Nhân năm Ricci, 2010 : Từ MATTEO RICCI đến VỤ ÁN LỄ PHÉP NƯỚC NGÔ

Hoành Sơn, S.J.


Ngay từ cuối năm 2009, cả Đông lẫn Tây, người ta bắt đầu khánh niệm 400 năm ngày qua đời ở Bắc Kinh của một con người vĩ đại: Matteo Ricci : 11/5/1610.

Trước hết, phải kể đến những cuộc triển lãm :

–   Triển lãm tại chính khu triển lãm Vatican là Braccio di Carlo Magno gần công trường Phêrô dưới cái tên :”Ở đỉnh cao lịch sử : Matteo Ricci (1552-1610)”, diễn ra từ ngày 24/1/2010 với 150 công trình tôn vinh con người ấy.

-triển lãm tại Treviso (Ý) sớm hơn, từ ngày 24/10/2009 : “Bí mật Tử cấm thành: Matteo Ricci tại hoàng triều nhà Minh”.

-triển lãm tại Centre Sèvres, Paris từ mồng 2 đến 28/2/2010 :”Trao đổi hiểu biết khoa học giữa Trung Hoa và Âu Châu”.

-triển lãm Ricci được phép tổ chức trong chính Bảo tàng viện thủ đô ở Bắc Kinh trong tháng hai 2010, hướng về cuộc giao lưu khoa học và văn hóa giữa Tây Phương với Trung Quốc diễn ra cách nay 400 năm. Cuộc triển lãm này cũng được làm ở hai nơi bên Ý và một nơi bên Đức nữa.

Kế đến, phải kể tới những buổi thuyết trình và hội thảo:

-Hội thảo tại UNESCO, vào ngày 16/2/2010 :”Ở giao điểm của lịch sử: tu sỹ Matteo Ricci (1552-1610) giữa Rôma và Bắc Kinh”.

-Một chương trình thuyết trình, do Viện Ricci Paris tổ chức, có sự tham dự của UNESCO, về : Giao lưu tri thức với Trung Quốc vào thời M. Ricci. Viện Ricci này được thành lập vào năm 1971, có mục đích tìm tòi và xuất bản về xã hội Trung Quốc hôm nay và nền triết lý Trung Quốc xưa kia.

-Những cuộc thuyết trình và hội thảo khác cũng được tổ chức, như tại Campion Hall, học viện đại học Dòng Tên ở Oxford, tại viện Ricci thuộc đại học San Francisco, tại đại học Phụ Nhân, Đài Loan.

Lại có một phần thưởng, gọi là “Phần thưởng Matteo Ricci”, thành lập từ 1998 do đại học Thánh Tâm, Milan, dành cho những ai có công bắc nhịp cầu văn hóa và trí thức giữa các vùng trời. Đồng thời, một Kế hoạch Ricci được thành lập ở Marche quê hương Ricci nhằm giao lưu với Trung Quốc.

Chưa hết, nhân dịp Năm Ricci, một cuốn phím tài liệu được tung ra :”Matteo Ricci, một tu sỹ D.T. trong vương quốc Con Rồng”. Và hai tập phim tư liệu khác, được chiếu trên cả truyền hình Thượng Hải lẫn Đài Bắc, về cuộc gặp gỡ của Ricci với Phaolô Từ Quang Khải (Xu Guangqi)[1], một vị quan có thế lực đối với triều đình, cuộc gặp nó đặt nền móng cho sự phát triển Công giáo bên Trung Hoa.

Trong Năm Ricci này, tại quê hương của Ricci là Macerata, cũng bắt đầu phiên tòa địa phương xét việc phong chân phước cho linh mục Dòng Tên Ricci: cha đã được nâng lên hàng “Bày tôi Thiên Chúa” (Servus Dei) do đức hạnh đặc biệt của cha.

Chính dân Trung Hoa, thậm chí nhà cầm quyền Trung Hoa hiện nay, cũng quý trọng Ricci, và tưởng nhớ tới ông trong dịp 400 năm, nhưng không phải 400 năm ngày ông qua đời ở Bắc Kinh, mà 400 năm ngày ông đặt chân tới Trung Quốc : ngày khánh niệm ấy diễn ra vào tháng bảy năm 1983, nghĩa là cách đây 27 năm rồi. Trong dịp đó, tạp chí bằng Anh ngữ ở đây đã nồng nhiệt nêu lên những công việc của ông đã làm cho đất nước, có kèm theo hình chụp một số tác phẩm của ông còn lưu giữ trong Thư viện Bắc Kinh. Cũng vào dịp đó, đài phát thanh thủ đô phát sóng một chương trình khá dài về ông, hướng tới vai trò của ông như chiếc cầu nối văn hóa và khoa học giữa Tây Phương với Trung Quốc. Mộ của ông, được hoàng đế cho phép xây bên trong hoàng thành[2], vẫn được giữ lại nguyên chỗ cũ, và trở thảnh một trong những điểm thăm viếng mà khách du lịch tới Bắc Kinh không thể bỏ qua. Ấy là chưa kể một con tem Trung Quốc có hình ông nữa.

Do đâu mà Ricci được thế giới mến mộ, ngay cả dân Trung Quốc cùng với nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa cũng thế nữa? Đó chỉ vì ông đã tôn trọng Trung Hoa trong khi yêu mến Giáo hội, đã thành nhịp cầu giúp Trung Hoa và Tây Phương hiểu lẫn nhau.

Matteo Ricci, cuộc đời và sự nghiệp

Ricci sinh tại Macerata, thuộc vùng Marche ở phía đông-bắc Rôma, ngày 6-10-1552 trong một gia đình vọng tộc. Học xong luật rồi, năm 19 tuổi anh vô Dòng Tên. Trong dòng, anh học tại Collegio Romano, tiền thân của Pontificia Università Gregoriana. Tại đây, không những anh học thần học, mà còn chuyên sâu trong các ngành thiên văn và toán học dưới sự hướng dẫn của giáo sư linh mục Christopher Clavius danh tiếng[3]. Một trí khôn xuất sắc, Ricci còn được bạn học coi là một thiên tài toán học.

Sau khi làm linh mục, năm 1577, Ricci xin đi truyền giáo ở Viễn Đông, và xuống tàu ở Lisbon năm 1578. Sau sáu tháng trời lênh đênh trên mặt biển, cha cập bến ở Goa, sau đó được phái tới Macao[4] năm 1582 để tìm cách mở cho được cánh cửa vào truyền giáo trong cái đất nước vẫn đóng kín với Châu Âu này, điều mà cách đấy 30 năm, nhà truyền giáo lừng danh Phansinh Xaviê (qua đời ở đảo Thượng Xuyên năm 1552) đã phải bó tay. Giờ đây, theo chân các lái buôn Bồ, vài ba giáo sỹ đã có thể viếng Quảng Châu ít ngày, nhưng ở lại thì không được phép.

Được cử làm kinh lược sứ (visitor) sứ vụ Á Châu, rồi trường sứ vụ Dòng Tên ở các nước phía đông nước Ấn, cha A. Valignano hiểu rằng : Truyền giáo cho Trung Quốc thì không thể làm “gặp chăng hay chớ”, mà phải tìm người thích hợp, chuẩn bị kỹ và có kế hoạch hẳn hoi. Vì thế, cha triệu cha Michele de Ruggieri từ Ấn Độ đến Macao năm 1579, ra lệnh phải dồn sức học tiếng quan thoại đã. Quan thoại, đó là tiếng dùng trong quan trường và giữa các nho gia toàn quốc.

Cuối cùng, Ruggieri và Ricci cũng tìm được cách ở lại Quảng Châu, lập trụ sớ thứ nhất của người Âu trên đất nước các Con Trời. Sau này, khi Ruggieri trở về Châu Âu và qua đời ở đó, thì Ricci trở thành trưởng nhóm, có quyền hạn như một giám tỉnh. Nhóm bắt đầu ăn vận như nhà sư, nhưng sau thấy dân tôn kính nhất là nho gia, mà nho gia lại không ưa tỳ khưu và đạo sỹ, nên họ chuyển sang mặc áo tiên sinh.

Họ cũng đi vào ngôn ngữ đỉnh cao và cổ điển để đọc tứ thư, ngũ kinh và đi sâu vào nền văn học, triết lý truyền thống của Hán tộc, để từ đó có thể trình bày giáo lý và đạo đức Kytô giáo từ những khái niệm đạo Khổng. Từ 1583 đến 1588, hai người bạn, Ricci và Ruggieri, soạn bộ từ điển Âu-Hán thứ nhất mang tên Bồ-Hán, với chữ Hán phiên âm la tinh.

*

Nhưng trước hết, họ cần thay đổi cách nhìn lâu đời của dân Hán về ngoại bang, nhất là về người da trắng. Dân Hán coi mình là nước văn hiến duy nhất, nên gọi các dân khác là “Bắc di, Nam man”,v.v.; lại coi nước mình là trung tâm thế giới : chữ Trung Quốc (nước ở giữa) mà họ chọn ngầm nói lên ý nghĩ đó.

Thế là nhóm Ricci xuất hiện như những học giả. Họ mang đến cho hàng lãnh đạo xem một số máy móc, nhất là những dụng cụ thiên văn học. Và cả một bản đồ thế giới nữa, với biết bao đại dương và châu lục rộng lớn, không như bản đồ thế giới vẽ bằng tưởng tượng của người Trung Quốc, với Trung Quốc ở giữa, với những nước nho nhỏ và mấy hòn đảo bao quanh.

Nhóm cũng giúp vẽ lại bản đồ Trung Hoa cho chính xác hơn. Để được như vậy, họ đã phải ngang dọc đi xem xét mọi miền. Riêng Ricci và Verbiest thôi đã làm tới 52 cuộc hành trình rồi.

Ricci vốn giỏi toán học, nên bằng chữ Hán, ông soạn cho người Hán một số sách về số học, nhất là lượng giác học mà họ chưa biết tới. Những Giêsu-hữu kế tiếp ông cũng viết về khoa học, nhất là thiên văn học. Và thế là nho sỹ và triều đình bắt đầu trọng vọng những học giả người Âu này, để sẵn sàng nghe họ nói.[5]

Ấy là đối với Trung Quốc. Còn với Tây Phương, Ricci cũng là người đầu tiên hiểu những giá trị tinh thần truyền thống của người Hán để trình bày cho Tây Phương biết. Vâng, ông đã tập hợp nhiều tư tưởng triết lý về đạo đức của họ trong một hai tập sách. Và ngay từ 1615, một số bài của ông viết về Trung Quốc và về công việc nhóm ông đã được xuất bản bằng tiếng la tinh bên Đức dưới nhan đề :”De christiana expeditione apud Sinas” (Về cuộc viễn hành Kytô giáo nơi dân Hán), cuốn sách này mau chóng được dịch sang nhiều tiếng dân thoại Châu Âu.

Chinh vì lòng tôn trọng Trung Hoa và vì những cố gắng giúp Trung Hoa và Châu Âu hiểu biết nhau như thế, mà ông được cả hai bên tôn vinh và mến yêu. Thế giới thì khánh niệm 400 năm ngày Ricci qua đời ở Bắc Kinh; còn Trung Hoa thì khánh niệm 400 năm ngày Ricci đặt chân tới đất nước họ.

Kế hoạch hai bước của nhóm Ricci

Trước đấy mấy chục năm, Phan sinh Xaviê bên Nhật đã đi cáng và mặc đồ tơ lụa để có thể tiếp cận các nhà lãnh đạo. Đây là phương pháp thích nghi. Kế đó, khi biết người Nhật tôn trọng văn minh Trung Quốc, biết rằng hễ Hán tộc theo đạo, thì dân Nhật cũng bắt chước luôn. Cho nên, Xaviê đã sang nằm chờ và chết ở đảo Thượng Xuyên : cái nhìn của cha đầy tính chiến lược.

Cái nhìn và phương pháp của Ricci cũng giống thế.

Thấy rằng giới Hán tộc khinh ngoại bang là thiếu văn hiến, ông bèn xuất hiện như một học giả lớn. Ông cho Trung Quốc coi những dụng cụ thiên văn học. Ông viết cho họ đọc những sách về toán học, nhất là lượng giác học. Và đây là bước thứ nhất : khiến họ tin vào tài học của mình và sằn sàng nghe mình.

Bước thứ hai sau đó sẽ là trình bảy với họ về đạo từ chính những quan niệm của họ về Trời và về đạo đức.

*

Thực ra, nếu nhóm Ricci đưa toán học và thiên văn học Phương Tây vô trình bày với Trung Quốc, thì cha cũng thừa biết rằng, sở dĩ Âu Châu phát triển được, cũng là nhờ phần lớn vào bốn phát minh xưa của đất nước đông dân nhất ấy. Này nhé, chẳng phải nhờ la bàn Trung Hoa mà họ đóng tàu đi khám phá các đại dương và châu lục đó sao? Chẳng phải nhờ thuốc pháo Trung Hoa, mà họ chế được đại bác để đi chinh phục từ Phi Châu đến Mỹ Châu và Á Châu? Chẳng phải nhờ kỹ thuật in và làm giấy của Trung Hoa mà họ có thể phổ biến rộng, nhanh các kiến thức, nhờ đó nâng cao đời sống trí thức của toàn dân, cũng như đào tạo được nhiều triết gia và bác học?

Có điều, vốn là những nước lạc hậu, tại đâu chỉ sau một thời gian ngắn, Âu Châu đã vượt xa ông thầy của mình là Trung Quốc như thế? Đó chỉ vì con sư tử này đã ngủ quên trên những phát minh căn bản của nó. Vâng, đó chỉ vì người Hán quen thói giấu nghề, nên chẳng những khoa học và kỹ thuật không được phổ biến, mà còn dễ mai một đi. Và cũng chỉ vì họ quá tồn cổ, vì cái học của họ thiên về từ chương.

Dù sao chăng nữa, tuy là “Sư tử ngủ”[6], Trung Quốc vẫn là một con sư tử, nên Ricci không dám khinh thị. Nhất là sau khi nhờ giỏi chữ Hán, cha có thể đi sâu vào Tứ thư ngũ kinh…,ở đó cha phát hiện cả một nền triết lý cao sâu về đạo đức, cùng với những nguyên tắc rất nhân bản về trị nước và hóa dân (cải hóa người dân), khiến sinh lòng kính ngưỡng. Từ đó, phương pháp truyền giáo của cha không chỉ là thích nghi (bên ngoài), mà còn là hội nhập luôn.

Ngoài ra, với cái nhìn của một chiến lược gia, cha muốn một truyền giáo từ bên trên, cho chính hàng lãnh đạo và nho sỹ đã, -và biết đâu!- cho chính hoàng đế luôn, nhờ đó có thể Kytô hóa toàn dân nhanh chóng, Kytô hóa theo cả các nước thuộc văn minh Trung Quốc như Nhật Bản và Việt Nam nữa. Một giấc mơ quá đẹp, phải không! Nhưng rồi nó sẽ tan như mây khói chỉ vì một Vụ án Lễ phép nước Ngô. Hỏi vì đâu? và do ai vậy?

*

Vì tôn trọng văn minh tinh thần Trung Quốc và đi vào con đường hội nhập, nên để bắt đầu, nhóm phải trở thành người Trung Quốc đã. Họ bèn cởi bỏ y phục Tây phương, cởi bỏ luôn cái áo thâm chùng nhà tu xa lạ. Bắt đầu họ mang áo nhà sư, rồi sau đó áo dài nho sỹ. Còn tên, thì riêng Ricci phiên âm tên mình : Ricci Matteo thành Li Ma-Teu[7] (đọc sang Hán-việt là Lợi Mã-Đậu)..

Kế đó, cha dựa vào những tư tường đạo đức Khổng Mạnh mà giúp người ta hiểu về nền đạo đức Kytô giáo. Rồi từ ý tưởng về Trời như Đấng thưởng phạt và cai quản thế giới của thánh hiền, cha trình bày với nho gia về Thiên Chúa sáng tạo và thưởng phạt của chúng ta. Vâng, cha gọi Ngài là Thiên, là Thiên Chủ, và còn chấp nhận cả chữ Thượng Đế nữa. Tập sách giáo lý quan trọng của cha là Thiên Chủ thực nghĩa, mà vì đọc nó sau này, chính vua Khang Hy nhà Thanh đã thấy là rất hợp, nên năm 1692 đã xuống chiếu cho phép truyền giáo tự do. Ngoài ra, các nghi lễ quan trọng và truyền thống của Trung Quốc, như Thờ đức Khổng và Thờ gia tiên, người Công giáo cũng được tham dự luôn. Nhưng chính do đó mà sinh mâu thuẫn sau này với các nhóm truuyền giáo khác.

Những thành công bước đầu

Khó khăn lắm, nhóm Ricci mới vô được Trung Quốc, nhất là được phép ở lại, rồi tới định cư ở chính thủ đô Bắc Kinh. Cái khó thứ hai là tạo được niềm kính nể của nho sỹ và quan lại, để họ sẵn sàng nghe mình nói.

Nhóm Ricci bắt đầu cho họ coi những dụng cụ thiên văn học, và giải thích cho họ về cơ cấu của vũ trụ bao la. Kế đó, họ được xem bản đồ thế giới, được giải thích rằng bản đồ ấy được vẽ dựa vào thông tin từ những cuộc hải trình kéo dài, từ định vị đúng và đo đạc chính xác. Bản đồ ấy cho thấy một thế giới với biết bao đại dương và châu lục rộng lớn, chứ không như mấy tấm bản đồ do họa sỹ Tầu vẽ, với Trung Quốc to lớn ở giữa, với mấy nước và mấy hòn đảo nhỏ bao quanh.

Thích tấm bản đồ, quan tổng đốc Quảng Châu bèn thúc dục Ricci vẽ lại cho ông một tấm khác, với nhiều ghi chú bằng Hán tự. Tấm bản đồ này, quan cho in thành nhiều, để biếu tặng đồng liêu xa gần mỗi người một bản. Thế là địa bàn chinh phục của bản đồ ngày càng mở rộng, và tiếng tăm mấy học giả da trắng cũng lan xa.

Bản đồ đi xa, thì khách đổ về Quảng Châu càng nhiều để tìm biết thêm những điều mới lạ khác. Lợi dụng những tiếp xúc như thế, Ricci cho họ coi những cuốn thánh kinh đóng bìa da thật đẹp, những bức vẽ về mấy thánh đường nguy nga, về Chúa Giêsu và Đức Maria đáng tôn đáng kính. Cùng lúc, Ricci tiết lộ về thuần phong mỹ tục ở các nước Công giáo, rất phù hợp với những gì thánh hiền Trung Hoa truyền dạy.

Để thỏa mãn sự tò mò của những ai muốn biết sâu rộng hơn, Ricci bèn soạn cho họ một sách giáo lý qua hỏi đáp giả tưởng giữa một giáo sỹ và người ngoại. Cuốn giáo lý được in hằng ngàn bổn, in đi in lại nhiều lần, ngay cả người ngoại cũng tự in nữa.

Để giúp Rôma hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của sứ vụ Trung Quốc, cha Valignano sai Ruggieri trở lại Châu Âu, và Ruggieri qua đời ở đó. Thế là gánh nặng sứ vụ đè hết lên vai Ricci, trong khi cánh đồng quá rộng, mà thợ gặt lại quá thưa thớt.

Rủi một điều nữa, là nhóm bị trục xuất khỏi nơi đang ở, chỉ vì một quan lớn muốn chiếm ngôi nhà của họ. Thế nhưng đây lại là điều an bài của Thiên Chúa, nhờ đó Tin mừng được lan xa. Cũng như xưa chỉ vì Giáo hội bị bách hại ở Giêrusalem, mà các tông đồ cùng trưởng lão phân tán sẽ mang ơn cứu độ tới khắp mọi vùng trời của đế quốc La Mã, tời tận thủ đô La Mã luôn.

Bắt đầu, Ricci tời định cư ở một thành phố khác của Quảng Châu, kế đó tới thử vận may ở Nam Kinh nhưng không thành. Sau đó, cha tới thiết lập một giáo hội mới[8] ở Nam Xương, thủ phủ của Giang Tây. Táo bạo hơn, năm 1598 cha đến gõ cửa chính thủ đô phía Bắc, nhưng bị buộc phải lui về Nam Kinh chờ đợi. Tại đây, các đại thần muốn gặp mặt nhà bác học da trắng, mà tiếng tăm đang nổi lên như cồn.

Dù sao, Ricci vẫn muốn vươn tới Bắc Kinh, vì chỉ ở Bắc Kinh, giấc mơ có tính chiến lược của cha mới mong thành sự thực. Vâng, cha muốn mang Tin mừng đến tận đế đô, để ở đó Tin mừng được đón nhận sẽ tỏa nhanh đến khắp nước.

Cuối cùng, rồi cha cũng tới được chốn cha mong ước, không phải vì cha vận động, mà vì danh tiếng bác học của cha đã tới tai Minh Thần Tông (niên hiệu Vạn Lịch), khiến vì tò mò, vua triệu cha tới ngày 24-1-1601, và cha đã sống tới cuối đời (1610) tại đó.

Tới được Bắc Kinh, tuy không được giáp mặt hoàng đế (do vấn đề thủ tục: thảo dân không được diện kiến hoàng đế), nhưng qua những món quà lạ tiến dâng, cha khiến Thần Tông rất hài lòng, và Ngài đặc biệt thích tấm bản đồ thế giới có chú thích Hán tự. Ngài bèn chỉ thị cho cha họa lại một tấm thật lớn cho cung điện của Ngài.

Kể từ đây, tại chính đế đô, các nho sỹ và đại thần sẽ tìm đến với cha để tiếp thu những kiến thức về thiên văn và toán học. Lợi dụng lòng ham hiểu biết của họ, cha cho họ đọc hai tác phẩm về đạo đức của cha : một cuốn gồm 25 chương nói về sự tiết chế ham muốn và sự cao quý của đức hạnh; cuốn sau tập hợp những cách ngôn đạo đức Kytô giáo có kèm gương tốt lấy từ thánh kinh hay đời sống thánh nhân. Và thế là nhờ đó họ càng thêm kính ngưỡrng đối với thứ đạo mà giáo sỹ mang tới, mà chính các giáo sỹ đang thể hiện bằng đời sống gương mẫu của mình.

Thế nhưng cuốn sách gây ảnh hưởng mạnh nhất là tập Thiên Chủ thực nghĩa mà qua kinh nghiệm và hiểu biết, cha đã chỉnh sửa và bổ túc nhiều phen. Trong cuốn này, cha trình bày Thiên Chúa như Đấng Tối cao duy nhất, cũng là Đấng sáng tạo trời đất, loài người và muôn vật, đồng thời thưởng phạt công minh ở đời sau. Còn con người thì có linh hồn bất tử, có tự do và bổn phận lánh ác, làm lành. Để chứng minh cho những điều ấy, cha vừa sử dụng các chứng cứ của triết học và thần học Công giáo, vừa sử dụng luôn những tư tưởng của thánh hiền Trung Hoa. Đây đúng là sách hộ giáo tối cần đối với người ngoài đạo, nên nó vừa phổ biến rất nhanh, vừa mau chóng trở thành cuốn sách gối đầu giường của các nhà truyền giáo. Nó đã được in đi in lại không biết bao nhiều lần, cả trước và sau khi Ricci chết. Ảnh hưởng của nó còn vượt biên giới Trung Hoa, sang tới các nước như Nhật Bản, Triều Tiên và Đại Việt nữa. Một số người Triều Tiên, gặp được cuốn này, đã mang về truyền đạo ở quê hương trước khi các giáo sỹ đến. Lại cũng do đọc cuốn sách nói trên, mà Khang Hy nhà Thanh thấy đạo dạy về Thiên Chủ rất phù hợp với văn hóa nhân bản truyền thống người Hán, nên ra chiếu chỉ cho phép truyền giáo tự do.

Viết cho người ngoại rồi, Ricci còn viết cho người Công giáo nữa. Và cứ thế Công giáo ngày thêm bành trướng. Vào năm 1601, ngoài trự sở mới ở Bắc Kinh ra, đã có các trụ sở ở Nam Kinh, Nam Xương và một thành phố nữa thuộc Quảng Châu. Còn giáo hữu thì vào năm 1608 (một năm trước khi Lợi Mã-Đậu qua đời) đã đạt tới con số 2.000. Ấy là chưa kể trong số đó có nhiều nho sỹ, có cả đại thần nữa.

Một khởi đầu quá đẹp! Mà trước đó hai chục năm, hỏi ai dám mơ tưởng đến!

Thế nhưng…

Cuộc tranh chấp về phương pháp

Mùa gặt xem như sắp bội thu, thì đùng một cái xảy ra cuộc tranh chấp lớn giữa các nhà truyền giáo. Công của Ricci là đã đập toang được cánh cửa mở vào đất nước các ông Con Trời. Nhưng nhóm vào được, thì các dòng khác cũng đưa người theo luôn.

Đây là những dòng như Đa minh và Phan sinh. Các giáo sỹ của họ đến từ Phi Luật Tân và đều là người Tây Ban Nha cả. Phi Luật Tân hồi đó gồm toàn những dân bán khai, nên giáo sỹ chỉ việc dùng phương pháp Tabula rasa (xóa hết để xây mới), và họ thành công rất dễ.

Sang đến Trung Hoa, họ cũng áp dụng phương pháp ấy, nhất là khi họ không thể đi vào kinh thư cổ điển để hiểu tận nguồn văn hóa Hán tộc, để thấy rằng đây là một nước mấy ngàn năm văn hiến, đã phát triển cao lúc mà những nước như Gaule vẫn còn đang man rợ. Tiếp xúc với dân thường vốn nhiễm nhiều mê tín của thứ Đạo giáo đại chúng, họ cho rằng mọi nghi lễ nước Ngô đều có tính tôn giáo và tôn giáo tà quái, nên không thể đi đôi với niềm tin Công giáo chúng ta. Và họ không thể chấp nhận việc Dòng Tên cho phép giáo hữu thờ cúng gia tiên và dự các cuộc cúng tế Khổng Tử. Họ cũng chỉ trích hai chữ Thượng Đế và Thiên mà Dòng Tên cho phép dùng để chỉ Đấng Tối cao Kytô giáo.

Thật ra, cái Thiên quen dùng không phải là thế giới vật chất bên trên, hay vị thần cai trị ở đó, kiểu như trong lễ Giao tế Trời và lễ Xã tế Đất, hay như trong giải thích của Chu Hy. Trong cổ thư, Thiên như trong Thiên mệnh là ý muốn toàn năng của Đấng Tối cao, cái Mệnh nó chiếu in thành Tính nơi vạn vật và nơi con người:

-Phân ư đạo, vị chi mệnh; hình ư nhất vị chi tính.

Khổng tử gia ngữ,XXVI

-Thiên mệnh chi vị tính; xuất tính chi vị đạo.

Trung dung,I

Quen với Tứ thư ngũ kinh, các nho gia quen hiểu như thế. Và các nhà Hán học người Âu sau này, như James Legge cũng đồng ý với Ricci như vậy.

*

Vấn đề gai góc nhất, đó là việc thờ ông bà và thờ đức Khổng Phu Tử. Mà đây lại là hai thành tố căn yếu của nền văn minh tinh thần Trung Quốc, khiến bỏ đi thì không ai chấp nhận nổi.

Quả thế, đức Khổng được suy tôn là “Vạn thế sư biểu” của toàn dân. Sách do ngài sáng tác hay biên khảo trở thành kinh thư, và con đường ngài vạch làm nên Khổng giáo. Đây là con đường đạo đức mà từ thứ dân chí tới vua quan đều răm rắp noi theo. Đây cũng là thuật trị dân và hóa dân (cải hóa dân) rất nhân đạo đề ra cho bậc quân tử (tức vua và quan, người cai trị đất nước). Do đó để nhớ ơn, người ta xây đền thờ ngài ở mọi thành phố, trong mỗi thư viện (tức trường học), và sĩ phu vào hai tiết xuân thu, vào hai vụ trăng tròn trăng mới, đều họp nhau cúng tế ngài. Thêm vào đấy, mọi sĩ tử sau đỗ đạt, đều phải đến tế ngài trước khi được nhận mũ quan hay tước vị.

Còn gia tiên?

Đức Hiếu là đức quan trọng bậc nhất đối với toàn dân Trung Quốc và Đông Á nói chung. Theo Mạnh Tử, thì “bổn phận đối với cha mẹ là nền tảng của mọi bổn phận khác”[9]. Bởi thế, vua quan dù tệ hại đến đâu cũng không dám tỏ ra bất hiểu, vì sẽ bị đàm tiếu đến muôn đời. Kẻ bất hiếu với mẹ cha, thì theo sách Lễ Ký (ch.IV.10), “hễ đang ở nhà cũng giết sạch không tha. Ngoài giết ra, còn phải phá nhà, lấp hết chuồng trại, lột bỏ hết tước”. Còn theo bộ luật Hồng Đức (điều 475) của nhà Lê bên Việt Nam xưa, thì “con cháu đánh ông bà, cha mẹ, phải lưu đày châu xa, đánh bị thương phải tội (xử) giảo[10].

Mà hiếu, thì “sự tử như sự sinh”, dù cha mẹ qua đời rồi vẫn phải hiếu kính (sự : thờ) như khi các ngài còn sống. Do đó, nhà ai cũng có bàn thờ gia tiên, còn chung cả họ thì có nhà thở tổ. Để duy trì nhà thờ tổ, có luật về hương hỏa rất chi tiết.

Gia tiên luôn gần gũi với cháu con, nên mọi vui buồn trong nhà không thể thiếu vắng các ngài. Cho nên, cưới hỏi thì dâu rể đến đốt hương trước bàn thờ. Sinh con thì bố mẹ phải tế cáo. Còn Tết đến thì ngày ba mươi phải thỉnh ông bà về, và hết Tết tiễn ông bà đi.

Chính vì đời sống gia đình được đặt dưới sự giám sát thiêng liêng của gia tiên, nên con cái bớt “phá gia chi tử”, và vợ chồng cũng khó bỏ nhau. Bởi thế, nhà nghiên cứu phong tục Việt Nam danh tiếng là L. Cadière, trong tuần hội thảo quốc tế về dân tộc học tôn giáo ở Luxembourg năm 1930, đã nêu gia đình VN như một gương mẫu để thế giới bắt chước. Và cũng chính vì Đông Á trọng kính gia tiên như vậy, nên Phật giáo khi du nhập, đã biến lễ Vu Lan cầu cho người chết của họ thành một lễ báo hiếu rất lớn[11].

Chính vì tục thờ gia tiên và đức Khổng quan trọng đến thế, nên chỉ có thể tước bỏ những mê tín kèm theo trong cách thờ tự của dân thường, chứ không bãi bỏ hẳn được. Cố nhiên là nhóm Ricci biết đến những mê tín ấy, và họ không bao giờ cho phép như vậy. Thế nhưng các nhóm truyền giáo kia vẫn cứ chống, và vụ kiện lan cả sang các nước lân bang như Việt Nam giữa Dòng Tên và Hội thừa sai Paris. Và cuối cùng, vụ kiện được đưa sang Rôma, mà kết thúc là một thảm họa lịch sử.

Vụ án Lễ phép nước Ngô

Các giáo sỹ Đa minh đến vào năm 1631, rồi Phan sinh năm 1633, nghĩa là hai chục năm sau khi Ricci qua đời. Không kịp tìm hiểu kỹ vấn đề, cũng không có khả năng đi sâu vào văn hóa tryền thống Trung Quốc, họ không chấp nhận nổi việc Dòng Tên cho phép thờ đức Khổng và gia tiên. Họ bèn tố cáo với giám mục của họ bên Phi Luật Tân, và tố cáo được chuyển tới Rôma liền sau đó. Chưa hết, vào năm 1643, cha J.B. Moralez O.P. sang kiện tới Tòa Thánh. Cha nêu lên 17 điểm coi là sai lạc, trong đó có chuyện D.T. cho phép thờ ông bà và tham dự lễ tế đức Khổng.

Được tin ấy, nhóm D.T. bèn cử người sang phản bác, minh xác D.T. không hề cho phép mấy mê tín có thể đi kèm những lễ nghi nói trên, và những lễ nghi này tự nó không hề có tính tôn giáo được hiểu theo ý nghĩa người Tây Phương quen hiểu. Dẫu thế, với sự chấp thuận của Đức Innocentê X, năm 1645 thánh bộ Truyền giáo đã ký sắc lệnh tuyên bố những lễ nghi nói trên là bất chính đối với Công giáo.

Năm 1651, cha Martin Martini, tác giả “Bản đồ Trung Hoa mới” được cử sang trình bày cho thánh bộ hiểu rõ về hai lễ nghi và về cách hành xử của D.T. Phải ba năm sau cha mới tới nơi và tiếp cận được bộ Thánh vụ năm 1655; và kết quả là, với sự chấp thuận của đức Alexandre VII, năm 1656 thánh bộ ký sắc lệnh tuyên bố hai lễ nghi trên chỉ có tính “dân sự và chính trị”, nên được phép làm và tham dự, đồng thời cho phép dùng tiếng Tàu trong phụng vụ thay thế tiếng la tinh. Tiếp đó năm 1659, bộ Truyền giáo còn ra chỉ thị thúc đẩy việc thích nghi với phong tục các nước Châu Á. Và sau đây là trích đoạn của chỉ thị gửi cho hai giám mục Fr. Pallu và L. de la Motte thuộc M.E.P. trên đường sang Việt Nam:

-“Đừng hành động theo sự hăng say của mình, đừng đưa ra lý luận để thuyết phục những dân ấy thay đổi lễ nghi, phong tục, tập quán của họ, trừ phi những thứ ấy rõ ràng đi ngược với đạo và luân lý Công giáo. Chẳng phải vô lý sao khi đưa nước Pháp, Ý, Tây Ban Nha hay một nước Châu Âu nào khác sang Tàu? Đừng đưa nước ta sang họ, mà trái lại hãy đưa đức tin đến với họ, cái đức tin nó chẳng vất bỏ hay xô đổ những lễ nghi, tập tục của bất cứ dân nào, miễn là những cái ấy không xấu; trái lại phải giữ gìn và bảo vệ chúng.”

*

Có điều sắc lệnh 1656 ký rồi, mà sắc lệnh cấm 1645 còn đó, nên cha J. de Polanco O.P. cho rằng cả hai đều có hiệu lực, nên cứ tùy nghi mà làm. Do đó, các nhóm giáo sỹ tiếp tục chia rẽ, và tín đồ cũng chia rẽ theo. Trong khi ấy, do sắc lệnh trước mà một cuộc bách đạo đã nổ ra, khiến vì trốn chạy mà ngẫu nhiên 19 D.T., 3 Đa minh và 1 Phan sinh “xum họp một nhà”, do đó họ bó buộc phải thương nghị với nhau để tìm ra một giải pháp truyền giáo chung.

Sau 40 ngày nghị sự, trừ tu sỹ Phan sinh ra, tất cả cùng ký vào một bản thỏa ước 42 điểm, với điểm 41 như sau: Về lễ nghi thờ đức Khổng và người chết, phải tuyệt đối tuân thủ sắc lệnh 1656 của Đức Alexandre VII, bởi sắc lệnh ấy dựa vào những chứng lý xác đáng, nhờ đó “cánh cửa cứu độ khỏi khép lại đối với ức triệu người Trung Hoa, vì họ có thể rời bỏ Kytô giáo nếu bị cấm…”. Có điều, một trong những tu sỹ Đa minh, tuy đã ký vào bản thỏa thuận, vẫn lặng lẽ bỏ về Rôma để vận động chống lại, nhưng không thành công.

Không may sau đó, năm 1683 Ch. Maigrot thuộc Hội Thừa sai Paris được gửi sang làm Phủ doãn tông tòa ở Phúc Kiến. Năm 1693, ngài ra lệnh cấm dùng tiếng Thiên và Thượng đế để chi Đấng Tối cao. Đồng thời cũng cấm luôn tín hữu thờ gia tiên, đặt bài vị, và dự các cuộc tế đức Khổng, viện lẽ rằng xưa kia cha Martini đã nói không đúng sự thực với Tòa thánh, do đó không thể dựa vào những chấp thuận của thánh bộ. Vì thế nổ ra một cuộc tranh chấp mới, giữa D.T. và Maigrot cùng với các cha M.E.P. của ngài, khi mà mọi giáo sỹ Augustinianô cùng với hầu hết Phan sinh và một phần Đa minh đã cho phép làm các lễ nghi nước Ngô rồi.

Do sự tranh chấp mới này, mà năm 1697, Đức Innocentê XII ra lệnh tái tra xét vấn đề, và vụ kiện kéo dài đến thời Đức Clementê XI vốn tính rất khe khắt. Vị Giáo chủ này bèn phong Ch. Th. M. De Tournon làm thượng phụ Antiokia để sai làm đặc sứ sang Bắc Kinh năm 1705. Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh, vốn quý trọng các giáo sỹ D.T. vì đã giúp ngài sửa lịch, coi đài Khâm thiên giám, đúc súng, ký được thỏa thuận biên giới với sa hoàng, nên đón tiếp đặc sứ của Giào hoàng một cách nồng hậu. Nhưng đến khi hiểu ra, rằng De Tournon đến là để cấm thờ gia tiên và đức Khổng, thì vua liền nổi giận, ra lệnh trục xuất De Tournon khỏi Bắc Kinh, và buộc các giáo sỹ hứa không cấm hai lễ nghi ấy, có thế mới được ở lại truyền đạo, bằng không sẽ bị trục xuất luôn.

Thấy thế, De Tournon vội vã ra vạ tuyệt thông cho những ai vâng lệnh hoàng đế. Tức giận, Khang Hy bèn cho áp giải đặc sứ đến Macao, giam lỏng tại đó không cho trở về La Mã. Trong khi ấy vua sai sứ giả tới trình bày với Tòa thánh vấn đề các lễ nghi nói trên. Không may, sứ giả chết ngay năm 1710 khi chưa kịp hoàn thành sứ mạng, vào lúc mà nhiều giáo sỹ đã bị trục xuất bởi không tuân lệnh vua. Riêng nhóm D.T., cùng với một số đông giáo sỹ Phan sinh và mấy dòng khác, có giám mục Bắc Kinh thuộc Phan sinh đứng đầu, đã tạm hoãn thi hành ý muốn De Tournon trong khi chờ quyết định cuối cùng của Rôma, vì không muốn sứ vụ Trung Hoa tan vỡ.

Thế nhưng Đức Clêmentê XI y theo ý kiến De Tournon. Tiếp đó, ngáy 9/3/1715, ngài ký sắc dụ Ex illa die chính thức lên án Lễ phép nước Ngô. Thế rồi năm 1742, Đức Beneditô XIV ra tiếp sắc dụ Ex quo singulari xác định những gì đã cấm trong sắc dụ trước.

Tức giận trước những điều vua cho là sai quấy, năm 1721, hoàng đế Khang Hy xuống chiếu viết như sau:

-“Đọc những điều công bố ấy, trẫm kết luận đám người Tây Phương kia quả là thô lậu…. Chẳng có một người Tây nào thông thạo kinh thư chúng ta, và mấy nhận xét của họ nực cười không tưởng nổi. Qua những điều họ công bố, phải phê phán rằng tôn giáo của họ chẳng có gì khác so với mấy phe phái nhỏ bé và thiển cận của Phật hay Đạo giáo. Trẫm chưa hề thấy một tài liệu nào chứa đựng những cái vô nghĩa như vậy. Nên từ nay trở đi, cấm người

Tây không được phép giảng đạo ở Trung Quốc nữa, để khỏi rắc rối thêm”.

Và thế là Khang Hy bật đèn xanh cho việc bách hại Công giáo của đám dân đang căm phẫn đối với thứ “tà đạo” cấm thờ ông bà. Trong khi ấy, chính người Công giáo cũng bỏ đạo khá đông, còn người ngoại thì không dám gia nhập thứ đạo nó cổ súy sự bất hiếu ấy.

Lo lắng cho sứ vụ Trung Hoa đổ vỡ, Đức Clêmentê bèn sai một đặc sứ mới, được phong thượng phụ Alexandria. Phải khó khăn lắm ông này mới được triều yết Khang Hy. Ông chỉ thành công một phần, là xin được hoãn việc trục xuất các nhà truyền giáo, sau khi đã giảm nhẹ ít điều trong sắc lệnh 1704 và sắc dụ 1715, và hứa còn giảm nhẹ thêm trong tương lai. Có điều sắc dụ Ex quo singulari sau đó của Đức Bênêđitô XIV đã làm tan vỡ mọi hy vọng. Và thế là vụ án Lễ phép nước Ngô khép lại với sự thất bại của Dòng Tên và của một số nhà truyền giáo khác đồng chí hướng. Cuối cùng, chính Dòng Tên cũng bị bãi bỏ trên khắp thế giới vào năm 1773, do đó các giáo sỹ của Dòng dù ở Việt Nam hay Trung Hoa, đều bị giải tán cả.

Phải đợi hai thế kỷ sau, bằng sắc lệnh Plane compertum, ký ngày 8-12-1939, Đức Piô XII mới bãi bỏ lệnh cấm Lễ phép nước Ngô, cùng với lời thề buộc đi kèm. Có điều tất cả đã quá muộn, khi mà dân Công giáo không còn quen với việc thờ gia tiên, khi mà người ngoại vẫn còn thành kiến : theo đạo thì phải bỏ ông bà, nên không ai dám theo, khiến cho giấc mơ của Xaviê và Ricci là Công giáo hóa Trung Quốc và các nước xung quanh như Nhật và Việt Nam đã trôi theo dòng nước!

Mộ Ricci tại Bắc Kinh

 


[1] Với sự cộng tác của Từ Quang Khải, Ricci là người đầu tiên đã chuyển ngữ Tứ thư ngũ kinh sang tiếng Âu (tiếng la tinh).

[2] Theo luật nhà Minh, người ngoại quốc chỉ được chôn táng ở Macao.

[3] Cha là người Đức DT, nổi tiếng cả về toán học lẫn thiên văn học. Về thiên văn học, sau khi trao đổi với Galilei, cha đồng ý nhìn nhận mặt trời là trung tâm, chứ không phải trái đất. Tên của cha được lấy đặt cho miệng núi lửa trên mặt trăng : Clavius crater.

[4] Macao được nhà Minh cho các tàu buôn Bồ Đào Nha dùng làm cứ địa từ năm 1577 để buôn bán với Trung Quốc.

[5] Sau Ricci, D.T. đã gửi tới Trung Hoa nhiều nhà khoa học khác, như J. Schreck, Terrentius, rồi Adam Shall. Hai người trên là bạn học của Galilei và có giao thiệp với Kepler, còn người thứ ba thì rồi sẽ coi đài Khâm thiên giám của triều đình.

[6] Tây phương hồi xưa quen gọi Trung Quốc là :Con sư tử, nhưng sư tử ngủ (C’est un lion, mais un lion qui dort).

[7] Vì người Hán đọc chữ R thành L (như Roma thành Loma), nên Ricci bị đọc thành Li.

[8] Ekklêsia không phải chỉ là giáo đoàn, mà là giáo hội : giáo hội Corinthô, giáo hội Êphêsô, tức Giáo hội huyền nhiệm duy nhất thể hiện ở những địa phương khác nhau : một cái nhìn huyền nhiệm về Giáo hội!

[9] Theo L. Cadière, trưng dẫn trong Đỗ trình Huê, Văn hóa, tín ngưỡng gia đình VN qua nhãn quan học giả L. Cadière, nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tr.96.

[10] Sđd., tr.92.

[11] Vu lan hay Ullambana nghĩa là Treo ngược. Đây là sự Treo ngược mà những hồn tội lỗi phải chịu, để đi sâu mãi xuống lòng đất.

 

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường

“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm …

Một bình luận

  1. Bài viết vừa dồi dào thông tin lại có văn phong hài hước. Cảm ơn tác giả rất nhiều. Bài viết đã hỗ trợ con trong lần thuyết trình về Matteo Ricci.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *