Những nẻo đường theo Chúa từ Hồi ký thánh I-nhã

Người Giáo Dân luôn đóng vai trò quan trọng đời sống của Giáo Hội địa phương và toàn cầu, vì thế việc thăng tiến đời sống Giáo Dân là một trong những công việc mục vụ luôn cần được chú ý. Chương trình Magis là một đóng góp nhỏ bé để đồng hành với anh chị em Giáo Dân trong việc trau dồi về Thánh Kinh, Thần Học Căn Bản và đặc biệt về đời sống Đức Tin và Tâm Linh. Thời gian qua, anh chị em tham dự chương trình đã tìm hiểu  thánh I-nhã qua việc đọc Hồi Ký của ngài, và qua việc viết lại cách sơ lược về thánh nhân, cũng như những cảm nhận cá nhân về thánh I-nhã và linh đạo của ngài. Dưới đây xin chia sẻ bài viết của chị Phạm Thị Thuý Loan về thánh I-nhã (Lm.GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ).

———-

 

„Ta là con đường duy nhất“

(x.Ga 14,6)

 

Những nẻo đường theo Chúa từ Hồi ký thánh I-nhã

 

 

Maria Teresa Phạm Thị Thuý Loan

 

1. Lời tựa

 

„Ta là con đường duy nhất“ (x.Ga 14,6). Chúa Giêsu Kitô là vị thầy duy nhất trên hết các vị thầy. Chính Ngài là con đường duy nhất, đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Giây phút xảy ra cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa có thể là một kỳ công hay chỉ được cảm nhận như làn gió hiu hiu thổi (1V 19,12). Thánh I-nhã đã từng có kinh nghiệm về một tiếng gọi rất riêng, một lời mời gọi hãy yêu, hãy bước theo và sống theo Đức Giêsu Kitô, đi với Ngài từng bước.

Những kinh nghiệm về hành trình theo Chúa của thánh I-nhã thực sự quý giá đối với chúng ta, để mỗi người tùy theo ơn gọi của mình, có thể áp dụng vào cuộc sống bước theo Chúa Kitô.

 

Khi Chúa chọn ai thì Ngài sẽ ban đủ ơn, chuẩn bị rất kỹ và dọn sẵn cho kẻ ấy một hành trình để đón nhận sứ mạng. Hành trình Chúa dẫn dắt không như tô mì gói ăn liền, nhưng được mở dần dần, để đón nhận những ý định và kế hoạch Chúa dành riêng cho kẻ được chọn.

Thật vậy, Đấng Phục Sinh sẽ hẹn gặp mỗi người chúng ta trên nẻo đường riêng của người ấy, như ngôn sứ Isaia đã từng nói: „Ta là Thiên Chúa của ngươi, Ta dạy dỗ ngươi vì lợi ích của ngươi, Ta dẫn đưa ngươi trên nẻo ngươi đang đi“ (Is 48,17).

 

2. Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời thánh I-nhã như thế nào

Thánh I-nhã xuất thân từ một gia đình thuộc hàng quý tộc ở Tây Ban Nha. Ngài là con trai út và mồ côi mẹ từ nhỏ. Ngài có 10 anh chị, ngoài ra cha ngài có ít là hai người con ngoài hôn nhân.

 

Cho đến năm 26 tuổi, từ một hiệp sĩ chỉ mải mê những chuyện phù phiếm thế gian, đặc biệt là ham mê võ nghệ và ước ao trở thành người nổi tiếng, phục vụ triều đình Tây Ban Nha, thánh I-nhã đã bị Chúa chinh phục, để trở thành hiệp sĩ phục vụ Đức Kitô.

 

2.1 Tiếng gọi Đức Kitô và tiếng gọi thế gian

 

Đối với ngài, Pamplona có thể là cơ may để ngài tiến thân, nhưng Chúa đã biến Pamplona thành khúc quanh của đời ngài.

 

Thánh I-nhã đã tham gia trận đánh tại Pamplona vào năm 1521, và ngài đã bị thương ở chân, khi quân Pháp tấn công pháo đài. Ngài được đưa về chữa trị và dưỡng bệnh tại lâu đài Loyola của gia đình. Chính tại nơi đây khởi đầu một hành trình mới, những bước đường theo Chúa. Trong những ngày dưỡng thương, ngài vẫn luôn mơ tưởng nhắm đến công danh. Ngài muốn đọc những cuốn sách tiểu thuyết kiếm hiệp để giết thời gian, nhưng người ta chỉ đưa cho ngài hai cuốn sách: Hạnh các ThánhCuộc đời Chúa Kitô. Khi đọc hai cuốn sách này, thì hai hình ảnh thay phiên nhau chiếm đoạt tâm trí ngài: một bên là hình ảnh các hiệp sĩ tìm công danh và làm đẹp lòng một phụ nữ quí phái, bên kia là hình ảnh các thánh, sống nghèo khó và khiêm tốn, làm môn đệ Ðức Kitô.

 

Hình ảnh trước đem đến cho ngài niềm vui hời hợt và mau qua, sau đó là trống rỗng, vô nghĩa. Trái lại, hình ảnh sau làm cho ngài hưởng niềm vui sâu xa và lâu dài. Gương các thánh thúc đẩy ngài: “Thánh Phanxicô đã làm như thế, tôi cũng phải làm như thế; thánh Ðaminh đã làm như vậy, tôi cũng phải làm như vậy.”

Ngài phác họa tương lai: đi chân không, chỉ ăn bánh mì và rau cỏ, chỉ uống nước lã, đi hành hương Giêrusalem để đền tội, sau đó có thể vào một dòng khổ tu, hay sẽ không vào dòng để được tự do sống khổ hạnh.

 

Ngài siêng năng dành thời gian cố gắng ghi chép lại những điều quan trọng nhất trong đời sống Đức Kitô và các thánh.

 

Tiếng gọi Đức Kitô đã xâm chiếm tâm hồn ngài. Nhờ đọc sách Chúa soi sáng, nên ngài bắt đầu suy tư, suy nghĩ nghiêm chỉnh hơn về đời sống quá khứ của mình. Ngài ao ước bắt chước sống như các thánh. Khi suy nghĩ đến những chuyện thế gian thì thấy thích thú; nhưng khi mệt mỏi, thôi không nghĩ nữa, lại thấy trống rỗng và buồn chán. Trái lại khi nghĩ đến việc đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm, thì ngài cảm thấy an ủi và vẫn thấy vui thích.

 

Chúa soi sáng cho ngài hiểu biết, nhận ra những điều thuộc về Thiên Chúa, những điều thuộc về thế gian. Ngài dần dần suy xét và nhận ra sự khác biệt giữa các tác nhân khác nhau tác động nơi mình, tác động của ma quỷ và tác động của Thiên Chúa. Điều này đã giúp ngài khi phân định.

 

Chúa đã gieo vào lòng ngài các ước muốn thánh thiện được xác chuẩn bằng thị kiến. Trong một đêm khi không ngủ, ngài thấy rõ ràng hình ảnh Đức Mẹ cùng với Chúa Giêsu Hài Đồng. Kể từ sau đó ngài cảm thấy ghê tởm tất cả cuộc sống quá khứ và không bao giờ ưng thuận với những cám dỗ xác thịt. Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa trong các giờ cầu nguyện thật sốt sắng, tâm hồn ngài cảm thấy phấn khởi an ủi mỗi khi nhìn lên trời và các vì sao, vì điều này nuôi dưỡng ngài lòng khao khát ước muốn phục vụ Chúa.

 

2.2 Đêm tối thiêng liêng

 

Một ngày cuối tháng 2 năm 1522, sau khi bình phục, ngài đến tu viện dòng Biển Đức tại Montserrat. Sau ba ngày xét mình và xưng tội chung cả đời, ngài cởi bỏ trang phục của mình, mặc trang phục của kẻ hành hương vô danh, giã từ dĩ vãng.

 

Tại Manresa khác với cuộc sống khi xưa, ngài không còn quan tâm đến hình dạng bên ngoài của mình nữa. Ngài để cho râu tóc, móng tay, móng chân mọc bừa bãi. Ngài thấy vui với cuộc sống mới này và cảm thấy được an ủi. Mang dòng máu hiệp sĩ với nhiều hoài bão, ngài chỉ muốn ganh đua với các thánh, muốn làm nhiều điều hơn các thánh, chứ ngài chưa nhận định rõ ràng làm những điều ấy, vì lòng yêu mến Chúa. Trong bốn tháng đầu ngài quyết tâm qùy gối cầu nguyện mỗi ngày 7 giờ, dự lễ, dự giờ kinh phụng vụ, hành khất, ăn uống kham khổ.

 

Giai đoạn khó khăn bắt đầu khuấy động tâm hồn ngài. Ngài bối rối với những tội lỗi trong quá khứ, lo lắng về tương lai. Những giờ cầu nguyện của ngài trở nên khô khan. Ngài chán ngán đến nỗi tính cả tới chuyện tự tử. Mặc dù ngài đã tìm hết cha linh hướng này đến cha linh hướng khác, mà tình trạng bối rối về những tội lỗi trong quá khứ vẫn không chấm dứt. Ngài không biết rằng, Thiên Chúa đang dùng đêm tối thiêng liêng để thanh luyện linh hồn ngài. Ngài chỉ còn biết kêu xin Chúa: „Lạy Chúa, xin cứu con! Không còn ai, không còn thụ tạo nào cứu chữa được con nữa. Nếu biết phải làm thế nào thì khó khăn đến đâu con cũng làm. Lạy Chúa, xin cho con biết phải tìm ở đâu. Dù có phải đi theo một con chó con để tìm được thuốc chữa trị, con cũng sẽ đi.“ (Hk 23).

Nhớ đến chuyện một vị thánh, vì muốn xin Chúa ban ơn vị ấy rất mong ước, nên đã nhịn đói nhiều ngày cho tới khi nhận được ơn. Thánh I-nhã đã quyết tâm nhịn đói nhiều ngày và giữ các việc đạo đức, để xin ơn Chúa sẽ giải thoát ngài.

 

Cuối cùng là giai đoạn soi sáng và an ủi mãnh liệt. Thiên Chúa dạy dỗ ngài như thầy giáo dạy một em bé. Nhờ lòng từ bi của Chúa, ngài được dạy cho chút kinh nghiệm về các tác nhân, ngài được hoàn toàn sáng suốt không xưng lại bất cứ tội cũ nào nữa. Ngài được Chúa giải thoát khỏi các bối rối tâm hồn.

 

Kinh nghiệm về hai tác nhân là bước đầu tiên và căn bản về đời sống thiêng liêng của thánh I-nhã. Trong Linh Thao, nhận định các tác nhân là một trong những điểm căn bản cho những người muốn tiến bước trên đường thiêng liêng: thánh I-nhã đề ra hai loạt qui tắc để nhận định các tác nhân, một cho những người khởi sự bước vào đời sống thiêng liêng (LT 314-327), một cho những người đang tiến tới trên đường thiêng liêng (LT 328-336).

 

2.3 Phân định ơn gọi 

 

Ở Cardoner ngài đón nhận ơn ngoại thường là nhận ra ý nghĩa tất cả các ơn gọi. Những chân lý đức tin trở nên sáng tỏ: Thiên Chúa Ba Ngôi, Sáng Tạo, Cứu Chuộc, Thánh Thể, Hội Thánh. Thánh I-nhã được đưa vào các mầu nhiệm thần linh, đồng thời được mời gọi cộng tác với Ðức Kitô, để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Với ơn soi sáng ở Cardoner, thánh I-nhã thấy mình trở nên một con người mới. Ơn soi sáng ở Cardoner xác định dứt khoát cái nhìn siêu nhiên của thánh I-nhã về thế giới và lịch sử, đồng thời biến ngài từ chỗ ước ao sống khổ hạnh đến chỗ xả thân “giúp đỡ các linh hồn”, bằng việc giúp họ học giáo lý và tập cầu nguyện, hướng dẫn linh thao, gặp gỡ đồng hành thiêng liêng.

 

Lòng yêu mến Chúa khiến ngài ước ao rèn luyện đức tin, đức cậy và đức mến, tức là đời sống siêu nhiên. Ngài muốn được sống gần gũi, thân thiết với Ðức Kitô hơn, muốn đặt chân mình trên vết chân của Chúa tại Ðất Thánh. Với thái độ bình tâm ngài không lo lắng bị đói khát, rét mướt, cực khổ, khinh chê. Ngài đón nhận tất cả với lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ngài khao khát ước ao đi truyền giáo cho người Hồi Giáo tại Ðất Thánh. 

 

Những kinh nghiệm thiêng liêng tại Manresa được thánh I-nhã đúc kết thành tập Linh Thao, sau này ngài dùng để giúp đỡ các linh hồn và qui tụ các bạn cùng chí hướng.

 

2.4 Nhận sứ mạng từ Đức Thánh Cha là nhận sứ mạng từ chính Đức Kitô

 

Thánh I-nhã luôn khiêm tốn phó thác bản thân cho sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, để tránh bước đi trên con đường của riêng mình, nhưng là bước đi trên con đường của Thiên Chúa.

Ngài khám phá ra mình được Đức Giêsu Kitô kêu gọi sống với Người, để mưu cầu ơn cứu độ, làm vinh danh Chúa Cha và mưu ích cho các linh hồn.

 

Từ khi nhận ra ý Chúa, không muốn mình ở lại Giêrusalem, ngài thường tự hỏi phải làm gì. Ngài nhận ra, muốn tìm thánh ý Chúa và đi theo Chúa Giêsu khó nghèo, thì phải từ bỏ ý riêng của mình. Ngài thường xuyên chiêm ngắm Chúa Giêsu, để hiểu biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn. Nhờ hiểu biết Chúa, ngài thêm lòng ao ước được nhận lãnh tất cả mọi sự từ tay Chúa: không nhận lãnh điều gì ngoài lòng yêu mến Chúa và được tự do để Chúa sử dụng.

 

Thánh I-nhã nhận ra vốn kiến thức của ngài, vừa sơ sài, vừa mất căn bản, thì không thể giúp đỡ các linh hồn. Ngài quyết định bắt đầu việc học lại từ đầu, phải tìm những người bạn cùng chí hướng, để hoạt động tông đồ được mở rộng và hữu hiệu hơn. Ngài hy sinh việc tông đồ, bớt giờ cầu nguyện, chấp nhận bỏ đời sống hành khất đã quen từ nhiều năm, để có thể học hành đến nơi đến chốn. Thánh I-nhã đã kết một nhóm bạn trong Chúa, với chung chí hướng là tuyên khấn sống thanh bần, đi hành hương Giêrusalem và làm việc tông đồ giúp đỡ các linh hồn.

 

Mang dòng máu hiệp sĩ tài giỏi đầy nhiệt huyết, nhưng Chúa đã biến đổi trái tim ngài trở nên mềm mại, sống khiêm nhường và từ bỏ ý riêng. Ngài rất cương quyết với mọi quyết định của mình, nhưng luôn coi quyết định của bề trên có thẩm quyền, là ý muốn của Chúa, nên ngài luôn vâng lời. Ngài nhận ra, chính Đức Thánh Cha là người đứng đầu toàn thể Hội Thánh, là vị đại diện Đức Kitô ở trần gian trao phó sứ mạng tông đồ, có thể sai ngài đến bất cứ nơi nào tuỳ ý. Ngay cả việc ngài không được phê chuẩn đến Giêrusalem truyền giáo. Ngài đã sống khiêm nhường, phó thác và rèn luyện đức tính vâng phục bề trên, vâng phục Đức Kitô.

 

3. Các thị kiến nguồn an ủi thiêng liêng

 

Thánh I-nhã kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, nên ngài rất nhạy bén với những chuyển động trong tâm hồn. Ngài khiêm nhường để Chúa Thánh Thần dẫn đi từng bước. Những thị kiến thường xảy ra, giúp ngài phân định và xác chuẩn mọi quyết định trong những ơn gọi. Nhất là việc soạn Hiến Chương cho Dòng Tên. Những thị kiến mà ngài được Chúa ban cho, đã an ủi và nâng đỡ linh hồn ngài.

 

Thánh I-nhã hay được Chúa xác chuẩn những kế hoạch bằng thị kiến:

 

  1. Thấy rõ ràng hình ảnh Ðức Mẹ cùng với Chúa Giêsu Hài Ðồng. Thị kiến này khiến ngài cảm thấy ghê tởm tất cả cuộc sống quá khứ, đặc biệt là những chuyện xác thịt. Sau thị kiến này ngài không bao giờ mảy may ưng thuận với những cám dỗ xác thịt.
  2. Thấy một hình thể có hình dạng một con rắn, với nhiều điểm lấp lánh như những con mắt, nhưng không phải mắt. Khi nhìn thấy cảm thấy thích và được an ủi nhiều. Càng nhìn, càng được an ủi hơn, và khi nó biến đi, thì ngài thấy buồn.
  3. Hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi dưới dạng ba phím đàn trong một nốt nhạc.
  4. Hiểu biết về cách thức Thiên Chúa sáng tạo thế giới, như một vật thể trắng phát ra những tia sáng và Thiên Chúa là ánh sáng.
  5. Hiểu biết Chúa Giêsu ở trong bí tích Thánh Thể thế nào.
  6. Thấy bằng con mắt nội tâm nhân tính của Đức Kitô, như một vật thể trắng, không phân biệt được các phần thân thể. Ngài cũng nhìn thấy Đức Mẹ với hình dạng tương tự như vậy.
  7. Ơn Soi Sáng tại Cardoner. Hiểu và biết được nhiều điều, cả những điều thuộc bình diện thiêng liêng cũng như những điều thuộc lĩnh vực đức tin và kiến thức. Một trí khôn khác với trí khôn đã có trước đó.
  8. Thấy Đức Kitô như mặt trời, vật thể tròn và lớn hình như bằng vàng.
  9. Thấy Thiên Chúa Cha, những lần khác thấy Ba Ngôi Thiên Chúa, những lần khác nữa lại thấy Ðức Mẹ, lúc thì chuyển cầu cho Cha, lúc thì xác chuẩn cho Cha.
  10. Tại nhà nguyện La Storta, ngài thấy rõ Thiên Chúa Cha đặt mình với Đức Kitô là Con của Người.

 

Có hai thị kiến quan trọng nhất ảnh hưởng trên linh đạo thánh I-nhã:

 

Thị kiến thứ nhất thường được gọi là Ơn Soi Sáng Cardoner. Cao điểm của „giáo án“ mà „thầy giáo“ là Thiên Chúa dành cho „học trò“ I-nhã. Những điều mà Thiên Chúa ban cho ngài, không phải là điều này điều kia, nhưng là một ánh sáng siêu nhiên mãnh liệt, giúp ngài xác tín về các chân lý đức tin đã được dạy trước đó, đồng thời xác tín về ơn gọi tông đồ mà ngài đã nhận biết.

 

Thị kiến thứ hai hết sức quan trọng mà người ta quen gọi là thị kiến La Storta: „Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, thánh I-nhã nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ Chúa Cha đặt ngài cùng với Chúa Kitô, Con của Ngài. Thánh I-nhã không còn nghi ngờ gì nữa. Ngài xác tín Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con“. Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp ngài và các anh em nhận ra được ơn gọi, để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

 

Ơn Soi Sáng ở Cardoner và ơn kết hiệp ở La Storta là hai điều then chốt, để hiểu thánh I-nhã và Dòng Tên, phần nào như mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, giúp hiểu về Chúa Giêsu và Hội Thánh.

 

4. Những điểm nổi bật trong linh đạo thánh I-Nhã

 

Những bước đường theo Chúa của thánh I-nhã không chỉ là những bước đường theo Chúa của toàn thể Dòng Tên, nhưng còn là của từng tín hữu giữa những bối cảnh Giáo hội hiện nay.

Tôi có thể rút tỉa ra được những giáo huấn nào từ linh đạo thánh I-nhã:

 

  1. Chọn Chúa Giêsu là bạn đường, tiến từng bước theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chứ không đi trước và trở nên khí cụ trong tay Thiên Chúa.
  2. „ad majorem Dei gloriam“ nghĩa là để Thiên Chúa được vinh danh hơn.
  3. Đến bất cứ nơi đâu mà Đức Giáo Hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.
  4. „Hơn nữa“ là một nét đặc trưng trong linh đạo thánh I-nhã. Chọn điều này hay điều khác, tiêu chuẩn là điều nào tốt hơn.
  5. Không sống và làm việc đơn độc, nhưng trong một nhóm bạn mà Chúa Giêsu là đầu.
  6. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Đức Thánh Cha vô điều kiện.
  7. Giữ lòng bình tâm, nghĩa là không nghiêng về bất cứ một thọ tạo nào. Chúa là trung tâm điểm trong cuộc đời.
  8. Đức tính tuân phục.

 

5. Những điểm tâm đắc nhất trong hồi ký Thánh I-nhã.

 

Thiên Chúa dùng nhiều cách thức khác nhau để dạy dỗ mỗi linh hồn. Thiết nghĩ khi đọc một tác phẩm thiêng liêng ta có thể tâm đắc rút ra được điều gì lợi ích cho linh hồn mình.

 

Trong hồi ký Thánh I-nhã tôi ghi nhận nhiều hơn nữa, nhưng chỉ xin nêu ra 9 điều:

 

  1. Chọn Thánh ý Chúa làm trung tâm điểm cho cuộc đời.
  2. Cần phân định để nhận ra sự khác biệt giữa các tác nhân, đâu là tác động của ma quỷ và tác động của Thiên Chúa.
  3. Quyết tâm làm những việc làm vừa lòng Chúa, vui lòng Chúa và vì yêu mến Chúa.
  4. Trung thành cầu nguyện và làm các việc đạo đức, là liều thuốc chữa trị bệnh bối rối hay những bất an trong đời sống thiêng liêng.
  5. Thiên Chúa như là thầy giáo đối xử với một học trò.
  6. Nhìn thấy sự hiện diện của Chúa bằng con mắt nội tâm.
  7. Sống tinh thần ước muốn chỉ đặt trọn tin tưởng, yêu mến và hy vọng nơi một mình Thiên Chúa thôi. Thái độ “bình tâm”.
  8. Ước muốn làm những điều mưu ích cho các linh hồn.
  9. Khao khát Chúa nhiều hơn nữa, để bất cứ lúc nào muốn gặp Chúa đều gặp được.

 

6. Lời kết

 

Đọc những trang hồi ký của thánh I-nhã, tôi như được ánh sáng nhìn lại hành trình cuộc đời mình, hành trình một kẻ luôn ước ao tìm thấy Chúa giữa những biến cố trong cuộc đời mình và ơn gọi của tôi là gì? Tôi thiết nghĩ hành trình theo Chúa của mỗi người sẽ không ai giống ai, vì Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương mỗi linh hồn, với những cá biệt riêng. Chỉ mình Ngài mới biết rõ, Ngài chuẩn bị rất kỹ từng bước, và con đường ấy dần dần sẽ mở ra cho mỗi linh hồn, mà Ngài đã định sẵn trong từng ơn gọi cá biệt riêng. Tôi ước muốn khao khát, gần gũi và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa. Tình yêu chính là sức mạnh giải phóng tôi ra khỏi ý riêng, để ý muốn của mình càng ngày càng trùng hợp với ý muốn của Ngài. Khao khát và quyết tâm của tôi là được tự do để có Chúa trong mọi sự.

 

 

Kiểm tra tương tự

Cùng Chúa chăm sóc và thăng tiến Đời Ta

Sinh ra làm người là hồng ân lớn lao; sống làm người trong ân sủng …

Nên một với vợ mình

“Vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *