Những nẻo đường vang dội tiếng gọi

    

MM Tân, SJ.

Hai năm trước, tôi rời vùng đất quen thuộc, nơi tôi được sinh vào sứ vụ giữa bà con các sắc tộc, để nhận sứ vụ mới.
Sứ vụ là thế, những con đường nối tiếp những con đường, 
tôi đã đi dọc sông Lô, điểm dừng chân đầu tiên là giáo xứ Vân Cương, gặp gỡ anh chị em trong ban Caritas giáo xứ. Đó là những con người với những đôi tay đơn nghèo, tháng tháng cùng nhau gom ve chai trong xứ, để có chút chi mỗi khi thăm nom những người yếu đau bệnh tật. 
Gặp nhau, từng trang Kinh Thánh đưa chúng tôi gần nhau và quen thân lẹ làng. 
Trong khi cùng nhau ngắm nhìn và lắng nghe tiếng Chúa được bày tỏ trong Tin Mừng, chúng tôi cảm nhận lòng thương xót Thiên Chúa ấp ủ chở che, và khao khát giãi bày lòng thương xót Thiên Chúa cho mọi người, đặc biệt những ai đang gặp khó khăn. 


Nếu trước đây khi đứng nhìn một bệnh nhân quằn quại trong đau đớn, chúng tôi chỉ biết xót xa cho một phận người, thì nay, khi bên tai nghe vang dội lời chúc phúc ngàn đời được phác thảo thành hiến chương Nước Trời : “phúc cho ai sầu khổ, vì sẽ được chính Thiên Chúa ủi an”, chúng tôi đã có thể nhìn thấu chiều sâu của cặp mắt mở lớn đang nép mình trong Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn sự sống, vẫn đang vỗ về ủi an ngay nơi tận cùng của nỗi đau. Thật khó diễn tả khung cảnh đang diễn ra trước mắt : mầu nhiệm của đớn đau, thánh thiêng và phàm tục. Phận người sao quá lạ lùng, ngay cả khi con người rơi vào vòng tội lụy, thì ở đó lại vang dội tiếng reo vui của ơn tha thứ và lòng xót thương.
Cuối cùng giữa muôn tiếng gọi mời, câu trả lời của chúng tôi là công bố ơn tha thứ và lòng thương xót Thiên Chúa.
Đi dọc theo sông Lô cho tới mút cùng của tỉnh Tuyên Quang là vùng núi rừng Bạch Xa, nơi đây tôi vui lắm, vì được đồng hành với cha xứ, một linh mục cứ sáng ra khỏi phòng, rảo gót khắp hang cùng ngõ hẻm, cho tới chiều tối mới về lại phòng ngủ.

Được sai về một vùng đất rộng lớn: 
Phải coi sóc một nhà thờ xứ với 3 nhà thờ họ, nằm giữa một vùng núi rừng mênh mông, thêm nhiều sắc dân thiểu số, mà đa phần là lương dân nghèo khổ, có những mái nhà không hơn túp lều, thì rất nhiều việc phải làm.
Chúng tôi mới chỉ gặp nhau 2 lần, nhưng thực tế vẫn sát cánh bên nhau trên cánh đồng sứ vụ. 
Hai chúng tôi, hai vùng đất, hai mảnh trời với những con người cách xa nhau vạn dặm nhưng lại giống nhau về hoàn cảnh, núi đồi và sông nước : cũng những con người suốt đời lam lũ mà không đủ ăn, thậm chí không có nhà để ở.

Được nhận chìm vào con tim của lòng thương xót, chúng tôi khao khát muốn ôm trọn những con người đang trong cảnh khốn cùng. Chúng tôi đã làm gì khi đôi tay của mình quá bé nhỏ, để rồi cuối cùng chỉ biết kêu trời trong tiếng nấc nghẹn ngàn đời Của con Thiên Chúa làm người.

Mỗi lần chúng tôi gặp nhau là một lần trải lòng :
“Bố à, cha Giám đốc Caritas nói con chọn 10 nhà nghèo nhất để giúp dựng nhà, rồi lại nói con chọn 5 thôi, bây giờ chỉ giúp một. Con biết chọn ai, bỏ ai hả bố? Giáo xứ mà Chúa và bề trên giao cho con bố đã đến và bố biết. Lắm người điên khùng hơn người khôn ngoan, đáng thương hơn đáng trách, mấy ngày nay con khó suy nghĩ quá. Sức con có hạn, bố đã chung vai gánh đỡ con, bố đã hiểu thấu. Bố lựa lời nói với mọi người giúp đỡ con, còn 10 ngôi nhà cần và rất cần giúp đỡ nữa để thoát khỏi nỗi cơ cực, đủ sức chống chọi với mùa mưa rừng này. Con thương họ lắm mà lực bất tòng tâm. 
Sáng nay lễ xong, con đi thăm bản về mà lòng tái tê. Mấy ngày trước, khi con đến thăm đã thắp lên cho họ một niềm hy vọng, ấy vậy mà hôm nay đến nhìn cảnh đời của họ, con chỉ lặng lẽ lau nước mắt mà trở về căn phòng quạnh hiu. Không dám dập tắt niềm hy vọng của họ, nhưng cũng chẳng biết nói sao để an ủi họ, bố ạ. Việc của Chúa mà bố. Lòng thường xót Chúa phải được bày tỏ qua các môn đệ của ngài chứ. Con vừa đi bản về, uống cốc nước rồi đi nghỉ lấy lại sức. Con chào bố!!!”


Dĩ nhiên, tiếng kêu cứu nào mà chẳng thấu cung lòng Thiên Chúa, để rồi cũng chính từ cung lòng Thiên Chúa có tiếng người đáp lại : nếu Caritas giáo phận chỉ có thể giúp tiền xây một nhà, thì một cha già ở nhà hưu Xuân Lộc giúp hai. Thế là trong tiếng kêu cứu lại vang dội tiếng reo vui của người bạn đường.

Khi kể về ngôi nhà thứ ba vừa xây xong, anh mừng mừng tủi tủi nói : “Bố à, con mới bắt đầu cho xây nhà cho bà Đặng thị Nich ở bản Ngòi Nung, hai mẹ con đầu óc không ổn định ở với nhau. Thỉnh thoảng lên cơn, con đánh mẹ, mẹ chửi con, khổ hết chỗ nói. Nhà không ra nhà, con bỏ đi lang thang vạ vật, mẹ già rồi nên không đi đâu được, quanh quẩn lượm ve chai kiếm sống, tối về túp lều dột nát ở, nay con cho thợ đến xây nhà mới rồi…”
Mộng ước của chúng tôi là xây một nhà nội trú, vì 5 xã vùng này mới có được một trường cấp ba, nếu không có nhà nội trú thì nhiều em sẽ phải bỏ học, mà nếu có tiếp tục đến trường được thì khó khăn trăm bề. Cũng lại cha già ở nhà hưu Xuân Lộc đã nhận giúp chúng tôi một phần đáng kể. Xin Chúa tiếp tục gửi người đến phụ giúp cho công trình này.


Giữa núi rừng Tuyên Quang, có sông Gâm chảy qua Chiêm Hóa về sông Lô, nơi đây tôi có dịp làm quen với bà con thuộc giáo xứ Vĩnh Ngọc. Mỗi lần tới đây, tôi thích dừng chân tại giáo họ Tham Kha, êm đềm và thanh tịnh. Gặp nhau, cũng qua từng trang Kinh Thánh, giúp nhau học hỏi chưa là mấy, nhưng thân thiết lắm, nay đã vội chia tay. Cũng chỉ vì tôi vẫn còn quá nặng lòng với núi rừng tây nguyên, và cũng vì tuổi đời đã xế chiều, như chiếc lá rụng đang rơi dần về cội nguồn.
Cội nguồn là đất mẹ, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, được sinh ra làm người và làm con Thiên Chúa.
Cội nguồn là Dòng Tên nơi tôi được sinh ra mang tên gọi Giê-su hữu, 
Cội nguồn, nơi tôi được sinh vào đời sứ vụ, bạn đường, giữa các sắc dân thiểu số. 
Từ cái thuở còn xuân cho mãi tới hôm nay, trong dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa, từ trái tim đền trái tim.
Một ông bố giữa một đoàn con đông đúc, hồn nhiên, chân tình. 
Thương nhau không hết, chỗ đâu để giận hờn.
Vì thế, nếu không gian và thời gian có chia cách ngàn dặm, thì khi gặp lại, vẫn cứ như thể hôm qua, thương lắm.


Phố Nỉ ơi, cho ta gửi lời chào nhé. Hai năm trời có nhau, chưa hẳn đã vẹn nghĩa trọn tình, nhưng vì phía trước là tiếng gọi, chia tay là lẽ thường, bao lâu trái đất vẫn tròn, vẫn có dịp gặp lại.
Dòng sông Lô với dòng sông Gâm, có ai nhắn gửi lời qua dòng sông bao giờ chưa, dòng đời như nước trôi qua cầu, không được, chẳng dại. 
Cũng chẳng có ai gửi nỗi lòng mình cho gió. 
Thực ra, giữa dòng đời này, chỉ cần “gặp nhau ăn một miếng trầu, đã là chút nghĩa ngày sau mà nhìn”.
Trong khi suốt hơn 2 năm qua, bạn thân ơi, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ bàn tiệc lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể, 
Đã trò chuyện với Chúa và với nhau qua từng trang Kinh Thánh,
Đã chung nhau những bữa ăn thân tình,
Thì những dòng này là ước nguyện : 
Xin được lưu giữ kỷ niệm của những cuộc gặp gỡ từ sông Lô tới sông Gâm, cho tới Nam Viên, Tiên Lục, Thái Nguyên và Phố Nỉ.
Xin gửi gắm tất cả trên đôi tay hiến tế của Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta.

Kiểm tra tương tự

3 lý do chúng ta rất cần Đức Maria là Mẹ chúng ta

  Sự sống mà chúng ta đang sống là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là …

Phút hồi tâm cuối năm: Những người bạn trong Chúa

  Những Người Bạn Với Chúa – Những Người Bạn Trong Chúa Phút Hồi Tâm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *