Nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt

Linh mục Giuse Đỗ Quang Chính, SJ.

Người cùng một nước nói cùng một thứ tiếng thì ít khi nhận thây sự “kỳ lạ” của tiếng mình, bởi vì hằng ngày quá quen với những âm thanh đó, nên không để ý, trừ khi chịu khó học hỏi, nghiên cứu tiếng nước mình và đem so sánh với những ngôn ngữ khác. Người Việt chúng ta cũng thế, vì đã quen với tiếng nước mình từ khi còn nhỏ, nên không để ý đến điều mà người ngoại quốc thấy khi họ bắt đầu nghe và học tiếng Việt. Trong chương này, chúng tôi sẽ tình bày nhận xét về tiếng Việt của bốn người Tây phương sau đây: Cristoforo Borri, Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), Gio. Filippo de Marini Joseph Tissanier. Các ông là những người ở Việt Nam trong khoảng từ 1618 đến 1663, đã học tiếng Việt và đóng góp ít nhiều vào việc thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay. Dưới đây chúng ta sẽ thấy họ nhận xét thế nào về thanh và ngữ pháp tiếng Việt.

THANH TIẾNG VIỆT

Tháng 12 – 1624 linh mục Đắc Lộ từ Áo Môn1 đi tầu buôn Bồ Đào Nha tới cửa Hàn (Đà Nẩng) sau 19 ngày vượt biển và bị bão ở gần đảo Hải Nam. Tới Đàng Trong, Đắc Lộ đến ở tại Thanh Chiêm (Dinh Chàm), tức là thủ phủ Quảng Nam Dinh, và học tiếng Việt tại đó. Sau này Đắc Lộ viết: “ Riêng tôi xin thú nhận rằng, khi vừa tới Đàng Trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt”2.

Quả thật, đối với người Âu châu, lúc đầu học tiếng Việt thật là khó, vì họ không phân biệt mỗi thanh mỗi tiếng. Linh mục Gio. Filippo de Marini ở Đàng Ngoài từ 1647 – 1658, cũng nhận rằng: “Một người sau khi đã học nói tiếng Việt kha khá, thì kinh nghiệm cho họ hay rằng, tiếng Việt quả là cực kỳ khó khăn”3. Linh mục Joseph Tissanier ở Đàng Ngoài từ 1658 – 1663 cũng ghi lại như sau: “Tôi xin thú nhận rằng, lúc đầu tiếng Việt làm tôi phát sợ, vì thấy nó khác các ngôn ngữ Âu châu quá, nên hầu như tôi thất vọng trong việc học tiếng này”4.

Tuy tiếng Việt khó, nhưng sau một thời gian miệt mài, những người trên đây đã nói và nghe được tiếng Việt.Joseph Tissanier5đến Đàng Ngoài ngày 13-4-1658, bốn tháng sau, ông đã có thể tạm “giải tội”6 và nói những câu truyện thường với người Việt. Đối với Đắc Lộ, sau mười tháng học, ông đã bắt đầu giảng thuyết7. Linh mục c. Borri đến Đàng Trong năm 1618, và qua sáu tháng học tập, ông đã nói truyện và “giải tội” được. Ông thú nhận rằng, muốn hiểu và nói được tiếng Việt hoàn toàn, phải dành ra bốn năm trọn để học8.

Tiếng Việt tuy khó, nhưng lại “du dương, hòa điệu”9 “ging như bản nhạc liên hồi”10 Borri nói rõ rằng, người nào có tài về âm nhạc, biết phân biệt âm thanh11, thì theo ý ông, tiếng Việt là tiếng dễ dàng nhất đối với họ12. Marini cho rằng, dường như là dân Việt bẩm sinh đã có một cơ thể rất chính xác, được điều chỉnh thật đúng và hòa hợp hoàn toàn với trí óc cùng buồng phổi; phải nói là, theo tự nhiên, người Việt là nhạc sư, vì họ có tài phát âm một cách nhẹ nhàng và chỉ hơi biến thanh là đã khác nghĩa13. Dường như đối với người Việt “nói và hát cũng là một”14. Ông Marini nói thêm: “Khi đọc, người Việt không cần phải thay đổi tiếng mà vẫn làm cho một tiếng ấy có nhiều nghĩa khác nhau, bởi vì họ chỉ cần lên giọng hoặc hạ giọng tùy theo cường độ và nhịp điệu. Những người Việt từ nhỏ đã học nói theo nhịp điệu, dầu họ không phải là nhạc sư”15.

Theo Đắc Lộ, Marini, Tissanier, thanh tiếng Việt khó vì những lý do sau đây : Thứ nhất, tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ. Thứ hai, cùng một tiếng phát âm một cách khác nhau, có thể chỉ nhiều nghĩa và thường lại có nghĩa đối nghịch nhau. Vì thế theo Đắc Lộ, cùng một tiếng như tiếng Dài chẳng hạn, nếu đọc bằng nhiều cách, thì nó chỉ tới 23 sự vật hoàn toàn khác nhau16. Thứ ba, thanh của mỗi tiếng đôi khi rất nhẹ và khá tế nhị. Do đây, ai muốn tấn tới trong việc học tiếng Việt, phải chu chu chăm chắm mà học, để có thể phân biệt được các thanh. Thứ bốn, đây là điểm khó khăn nhất trong khi dùng tiếng Việt, đó là việc phát âm. Trong khi đọc lên một tiếng, người ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi và họng cùng hòa hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác. Như vậy thì tiếng vừa phát ra mới chỉ đúng sự việc mình muốn nói17.

Hẳn thật những điểm khó khăn trên đây về thanh tiếng Việt, người Âu châu cảm thấy rõ ràng nhất. Cùng một tiếng, thêm bớt hay là uốn hạ âm thanh, đều làm cho nghĩa khác nhau. Điều này không thấy ở trong nhiều tiếng, như La tinh, Bồ Đào Nha, Tây ban Nha, Ý, Pháp, Anh v.v… Chính L.m. Đắc Lộ khi bàn về thanh tiếng Việt đã cho một số ví dụ và thuật lại vài mẩu chuyện hay hay về việc người Tây phương nói tiếng Việt. Sau đây là ví dụ của ông :

Trong tiếng ba, nếu thêm thanh huyền sẽ thành chữ bà, thanh hỏi thành bả, thanh sắc thành bá, thanh nặng thành bạ và thanh ngã thành bã. Như vậy, sáu thanh (cũng có thể gọi là sáu dấu) trong một tiếng làm khác hẳn nghĩa mỗi tiếng khi phát âm : ba bà bả [và] bá bạ bã. Theo lời giải nghĩa của Đắc Lộ, thì sáu tiếng trên đây hoàn toàn là một câu và có đủ nghĩa như sau : Ba bà thổi vào mặt (hay tát vào mặt) bà thứ phi đã bị duồng dẫy (bỏ rơi) một thứ cặn thuốc (thuốc độc)18. Để bạn đọc hiểu rõ hơn ý nghĩa câu trên mà Đắc Lộ đã trình bày, chúng tôi tưởng cần phải trích ngay những định nghĩa về mấy chữ đó do Đắc Lộ ghi trong cuốn Tự điển của ông xuất bản tại La mã năm 165119 :

Ba : très :très, vel tria, ba ngôi : très pessoas : tres personae.

Ba, bổ [vổ] tay ba [ca] hát : fazer som com as palmas pera cantar : plaudere manibus ad canendum.

Ba, thịt ba rội : came di porco gorda com camas de magra : caro suila lardo intersita.

Bá : bá léy : tomar o que Ihe não dão : rapio, is.

Bá : molher segunda de principe, ou guoernador : concubina principis viri.

Bà : auo, Senhora : auia, domina.

Bà, đức bà : molher de principe, ou Gouernador grande: vxor principis viri

Bà, đân bà \femea: faemina, ae.

Bả, thủ bả : vigia de posta: custos, dis.

Bả, cái bả : certa peça de seda a modo de canga de cordao : fericum quoddam in modum panni linei retorti.

Bạ : vntar : illinire.

Bạ vàng : dourar : inauro, as.

Bạ, ai bạ thì ley : cousa que nao tem dono, quemquer a toma : res pro derelictâ, quae est primo occupantis.

Bã : bagaço :magma, tis. bã thúoc : o bagaço da meizinha: magma medicinae jam peractae et sic de aliis rebus.

L.m. Đắc Lộ muốn chứng minh rõ rệt hơn, còn đem ra một ví dụ khác: Chữ ca, nếu thêm thanh (dấu), có bốn nghĩa khác nhau : ca: hát, cà: trái cà, cả: lớn, cá: con cá20. Để người ngoại quốc thấy rõ hơn sự nguy hiểm trong khi phát thanh sai tiếng Việt, Đắc Lộ thuật lại hai câu chuyện sau đây : Một hôm L.m. bạn với Đắc Lộ muốn bảo người giúp việc đi chợ mua cá. Khi người giúp việc ở chợ về, bảo cho ông hay là đã mua như ý L.m. muốn. Ông liền xuống nhà bếp coi xem loại cá nào, thì ông bỡ ngỡ vì người đi chợ lại mua một thúng đầy cà. L.m. biết ngay là vì đã đọc trại tiếng thành cà, nên ông xin lỗi người giúp việc. Một L.m. khác bảo người nhà đi chém tre. Đoàn trẻ em trong nhà L.m. nghe thế sợ quá, bỏ chạy tán loạn. Thì ra ông phát thanh lầm là chém trẻ, nên làm cho đàn trẻ em khiếp sợ. Phải giải thích mãi trẻ em mới yên tâm và trở về nhà với Linh mục21.

NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT

Đối với người Việt Nam học tiếng Việt từ lúc thơ ấu, nên dầu không cần học ngữ pháp, cú pháp v.v… vẫn có thể nói được tiếng Việt. Nhưng một người ngoại quốc, lúc bắt đầu học tiếng Việt thật là khó. L.m. Marini nói rõ một điểm khó khăn nữa đối với người Âu châu khi học tiếng Việt, là phải hiểu hoàn toàn ý nghĩa của một lời, phải biết sắp đặt cú pháp cho đúng, nếu không nghĩa mỗi câu sẽ sai lạc hoàn toàn. Sự khó khăn đó là do tiếng Việt rất ít giống đực cái (hầu như không có), hầu như không có số nhiều ít, không có tận mỗi tiếng, động từ không chia v.v…22

Để trấn tĩnh người Âu châu muốn học tiếng Việt, Marini đưa ra lý lẽ sau: Trong những ngôn ngữ, dầu về mặt ngữ pháp đơn sơ, người ta vẫn có nhiều cách bù lại dễ dàng, để có thể đặt thành câu nói viết trôi chảy. Vậy, nếu tiếng Việt có một ngữ pháp đơn giản sánh với nhiều tiếng Âu châu, thì họ cũng có cách khác bù đắp lại, mà cách thế dùng nhiều nhất là thể phát âm và trong cách đọc23. Quả thật, vẫn theo Marini, lúc mới học tiếng Việt, thì nhận thấy mọi cái đều quá lạ thường, làm cho mình lẩn quẩn, rối rít không biết làm sao đặt cho đúng tiếng trong mỗi câu và phân biệt âm thanh để hiểu được ý nghĩa. Nhưng rồi, nhờ học hành cẩn thận, giao tiếp nhiều với người Việt, thì những khó khăn đó tan biến dần dần24.

Tóm lại, đối với người Âu châu, thì thanh tế nhị và ngữ pháp đơn sơ25là những khó khăn lớn nhất đối với họ. Khi bàn về tiếng Việt, các tác giả Tây phương vào thế kỷ thứ 17 đều nhận như thế. Marini còn nhận xét này: người Việt Nam ưa tiếng của họ hơn ai hết vì tiếng đó đơn giản. Một tiếng bao hàm rất nhiều nghĩa, còn như tiếng Ý chẳng hạn lại cầu kỳ, lôi thôi: nếu muốn đọc tiếng Tranquilità thì phải phát ra bốn tiếng, mà chỉ có một nghĩa, trong khi tiếng Việt chỉ cần một âm là An, cũng có nghĩa như chữ Tranquillità của Ý, ấy là chưa nói đến việc chữ An còn có nhiều nghĩa, nếu thêm các dấu26.

Trên đây là một số nhận xét về tiếng Việt của mấy Linh mục Dòng Tên truyền giáo tại Việt Nam cách đây trên ba thế kỷ. Những nhận xét đó tuy đơn giản, nhưng cũng chứng tỏ sự quan tâm của các ông về tiếng Việt. Chính nhờ những nhận xét ấy và nhiều nhận xét khác, mà các ông cùng với một số Linh mục Âu châu khác cũng sống ở Việt Nam thời đó và sự cộng tác của các Thày giảng Việt Nam, đã đóng góp kẻ nhiều người ít vào việc thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay.

Bây giờ trong chương liền đây, chúng tôi cũng đứng về phương diện lịch sử bàn tới sự thành hình chữ quốc ngữ vào giai đoạn đầu tiên, tức là từ 1620 đến 1648. Về vấn đề này tuy đã có một số nhà nghiên cứu nhắc qua ti27, nhưng chúng tôi muốn dành hẳn một chương để trình bày nhiều tài liệu mới khám phá được, hầu góp phần nào vào công việc quan trọng này.

1 Áo Môn tức o Moon, người Bồ Đào Nha gọi là Macau, người Pháp gọi là Macao, là một doi đất cửa sông Tây Giang, ở phía Bắc đảo Schangch’uan chừng 80 cây số. Vào giữa thế kỷ 16, bọn cướp biển trú ở Áo Môn hay đến quấy nhiễu thành Quảng Châu. Lúc đó, đã có một số thương gia Bồ Đào Nha tạm cư tại đảo Schangch’uan trợ lực dẹp bọn cướp biển. Sau khi đám người Bồ Đào Nha dẹp xong bọn cướp Áo Môn, họ liền xin người Trung Hoa cho phép ở lại trên đảo Schangch’uan và doi đất Áo Môn. Trung hoa cho phép, nhưng buộc mỗi năm phải đóng thuế 2.000 écus (écu là đơn vị tiền tệ của một số nước Tây phương thời đó). Sự việc xảy ra năm 1557. Từ đó người Bồ Đào Nha dần dần làm chủ Áo Môn, rõ ràng nhất là từ năm 1622. Ngày nay, Áo Môn vẫn còn nằm trong tay Bồ Đào Nha.

2 Pour moy je vous aduoüe que quand je fus arriué à la Cochinchine, et que j’entendois parler les naturels du païs, particulièrement les femmes; il me sembloit d’entendre gasoüiller des oyseaux, et je perdois l’esperance de la pouuoir jamais aprendre ” (RHODES, Divers voyages et missions du p. Alexandre de Rhodes en la Chine, et autre Royaumes de l’Orient, Paris, 1653, tr. 72).

3 Gio. Filippo de MARINI, De lie Missioni de’Padri della Compagnia di Gỉesu nella Provincia del Giappone, e particolarmente di quella di Tumkino. Libri Cin que. Del. p. Gio: Filippo de Marini della medesima Compagnia. Alla Santita di N.s Alessandro pp. settimo,Roma, 1663, tr. 95.

MARINI, Ralation nouvelle et curieuse des Royaumes de Tunquin et de Lao. Contenant une description exacte de leur Origine, Grandeur, Estenduë, de leurs Richesses, et leurs Forces… Traduite de l’italien du p. Mariny Romain. Par L.P.L.C.C., Paris, 1666, tr. 171

4 “J’auouë que cette langue me fit peur au commencement, et que la voyant si différente de celles d’Europe, je perdois presque esperance de l’apprendre” (Joseph TISSANIER, Relation du voyage du p. Joseph Tissanier de la Compagnie de Jésus. Depuis la France, jusqu’au Royaume de Tunquin. Avec ce qui s’est passé de plus memorable dans cette Mission, durant les années 1658, 1659, et 1660, Paris, 1663, tr. 200).

5 Joseph TISSANER (1618 – 1688) sinh tại Agen (Pháp) năm 1618, gia nhập Dòng Tên ngày 29-10-1634. Năm 1654, ông rời Pháp đi Lisboa, rồi năm sau đáp tàu đi Áo Môn. Ông tới Đàng Ngoài ngày 13-4-1658 và bị trục xuất khỏi đây ngày 12-11-1663. Bỏ Đàng Ngoài, ông theo tàu Hòa Lan đi Djakata, sau đó tới Xiêm (Thái Lan) ngày 29-7-1664. Mười một năm sau, tức ngày 17-6-1675, Tissanier bỏ Xiêm về Áo Môn làm Giám sát Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản và Trung Hoa. Ông qua đời tại Áo Môn ngày 24-12-1688.

6 Giải tội: là một bí tích trong đạo Công giáo do Chúa Ky tô thiết lập. Theo quyết định của công đồng Latran IV năm 1215, người Công giáo khôn lớn mỗi năm phải đi xưng tội một lần với vị Linh mục có quyền giải tội. Linh mục phải tuyệt đốì giữ kín mọi tội người khác đã xứng với mình nơi tòa giải tội; dầu có phải chết cũng không được nói ra.

7 Thư của Đắc Lộ viết ngày 16-6-1625 ở Đàng Trong, gửi L.m. Phụ tá Bề trên cả (Tổng quản) Dòng Tên ở La Mã, bằng chữ Bồ Đào Nha, trong Archivum Romanum Societais Iesu, Jap.-Sin. 68, f. 13r.

8 Christofle BORRI, Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, Lille, 1631, tr. 74.

9 Ibid.,tr.73.

10 RHODES, Sommaire des divers voyates…, Paris, 1653, tr. 36.

11 Ngày xưa, Borri viết là tonaccent, nhưng đáng lý theo khoa ngữ học ngày nay thì phải viết là sonton.

12 BORRI, Relation de la nouvelle mission,tr. 73.

13 MARINI, Relation des Royaumes de Tunquin et de Lao, tr. 171.

14 “Et ad essi vna cosa è il parlare, et il cantare”(MARINI, Delle Missioni, tr. 95).

15 MARINI, Relation des Royaumes de Tunquin et de Lao, ư. 171-172.

16 “Vne mesme syllable, par exemple cell-là Dai, signifie vingt-trois choses entierement differentes, par la diuerse facon de prooncer” (RHODES, Divers voyages et missions, tr. 72).

17 MARINI, Relation des Royaumes de Tunquin et de Lao, ư. 171-173.

18 “Ba bà bã [bả: vả] bá bạ bã signifîcàt, très dominae colaphizant concubinam derelictam magma” (RHODES. De tonỉs seu accentibus linguae Annamitae, trong ARSI, JS. 83 et 84, f Ố2r). Trên đây là tài liệu viết tay của Đắc Lộ năm 1636, hiện giữ tại Văn khố Dòng Tên ở La Mã. Chúng ta có thể thấy câu đó trong ba cuốn sách sau đây của Đắc Lộ, mặc dầu hai trong ba cuốn ghi thiếu: – RHODES, Tunchinensís Historiae libri duo, Lib. I, ư. 85: « (…) Sicque repetita quater; cum diuersâ vocís inflexione vna haec syllaba Ba, Bà, Bả, Bá,significant, très dominae colaphizant concubinam Regis ». – RHODES, Relazione del Tunchino, tr 116-117: « (…) Per lo che proferendosi solamente più volte i’istessa sillaba con la diuersità de’tuoni, ch’è quì notata ba, bà, bả, bá, bạ, bã sarà 1’istesso che dire, Trè signore diedero delle guanciata ad vna concubina del Principe lasciata in abbandono, auanzo vilissimo ». RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, tr. 111: « (…) Et ainsi ce seul mot estant prononcé plusieurs fios consecutiuement auec ces differences de ton ba, bà, bả [vả], bá,signifiera trois Dames soufflettent la Concubine »

19 RHODES, Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum, Roma, 1651, cột 15-17.

20 “Sic eũam in syllaba ca, inveniuntur quatuor toni scilicet gravis cà : mala insana ; aequalis ca : cantilena : circumflexus lenis că [cả] : magnus ; et acutus cá : piscis” RHODES, De tonis seu accentibus linguae Annamitae, trong ARSI, JS. 83 et 84, f. 62v).

21 RHODES, De tonis seu accentibus linguae Annamitae, trong ARSI, JS.83 et 84, f.62v. – RHODES, Relazione del Tunchino, tr. 117 – RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, tr. 111-112. – RHODES, Tunchinensis Historiae libre duo, Lib. L,tr. 86.

22 Tiếng Việt không có tính cách biến thái, chẳng hạn không có vĩ ngữ (désinence) không có tiếp đầu ngữ và tiếp vĩ ngữ

23 Marini nhận xét quá đơn sơ.

24 MARINI, Relation des Royaumes de Tunquin et de Lao,tr. 173-174

25 Nhận xét này có vẻ nông cạn

26 MARINI, Delle Missioni, tr. 96.

27 NGUYÊN-KHĂC-XUYÊN, Chung quanh vấn đề thành lập chữ quốc- ngữ. Chữ quốc-ngữ vào năm 1645, trong Văn-hóa nguyệt-san, số 48, tháng 1-2 năm 1960, tr. 1-14. – THANH-LÃNG, Những chặng đường của chữ viết Quốc-ngữ, trong báo Đại-học, Năm thứ iv, số 1, tháng 2- 1961, tr. 6-13. – VÕ-LONG-TÊ, Lịch-sử Văn-học Công-giáo Việt-Nam, cuốn I,Saigon, 1965, tr. 102-127. – Đỗ-QUANG-CHÍNH, Trình độ chữ Quốc-ngữ mới của Linh-mục Đắc-Lộ, từ năm 1625 đến 1644, trong báo Phương Đông, số 7, tháng giêng 1972, tr. 15-21.

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *