Niềm vui ơn cứu độ

“Ông là ai?” – Đây là câu hỏi được lặp lại nhiều lần dành cho Gioan Tẩy Giả trong đoạn tin mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng năm B[1]. Một người có thể định danh mình dựa trên nghề nghiệp, dòng tộc gia đình, tài năng bản thân… Tuy vậy, Gioan Tẩy Giả đã chọn xác định căn tính của mình dựa vào mối tương quan với Đức Kitô: ông không phải là Đức Kitô, nhưng ông làm chứng về Đức Kitô. Gioan hạnh phúc vì tìm được ý nghĩa cuộc đời trong vai trò chứng nhân.

Niềm vui của Gioan là niềm vui của người nhìn thấy ơn cứu độ. Quả thật, lúc còn là một hài nhi trong lòng mẹ, ông đã nhảy mừng khi Mẹ Maria, người đang cưu mang Chúa Giêsu, đến viếng thăm gia đình. Tuy Gioan chưa chứng kiến sự hoàn tất công trình cứu độ trong biến cố khổ nạn và phục sinh, ông cũng không có được diễm phúc làm môn đệ thân tín của Chúa Giêsu như 12 tông đồ, nhưng được biết về sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với ông. Ông đã dùng trọn đời mình để sống niềm vui ấy bằng những dấn thân cụ thể: sống đời khổ hạnh, chiêm niệm và cầu nguyện với Thiên Chúa; thực thi sứ mạng chứng nhân khi kêu gọi mọi người sám hối để đón nhận Đấng Cứu Độ. Gioan mong chờ ơn cứu độ, và chia sẻ niềm hy vọng ấy cho mọi người. Nếu ý nghĩa đời người được tìm thấy trong mối tương quan với người khác, mối tương quan trung tâm của Gioan là mối tương quan với Chúa Giêsu; nếu phải chọn một món quà quý giá nhất để trao cho những người mình quý mến, món quà mà Gioan chọn cũng là món quà có tên Giêsu – Đấng Cao Trọng đến để giải thoát con người.

Cuộc đời chứng nhân của Gioan được phác hoạ trước tiên qua những lời phủ định. Khi những người Do Thái hỏi về danh tính của mình, ông khẳng khái tuyên xưng: Tôi không phải là Đấng Kitô, không phải Elia, cũng không phải là đấng tiên tri. Nhận biết vị trí khiêm tốn của mình là một đặc tính quan trọng trong cuộc đời chứng nhân. Việc Gioan làm phép rửa cùng với đời sống tốt lành của ông khiến người Do Thái có thể nghĩ tưởng ông chính là Đấng Kitô. Tuy vậy, Gioan đã không tự tôn mình lên ngang bằng với Đức Kitô. Niềm vui của Gioan không đặt nơi danh tiếng hay sự công nhận của người khác. Đặt mình ở vị trí cao, thậm chí bằng Thiên Chúa, luôn là một cám dỗ hấp dẫn đối với con người ở mọi thời đại. Cũng bởi tham vọng và ảo tưởng về sự toàn năng của bản thân, tổ tông loài người và các thiên thần đã bất tuân và phạm tội chống lại Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả đã đặt đời mình rất gần cuộc đời của Đức Kitô, nhưng nhất quyết, ông biết mình không phải là Đức Kitô.

Bên cạnh gạt đi ảo tưởng về chính mình, cuộc đời Gioan còn được phác hoạ bởi những xác tín của ông về vai trò làm chứng. Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa cho ngay đường Chúa đi (Ga 1,23). Gioan là người dọn đường cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Ông kêu gọi mọi người sám hối để đón chờ Chúa đến. Gioan làm đúng vai trò của một người giới thiệu: trở nên một chiếc cầu nối giữa con người với Ngôi Hai Thiên Chúa. Lời chứng của Gioan có sức nặng bởi chính cung cách sống khiêm tốn và thánh thiện của mình. Gioan ý thức ý nghĩa cuộc đời không nằm nơi chính mình, nhưng tìm thấy nơi Thiên Chúa. Để Thiên Chúa được lớn lên, ông phải nhỏ lại, nhỏ đến mức chấp nhận chết cho sự thật (Mc 6,17-29). Món quà lớn nhất mà người ta có thể tặng nhau là gì nếu không phải giúp nhau biết Chúa, để Chúa đi vào thế giới và đi vào đời sống của mỗi người.

Chúa Nhật III Mùa Vọng được truyền thống Giáo Hội gọi là Chúa Nhật của niềm vui. Giáo Hội kêu gọi người tín hữu hãy vui lên vì ơn cứu độ đã đến gần nhờ sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô. Niềm vui ấy được thể hiện rõ ràng nơi cuộc đời Gioan Tẩy Giả khi ông sống vai trò chứng nhân về Đấng Cứu Độ. Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin (Ga 1,6-7). Chúa Giêsu Kitô là niềm an ủi và hy vọng lớn lao cho nhân loại. Tôi về đâu để tìm hạnh phúc đời mình, nếu không sống dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô?

Đaminh Lê Văn Luận, SJ

…………..

[1] Ga 1, 6-8. 19-28. Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B (13.12.2020)

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *