[Radio Người Trẻ] Những quan điểm sai lầm liên quan đến hôn nhân

Vì hôn nhân rất quan trọng nên ngoài dân luật và giáo luật, hầu như trong tất cả các nền văn hoá ở mỗi thời đại, đều có những tập tục hướng dẫn và chi phối nó. Có những quan niệm trong dân gian, nhờ đúc kết từ kinh nghiệm của các bậc cao nhân, rất giúp ích cho việc chọn lựa người bạn đời, được thể hiện qua các câu tục ngữ, ca dao. Nhưng cũng có những suy nghĩ hơi lạc hậu, nếu không muốn nói là trái ngược với giáo huấn của Giáo Hội. Dĩ nhiên, những suy nghĩ ấy chịu sự chi phối của nền tư tưởng thời đó. Nó có thể được chấp nhận vào thời điểm đó. Nhưng dưới cái nhìn của đức tin, ta cần phải điều chỉnh lại để có một quan điểm đúng đắn hơn liên quan đến hôn nhân và gia đình. Sau đây là một vài ví dụ điển hình.

  1. Lựa chọn bằng những tiêu chí bên ngoài

Người ta thường lựa chọn người bạn đời dựa trên sắc đẹp, tiền tài, danh vọng… Có một người yêu sắc nước hương trời, một người chồng nhà cao cửa rộng… rõ ràng là một niềm kiêu hãnh. Người ta cũng khuyên là hãy lấy một người chồng giàu để có đời sống sung túc, lấy một người vợ đảm đang, biết nấu nướng để cô ta chăm lo cho gia đình… Những điều này là cần thiết, nhưng không phải là yếu tố cốt yếu để làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nếu chỉ yêu vì sắc đẹp hay vì tiền tài thì chuyện gì sẽ xảy ra khi người đó già đi hay khi họ gặp phải những thất bại? Lấy người nào có thể đảm bảo được cho mình có chỗ ăn ngủ và tiêu xài vẫn thiết thực hơn một người chẳng có gì trong tay. Suy nghĩ này dường như quá ích kỷ và nặng về vật chất.

Vì hôn nhân được đặt nền trên tình yêu, mà tình yêu lại xuất phát từ con tim, nên để có một cuộc hôn nhân bền vững, cần phải lưu tâm trước hết đến việc mình có yêu người đó không. Dĩ nhiên, chỉ yêu không thôi thì chưa đủ. Cái thời “một túp lều tranh hai trái tim vàng” đã qua đi rồi. “Có thực mới vực được đạo”. Tình yêu phải thúc đẩy hai người đến chỗ đồng cam cộng khổ, cố gắng làm việc để đảm bảo nhu cầu vật chất và tinh thần cho cả hai. Như thế, cũng hệt như xây một căn nhà, người ta phải bắt đầu từ nền móng vững chắc trước rồi sau đó mới đến những phần phía trên. Nền móng vững chắc mà hôn nhân cần phải có chính là tình yêu. Không có nó thì dù người ta có sống trong cung vàng điện ngọc, sơn son thiếp vàng thì cũng thấy trống rỗng và cô đơn đến tột cùng.

  1. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó

Người ta quan niệm như vậy xuất phát từ ba lý do chính: thứ nhất, con cái là sở hữu của cha mẹ nên phải nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, nếu không sẽ bị coi là người bất hiếu; thứ hai, cha mẹ là người có nhiều kinh nghiệm hơn nên sự sắp đặt của cha mẹ sẽ được cho là chuẩn xác hơn và khôn ngoan hơn; thứ ba, việc sắp xếp hôn nhân cho con là trách nhiệm của cha mẹ. Quan niệm này thể hiện một sự vâng lời tuyệt đối của con cái đối với cha mẹ liên quan đến đời sống hôn nhân.

Dù rằng cha mẹ là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong chuyện tình yêu và hôn nhân hơn con cái, nhưng chuyện bắt con cái phải nghe theo sự sắp đặt của mình là điều không nên. Nó mâu thuẫn với yếu tố “tự do ưng thuận”, một trong những điều cốt yếu làm nên hôn nhân Kitô giáo, được giáo luật nói đến ở điều 1103. Sẽ không có gì bàn cãi nếu như người con cũng có cùng một ước nguyện giống cha mẹ. Nhưng nếu hai bên có ý muốn khác nhau, thì cha mẹ có thể là người tư vấn cho con, khuyên can con, dành cho con những chỉ bảo, nhưng tuyệt đối không thể là người quyết định hôn nhân thay cho con.

Cha mẹ là người sinh ra con cái, có bổn phận giáo dục và dạy dỗ con cái, nhưng con cái không phải là một sở hữu của cha mẹ, để rồi phải nghe theo mọi sự sắp đặt chủ quan của cha mẹ. Khi con cái đã đến tuổi trưởng thành, chúng có quyền đưa ra suy nghĩ, chính kiến của mình, có quyền quyết định cho tương lai của mình. Thiết nghĩ, các bậc làm cha mẹ không nên giành quyền quyết định của con trong vấn đề liên quan đến hôn nhân của chúng. Đừng áp đặt tiêu chuẩn của mình lên tiêu chuẩn của con. Hôn nhân là chuyện cả đời của con cái, ngoài việc khuyên can và góp ý, hãy để chúng tự quyết định hạnh phúc của riêng mình miễn là hôn nhân đó không trái với luân thường đạo lý, thuần phong mỹ tục và các quy định của luật pháp.

  1. Môn đăng hộ đối

Lại một vấn đề nữa liên quan đến chuyện “sắp xếp” của cha mẹ. Cha mẹ thường muốn con cái mình kết hôn với người có địa vị ít là phải ngang tầm với mình để được “môn đăng hộ đối”, nở mày nở mặt với hàng xóng láng giềng. Ước nguyện “môn đăng hộ đối” này đôi khi là một loại biến tướng của kiểu hôn nhân vì vật chất, vì cái mã bên ngoài. Nhiều người, đặc biệt là các bậc cha mẹ, không muốn con cái mình kết hôn với người nghèo hơn, vì sợ mất mặt, sợ bị người ta chê cười, sợ bị hạ thấp danh dự. Rốt cuộc, hôn nhân vô tình trở thành một kiểu trang hoàng cho thế giá của gia tộc.

Mục đích của hôn nhân Kitô giáo là hướng đến hạnh phúc của đôi lứa, chứ không phải vì danh dự của bất cứ ai. Không nên vì những chuyện bên ngoài mà đánh mất đi hạnh phúc của đôi bạn trẻ yêu nhau thật lòng. Bất cứ người cha người mẹ nào cũng muốn con cái mình hạnh phúc, có gia đình đầm ấm, yêu thương nhau. Vậy thì đừng lấy tiêu chí phải chọn người “môn đăng hộ đối” mới cho cưới, mới ưng thuận chuyện làm dâu làm rễ. Là con cái mình dựng vợ lấy chồng chứ không phải mình, nên không được phép lấy hạnh phúc cả đời của con làm bình phong cho danh dự của mình.

  1. Phải có con trai

Tiếc là ngày nay, nhiều người, đặc biệt là bố mẹ chồng, vẫn thường đòi hỏi con dâu phải sinh cho được con trai để nối dõi tông đường. Họ thường trách con dâu là “không biết đẻ”, khi chỉ sinh ra một “bầy con gái”. Lối suy nghĩ này vừa cổ hũ vừa nói lên sự thiếu hiểu biết.

Con cái là của Trời cho, là do Chúa ban. Nhiều người mong ước có con nhưng lại không được. Vậy nên, cũng đừng kén cá chọn canh, đừng nhất quyết là “phải sinh con trai mới được”. Con trai hay con gái đều là con, là thành quả của một tình yêu và sự kết hợp giữa hai con người. Bởi thế, chúng đáng quý như nhau và có phẩm giá như nhau. Phải biết rằng điều quan trọng không phải là con gái hay con trai, nhưng là làm sao giáo dục chúng trở thành đứa con có hiếu, ngoan ngoãn, lớn lên trở thành một người có ích cho xã hội.

  1. Con dâu là mua về

Xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mà nhiều người vẫn cho rằng “con dâu là mua về”. Cùng bước vào đời sống hôn nhân, nhưng lại có một sự khác biệt rất lớn giữa “con rể” và “con dâu”.

Dưới cái nhìn đức tin, ta phải chân nhận rằng hôn nhân không phải là chuyện mua bán. Người đàn ông và đàn bà đều có cùng một phẩm giá như nhau. Cả hai đều phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình mình và gia đình của hai bên. Con dâu là một thành viên mới của gia đình, chứ không phải là cái gì đó được mua về để mình có quyền sai khiến. Trong hôn nhân, người nam và người nữ bình đẳng với nhau, cùng ưng thuận với nhau để tạo lập một gia đình mới. Đó là kết quả của một sự tự nguyện trao hiến và nhận lãnh. Gia đình nào mà con dâu được đối xử tử tế như con cái trong nhà, quả thật là một phúc lành lớn lao.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 

Kiểm tra tương tự

Nên một với vợ mình

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *