Nhìn qua những chặng đường thi ca Công Giáo Việt Nam

NHÌN QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG THI CA CÔNG GIÁO VIỆT NAM

PHẠM ĐÌNH KHIÊM

Chúng tôi rất hân hạnh được trình bày những chặng đường phát triển của thi ca Công giáo Việt Nam từ buổi đầu đến ngày nay.
Phạm vi bài lược trình này chỉ cho phép chúng tôi gợi qua những nét nổi bật về mỗi thời kỳ với các thi nhân và các tác phẩm tiêu biểu, thể hiện bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ “Quốc ngữ” và cả Pháp ngữ – vì đã có những thi sĩ công giáo Việt Nam nổi tiếng cả về thơ Pháp văn.

I. THỜI KỲ GIEO TRỒNG

CÔNG NƯƠNG CA-TA-RI-NA
Có ai ngờ những trang giáo sử đầu tiên của Việt Nam Đàng Ngoài (xứ Bắc) là những trang đẹp như thơ. Hãy nghe chứng từ của chính giáo sĩ Đắc-lộ (Alexandre de Rhodes) tông đồ xứ Bắc.
“Vừa được tin chúng tôi tới phủ chúa (Thăng Long) và đã ra nhà ở, thì rất đông người tuôn đến. Chúng tôi rất khó nhọc mới làm hài lòng tất cả. Người nổi bật nhất và cũng là người thứ nhất trong đám người chịu phép rửa tội và nhận đức tin, chính là bà chị (hay em gái) của chúa (Trịnh Tráng). Bà rất thông chữ Hán lại rất giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Ca-ta-ri-na vì bà giống như Thánh nữ mang danh ấy, về nhiệt tâm cũng như về đạo hạnh, về những đức tính tinh thần, cũng như sự sang trọng về dòng họ. Thế là bà đã nhanh nhẹn thông báo cho cụ thân mẫu ơn Thiên Chúa đã ban cho bà và đưa bà vào đạo Ki-tô. Thật là một thu phục rất quan trọng của giáo đoàn mới khai sinh này. Vì bà rất tinh thông hán học và trước đây bà rất sùng đạo tà cho nên các vị sãi gọi bà là thầy, nghĩa là bậc tôn sư, vì khả năng bà có để giáo huấn kẻ khác. Bây giờ bà thay đổi đạo, bà cũng thay đổi chức vụ, bà chuyên chú giáo huấn các bà còn trẻ về phong cách và đạo đức Ki-tô giáo”.
Đến đây chúng ta đi vào một trang thơ thật sự, vì Cha Đắc-lộ kể tiếp :
“Còn con gái bà, công nương Ca-ta-ri-na (cùng mang thánh danh như mẹ) rất ham học biết và suy ngẫm các mầu nhiệm của đạo, và vì công nương ấy rất giỏi về thi ca bản xứ, nên đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến đức Ki-tô giáng thế, cuộc đời, sự Thương khó, Phục sinh và Lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối tập thơ một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc Âm. Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân, khi ca hát và thích thú với lời ca dịu dàng, thì cũng học biết được những mầu nhiệm và chân lý đức tin”
Thế là khi đức tin vừa gieo vào lòng đất chốn kinh kỳ (1627), thì từ một lá ngọc cành vàng đã nảy sinh thiên trường ca vang dội khắp xứ, nhờ phương tiện phổ biến là những bản in khắc gỗ mà đất Thăng Long rất sở trường. Đất nghìn năm văn vật có khác!
Do những liên lạc thường có giữa hai Giáo đoàn Nam Bắc, thi phẩm độc đáo đó hẳn dễ dàng vượt sông Gianh đến với những anh em đồng đạo Đàng Trong. Một tài liệu ghi sự kiện như sau :
“Năm 1622, bà chị của Chúa Đàng Trong xin chịu phép rửa tội. Bà thường nghe những bản hát dạo và tiểu sử các Thánh do một nữ ca sĩ Đàng Ngoài trình bày”
Những từ hát và ca trên đây, trong ngôn ngữ của các giáo sĩ, cũng chỉ về thơ và ngâm của người Việt, khiến liên tưởng đến ca vãn của công nương Ca-ta-ri-na từ 1627 về sau.
Sự kiện thi phẩm của Ca-ta-ri-na không còn truyền bản đến nay là một mất mát to lớn. May thay chúng ta có chứng từ của giáo sĩ Đắc-lộ để thấp thoáng nhìn ngắm ở đó bông hoa đầu mùa của thi ca Công Giáo Việt Nam.
GIÁO SĨ MAJORICA
Giáo sĩ Girolamo (Jêrônimô, Hiêrônimô) Majorica, Dòng Tên, người Ý, là một trong những thừa sai đồng hành và nối tiếp công trình truyền giáo của Cha Đắc-lộ. Ông đã đến Đàng Trong trước, học nói và viết tiếng Việt thành thạo ở đó, rồi mới đến Đàng Ngoài vào năm 1632 và làm bề trên giáo đoàn Đàng Ngoài từ 1650 đến năm từ trần 1656. Hai mươi bốn năm truyền giáo của ông ở Đàng Ngoài chẳng những được ghi dấu bằng những thành quả tông đồ lớn lao cho người đương thời, lại còn lưu lại cho hậu thế một kho tàng văn chương Công Giáo kỳ diệu, mà cho đến nay hậu thế chưa khai thác và biểu dương cho đúng mức. Một tài liệu đã tổng kết công trình tu thư của Majorica như sau :
“Giáo sĩ đã viết rất nhiều sách vở bằng ngôn ngữ và văn tự của xứ Bắc. Giáo sĩ đã phiên dịch hoặc sáng tác hơn 45 quyển: đó là một kho tàng mà Giáo Hội ngày nay gìn giữ và kính trọng. Giáo sĩ có soạn 12 quyển khác bằng văn xuôi hay thơ, ví dụ để ngợi khen Thánh Thể, Đức Bà Maria, các thiên thần, Thánh tổ Inhatiô, Thánh Phanxicô Saviê và các ông Thánh bà Thánh khác. Công việc này làm giáo sĩ rất bận. Luôn cả trên tàu khi đi viếng thăm giáo dân, giáo sĩ không khi nào ngưng công việc.”
Tài liệu trên đây xác nhận các tác phẩm của Majorica gồm cả văn xuôi và thơ, vì sáng tác văn vần bằng chữ nôm là thuận theo xu hướng văn học của thời đại. Tất cả các tác phẩm của ông đều ở tình trạng viết tay, hiện tàng trữ tại Thư viện Quốc gia Paris mà một số đã được chụp hình đem về Việt Nam, và đã có cuốn được nghiên cứu như cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, do Võ Long Tê giới thiệu, chú thích.
THẦY GIẢNG PHAN-CHI-CÔ, cựu HÒA THƯỢNG
Sáng tác thi ca bằng chữ Nôm là một lựa chọn đúng đắn nhất của các văn thi sĩ Công giáo từ buổi đầu truyền giáo. Tuy nhiên ở vào một thời Hán văn còn được sùng thượng, các nhà sáng tác Công giáo cũng không muốn bỏ qua thứ ngôn ngữ này của giới sĩ phu. Do đó đã nảy sinh một áng thơ kinh Hán – Nôm kỳ diệu làm kinh ngạc các giới nho học và là niềm tự hào của giáo dân. Chúng tôi muốn nói đến bản Kinh nguyện giỗ cảm Tạ Niệm Từ, quen gọi Phục Dĩ Chí Tôn.
Bản kinh được soạn thảo theo loại sớ tâu với thể tứ lục, mỗi câu thường có nhiều khúc bốn chữ và sáu chữ, có đối mà không có vần, các câu biền ngẫu và các điệp ngữ áp dụng tài tình tạo cho bản văn một âm điệu khi thì hùng tráng thanh cao, khi thì êm dịu lắng sâu.
Văn thể đó lại chứa đựng một nội dung giáo lý phong phú và những lời cầu khẩn thiết tha, khiêm nhường, khiến người lương cũng như người giáo đều cảm động khi nghe vang lên trong các buổi nguyện giỗ.
Áng danh văn coi như thơ này có một lai lịch khá ly kỳ, được ghi rõ trong cuốn Truyện Nước An Nam Đàng Ngoài Chí Đàng Trong, quyển thứ nhất, Nói sự Đàng Ngoài do linh mục Philipphê Bỉnh viết tay tại thủ đô Bồ-đào-nha năm 1822, hiện tàng trữ tại Thư viện Vatican. Tác giả viết nguyên văn:
“… Mà Kinh Nguyện giỗ (Cảm tạ Niệm Từ) thì thầy ấy (Thầy Phan-chi-cô) nguyên là hòa thượng tu ở chùa Thành Phao làm, thì đặt ra cung sớ vì rằng PHỤC, Dĩ, CHÍ, TÔN, CHẴN, CHÚA, cửu, TRỪNG”
Linh mục Bỉnh còn nói rõ thêm chi tiết :
“Đến khi người (thầy cả Jêrônimô Majorica ra Kẻ Chợ (Thăng Long) thì cãi lẽ (tranh luận) với mười sư Hòa thượng ở trước mặt nhà Vương (Chúa Trịnh) cùng các quan triều thần văn vũ mà mười thầy Hòa thượng ấy đều thua lẽ người. Cho nên, Sư Hòa thượng thứ nhất cũng là quan văn mà đi tu ở chùa Thành Phao mới xin chịu đạo, thì người rửa tội cho cũng đặt tên Thánh cho là Phan-chi-cô. Từ khi thầy tu ấy chịu phép rửa tội thì chẳng trở về chùa Thành Phao nữa, liền xin ở cùng thầy cả Jêrônimô mà giúp việc ngưởi (soạn kinh sách)” (trích trang 28, 29).
Thế là vườn thơ công giáo Việt Nam có thêm một thi nhân độc đáo, từ Hòa thượng trở thành đệ tử Chúa Kitô:thầy giảng Phan-chi-cô.
THẦY GIẢNG GIO-AN THANH MINH
Trong khi giáo sĩ Majorica và thầy giảng Phan-chi-cô cựu Hòa thượng phô diễn Lời Chúa qua thi ca ở miền Bắc, thì ở xứ Nam sứ mệnh ấy cũng được theo đuổi một cách hào hứng do một thầy giảng mang tên Gio-an Thanh Minh (1588-1663) – Gio-an là tên Thánh bổn mạng ghép với tên quê nội và sinh quần là Thanh Minh, một xã thuộc quận Bình Sơn tỉnh Quãng Ngãi.
Cha mẹ ông là người ngoại. Thân sinh là một quan chức lớn vào bậc thứ nhì trong tỉnh. Ông sớm nổi tiếng là một nhà nho thông thái và một thi sĩ thời danh. Vào năm 1622, lúc ông được 34 tuổi, ông được đọc các sách giáo lý chữ nho do các cha Dòng Tên đem từ Trung hoa vào. Cha Manuel Fernandez truyền giáo ở vùng Hội An – Quảng Nam – Quảng Ngãi, đã dạy đạo và rửa tội cho ông và vợ ông. Sau ông trở thành thầy giảng, và đã đưa nhiều người vào đạo do uy tín, học thức, lời giảng và các tác phẩm của ông. Có một giai đoạn lòng đạo đức của ông suy giảm, ham rượu chè, bỏ xưng tội. Nhưng rồi một giấc mơ về Đức Mẹ và những lời thúc giục của đồng đạo đã làm cho ông hối cải, tìm đến Hội An gặp các giáo sĩ, nhận lại chức thầy giảng, viết sách và hoạt động tông đồ ở đó cho tới khi chết vinh quang vì Đức tin dưới lưỡi gươm của lý hình ngày 11/5/1663.
Đúc kết các nguồn sử liệu truyền giáo, nhà nghiên cứu Võ Long Tê viết :
“Thầy giảng Gio-an Thanh Minh viết nhiều thi phẩm chữ Nôm về tiểu sử các danh nhân và các thánh như Constantini le Grand, Barlam Josaphat, Maria Madalêna. Inhaxiô Loyola, Phanxicô Xaviê, Dôminicô, Catarina … Georg Schurhammer kiểm điểm tất cả là 15 tác phẩm.
“Thi phẩm cùa ông được viết với: “lời thơ hết sức chải chuốt cùng với lòng thành kính lớn lao đến nỗi làm cho các truyện ấy được ưa thích bởi hết mọi người trong xứ. Giới quan lại đương thời đã chú ý và chịu ảnh hưởng các thi phẩm của Gioan Thanh Minh. Chính Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1658) khi nghe ông ngâm thơ cũng phải khen”
LINH MỤC LỮ – Y ĐOAN
Đến đây chúng ta gặp một thi sĩ công giáo Việt Nam, ngay từ buổi đầu truyền giáo, đã muốn phô diễn Kinh Thánh bằng thơ lục bát với ý hướng hội nhập văn hóa dân tộc. Đó là thi sĩ linh mục Lữ Y Đoan, tác giả bộ sấm Truyền Ca.
Lữ – Y Đoan (1613? – 1678) sinh quán vùng Quãng Ngãi thuộc Dinh Trấn Quảng Nam, nguyên là một thầy giảng kỳ cựu và thông thái của Giáo đoàn Đàng Trong, thụ phong linh mục năm 1676 khi đã cao niên, và chỉ làm mục vụ được hai năm rồi từ trần (1678).
Ông đã cống hiến trọn thời giờ và thi tài của ông vào việc soạn cuốn Sấm Truyền Ca bằng thơ lục bát để phổ biến Thánh Kinh cho giáo hữu. Tác phẩm quý giá đó đã chịu số phận phiêu dạt và mất mát trong đêm tối lịch sử. Mãi 150 năm sau, nó mới tái xuất hiện bên dòng sông nước Cửu Long: Từ Cái Mơn, ông Simong Phan Văn Cận, người đã có công lưu trữ và chuyển dịch tác phẩm này từ chữ nôm sang chữ quốc ngữ, đã ghi lại như sau :
“… Sách này của thầy (Lữ – Y Đoan) bị nhiều thầy cả Tây dang hồi đó không ưng vì nó lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo rất ưa và chép lại để đọc. Sau đó cuộc bắt đạo nổi lên, có mấy gia thất chạy vào miền Nam ẩn tránh, cho đến năm 1810, tại Cái Mơn, được biết có sách này, nhưng ít người đọc chữ nôm. Đến năm 1816 nhiều thầy cả dạy tôi chịu khó viết ra chữ quốc ngữ, tôi vâng lời làm như vậy. Nhờ chữ quốc ngữ nên bổn đạo chép theo được và ham đọc lắm, có nhiều người biết chữ nho, lấy làm hay, họ cũng xin chép dể dành đọc”.
Tại Cái Mơn ngày 8 tháng chạp tây năm 1820, ký tên : Simon Phan Văn Cận
Từ bản quốc ngữ đầu tiên này, nảy sinh nhiều bản sao khác, như bản của ông Vêrô Trần Hớn Xuyên ở Cái Tắc (đề ngày 17/5/1910); bản của L.m Phaolô Quy có nhuận sắc và ghi số câu Kinh Thánh. Hai bản này sau lại làm nảy sinh hai bản khác còn tồn tại đến nay: bản của ông Paulus Tạo (báo Nam Kỳ Địa Phận) và bản của ông Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn (báo Tông Đồ).
Bản của Nguyễn Văn Nhạn hiện có trước mắt chúng tôi gồm 174 trang đánh máy dòng đôi khổ 21 X 27, đã chép trọn quyển I : Tạo đoan kinh (Genesis) và một phần quyển II : Lập Quốc kinh (Exodus) cho đến khi không đọc nổi những trang hư nát nên không chép nữa. Chép xong ngày 20/12/1956, ký tên Thaddoeus Nguyễn Văn Nhạn (báo Tông đồ).
Tạo đoan kinh còn nguyên vẹn 3599 câu. Lập quốc kinh còn 1631 câu. Tổng cộng 5230 câu.
về sự kiện văn hóa và lịch sử độc đáo này, giáo sư Trần Thái Đỉnh đã nói lên cảm nghĩ sơ khởi của mình như sau – cũng là cảm nghĩ của mỗi người chúng ta.
“Cảm tưởng đầu tiên khi cầm trong tay và đọc tập “Sấm Truyền Ca ” là vui mừng và hãnh diện vì mình có một tài liệu quý giá như thế cả về giá trị văn học lẫn về phương diện lịch sử (…)“Đi sâu vào bản văn, người ta không thể không kính phục sâu xa đối với nền học vấn uyên bác (Nho, Phật) và uyên thâm (thâm nho) của tác giả, khiến tác giả đã có thể “ung dung ” vận dụng sự hiểu biết của mình để đưa Thánh kinh vào trong văn hóa dân tộc và sử dụng văn hóa dân tộc để trình bày đạo lý của Thánh kinh. Đây là công việc mà ngày càng được Giáo hội mạnh mẽ khuyến khích, sau khi đã có những đổi mới rất táo bạo của Công đồng Vatican II, như việc dùng tiếng nói của mỗi dân tộc thay cho tiếng La tinh làm ngôn ngữ của Phụng Vụ, v.v… nhất là để cử hành thánh lễ và các bí tích” .
Vấn đề được đặt ra cấp bách là đến bao giờ di sản văn hóa công giáo số một trên đây mới trở thành tài sản chung của mọi người dưới dạng ấn phẩm Sấm Truyền Ca có hiệu đính và chú thích đầy đủ ?
ÔNG RAPHAEL ĐẮC LỘ
Đọc sử truyền giáo Việt Nam, chúng ta nhớ giáo sĩ Đắc Lộ sau khi rời Việt Nam, để lại một người con thiêng liêng mang đích danh của giáo sĩ kết hợp với tên thánh Raphael, là Raphael de Rhodes tức Raphael Đắc Lộ, sau sẽ là một nhà trí thức, một nhân sĩ, một tông đồ giáo dân vị vọng ở đất Thăng Long.
Raphael Đắc Lộ (1611 – 1687) nguyên quán ở Quảng Nam, quen biết giáo sĩ Đắc Lộ lúc 13-14 tuổi, ngay khi người mới tới địa phương này và bắt đầu học tiếng Việt với Cha Pina. Hãy nghe Cha Đắc Lộ kể lại :
“Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này, trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu bé không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh hiểu những điều tôi muốn nói. Và thực tế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta {tức của người Châu Âu), học viết và học giúp lễ nữa (bằng tiếng La-tinh), Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha (…) cậu rất mến thương tôi nên đã muốn lấy tên tôi đặt cho cậu.
Khi Cha Đắc-lộ rời Đàng Trong (1626) để đi truyền giáo Đàng Ngoài, cậu Raphael ở lại với giáo sĩ Leria người Ý, trở thành thầy giảng, để rồi năm 1640 tình nguyện cùng với giáo sĩ này đi truyền giáo tại Lào, qua ngã Xiêm (Thái Lan). Vượt bao nhiêu trở ngại, mãi tới năm 1642, cha Leria, thầy Raphael và mấy thầy giảng Việt Nam khác mới tới được kinh đô Lào, được nhà vua tiếp kiến và cho phép truyền giáo. Sau năm năm hoạt động không mấy kết quả, đầu năm 1647 cha Leria và thầy Raphael rời đất Lào bằng đường bộ. Leria về Macao. Raphael ở lại Thăng Long, thôi làm thầy giảng, lập gia đình với bà Pia, dần dần trở thành một thương gia giàu có, một nhân sĩ có thế lực và là một tông đồ giáo dân thượng thặng. Chính ông đã xây ngôi nhà thờ kính Thánh Giuse ngay trong khuôn viên nhà ông tại Thăng Long và ân cần tiếp đón, nâng đỡ các giáo sĩ, thầy giảng và giáo dân như cột trụ của Giáo Hội Đàng Ngoài lúc giao thời giữa công cuộc truyền giáo của Dòng Tên với công cuộc của Hội Thừa Sai truyền giáo tại Paris.
Ông còn là nhà trí thức tân tiến, thông thạo các tiếng Hán, Nôm, La tinh, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Lào, Xiêm, …. Và điều liên hệ nhất với chúng ta ở đây là ông đã sáng tác cả văn thơ, cụ thể là Vãn Thánh Giuse và Vãn ông Tôbia.
Lòng sùng kính Thánh cả Giuse của ông Raphel Đắc-lộ thật xứng đáng với lòng đạo đức của giáo sĩ Đắc-lộ, người Cha thiêng liêng của ông và là tông đồ của Thánh cả Giuse ở Việt Nam.

Kiểm tra tương tự

Đời sống chứng tá của Kitô hữu trong xã hội thế tục

Nguồn ảnh: Christophe Olinger Chuyến tông du lần thứ 46 của Đức Thánh Cha Phanxicô …

Tại sao nước Mỹ có ít bậc hiển thánh và chân phước?

  Có vị thánh nào gốc người Mỹ không, hay tất cả đều từ nơi …

Một bình luận

  1. Chúng ta đừng quên rằng chữ Quốc ngữ được các nhà truyền giáo Dòng Tên tại Việt Nam sáng chế dựa trên ký tự Latinh vào nửa đầu thế kỷ 17 và suốt một thời gian dài tới cuối thế kỷ 19 chỉ được lưu hành trong giới Công giáo. Tuy rằng ngoài học giả, thi sĩ thì giờ việc có thể đọc viết được chữ Nôm không còn nhiều người có thể sử dụng được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *