Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là cuộc hành trình “trở về” của ba đối tượng: con chiên, đồng bạc, và người con hoang đàng. Mỗi một cuộc trở về đều cho thấy giới hạn của bản thân từng đối tượng, và khả năng tìm kiếm và tha thứ siêu tuyệt vời của Thiên Chúa.
Đối tượng thứ 1: Chú chiên lạc được vác trên vai
Tính cách của chiên thường rất ngô nghê, khờ dại và không tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy. Chính bởi cái ngô nghê khờ dại đó mà không ít lần chúng vô tư tách khỏi đàn, xa rời tầm mắt của người chăn chiên, đi trong những mối đe dọa luôn chực chờ cám dỗ. Có người còn giải thích rằng, những con chiên lan man như vậy thường sẽ bị người chăn chiên đập gãy chân hầu chúng sẽ không thể đi đâu xa nữa[1]. Tuy nhiên, đó không phải là cách hành xử của người mục tử nhân lành. Người mục tử nhân lành không ngừng tìm kiếm những con chiên lạc cho đến khi gặp được. Và khi gặp rồi, thay vì đập gãy chân chú chiên lang thang, thì người chăn chiên lại vui mừng vác trên vai!
Đối tượng thứ 2: Đồng bạc được tìm thấy
Theo phong tục cũ của người Palestine[2], người phụ nữ khi lấy chồng sẽ được nhận 10 đồng bạc như món quà của hôn lễ, và thay vì đeo nhẫn cưới, họ sẽ đeo dây chuyền được kết bằng 10 đồng bạc được trao, biểu trưng cho của hồi môn. Vậy cho nên, mất một trong mười đồng bạc đó là một điều thật khốn khổ. Hình ảnh người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho bằng được, cho thấy giá trị của đồng bạc ấy. Nó không hệ tại giá trị vật chất, nhưng mang giá trị tinh thần cao quý: lời thề hứa trong hôn nhân. Vậy nên khi tìm được đồng bạc bị mất, bà đã vui mừng khôn tả, mời bạn bè đến chung vui với mình.
Đối tượng thứ 3: Sự trở về của người con thứ
Sau những tháng ngày được tự do phóng túng, thoải mái sống cuộc đời mình trong hoang phí, người con thứ đau đớn nhận ra có quá nhiều những cái mất khi anh xa rời vòng tay cha mình. Điều đáng nói hơn, những cái mất đó đã làm anh mất đi giá trị vốn có của mình: là phẩm giá một con người, và một người con được yêu thương. Anh đã phải chăn heo, là loài vật mà người Do Thái không muốn chạm vào vì sợ ô uế (Lê-vi 11,2-8; Đnl.14,8) Tệ hơn nữa và cũng là tận cùng của thất bại nơi người con thứ, là anh phải ăn thức ăn dành cho heo. Chính trong nỗi khốn khổ và tuyệt vọng nhất, nơi mà không có ai nương tựa, anh đã chủ động quay về với tình yêu duy nhất, là cha mình. Và cha anh cũng đã chủ động đón anh bằng tất cả sự kiên nhẫn và một tấm lòng nhân hậu, thứ tha.
Sự trở về của mỗi người Kitô hữu
Tội lỗi luôn kéo chúng ta xa Chúa, xa tình thương của Ngài.
- Có khi ta phạm tội vì lý do thật ngô ngê, dại khờ như con chiên lạc: thích lang thang, thơ thẩn trong ý nghĩ riêng mình để rồi lạc loài trong những mối đe dọa luôn có mặt phía trước.
- Có lúc, ta sống thụ động như đồng bạc để cuộc đời mình bị đánh rơi bởi tác động của môi trường sống, tính chất công việc, và những người chung quanh. Chẳng hạn như tội nói dối, viết báo cáo khống, thiếu trung thực trong học hành, thi cử, buôn bán…
- Hay không ít lần ta sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình như người con thứ.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, dù ta phạm tội với lý do gì, hay phạm như thế nào…nhưng nếu biết ăn năn sám hối và quay trở về với Thiên Chúa, thì Người luôn sẵn sàng tha thứ. Thì Người luôn sẵn sàng và kiên nhẫn đón đợi ta trở về.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, tình thương Chúa luôn mời gọi con quay về và bắt đầu lại hành trình cuộc đời mình…
- Xin cho con luôn biết lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa để không phải bước đi trong vô định, vô hồn, rồi lạc loài xa cách đường lối Chúa.
- Xin cho con sức mạnh và lòng can đảm để nhận ra hiện trạng của chính mình, hầu kịp thời sám hối ăn năn.
- Xin cho con cảm nhận sâu sắc niềm vui và bình an khi đến với bí tích giải tội, nơi mà Chúa bày tỏ lòng thương xót và sự kiên nhẫn không giới hạn của Ngài. Nơi mà con luôn có cơ hội để đổi mới và cũng là nơi cho con phục sinh mỗi ngày.
- Và xin cho con luôn biết nghĩ đến Chúa trước nhất khi vui cũng như lúc buồn, vì Chúa thương con nhất trên đời. Amen.
Sr. Quỳnh Thoại, CĐM
[1] The Outlet, “Why a shepher carries the lamb”. https://theoutlet.wordpress.com/2008/05/06/why-a-shepherd-carries-the-lamb/
[2] Fr. Mark Write Blog, “Mystery of the lost coin”. https://frmarkdwhite.wordpress.com/2009/10/26/mystery-of-the-lost-coin/.