ta và họ có thể diễn ra tốt đẹp.
Tóm lại, theo Kavanaugh giá trị của con người hệ tại ở những khả năng mà họ được thiên phú, đó là khả năng tự ý thức, khả năng yêu thương và khả năng tự do. Mọi người đều được ban cho những khả năng này, do đó mọi người có giá trị như nhau. Mặc dầu một số người những khả năng này ở dạng tiềm năng, nhưng không vì thế mà họ không phải là con người đích thực. Như thế, đã là một con người, dù đang ở giai đoạn thai nhi hay những người bị khiếm khuyết, chúng ta phải tôn trọng giá trị của họ. Không ai có quyền để tước bỏ đi giá trị mà họ có. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam, chúng ta thấy rằng, dưới nhiều áp lực khác nhau, không ít người đã không thể hiện thực hóa những khả năng mà họ đã được phú ban. Nhiều người thiếu khả năng tự phản tĩnh, nhiều người thiếu tự do trong hành động của mình. Hệ quả là nhiều hành động xúc phạm đến giá trị con người đã diễn ra, trong đó đặc biệt là tình trạng phá thai. Với tư cách là một người chăm sóc mục vụ, chúng ta không phải lên án hay dạy dỗ họ, đúng hơn chúng ta phải gặp gỡ và giúp họ gặp gỡ chính mình qua một cuộc đối thoại. Trong cuộc đối thoại này chúng ta cũng nhận ra rằng một thái độ yêu thương, thông cảm tôn trọng là rất cần thiết, điều này chúng ta phải học hỏi nơi Levinas để biết nhìn vào gương mặt của người khác. Nơi gương mặt đó gợi lên nơi chúng ta thái độ phục vụ và yêu thương.
Hư Trúc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách:
1. ÁNH, Toan, Nếp Cũ – Con Người Việt Nam, Phong Tục Cổ Truyền, NXB Văn Hoá, Hà nội, 1995.
2. KAVANAUGH, John F., Endowments of Embodied Persons, Nature-endowment Theory from Who Count as Persons.
3. KAVANAUGH, John F., The Unfolding of Open Potentialities: “The Human Soul and Immoralities.
4. WHITE, Stephen K., The Cambridge Companion to Habermas, Cambridge University, USA, 1995
Trang web:
www.thanhcavietnam.net/…/showthread.php
tintuconline.vietnamnet.vn/…/index.htm
[1] John F. Kavanaugh, một tu sĩ Dòng tên, là một giáo sư triết học tại trương đại học Saint Louis University, là tác giả của nhiều cuốn sách khá nổi tiếng, trong đó nổi bật là Following Christ in a Consumer Society and The Word Embodied.
[2] John F. Kavanaugh, The Unfolding of Open Potentialities: “The Human Soul and Immoralities”, trang 152.
[3] Ibid, trang 152.
[4] John F. Kavanaugh, Endowments of Embodied Persons, Nature-endowment theory from Who Count as Persons, trang 2.
[5] Ibid, trang 6.
[6] Ibid, trang 3.
[7] Ibid, trang 4.
[8] Ibid, trang 4.
[9] Ibid, trang 5.
[10] Evelyn B. Pluhar là một giáo sư triết học lấy bằng tiến sĩ triết tại trường đại học University of Michigan. Mối quan tâm chính của bà là những vấn đề đạo đức liên quan đến động vật. Tác phẩm nổi
[11] John F. Kavanaugh, Endowments of Embodied Persons, Nature-endowment theory from Who Count as Persons, trang 12.
[12] Toan Ánh, Nếp Cũ – Con Người Việt Nam, Phong Tục Cổ Truyền, NXB Văn Hoá, Hà nội, 1995, trang 35.
[13] Ibid, trang 36.
[14] Ibid, trang 29.
[15] Stephen k. White, The Cambridge Companion To Habermas, Cambridge University, USA, 1995, trang 149.
[16] Jürgen Habermas (sinh 18 tháng 6 1929) là một nhà xã hội học và triết học người Đức, nổi tiếng với các đóng góp về thuyết phê phán và chủ nghĩa thực dụng.
[17] www.thanhcavietnam.net/…/showthread.php
[18] tintuconline.vietnamnet.vn/…/index.htm
[19] Emmanuel Levinas (1906 –1995) là một triết gia người Pháp và là một nhà chú giải kinh Tamud.