2. Khó khăn giữa các nhóm thừa sai khác nhau
Thế kỷ 17-18 có nhiều nhóm thừa sai ở VN: Nhóm thừa sai Paris (MEP) gồm toàn người Pháp, bị ảnh hưởng Pháp; thừa sai Dòng Tên (SJ) gồm nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng quá một nửa là người Bồ, bị ảnh hưởng chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha; thừa sai Đa Minh (OP) hầu hết là người Tây Ban Nha, chịu ảnh hưởng Tây Ban Nha; thừa sai Phan Sinh (OFM) từ đầu thế kỷ 19 trở về trước, hầu hết là người Tây Ban Nha, cũng chịu ảnh hưởng Tây Ban Nha; thừa sai người Ý Dòng Bamabê và Dòng Augutinh, đều chịu ảnh hưởng Ý.
Chỉ nói riêng về mặt Dòng tu, thì mỗi Dòng có linh đạo riêng, phương pháp huấn luyện và hoạt động truyền giáo cũng không hoàn toàn giống nhau; nên công việc truyền bá Tin Mừng của mỗi Dòng khác nhau cũng là điều bình thường.
Nhiều thừa sai vào xã hội Việt đã cố gáng trở nên giống dân Việt bao nhiêu có thể. Họ cũng phải ăn cơm, ở nhà lá, khá hơn thì nhà gỗ, ở nhà sàn nhất là tại Đàng Trong thế kỷ 17-18, mang y phục VN, v.v…
Để tóc dài: Nhiều thừa sai cũng để tóc dài tự nhiên giống phụ nữ như mọi người đàn ông ở đây[35]; cũng phải thắt nơ cột tóc khi cần, như lúc làm việc, đi đường, đến trước mặt vua chúa quan quyền mới xõa tóc đội mũ. Vì ở nước ta chỉ có hai loại người cạo trọc đầu là các nhà Sư, Ni cô và các tù nhân. Để tóc dài tự nhiên như vậy tức là các thừa sai đã lỗi phạm Công đồng Trentô; vì Công đồng buộc các giáo sĩ từ chức cắt tóc trở lên phải cạo một chút tóc hình tròn trên đỉnh đầu , cạo lớn nhỏ là tuỳ theo chức bậc trong hàng giáo sĩ.
Mặc áo thụng VN: Cũng theo Công đồng Trentô, các giáo sĩ phải mạc áo dòng (áo thâm chùng) thường xuyên; khi ra đường còn phải khoác một áo choàng nữa. Thế mà một số vị thừa sai ở VN thời xưa không mặc áo dòng, thay vào đó là áo thụng VN màu đen, nếu vào chầu vua chúa thì áo thụng màu tím. Một số vị thừa sai khác lên tiếng phản đôi, cho rằng mấy ổng “đời” quá, sống theo “thói tục thế gian”!
Để chấn chỉnh lại, cha Pieưe-Francois Favre, thế quyền Đức Cha La Baume (Kinh lý tông toà ở Đàng Trong, qua đời đột ngột 2-4-1741 tại Phủ Cam), trước khi rời bỏ Đàng Trong, thì ngày 27-5-1741 công bố 9 điểm tại Huế, như: buộc các thừa sai phải mạc áo dòng, nút áo và màu áo đều màu đen, phải cát tóc theo lệnh Công đồng Trentô, cấm xem tuồng kịch Việt Nam, cấm dùng mỡ nước heo để chiên xào đồ ăn trong các ngày kiêng thịt, phải cử hành các bí tích hoàn toàn theo sách Các phép Roma, cấm cúng bái tổ tiên[36],v.v…
Ăn chay kiêng thit: Có những vị thừa sai ở VN xưa giải thích rất ngặt việc kiêng thịt trong ngày buộc kiêng, đến nỗi cấm anh chị em bổn đạo không được phép dùng mỡ nước heo để chiên xào, vì như thế là ăn thịt rồi. Những vị khác lại cho là cứ việc dùng như thường; bởi vì ở VN không dùng dầu thực vật mà chỉ dùng mỡ nước heo để chiên xào. Chính Đức Giám mục tông toà Đàng Trong năm 1731 là Alexandras[37] cấm các thừa sai ở Đàng Trong không được phép trói buộc bổn đạo như thế; ai không tuân lệnh Đức Cha, sẽ bị phạt vạ[38].
Ngày lễ Thường hay rơi vào những ngày đầu năm mới. Nếu phải ăn chay kiêng thịt vào dịp đó, thì không hợp tí nào. Bởi lẽ Tết VN rất quan trọng, đâu có giông như Tết Tây phương. Hàng mấy tháng trước đó đã mong Tết, chuẩn bị cho cái Tết. Giàu nghèo đều mong Tết đến. Ăn chay kiêng thịt ngày ấy coi sao được. Nhất là người nghèo mong ngày Tết có miếng thịt bỏ vào miệng! Vì thế, một số thừa sai cho phép bổn đạo trong xứ đạo mình không phải ăn chay kiêng thịt ngày đó, sau này sẽ làm bù; nhưng cũng có những vị ở xứ khác, thậm chí ở sát bên xứ cho phép ăn thịt, chỉ cách nhau một con sông, lại bắt bổn đạo phải giữ chay kiêng thịt theo đúng ngày ghi trong lịch Giáo hội. Để được ăn Tết vui vẻ, không ăn chay kiêng thịt mà vẫn không phạm tội trọng, thì bổn đạo bên xứ buộc giữ chay, chèo thuyền sang bên bờ sông thuộc xứ bên kia ăn Tết thoải mái[39].
Cử hành các bí tích: Các “chất liệu” dùng khi cử hành các bí tích như dầu, nước, bánh, rượu, muối… và nhiều cử chỉ như hà hơi, xức nước bọt, giơ tay ban phép lành theo hình Thánh giá, làm dấu Thánh giá nhiều lần nhất là trong Thánh lễ, việc truyền phép Mình Máu thánh Chúa, xông hương, v.v…càng khó hiểu đối với người chưa gia nhập Giáo hội. Vì thế, một số thừa sai đã thích nghi như sau:
Rửa tội: Đối với người lớn, nhất là phụ nữ, không xức dầu trên ngực, không cho ăn muối, không xức nước bọt, cũng chẳng hà hơi. Tuy thế, nhiều người Lương vẫn còn cho là làm phù phép khi rửa tội, bởi vẫn còn xức dầu trên trán, còn đổ nước và đọc mô thức mà họ cho là làm bùa chú như các thầy phù thuỷ[40]. Cuối năm 1664, lúc cha Chevreuil[41]có mặt ở Hội An, Đà Nẵng, được mấy vị thừa sai ở Đàng Trong đã lâu, xin cha Chevreuil lưu ý: “Trong xứ này người ta không thể giữ mọi cách thức cử hành bí tích như ở châu Âu được”. Chính Chevreuil ghi nhận là: “Mấy nhà thừa sai ở Đàng Trong có thói quen đặt muối trên bàn tay người lớn nam nữ khi rửa tội cho họ, chứ không bỏ vào miệng, vì các vị ấy cho là gương xấu, cũng chẳng xức nước bọt, là những cử chỉ các vị ấy đã chẳng bao giờ áp dụng ở Đàng Trong. Đàng khác, các thừa sai trên chẳng xức dầu trên ngực phụ nữ, cho rằng chồng họ có thể ghen tương đấy. Chính tôi, Chevreuil viết, qua kinh nghiệm, nếu mình làm những cử chỉ ấy cách tế nhị, đoan trang, thì chẳng ngại gì. Mấy vị kia chỉ dựa vào những sự phù phiếm, không có nền tảng”[42] .
Hôn nhân: Một số nhà thừa sai chứng hôn ngay tại nhà trai sau khi vừa rước dâu về nhà chồng[43]. Thực hiện xong các nghi thức chạm ngõ, vấn danh, đặt trầu, ăn hỏi… thường là trong 1,2 năm, đến chính ngày cưới lại có lễ nghinh hôn, lan giai, rồi khi đám rước dâu về tới nhà chồng phải làm lễ gia tiên, lạy cha mẹ, lễ tơ hồng, lễ hợp cẩn, lễ ông Táo, sau đó mới đến tiệc cưới. Vậy sẽ cử hành bí tích hôn nhân tại nhà trai lúc nào đây? – Khi rước dâu về tới nhà trai, đầu tiên cử hành bí tích hôn nhân trước bàn thờ Chúa trong nhà, thay cho lễ tơ hồng ở ngoài trời. Cô dâu chú rể đứng hai bên vị linh mục chứng hôn. Vị này sau khi chứng kiến sự cam kết của đôi tân hôn theo công thức chung của Giáo hội, liền chủ lễ nghi thức hợp cẩn của đôi tân hôn, rồi ngài trao cho cô dâu chú rể mỗi người một miếng trầu, vì trầu là biểu tượng sự ưng thuận, yêu thương nồng nhiệt và lòng kính trọng nhau. Sau đó, đôi tân hôn mới được dẫn đến trước bàn thờ tổ làm lễ gia tiên, rồi lạy cha mẹ, tưởng nhớ Táo quân (có ý nghĩa trung tín, kết hợp bền bỉ giữa đôi trẻ); cuối cùng vào tiệc cưới.
Lễ giỗ: Cha Chevreuil thuật lại một lễ giỗ tại nhà thờ Đà Nẵng cuối năm 1664, có tới 200 bổn đạo tham dự: “Những người bổn đạo này cử hành một nghi thức khá dị đoan trước mạt tôi, mà tôi chảng thể ngăn cấm vị linh mục đã cho tổ chức như thế. Nghi thức này để tỏ lòng tưởng nhớ đến người đã khuất. Họ đặt một chiếc bàn lớn, phía đầu bàn có một bức hình nhỏ [vẽ] hai bên hình đốt hai cây nến, phía cuối bàn mỗi người đều cầm nến cháy [nhang?] đến trước tấm hình lạy trang trọng, rồi đặt nến [nhang?] trên bàn. Vị linh mục đó cho rằng, phải tỏ ra tôn kính người qua đời như thế, để những người Lương không còn tố cáo được là bổn đạo không tôn kính người chết”[44].
Trên đây chúng tôi thuật lại mấy trường hợp khó khăn giữa các nhóm thừa sai khác nhau về vấn đề hội nhập vào xã hội Việt. Xem ra trong việc hội nhập văn hoá ở VN cũng như Trung Quốc, vấn đề khó khăn nhất là nghi lễ thờ cúng tổ tiên, còn những thứ khác ít gay go hơn, hoặc dễ dàng hơn. Vụ việc này do chính Giáo triều Roma can thiệp, nhưng lòng thòng suốt trên 300 năm!
Một bình luận