“Mỗi khi gặp người đó là tôi thấy khó chịu, cho dù họ không làm gì tôi, thậm chí có người tôi chỉ mới gặp lần đầu”; “Không hiểu sao mà tôi không thể hòa hợp với người anh chị em đó.”; “Tự nhiên tôi có ác cảm với anh A chị B”… Đây là những tâm sự mà tôi nghe được từ những người mà tôi có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ. Khi tôi hỏi lý do tại sao lại như vậy? Mỗi người hiểu và giải thích một cách khác nhau về kinh nghiệm này.
Ác cảm, vì nhiều lý do
Có người cho rằng, sở dĩ tôi không thích người nào đó vì sự kiêu ngạo của họ; Người khác lại cho rằng, chẳng có lý do nào, đơn giản vì tôi thấy không ưa; Hay bởi tôi không cảm thấy điểm tích cực nào nơi họ; Hoặc do ảnh hưởng của sự khác biệt văn hóa vùng miền; Đôi khi nó đến từ những thành kiến hay kinh nghiệm bị tổn thương mà người đó gây ra cho tôi trong quá khứ… Chung quy lại, có nhiều quan điểm rất khác biệt nhau về vấn đề này. Nhưng một trong những lý do căn bản dẫn đến sự ác cảm nơi người nào đó là: không có lý do nào. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng rất nhiều người lại đồng tình với lý do này. Trong thực tế, thường khi hỏi ai đó: tại sao bạn có ác cảm với anh này chị kia? Câu trả lời phần lớn là: Tôi không thể giải thích hay biết lý do vì sao, đơn giản vì thấy không thích. Vấn đề này xem ra có vẻ phức tạp hơn ta nghĩ.
Ác cảm vì ai đó mang những yếu đuối của tôi?
Trong kinh nghiệm của mình, tôi đã nghe một chia sẻ xem ra khá thuyết phục: “Nếu bạn có ác cảm với ai đó, thì họ chính là con người yếu đuối rất thật của bạn.” Nếu để ý một tí, bạn sẽ nhận thấy những đặc điểm và tính cách của người ấy có nhiều nét tương đồng với bạn. Và sẽ thật hữu ích nếu bạn lấy những điểm khiến bạn khó chịu hay cho là không tốt nơi người đó, ghép thành tấm “gương soi” để nhìn vào chính con người bạn. Chẳng hạn, bạn có ác cảm vì thấy người đó quá kiêu ngạo, lười biếng hay ghen tỵ… thì đó cũng chính là những điểm yếu nơi bạn. Thật sự, giải thích này phần nào khá thuyết phục, nhưng nó vẫn không thỏa mãn sự tò mò nơi tôi. Bởi nếu tôi có ác cảm với ai đó vì họ có nhiều khuyết điểm của chính tôi, thì giải thích thế nào về những người mà tôi yêu mến! Phải chăng vì họ không mang khuyết điểm của tôi?
Những mảnh khuyết nghịch…
Trong thâm sâu mỗi người, mối giằng co thiện ác luôn diễn ra từng phút giây. Có những lúc ta thấy yêu người và yêu đời, có khi lại thấy chán nản và ganh đua. Dù muốn dù không thì điều này luôn diễn ra liên tục trong thâm sâu cõi lòng ta. Theo một lẽ tự nhiên, ai cũng cố gắng để sống tốt mỗi ngày, và mong ước người khác nhận thấy những điểm tích cực nơi mình. Tuy nhiên, có nhiều khi ta không đủ tinh tế và bản bản lĩnh để làm chủ nhưng “góc tối” nơi tâm hồn mình. Và đây có thể là nguyên do chính dẫn đến những thành kiến và suy nghĩ lệch lạc trong đời sống, đặc biệt trong mối tương quan với người khác. Tôi gọi đây là những mảnh khuyết nghịch, nó cắm rễ thâm sâu trong tâm mỗi người. Nó không chỉ là những yếu đuối của ta, nhưng còn là mối giằng co trong từng chọn lựa của chúng ta. Thánh Phaolô diễn tả: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. (Rm 7, 19). Đây có lẽ cũng là giải thích tại sao tôi có ác cảm với người khác, do bởi tôi không ý thức đủ sự yếu đuối nơi bản thân mình.
Mỗi người đều có một suy nghĩ và góc nhìn rất riêng về cuộc sống và con người. Điều quan trọng không phải là suy nghĩ của tôi giống hay khác bạn, nhưng điều quan trọng là ta có đủ cản đảm và sáng suốt để nhìn nhận sự thật như nó là hay không. Và điều quan trọng hơn nữa là ta có dám vượt qua những rào cản của sự khác biệt, đối nghịch, và thậm chí là yếu đuối của người khác bằng con tim rộng mở và cảm thông hay không!
Lạy Chúa! Đôi khi con dễ dàng nhận ra và có thành kiến với những yếu đuối của người khác, nhưng lại không để tâm tới những yếu đuối thâm sâu nơi tâm hồn con. Xin cho con luôn tỉnh thức với những yếu đuối của bản thân, để con biết khiêm tốn và mở rộng tâm hồn với những anh chị em sống chung quanh con. Ước gì không có ai bị “loại trừ” trong tâm trí của ai đó. Amen!
Phaolô Nguyễn Hồng Như Khuê, S.J.