[Radio Người Trẻ]: Niềm vui của cha – yêu thương của mẹ

 

Cô giáo hỏi một bé trai:

  • Bố của con bao nhiêu tuổi rồi?
  • Dạ, năm tuổi.
  • Hả, làm sao như thế được?

Cậu bé ôn tồn trả lời:

  • Dạ, thì từ khi có con rồi thì bố mới là bố chứ!

Câu trả lời của cậu bé, tuy đơn sơ nhưng lại hàm chứa một ý nghĩa sâu xa vô cùng. Người Việt Nam ta có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.” Phải, chẳng ai được gọi là “cha” khi người đó không có tương quan với đối tượng khác gọi là “con”. “Người con” phải hiện hữu trước thì mới có “người cha”. Cha mẹ tạo thành con, nhưng con cũng sinh ra cha mẹ theo nghĩa đó.

Làm một người đàn ông đàn bà khác với việc trở thành một người cha người mẹ. Người ta có thể là một người đàn ông đàn bà, nhưng để có thể là cha là mẹ, phải có một mầm sống khác hiện diện trong họ, từ họ và cho họ. “Con” chính là dấu ấn thiêng liêng làm thăng hoa người đàn ông và đàn bà lên một cảnh vực mới. Huyền nhiệm này đã được Tạo Hoá đặt định và không ai có thể xoá bỏ hay thay đổi được. Nhờ có “con”, chữ “bố” và “mẹ” bỗng trở nên cao quý đến lạ thường. Con người nhận được sứ mạng làm cha làm mẹ cho một sự sống mới từ Tạo Hoá. Nhận lãnh sứ mạng này cũng hệt như bước vào một thế giới nhiều màu sắc: ban đầu là ngỡ ngàng và hạnh phúc, rồi sau đó là bao nỗi lắng lo từ rõ ràng đến không tên nối đuôi nhau kéo đến tận cuối cuộc đời.

Ngày biết được có một mầm sống đang lớn lên trong mình, khó có thể dùng từ nào để diễn tả niềm vui mừng lúc đó của đôi vợ chồng. Con cái là món quà trời ban và đôi vợ chồng nhận lãnh nó như nhận lãnh một hồng phúc. Cùng với mầm sống ấy, thiên chức làm cha làm mẹ cũng thành hình. Có người đã nhỏ ra những giọt lệ vì nỗi vui mừng không sao đong đếm được này. Họ ngỡ ngàng vì không thể nào hiểu nỗi đứa con của mình đang lớn lên như thế nào và sẽ trở nên ra sao. Vì yêu con, mẹ chia sẻ và hy sinh cả thân thể mình. Cơ thể con đang tạo hình, chính là nhờ máu thịt của mẹ. Chín tháng mười ngày cưu mang con, mẹ ăn không ngon, ngủ không yên, nhan sắc của tiêu hao không ít. Ăn uống phải kiêng khem, đi đứng phải cẩn thận để không có ảnh hưởng xấu tác động đến con. Đến định kỳ, bố mẹ đưa con đi bác sĩ để biết xem con mình đã phát triển đến đâu, có bình thường không. Trong khi chờ đợi con chào đời, mẹ và bố đi khắp nơi để tìm mua cho con những bộ đồ nhỏ nhắn, rồi ngồi suy nghĩ cho con một cái tên thật đẹp thật hay, tưởng tượng xem con giống bố hay giống mẹ, sau này lớn lên con sẽ làm gì. Bố còn chuẩn bị cho con một chiếc nôi xinh xắn, trang trí căn phòng con sao cho thật nhiều màu sắc… Sự hiện diện của con sao quá đỗi quý giá! Được làm bố làm mẹ là nhờ có con!

Niềm hạnh phúc ấy sẽ luôn mãi tồn tại nơi bất kỳ người bố người mẹ nào. Nhưng càng ngày, nó càng trở nên vô hình hơn, êm đềm và ẩn sâu hơn, chứ không còn nồng cháy như trước. Đó là bởi vì bố mẹ phải gánh trên người những trách nhiệm và nỗi lắng lo. Sinh con ra không phải là xong chuyện nhưng là khởi đầu cho một hành trình dài đầy gian nan và mệt mỏi. Khi con còn bé, cơ thể chưa quen với khí hậu thời tiết, bố mẹ phải lo lắng cho sức khoẻ của con. Phải làm sao để con được ngủ ngon giấc. Chỉ cần con ho một tiếng là trời đất như muốn sụp đổ trước mắt mọi người. Con lớn lên một chút, bố mẹ phải suy nghĩ để chọn trường cho con học. Phải vất vả làm việc nhiều hơn để có tiền mà chu cấp cho con những điều tốt nhất. Phải chăm lo quan sát con mình xem nó học hành thế nào, giỏi cái gì, yếu cái gì, có được giáo dục tốt, có ngày càng chăm ngoan không, có thói hư tật xấu gì không. Phải làm sao để con vừa lớn về thể chất cũng lớn về tinh thần, trưởng thành, sống hoà thuận với anh chị em và yêu thương người khác.

Mệt mỏi nhất là khi con cái bước vào độ tuổi dậy thì và bắt đầu đua đòi theo chúng bạn. Khi còn bé, chúng quấn quýt bên mình. Giờ đây, chúng coi mình như những rào cản cho tự do của chúng. Chúng bỏ bê việc học rồi mải mê theo đuổi một thần tượng nào đấy. Chúng thích sống ngoài đường để thoải mái với bạn bè hay thích nhốt mình trong phòng riêng để làm bất cứ điều gì mình thích. Chúng muốn bung mình ra khỏi tiếng lồng vì cho rằng đó mới là cuộc sống của chúng. Bao lời khuyên nhủ từ kinh nghiệm của bố mẹ, chúng không nghe. Càng dạy dỗ lại càng bị cho là cổ hũ, nhiều chuyện. Dùng bạo lực thì sợi dây gắn kêt thêm gãy đỗ. Biết là không nên giữ con cái lại trong vòng tay mình, nhưng thả chúng ta thì không biết có điều gì nguy hại xảy đến với con không. Liệu con có bị ai lừa gạt không? Liệu con có bị những người bạn xấu dụ dỗ không? Liệu con có làm điều gì dại dột ảnh hưởng đến cả cuộc đời không? Liệu con có gặp tai nạn gì không? Bố mẹ nào có con gái thì nỗi lo này càng nhiều hơn nữa.

Ngay cả khi con đã lớn và chuẩn bị tung cánh bay muôn phương, bố mẹ vẫn chẳng thể nào thôi lo nghĩ. Bao nhiêu câu hỏi cứ ập đến từng đêm từng hôm, khi cánh tay đưa lên trán để vỗ về giấc ngủ. Nơi phương xa, liệu con có hạnh phúc? Liệu con có gặp được những người bạn chân thành? Liệu công việc của con có thành công trôi chảy? Liệu có ai đó xuất hiện trên đường đời mang đến hạnh phúc cho con? Ngày ngày nhớ mong con, nhưng không dám gọi điện làm phiền con. Muốn đi thăm con, nhưng lại sợ con bận công việc. Nhớ con lắm, nhớ da diết nhưng cũng chỉ dám chôn chặt trong lòng để không làm con chùn bước. Bao trang nhật ký và những tấm hình cũ ngày xưa của con cứ thế bị lật tới lật lui mà gợi lại ký ức của tình thương. Chẳng biết tự bao giờ, bố mẹ lại trở thành những “người nói dối chuyên nghiệp” và sống trong những mâu thuẫn của lòng mình như thế: “đói” lại nói “no”, “nhớ” lại nói “không”, “buồn” lại nói là “bình thường”, “đau” lại nói là “không sao”!

Khi đã trở thành cha-mẹ một lần rồi, sẽ chẳng bao giờ bỏ xuống khỏi đôi vai thiên chức này được nữa. Ngay cả khi con đã trở thành bố mẹ, con vẫn mãi là đứa con thơ trong mắt đấng sinh thành. Niềm hạnh phúc vì có con hiện diện trong đời chưa bao giờ mất, nhưng những lo lắng về con cũng không bao giờ ngừng nghỉ. Một khoảnh khắc làm cha-mẹ là cả đời làm cha-mẹ. Đó là một trách nhiệm, mà cũng là một sứ mạng, là nỗi khổ nhưng cũng là niềm vui, một niềm vui lạ kỳ khi lấy đau khổ của con là đau khổ của mình, thành công của con là thành công của mình, hạnh phúc của con là hạnh phúc của mình.

Người ta trở thành cha-mẹ khi truyền sự sống mình cho con, mà không chỉ thế, họ truyền cả sự hiện hữu của mình nữa: họ tiêu hao đi như cây nến để con được thắp sáng giữa đời. Ấy thế mà họ vẫn vui, vẫn hạnh phúc. Bởi vậy nên chẳng tội nào đáng bị trời tru đất diệt cho bằng tội bất hiếu với cha mẹ và “ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình thì như người thu được một kho tàng” (Hc 3,3-4).

Có bao nhiêu người con trên trái đất hiểu được những tâm tư này của bố mẹ?

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Nhân văn, Cơ hội, Đam mê, Đồng cảm

  Xin chúc mừng người bạn của Thinking Faith, Christine Allen của CAFOD, người đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *