Những Khuôn Mặt Phụ Nữ Trong Gia Phả Đức Giêsu Kitô (Mt 1,1-16)

Trong bài trước, “Ông phải đặt tên…”, về chương I của sách Tin Mừng Matthêu, tôi chưa nói đến những khuôn mặt phụ nữ trong gia phả của Đức Giêsu Kitô. Trong bản văn, mỗi khuôn mặt phụ nữ đều xuất hiện với một “dấu láy” trong giọng văn (dịch sát):

3. Giuđa sinh Pe-ret và De-rac do bà Ta-ma

5. San-môn sinh Bô-át do bà Ra-kháp

5. Bô-át sinh Ô-vết do bà Rút

6. Vua Đa-vit sinh Sa-lô-môn do vợ của U-ri-gia

16. Gia-cop sinh Giu-se chồng của bà Maria, do bà này mà Đức Giêsu được sinh ra, Đấng được gọi là Kitô.

 I. Những người phụ nữ này là ai? 

1/ Ta-ma

Người phụ nữ thứ nhất là Ta-ma, người phụ nữ công chính. Sách Sáng Thế kể về Bà trong chương 38, như một khoảng nghỉ khi đang kể chuyện dài về ông Giuse. Câu chuyện của bà này thật éo le. Ông Giu-đa lấy vợ người Ca-na-an, sinh được ba đứa con trai. Ông cưới cho con trai đầu lòng một nguời vợ tên là Ta-ma (dĩ nhiên cũng là người Ca-na-an như vợ ông). Con cả chết mà không có con, theo luật thừa kế, người con trai thứ hai phải “chu toàn nhiệm vụ của một người em chồng và làm cho anh có người nối dõi”. Cậu này nhận nhiệm vụ một nửa thôi, ăn ở với chị dâu nhưng cố tình không cho chị cơ may sinh con. Cậu bị Chúa phạt chết. Ông Giu-đa bảo con dâu tạm về nhà cha mẹ, đợi thằng em út lớn lên sẽ tính tiếp. Đến lượt ông Giu-đa tìm cách “đánh bài lờ”, vì thấy Ta-ma có “số sát chồng”, ông sợ cho tính mạng con trai út. 

Nhưng Ta-ma không phải là người phụ nữ chịu để người ta cho “ăn thịt lừa”. Bà quyết dành kỳ được quyền lợi cho chồng: có con nối dõi từ dòng giống nhà chồng. Thừa lúc ông Giu-đa mới mãn tang vợ (mẹ chồng của bà), bà đón đường và che mặt giả làm gái điềm. Bà dụ dược ông Giu-đa. Ông mặc cả, nàng chịu cho “trả tiền sau” bằng “một con dê con”. Ta-ma đòi “có chút gì giữ làm tin”. Giu-đa chịu đưa “chiếc ấn, sợi dây đeo ấn và cây gậy ông cầm ở tay”. Nên nhớ chiếc ấn liên quan tới quyền thừa kế, [người cha cho lại đứa con hoang đàng chiếc nhẫn, tức là cho lại quyền thừa kế (x. Lc 15,22)]. Khi Giu-đa cho người dẫn con dê con tới chuộc tín vật thì người đẹp đã biến mất cùng với tín vật. Ông Giu-đa tự trấn an: “Miễn sao đừng bị chê cười vì không giữ lời hứa…”

 Nhưng ba tháng sau, người ta báo tin cho ông : “Ta-ma, con dâu ông đã đi làm điếm, nó còn mang bầu vì đi làm điếm nữa”. Ông Giu-đa phán quyết ngay: “Lôi nó ra mà thiêu sống!” 

Người ta làm thiệt! nhưng khi bị lôi ra thì bà ôm theo các tín vật và yêu cầu bố chồng nhận lại. Bà tự lột khăn che mặt và phơi mặt luôn ông bố chồng. Ông đành phải thú nhận: “Nó công chính hơn tôi; quả thật tôi đã không cho nó làm vợ Sê-la con trai tôi”. Bà đã thành công trong việc bảo vệ quyền lợi cho chồng, Bà đã bảo đảm được cho chồng có con nối dòng chính hiệu, lại còn sinh đôi nữa!

Câu chuyện quả là éo le đối với người đọc hôm nay. Nhưng Sách Thánh kết thúc với phán quyết của ông Giu-đa: “nó công chính hơn tôi”.  Ông sòng phẳng với cô gái điếm để khỏi bị chê cười, nhưng lại không giữ lời hứa với con dâu và con trai mình. Cô là người công chính và làm cho ông bố chồng trở thành công chính.

 2/ Người phụ nữ thứ hai: Ra-kháp (Gs 2; 6,22-23).

Nếu Ta-ma giả làm gái điếm, thì Ra-kháp là gái điếm thứ thiệt, “quốc tế” như trong những phim gián điệp hiện đại! Bà đã đón hai “điệp viên” do ông Gio-su-ê phái “đi xem vùng đất và thành Giê-ri-khô”. Nhờ mưu trí, bà đã cứu mạng và giúp cho hai gián điệp này thoát đi. Bà nhận được lời hứa “đền ơn cứu mạng” và một tín hiệu để bảo đảm cho bà và mọi người trong gia đình được an toàn khi Giêri-khô thất thủ. Ra-kháp cứu mạng hai gián điệp của Giosuê, nhờ đó bà cứu mạng cả gia đình dòng họ nhà bà: hai gián điệp được sai vào “đem cô ra khỏi đó cùng với cha mẹ, anh em cô và mọi người thân thuộc của cô: họ đem tất cả thị tộc của cô ra khòỉ đó, và cho họ ở bên ngoài trại It-ra-en”.

 3/ Người phụ nữ thứ ba: Rút (sách Rút).

Rút là một khuôn mặt khác hẳn: người con dâu trẻ gốc Mô-áp, đơn sơ chất phác. Góa chồng sớm, nhưng quyết theo mẹ chồng, cũng là góa phụ, về quê chồng, dù không còn hy vọng có con nối dõi cho chồng: “Mẹ đi đâu, con đi  đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất” (Rút 1,16).

Với lòng hiếu thảo đó nàng đã đi mót lúa để nuôi mẹ chồng. Lòng hiếu thảo và sự cần cù của nàng đã làm rung động tâm hồn môt người họ hàng bên chồng là ông Bô-át. Ông đã đứng ra thi hành bổn phận môt người trong họ hàng, chuộc gia sản và gầy dựng người nối dõi cho người trong dòng họ. Ông đã chuộc lại ruộng đất của chồng con bà Nô-ê-mi và cưới Rút làm vợ. Rút sinh con trai. Mọi người chúc mừng bà Nô-ê-mi và hết lời ca tụng nàng dâu: “[đứa trẻ] sẽ giúp bà lấy lại sức sống, và sẽ là người nâng đỡ bà trong tuổi già, vì người con dâu yêu quý bà đã sinh ra nó, nàng quý giá hơn bảy đứa con trai”. Con dâu hiếu thảo như thế quả là hiếm có!

 4/ Người phụ nữ thứ tư: Bát Sê-va, vợ ông U-ri-gia người Khết (2 Sm 11-12; 1 Vua 1)

Nếu ba người phụ nữ trước làm cho dòng sông được chảy tiếp mỗi khi bế tắc, thì bà Bat Sê-va là người khai sông: Đa-vit có gần chục bà vợ, hàng tá con trai, ví như nước nguồn chảy vào biển hồ Galilê, nước có nguy cơ ngừng chảy và thành nước ao tù. Từ bồn tắm trên sân thượng nhà bà, bà nhảy vô biển hồ của vua Đa-vit và làm sạp lở một mảng bờ hồ, thành cửa cho nước biển hồ lại chảy thành sông. Bản văn láy vô chỗ “vợ U-ri-gia người Khết” (không phải người It-ra-en!).

Đọc sách 2 Sa-mu-en chương 11-12 chúng ta có cảm tưởng như tất cả tội lỗi đổ lên đầu vua Đavit, bà chỉ là nạn nhân. Nhưng đọc kỹ một chút thì sẽ thấy “coi vậy mà không phải vậy”. Trước hết không nên tách câu chuyện này ra khỏi toàn bộ chuyện “nhà Đavit” với những mưu mô chốn cung đình, cá tính của cha con nhà Đavit, nhất là Đavit và người kế vị. Cả một bộ “chuyện dài nhiều tập” liên quan tới việc kế vị Đavit.

Trước hết cần nhìn “toàn cảnh” cá tính tài tử đa tình, anh hùng đẹp trai mà Sách Thánh mô tả Đavit từ khi xuất hiện lần đầu trên “sân khấu”:

đẹp trai : “cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn” (1 Sm 16,12);

– một nghệ sĩ với tiếng đàn có sức như liều thuốc an thần cho vua Sa-un (1Sm 16,14-23);

– một cậu bé anh hùng, tuổi trẻ tài cao, hạ được  tên khổng lồ Goliat để cất nỗi nhục cho It-ra-en (1 Sm 17), khiến vua Sa-un phải ghen tị,

– và sớm trở thành một danh tướng (1 Sm 18, 6-16);

sẵn sàng liều mạng vì người đẹp Mi-khan công chúa, lấy mạng hai trăm người đàn ông Phi-li-tinh để làm đồ thách cưới theo yêu cầu của nhà vua (1 Sm 18,17-27).

Đavit đa tình đa cảm, đa thê, đa tử: thời gian lưu lạc như một tên thảo khấu trong hoang địa, cảm kích vì sự đảm đang của bà góa A-vi-ga-gin, ông đã cưới bà làm vợ, rồi lại cưới thêm bà A-khi-nô-am. Bản tổng kết thứ nhất về gia đình vua Đavit khi ở Khép-rôn đã cho tên sáu người con trai do sáu bà vợ, không kể công chúa Mi-khan vô sinh (2 Sm 3,2-5). Bản tổng kết thứ hai tại Giêrusalem cho tên mười một người con trai nữa (2 Sm 5,13-14).

Đến khi Ap-sa-lon làm phản, chúng ta lại thấy nói đến mười tỳ thiếp mà khi Đavit chạy trốn đã để lại giữ nhà, bị Ap-sa-lon bắt tất cả làm vợ của mình để chứng tỏ mình đã làm  vua (x. 2 Sm 16,20-22 và 20,3), đúng như lời ngôn sứ Na-than (2 Sm 12,11-12). Có vẻ như đó là phong tục, vì lời ngôn sứ Na-than cho thấy Đavit cũng đã làm như thế với những người vợ của Sa-un khi chiếm được ngôi vua (2 Sm 12,8).

Trở lại chuyện “mùa xuân” trong hai chương 11-12. Nghệ thuật kể chuyện tuyệt vời, ngọt xớt đến nỗi người nghe bị cuốn theo mà không ngờ là người kể đã khéo dùng ngón tay ảo thuật che đi một góc bức tranh. Chúng ta chỉ đọc ra hết khi đọc cho hết câu chuyện Bat Sê-va.  Câu chuyện được lồng trong hai chuyện khác: cuộc chiến ở ngoài biên giới và cuộc chiến trong cung điện nhà vua về việc kế vị Đavit. Câu chuyện kế vị chỉ kết thúc với việc bà Bat Sê-va dành được ngai vua cho con là Sa-lô-môn, qua đó định hướng cho dòng chảy của dòng dõi Đavit. Cuộc chiến ngoài biên thùy là bối cảnh và cơ hội cho việc Bat Sê-va thành vợ của Đavit và sinh ra người thừa kế, với cái chết của chồng bà là tướng U-ri-gia, dưới chân thành Rabba.

Ba câu chuyện thật lồng vào nhau, lại còn một dụ ngôn ở giữa để giải nghĩa. Dụ ngôn của Na-than để mở mắt cho Đa-vit nhận ra tội giết người cướp vợ, mang ý nghĩa sâu và dài hơn ta tưởng lúc đầu. Khi theo dõi số phận“con chiên cái” Bat Sê-va cho tới lần xuất hiện cuối cùng để đưa Sa-lô-môn lên ngai của Đavit (1 Vua 1), ta thấy nạn nhân đích thật là U-ri-gia bị mất mạng, Đavit thế chỗ của U-ri-gia, “con chiên cái” từ nay thành “duy nhất” trong lòng Đavit. Kể từ lúc này các bà vợ khác của Đavit không còn được nhắc đến nữa. Nàng A-vi-sac sẽ hầu hạ Đavit khi những cái mền len không còn đủ sức giữ ấm cho Đavit, nhưng không phải là vợ của Đavit. Bat Sê-va là người vợ cuối cùng trong cuộc đời đa tình đa thê của Đavit. Các đứa con khác của Đavit giết lẫn nhau và đe dọa cả tính mạng của Đavit. Sau khi hoàng tử A-đô-ni-gia đã tự lên ngôi, Na-than bảo bà Bat Sê-va: “Tôi xin góp ý với bà để bà tự cứu lấy mạng mình và mạng Sa-lô-môn…” Bà vào nhắc vua Đavit nhớ lại lời hứa cho Sa-lô-môn kế vị (1 Vua 1,17-21), rồi Na-than vào bồi thêm. Kết quả Đavit ra lệnh cấp tốc đặt Sa-lô-môn lên ngai, cũng như ngày trước vua đã cấp tốc cho đi mời bà vào cung, rồi cấp tốc cưới bà làm vợ.

Câu chuyện mở đầu thế này: “Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đavit sai ông Gio-áp đi… giết hại con cái Am-môn và vây hãm Rap-ba… Còn vua Đa-vit thì ở lại Giêrusalem.” Nghe cứ như là mùa săn bắn vậy! Trong khi cuộc chiến do tướng Giô-áp chỉ huy ở bên kia sông Gio-đan được tóm trong hai chữ “giết hại” và “vây hãm”, thì chuyện xảy ra với vua Đavit ở nhà cũng sẽ được ngôn sứ Na-than ví như một cuộc cướp bóc và giết hại. Hai cuộc săn bắn mùa xuân! Cuộc săn bắn trực tiếp của Đavit diễn ra giữa hai sân thượng, cuộc săn bắn do Giô-ap chỉ huy diễn ra ở thành Rabba (Am-man ngày nay), nhưng kẻ bị giết hại chung cho cả hai cuộc săn bắn là U-ri-gia, chồng của Bat Sê-va: Giô-ap sẽ mời Đavit kéo quân còn ở nhà qua mà kết thúc con mồi Rabba, sau khi cuộc săn bắn trên sân thượng đã kết thúc với việc Đavit “đưa nàng về dinh” và nàng cho ông có đứa con nối ngôi.

Ôi mùa xuân của Đavit tuyệt vời: một lần ra quân mà bắt được “vợ của U-ri-gia” và bắt được cả thành Rabba nữa.

Khi nhận báo cáo quân sự thứ nhất của tướng Giô-áp về tổn thất nhân mạng, Đavit giả bộ coi cái chết của U-ri-gia, chồng bà Bát Sê-va như một hậu quả may rủi đương nhiên phải xảy ra: “việc binh đao là thế, khi thì người này khi thì người kia”, nhưng sự thật là chính vua đã trao cái thư phong tặng “anh dũng bội tinh và bảo quốc huân chương” cho ông U-ri-gia cầm theo mà lãnh từ tay tướng Giô-áp, sau khi ông không chịu làm theo ý Đavit là về nhà “đánh véc-ni” giùm cho tác phẩm mùa xuân của Đavit. “Rượu mời không uống thì uống rượu phạt”!

Đavit nóng lòng chờ bản báo cáo này để “đưa nàng về dinh”.

Báo cáo quân sự thứ hai của Giô-áp để xin Đavit dẫn quân tới kết thúc cuộc săn bắn ở ngoại biên nói: “Tôi đã tấn công Rabba, tôi còn hạ được cả thành dưới, chỗ có nhiều nước”.

Nếu vẽ thành hai bức tranh: “cuộc vây hãm thành Rabba” và “bồn tắm mùa xuân” của Bat Sê-va, đặt song song với nhau như nghệ thuật kể chuyện của tác giả gợi ý, rồi nhìn cả hai củng một lúc, ta sẽ thấy “bồn tắm của Bat Sê-va” ở cái sân thượng (dĩ nhiên) thấp hơn, có vẻ là nơi nàng thành nạn nhân của Đavit, nhưng thực ra đó là lúc nàng “hạ” thành của Đavit, sau khi đã vây hãm bằng những màn tấn công khác từ sân thượng nhà nàng, vốn chẳng xa dinh của Đavit, và cũng đã chiếm được ưu thế đến nổi dám đặt bồn tắm trên sân thượng mà tắm trước mặt Đavit đang ở sân thượng cao hơn. Ông không cần ống nhòm mà ngắm nhìn được tất cả vẻ đẹp của nàng phơi ra trước mắt ông. Bà quả là đẹp “nghiêng thành nghiêng nước” [nhất cố khuynh nhơn thành, tái cố khuynh nhơn quốc: nhìn một cái làm nghiêng thành, nhìn cái nữa làm nghiêng nước]. Người đẹp trong sách Diễm Ca chắc cũng đến thế là cùng! Từ trên sân thượng nhìn ngắm người đẹp “oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ”(Dc 6,4), Đavit đã choáng váng: “Thôi đi, nàng đừng đưa mắt nhìn anh nữa, đôi mắt làm anh choáng váng rồi” (Dc 6,5)… và đầu hàng vô điều kiện, mở toang cổng rước nàng vào. Bat Sê-va hạ được thành và dành được cả nước của Đavit cho con bà.

 II. Ý nghĩa sự hiện diện của bốn người phụ nữ này trong gia phả Đức Giêsu Kitô.

Điều hiện ra ngay truớc mắt khi đọc bản văn là mỗi lần nêu tên một người phụ nữ là có cái gì trục trặc trong dòng “sinh”, và mỗi người phụ nữ xuất hiện đều là người giúp cho sự sống được tiếp tục.

Yếu tố thứ hai cũng dễ nhận ra là: Tama, Ra-khap, Rút đều là người ngoài dân It-ra-en, người thứ tư mang tên là “vợ của U-ri-gia, một người Khết” (Mt không nêu tên thời con gái của bà!). Vậy thì các bà đã chuyền cho Đức Giêsu dòng máu ‘dân ngọai”. Mang hai dòng máu, Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của muôn dân: “Hãy đi và àm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Sự hiện diện của các bà cũng tô đậm sự quan phòng của Thiên Chúa mà bản tổng kết gia phả diễn tả qua ba chuỗi 14.

Thiên Chúa điều khiển lịch sử để thực hiện kế hoạch cứu độ theo đúng lời hứa, trong đó người phụ nữ là người đem lại sự sống và bảo vệ sự sống, làm cho sự sống được tiếp tục, đảm nhận sứ mạng “mẹ của chúng sinh”.

 III. Người phụ nữ thứ năm: hài nhi và mẹ.

Cái gãy khúc trong lời văn ở câu 16 dài hơn, lại phải chờ “ông thu thuế” tổng kết xong rồi mới kể tiếp để giải thích. Hình như ông thu thuế đếm lộn, từ thời lưu đầy đến Đức Giêsu chỉ có 13 đời, kể cả Chúa Giêsu. Cái khoảng cách giữa ông Giuse và Chúa Giêsu xa hơn ngay trong câu văn:

Gia-cop sinh Giuse, chồng của bà Maria –

do bà này mà Đức Giêsu được sinh ra gọi là KITÔ.

So sánh với chuyện Đavit Bat Sê-va:

Đavit sinh Sa-lô-môn do vợ của U-ri-gia:

vợ của U-ri-gia, nhưng con lại là của Đavit!

Giuse là chồng của bà Maria

                Đức Giêsu được sinh ra từ người mẹ là Maria,

nhưng lại không thể nói Giuse sinh Đức Giêsu do bà Maria. Tại sao?

Mt giải thích khúc mắc này:

Bà Maria và ông Giuse là vợ chồng nhưng chưa rước dâu nên chưa về sống chung. Bà đã có thai do quyền năng Thánh Thần. 

Nếu vậy làm sao Đức Giêsu là “con của Đavit” được?

Trong bản văn thì đây là điểm thắc mắc chứ không phải việc bà có thai do quyền năng Thánh Thần. Sau này Đức Giêsu sẽ ra câu đố ngược lại: “Nếu Vua Đavit gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Kitô lại là con vua ấy được?” và “Không ai đáp lại Người được một tiếng (Mt 22,45-46).

Bản văn còn kể về phản ứng dứt khoát của Giuse để cho thấy bào thai bà đang mang đó không phải là con của ông.

Sứ thần của Chúa cũng khẳng định cái bào thai trong lòng bà Maria là do quyền năng Thánh Thần. Chỉ cần ông Giuse rước vợ về nhà để bà sinh con trong nhà ông, và ông, với tư cách “con của Đavit” phải đặt tên cho đứa con, để đứa con cũng thành “con của Đavit”. Mt còn bồi thêm một câu: ông làm theo lời sứ thần: cấp tốc rước vợ về nhà, “nhưng ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Ông Giuse không tham dự vào việc “do bà mà Đức Giêsu được sinh ra”. Cách nói thụ động “được sinh ra” mà không phải do ông Giuse hay một người đàn ông thì chỉ có “do Thiên Chúa”. Mt giải thích “do quyền năng Thánh Thần”.

Kể từ lúc này thì cụm từ “hài nhi và mẹ” sẽ được lặp đi lặp lại. “Hài nhi và mẹ” như gắn chặt với nhau. Ông Giuse thành người bảo vệ mạng sống cho “hài nhi và mẹ”, nhưng Thiên Chúa sai sứ thần trực tiếp truyền lệnh cho ông. Ông là người tôi tớ trung thành, luôn mau mắn thi hành lệnh của Thiên Chúa để bảo vệ “hài nhi và mẹ”.

Khỏang cách giữa ông Giuse và Đức Giêsu được diễn tả rõ ràng, vì bản văn kể Đức Giêsu là đời thứ 14, nhưng đếm kỹ thì ông Giuse là đời thứ mười hai. Bỏ trống một đời giữa ông Giuse với Chúa Giêsu, không phải Mt đếm lộn hay bỏ sót! Cái khoảng trống ấy khiến chúng ta thắc mắc và chú ý tới lời giải thích theo sau để biết sự thật về Đức Giêsu. Khoảng trống một đời cũng là để cho thấy có một sự sống mới đột nhập vào lịch sử sự sống của loài người. Chúa Giêsu sẽ mời gọi đánh đổi tất cả để giữ được sự sống mới này (Mt 18,5-9).

Bà Maria Mẹ của hài nhi Giêsu chính là người phụ nữ đem lại cho chúng ta sự sống mới này, sự sống đến thẳng từ Thiên Chúa, do quyền năng Thánh Thần.

Bà quả là Evà mới, Mẹ của chúng sinh:
Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy…

 

Giêrusalem, lễ Giáng Sinh 2013.

L.M. Giuse Nguyễn Công Đoan, S.J.

Kiểm tra tương tự

Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên: Chúa muốn nói gì với con?

Tuần trước, khi trở về thăm quê hương, tôi có dịp gặp gỡ và trò …

Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 10 TN: Để Lời Chúa tạo tình thân

Tin mừng Thánh Maccô hôm nay thuật lại bài nói chuyện của Chúa Giêsu dành …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *