(Cuộc gặp giữa cụ Simeon, bà Anna với Chúa Giêsu)
Từ bao thời, dân Do Thái mong chờ sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế được nói đến trong Kinh Thánh. Tuy vậy, khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, có rất ít người nhận ra được Thiên Tính của Ngài. Cụ ông Simeon và cụ bà Anna được Kinh Thánh nhắc đến như những người đầu tiên nhận ra Đấng Cứu Thế và nói tiên tri về cuộc đời của Người. Chúng ta tự hỏi bởi đâu hai cụ già với đôi mắt kèm nhèm, đôi môi run rẩy lại có thể nhận ra và ca mừng Ngôi Hai Thiên Chúa.
Bỗng ẳm Hài Nhi trên tay, ông Simeon tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả, ca lên bài ca chúc tụng đi vào lịch sử Phụng Vụ của Hội Thánh, được dùng làm Thánh Ca Tin Mừng trong Kinh Phụng Vụ ban tối:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
Theo lời Ngài đã hứa
Xin để tôi tớ này được an bình ra đi
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại
Là vinh quang của It-ra-en dân Ngài. (Lc 2,29-32)
Khi gặp Mẹ Maria, ông Simeon cũng tiên báo về nỗi u sầu thánh thiêng của Mẹ trong cuộc khổ nạn, cho Mẹ nhận thấy con của Mẹ nên như ánh sáng soi đường muôn dân, phân rẽ điều lẽ tốt xấu trong tận cõi thâm sâu của lòng người. (Lc 2,34-35)
Về phía bà Anna, cụ bà 84 tuổi cũng tiến lại gần và làm chứng về Hài Nhi cho những ai đang mong chờ sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. (Lc 2,36-40)
Trong Kinh Thánh, chân lý về con đường cứu chuộc của Chúa không phải dễ dàng đón nhận. Dù đã được sứ thần loan báo, Mẹ Maria và thánh Giuse đã phải ghi nhớ và suy niệm trong suốt cuộc đời để có thể tin nhận vài trò Cứu Chuộc của con mình. Các môn đệ của Đức Giêsu cũng đã cảm thấy chói tai khi nghe Thầy tiên báo về cuộc khổ nạn. Sự bất lực trước chân lý cứu độ của các ông được thể hiện rõ trong đêm thầy bị nộp, tất cả đều bỏ chạy tán loạn.
Ông Simeon và bà Anna được ghi nhận như những người công chính, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa và mong đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Cụ bà Anna đã thủ tiết thờ chồng và phụng sự Thiên Chúa từ thời còn son trẻ. Chồng bà mất khi hai người sống với nhau mới được 7 năm. Thiên Chúa đã thương đoái đến hai tâm hồn thánh thiện nhỏ bé này mà mạc khải cho họ nhận biết Chân Lý Cứu Độ, gặp và nhận ra được Đấng Cứu Thế. Đến đây, ta có thể nhận thấy được niềm vui dâng trào từ cuộc gặp gỡ giữa những tâm hồn đơn sơ thánh thiện. Ẳm Hài Nhi trên tay mà lòng ông bà tràn ngập niềm vui sướng khó tả. Chân lý và hiệu quả của Tin Mừng chứa đựng nơi những tâm hồn đơn sơ tuân phục lề luật của Thiên Chúa. Hai cụ đã đạt được chân lý cứu độ không bằng những suy tư nghiên cứu vĩ đại dày công, nhưng bằng một cuộc đời kiên trì nghe và sống theo lề luật của Chúa trong từng ngày sống.Tầm mức lớn lao trong niềm hy vọng được tính bằng chiều dài của sự kiên trì tin tưởng mỗi ngày trong suốt cuộc đời. Gặp Hài Nhi Giêsu khi Ngài còn là một trẻ thơ, thế nhưng hai ông bà đã vui mừng mãn nguyện và xác tín sâu xa về ơn sủng của Đấng Cứu Thế. Cuộc đời của hai ông bà đã thực sự thăng hoa đổi khác khi gặp được Hài Nhi.
Chiêm ngắm khung cảnh này, nhiều người tín hữu Việt Nam chúng ta nhớ đến ông bà nội ngoại trong mỗi gia đình. Các cụ không chỉ là những cột trụ vững chắc cho nền nếp gia phong, nhưng còn là tấm gương sống động về đời sống đức tin cho thế hệ con cháu. Từ bao đời, đặc biệt trong thời hiện đại, người già luôn bị xem là lạc hậu. So với con cháu, họ thuộc lớp ít học; thế nhưng trong đời sống đức tin, họ lại là những bậc thầy đầy kinh nghiệm. Dù chiến tranh loạn lạc hay trong thời hoà bình phát triển, những ông bà nội ngoại đáng kính ấy vẫn một lòng tín thác vào Chúa. Họ chuyên cần đến nhà thờ đọc kinh dự thánh lễ, năng lần hạt Mân Côi. Đặc biệt, họ nhủ khuyên và dẫn dắt đàn cháu nhỏ của mình quen lui tới nhà thờ để cầu nguyện với Chúa. Hiểu biết của họ về Thiên Chúa chỉ là những lời kinh bình dân đơn sơ nhưng đức tin, cậy, mến của họ thì vững chải và sống động đến mức có thể hy sinh mạng sống vì Tin Mừng. Với nhiều người, chính ông bà trong gia đình góp công sức quan trọng trong đời sống đức tin của họ từ thời khai tâm cho đến khi đã trưởng thành khôn lớn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng sánh ví: “Các ông bà nội ngoại làm thành một “ca đoàn” thường xuyên của một đền thánh tinh thần vĩ đại, nơi lời cầu nguyện khẩn nài và tiếng hát chúc tụng nâng đỡ cộng đoàn làm việc và tranh đấu trong cánh đồng cuộc sống.” (Buổi tiếp kiến chung của ĐTC với khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô, thứ tư, 10.03.2015).
Thiên Chúa và Nước của Ngài mở rộng cho những tâm hồn đơn sơ kiên trì tín thác. Như hai cụ già Simeon và Anna trong Tin Mừng, như những tấm gương thánh thiện gần gũi của các cụ ông cụ bà ở Việt Nam, chúng ta được mời gọi để kiên trì tín thác vào Chúa trong từng ngày sống của mình. Thiên Chúa thực không phụ lòng những tâm hồn kiên trì sống thánh thiện. Niềm vui gặp Chúa của họ có thể lạc lõng giữa cuộc sống xô bồ náo nhiệt, nhưng đó là niềm vui tràn đầy hy vọng, chan chứa hạnh phúc, và là niềm vui cứu độ.
Đaminh Lê Văn Luận, SJ