Đã bao giờ bạn bắt gặp một “tâm hồn trên cao”? Đó có phải là một kẻ trí bay bổng hồn thẩn thơ? Hay phải chăng là một tay vênh vang, luôn đặt mình cao hơn người khác? Không, tôi đang muốn nói về “những tâm hồn trên cao” thật sự. Họ là ai vậy?
Dĩ nhiên, “những tâm hồn trên cao” là những con người bằng xương bằng thịt. Họ “trên cao” theo đúng nghĩa đen của nó. Nếu chịu khó đi lên vùng Tây Nguyên hay rong ruổi đến miền Đông-Tây Bắc Việt Nam, bạn sẽ gặp thấy những con người sống trên những cao nguyên, hay thậm chí trong những cánh rừng và trên các ngọn núi. Đa phần họ là người dân tộc thiểu số: H’Mông, Xơ-đăng, Ba-na… Một ít trong số đó là người Kinh di cư từ miền xuôi vào những thập niên của thế kỷ trước.
Thật ra, họ là những tâm hồn trên cao vì họ tìm kiếm những giá trị trên cao. Họ sống và làm với chuẩn mực cao quý. Có những gia đình trẻ quyết định rời miền xuôi lên miền ngược, mua lấy một quả đồi xa tít để canh tác và chăn nuôi. Họ ước mong vượt nghèo và làm giàu chân chính. Họ khao khát một cuộc sống xứng hợp với phẩm giá của mình. Họ kiếm tìm hạnh phúc. Họ cũng chăn bò, nuôi heo và buôn đót như ai. Dầu vậy, căn nhà chòi lá tồi tàn của họ chẳng bao giờ trở thành những biệt thự biệt phủ nguy nga. Nhưng có một nghịch lý là: dù hôi hám vì phân, bẩn thỉu vì rác, căn nhà của họ vẫn sạch đến lạ lùng. Những đồng tiền kiếm được tuy nhàu nát và cáu bẩn nhưng tâm hồn họ lại sạch sẽ và tinh trong. Họ “trên cao” vì họ không để đồng tiền thống trị đời mình. Bên cạnh đó cũng có bản làng vài chục gia đình sống trên núi cao. Họ sẻ chia nâng đỡ nhau hằng ngày. Họ thật thà chất phát trong lối sống. Họ tin tưởng và mến thương nhau. Họ vượt lên sự tranh giành, hơn thua, thị phi và sân si trần thế. “Trên cao” đơn giản thế thôi. Những giá trị trên cao chẳng hề xa vời, trái lại, đó là việc sống trọn vẹn thực tại dưới đất thấp bằng chuẩn mực lương tâm: làm đúng, hành động đẹp.
Quan trọng hơn cả, họ là “những tâm hồn trên cao” vì họ đang chuẩn bị cho ngày về trời cao ngay khi đang sống ở đời này. “Thứ hai thì gẫm, Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời” (Năm Sự Mừng). Tâm hồn họ hướng lên trời cao, ngưỡng vọng về Đấng Tối Cao. Dù đầu tắt mặt tối, cha mẹ vẫn đưa con băng rừng vượt suối đến nhà thờ. Dù trăm công ngàn việc, những ông trùm bà quản vẫn hăng hái miệt mài công việc nhà Chúa. Họ sống giữa thế gian nhưng biết mình không thuộc về thế gian (x. Ga 15,18tt). “Những tâm hồn trên cao” chia sẻ rằng họ muốn tích lũy vật liệu để xây nhà trong Nước Trời. Họ tin tưởng vào Đấng sẽ ban cho họ thứ hạnh phúc miễn viễn. Họ chạy đến và thở than cùng Ngài những lúc mệt mỏi cô đơn. Họ tạ ơn và chia vui với Ngài những lúc thành công hạnh phúc. Không chờ đến giờ chết, trong một mức độ nào đó, họ đã ở “trên cao” cùng với Đấng Trên Cao ngay lúc chân họ còn đang chạm đất thấp.
Thế đó, những tâm hồn trên cao vẫn ở trên núi cao, hằng sống theo chuẩn mực cao quý và hoài kiếm tìm Đấng Tối Cao. Còn bạn thì sao? Bạn có gặp thấy mình khi soi chiếu vào “những tâm hồn trên cao” như thế? Có khi nào bạn và tôi bỗng nhận ra mình cũng “trên cao”, nhưng là sự “trên cao” được nhắc đến ở đầu bài: bay bổng và kiêu căng?
“Những tâm hồn trên cao” đích thực vẫn ở trên cao, mặc cho thế gian dưới thấp đang xào xáo…
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.