(Đỗ Quang Chính, S.J.)
Thế kỷ 16 các thừa sai đã có mặt tại Việt Nam, nhưng sang thế kỷ 17, kể từ ngày 18-1-1615 các thừa sai mới vào VN nhiều hơn. Họ thuộc nhiều Dòng tu khác nhau, từ nhiều xứ sở, văn hoá khác nhau, như: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Áo, Hungari, Tiệp, Sicile, Savoie, Napoli, Piémont, Tyrol, Ba Lan, Thuỵ Sĩ, Toà thánh, Nhật, Áo Môn, v.v… Sống trong một xã hội khác biệt rất nhiều với quê hương mình, các thừa sai đã phải thích nghi, hoà mình, hay nói theo kiểu ngày nay là hội nhập văn hoá để truyền giảng Tin mừng. Vậy chúng ta hãy nhìn lại Giáo hội Công giáo đã hoà mình thế nào trong xã hội Việt Nam những năm xa xưa, đặc biệt hai thế kỷ 17-18.
Rời bỏ quê hương thân yêu đến sống ở một nơi lạ hoắc, nhất là vào thế kỷ 17 khi Đông Tây còn rất là xa cách, thì khác gì những cuộc mạo hiểm “chết người”. Dấn thân vào Đại Việt thời ấy, lạ nước lạ cái, thứ gì cũng khác với mình; ngay khi nghe người Việt “nói chuyện ríu rít như chim hót, cũng tưởng chẳng bao giờ mình có thể học được”[1], và “dù khi đã học nói tiếng Việt kha khá, thì kinh nghiệm cho hay rằng, tiếng Việt quả là cực kỳ khó khăn”[2].
Vậy đấy! nhưng mà “muốn ăn phải lăn vào bếp”, chịu “trầy da tróc vảy”, chứ đâu cứ há miệng ngồi chờ cho sung rụng. Các thừa sai phải vật lộn với chính mình, “trở nên Do thái với người Do thái” (lCr 9, 20). Từ tấm bé đã quá quen thuộc với ngôn ngữ, cảnh vật, con người và xã hội quanh mình đến độ ăn sâu vào tận xương tuỷ, nay phải nói khác, làm khác, ăn khác, đâu có dễ dàng như trở bàn tay. Đúng là phải từ bỏ nhiều thói quen, nếp sống để hoà mình cảm nghĩ và hiểu được như người ta hiểu, phải hoà chung vào dòng cảm nghĩ của những người chung quanh. Bao nhiêu thứ khác lạ khi giáp mặt với xã hội VN! Hội nhập văn hoá thì gặp nhiều khó khăn xảy đến từ chính những anh em thừa sai khác, lại còn khó khăn từ Giáo triều Roma! Quả là như lội dòng nước ngược!
I- GIÁP MẶT VỚI CẢNH VẬT VÀ XÃ HỘI VIỆT NAM
Bước vào xứ sở Con Rồng Cháu Tiên, nhà thừa sai Tây phương như kẻ lạc vào cánh rừng đâu đó miền nhiệt đới! Cảnh vật lạ mắt, trái cây dồi dào[3], nhưng chui vào được cái xã hội này, nhất là hiểu và sống hài hoà với xã hội đầy những phong tục rất khác lạ với châu Âu, đâu có phải ngày một ngày hai mà được!
1. Cây ăn trái trên đất Việt
Ở đây chúng tôi xin đan cử vài trường hợp trong muôn ngàn trường hợp để nói lên sự khác biệt giữa Đông với Tây, cụ thể nhắc tới một số cây ăn trái ở Đàng Trong.
Từ cha sinh mẹ đẻ, các vị thừa sai Tậy phương thường thấy hoa quả chỉ có ở trên cành cây, thế mà bây giờ thấy trái cây khắp cả: từ gốc cây, thân cây, cành cây, những quả là quả, mắt nhìn đã thèm rồi, lại còn hương thơm ngào ngạt, nhất là vào mùa hè nóng nực, mùi thơm càng bốc. Cha Borri, vị thừa sai thường ở Nước Mặn từ năm 1618-1622, gần Quy Nhơn ngày nay, gọi đó là giacca (mít) trong sách bằng tiếng Ý của ông; Borri còn tả hình thù, trong ngoài trái đó ra sao, một người vác một trái đã đủ mệt.
Đến cây banana (chuối, tên khoa học gọi là musa paradỉsiaca) trái của nó lại càng lạ. Mỗi cây chỉ trổ bông một lần trong “đời mình”, bông thì to như bắp vế, từ ngọn cây chui lên, không có cành, chỉ lá với lá, cho tới hàng trăm trái làm cho chính thân cây (cũng chỉ là những cuống lá
ghép lại) phải nghiêng hẳn về một bên, không chống đỡ là bị đổ. Nhiều trái đã vậy, mà ăn thì càng ngon ngọt; khi ăn chẳng cần phải dùng dao như ăn táo, cứ việc lột vỏ từ từ, lột tới đâu cắn tới đó, trẻ thơ cũng tự làm được. Lá chuối vừa dài vừa rộng, chỉ cần một lá che trước, một lá chắn sau là có thể che hết thân người. Cứ thế mà đi thoải mái! Nhân đấy người ta nói rằng, đó là cây Paradiso terrestre (Địa đàng) mà Adam đã dùng để che thân.
Lại còn trái durione (sầu riêng), cha Borri cho là một trong những thứ trái cây quí hiếm nhất thế giới, mà người ta chỉ thấy ở Malacca, Borneo và những đảo lân cận. Người chưa quen ngửi mùi của nó cảm thấy như nôn mửa vì giống như mùi hành thối, nhưng vị của nó lại ngon ngọt không tả được. Bắt mùi rồi thì cứ mê tít đi! Cha Borri viết là có lần chính cha chứng kiến một vị Giám chức vừa đến Malacca, được người ta mời ngài ăn trái này, nhưng ngài gần như nôn mửa, phải từ chối ngay lập tức; sau này khi quen rồi, ngài ăn mãi vẫn không đã[4].
Nói đến calamba (trầm hương), các nhà thừa sai đều bỡ ngỡ vì hương thơm và dược tính của nó, đặc biệt lõi cây khi đã già toàn là nhựa thơm. Thơm đến mức đã có lần cha Bom thử đốt một miếng nhỏ chôn xuống đất sâu 7 palmi (gần 1m), vậy mà vẫn còn phảng phất hương thơm. Thực ra đây là một loại cây mà tiếng bình dân xưa gọi là cây vâu bầu, véo bầu. Cha Đắc Lộ cho là có ba loại cây này:
Calamba, Aquila, Calambouc[5]. Calamba là loại thơm hơn cả, mấc như vàng! Nhà thừa sai Avignon trên đây viết: “Trên mọi miền đất của thế giới, chỉ xứ Đàng Trong mới có cây này”. Đắc Lộ cũng cho rằng sở dĩ yến sào – mà chỉ Đàng Trong mới có loại này – ngon bổ như thế vì chim yến từ các đảo cheo leo ngoài biển bay vào dãy núi phía Tây Đàng Trong mút nhựa trầm hương, bay về đảo nhào trộn với bọt biển, rồi nhả ra làm tổ; vì thế yến sào Đàng Trong mới quí như thế. Đây là món ăn chỉ dành cho bậc vương giả[6] quyền quý .
Những thứ trên đây cùng những thứ tương tự tuy khác với châu Âu nhiều, nhưng không gây trắc trở, trái lại còn làm phong phú cho các thừa sai trong cuộc sống mới ở VN. Nhưng một số điều chúng tôi trình bày sau đây có thể gây khó khăn cho các ông trong cuộc hội nhập văn hoá.
2. Bên tả, bên hữu và màu đỏ
Trong nền văn hoá Trung Đông và Tây phương, bên hữu trọng hơn bên tả; còn ở Việt Nam thì ngược lại: quan Tả quân, như Tả quân Lê văn Duyệt cao trọng hơn quan Hữu quân. Khi tập họp dân chúng hai bên nam nữ, kể cả trong nhà thờ, người ta vẫn phân biệt “nam tả nữ hữu”. Trước đây và ngày nay hầu hết các nhà thờ vẫn quen để nam giới bên tả là bên trọng hơn, còn nữ giới bên hữu (từ phía bàn thờ nhìn xuống), bởi cái phong tục trọng nam khinh nữ xưa, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”! Anh chị em bổn đạo trong nhà thờ thì như thế, nhưng tại bàn thờ dâng lễ, kể cả lễ Di-Sub trước đây, thầy Phó tế đứng bên hữu Chủ tế, còn Phụ phó tế lại đứng bên tả! Chắc hẳn các nhà thừa sai thời xưa rất khó giải thích cho tín hữu Lời Chúa nói về ngày phán xét, người lành bên hữu kẻ dữ bên tả (Mt 25, 31-46). Tuy nhiên ngày nay không còn thành vấn đề, vì từ khi một số nếp sống Tây phương đã lan tràn trong xã hội ta rồi, thì chúng ta cũng quen với cái lối hữu trọng hơn tả.
về màu sắc, Tây phương nhìn màu đỏ tượng trưng cho máu, là màu chết chóc. Việt Nam ta thì lại coi đó là màu hạnh phúc, hên. Vì thế ngày xưa người ta đeo “bùa” thường được làm từ gỗ cây đào có màu hơi đỏ, để được phúc; ngày Tết cần có cành đào trưng trong nhà, bánh pháo cũng bằng giấy đỏ, kể cả bao lì xì cũng đỏ nốt vì nó đựng tiền “lợi thì”. Chùa chiền và trong các nhà thờ xưa, không thiếu gì những thứ sơn son thếp vàng, đó là màu cầu phúc mà! Trong đám cưới cũng có những thứ màu đỏ, như nến đỏ (nến trắng dùng trong tang chế). Thế nhưng trong cái nhìn của Tây phương, màu đỏ lại có nghĩa khác; vì thế ra đường phố chớ dại mà vượt đèn đỏ! Về mặt này, ngày nay hầu như cả thế giới đều theo cái qui ước giao thông ấy.
Một bình luận