Phục vụ để tìm thấy sự bình an trong Chúa

Chị có thể 1chia sẻ một chút về gia đình và động lực thúc đẩy chị trở thành một Giáo Lý Viên (GLV) ?

Tôi đã lập gia đình và hiện đã có hai cháu, một trai một gái. Tạ ơn Chúa vì sự êm ấm trong gia đình phần nào giúp tôi có thể dấn thân vào việc dạy giáo lý. Tôi nghĩ, mỗi người có một ơn gọi để phục vụ Chúa, và ơn gọi phục vụ của tôi là trở thành GLV. Tôi đến với trường giáo lý một cách tình cờ từ lời mời gọi của cha xứ. Lúc đó tôi cũng muốn phục vụ một chút gì đó cho nhà thờ, bởi lẽ phục vụ không chỉ giúp tôi mà cả gia đình tôi cũng được thánh hóa trong sự bình an nội tâm. Sự bình an này thực sự quý với tôi sau những năm tháng bon chen kiếm sống và vun vén cho gia đình.

Những điều gì làm chị “ngỡ ngàng” khi nhìn lại 4 năm dạy giáo lý ?

Ngỡ ngàng đầu tiên khi đi dạy là nhận ra mình chẳng biết gì về giáo lý. Những điều đi học lúc nhỏ chỉ là những kinh bổn thuộc lòng, chứ chẳng phải sự hiểu biết rõ ràng về Kinh thánh hay giáo lý của Giáo hội. Chính những đòi hỏi của việc dạy giáo lý đã thúc đẩy tôi học hỏi nhiều hơn và bài bản hơn về đời sống Đức tin. Những chương trình đào tạo GLV đã giúp tôi hiểu hơn về Kinh thánh cũng như giáo lý của Giáo hội, từ đó đời sống cầu nguyện của tôi cũng được củng cố. Thế nhưng, hiểu 10 chưa chắc đã dạy được 1. Điều tôi mong ước khi đến với các em là Tình Thương. Bởi lẽ, khi có tình thương, tôi sẽ biết mình cần phải nói phải dạy điều gì. Quả thật, việc dạy và học giáo lý bổ trợ cho nhau trong chính đời sống đức Tin của tôi.

Điều tiếp theo đó chính là lòng phó thác vào Thiên Chúa. Qua thói quen cầu nguyện và nhìn lại những gì đã quan, tôi xác tín hơn rằng Chúa vẫn đang dẫn dắt đời tôi. Những biến cố xảy ra, những người tôi được gặp, những em nhỏ tôi được trao để dạy dỗ…tất cả giúp tôi tin tưởng để trao phó cuộc đời mình và cả gia đình mình vào bàn tay quan phòng của Chúa. Tuy vậy, sẽ thật mù quáng nếu chỉ phó mặc cuộc đời cho Chúa mà bản thân chẳng nỗ lực gì. Điều quan trọng là cố gắng hết sức chăm lo cho gia đình, phục vụ Giáo hội với ơn gọi của mình trong sự tin tưởng vào Chúa. Như vậy tôi thấy bình an hơn.

Với những “đồng nghiệp” GLV của mình, chị cảm thấy thế nào ?

Tôi rất biết ơn và cảm phục họ. Họ không chỉ giúp tôi trong kinh nghiệm truyền đạt giáo lý nhưng còn là cách sống, cách hành xử rất đúng mực với các em. Nơi họ, các em cảm thấy “sợ” để giữ im lặng, nhưng không “hãi” để dửng dưng xa cách. Các em vừa nhận ra sự nghiêm nghị nơi các anh chị nhưng cũng vừa cảm thấy mình được yêu mến và quan tâm. Đó là điều bản thân tôi thừa nhận là chưa thể làm được.

Một điều tôi vẫn thao thức cho chính mình là, làm sao sống tình thương của Chúa với các anh chị GLV. Dẫu biết rằng với tình thương của Thiên Chúa, tôi sẽ kiên nhẫn để lắng nghe người khác, sẽ bao dung để đón nhận những khác biệt, sẽ tin tưởng để cộng tác và chia sẻ. Biết là thế, tin là vậy nhưng để sống sự hiểu biết và niềm tin đó với người khác quả không hề đơn giản. Vẫn còn đó những so sánh, hiểu lầm và cả những bất hòa khó nói. Chính vì thế nên tôi thấy mình cần ơn Chúa cũng như lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của các anh chị để có thể sống đúng với vai trò “chứng nhân” Tin Mừng chứ không chỉ là “thầy dạy” lý thuyết.

Xin cám ơn những chia sẻ của chị

(Trích buổi phỏng vấn với chị GLV Maria Nguyễn Thị Mỹ Dung)

Paul Linh S.J. thực hiện

Kiểm tra tương tự

Giáo xứ Ngọc Mạch: Hạ giải và khởi công xây dựng nhà thờ

“Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv …

Tham gia là một ơn gọi?

Tham gia vào giáo xứ không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, nhưng còn …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *